THƯ GỞI BẠN XƯA 15
THU THỦY
Bạn thiết,
Có bao giờ bạn nghe một bài hát cũ và lòng bỗng dưng buồn thê thiết như em hôm nay? Bài hát em đã nghe rất nhiều lần nhưng sao hôm nay…, một nỗi buồn vô cớ, một nỗi buồn gợi nhớ, nhớ những điều, những chuyện, những người mà rất lâu đã chìm lắng trong ký ức, em nhớ vài người bạn của mình “những người đến không vì mong, những người khuất không vì quên” (TCS).
Em nhớ Hoan, cô bạn thân năm đệ thất mà em tìm kiếm hơn 4 năm nay. Cô bạn này của em chỉ cái tên thôi cũng gây nhiều ngộ nhận và tranh cãi. Ba mẹ Hoan sinh người con gái đầu và kế đó là Hoan, hai bác sợ không có con trai nên bắt Hoan cắt tóc và mặc đồ con trai cũng như đặt tên cho có vẻ con trai một tí, hình như cho tới năm bạn 7 tuổi khi đả có hai em trai bạn mới trở lại làm con gái. Em nhớ khi đi học thầy MT hay nói “Hoan ở đây có nghĩa là vui” khi các bạn chọc Hoan với chữ g ở sau và vì vậy bạn thích em gọi bạn bằng tên ở nhà – Mai, tên này bạn có khi cởi bỏ lớp áo con trai. Cho dù vậy bạn thực sự là một người con gái thuần túy á đông, em vụng về bao nhiêu thì bạn lại khéo léo bấy nhiêu, rất hiền và mít ướt.
Dạo đó tụi em thân nhau đến nỗi hôm nào không gặp nhau là không chịu được, ở nhà hay nói “hai đứa nói chuyện gì mà nói hoài không hết”, năm đệ thất bước vào trung học, tập tành làm người lớn đi học phải mặc áo dài, thời đó nữ sinh đi học luôn khoát bên ngoài áo len dù mưa hay nắng, mùa đông hay xuân. Bạn biết không? em lười nên chỉ ủi hai vạt áo dài thôi, một hôm bất ngờ tiếp đón phái đoàn từ SG lên thăm, thầy giám thị bắt nữ sinh cởi áo len bên ngoài cho cùng màu áo trắng, bạn thử tưởng tượng em tỉnh bơ với chiếc áo dài mà hai vạt thì phẵng phiu và phần trên thì nhăn nhúm (đúng là con nít chay chứ người lớn cái nỗi gì, vậy mà Hoan bắt chước em sau này cũng chỉ ủi hai vạt áo). Cũng năm đệ thất hai đứa mua đồ ăn vặt bỏ dưới ngăn bàn học, giờ nhạc của thầy Hoàng Châu, em nhớ thầy cầm cây roi moi ra và để trên bàn của em suốt giờ học, sau đó mỗi khi tới giờ của thầy là thầy kêu “hai đứa có đồ ăn thì để lên bàn đi đừng để thầy mắc công đi xuống” (cho kẹo tụi em cũng không dám). Cũng năm đó em bệnh nặng Hoan đến thăm em rồi ra ngoài sân đứng khóc vì sợ em chết. Một lần thầy HT dạy Anh Văn khảo bài thầy vừa kêu tên bạn là bạn oà lên khóc vì không thuộc bài, nuớc mắt đâu mà nhiều quá. Cuối năm em, bạn và Cúc mặc kimono lên sân khấu múa bài Mùa Hoa Anh Đào trong lễ phát thưởng. Năm lớp 9 bạn nghỉ học nhưng hai đứa vẫn thân và gặp nhau thường xuyên.Và hai gia đình quen biết nhau cũng từ tình bạn của tụi em, rồi đưa đến chuyện tình với ông anh thứ ba của em với bạn, chuyện tình này có lúc êm ả như hồ thu, khi vơi khi đầy nhưng cuối cùng không đến được với nhau vì những nguyên nhân không rõ ràng và vô lý (một lần nữa mình chỉ biết đổ thừa cho số phận). Nhưng tình thân của hai đứa vẫn không thay đổi.
Sau năm 75 mọi sự đều thay đổi mà thay đổi rất lớn, tình bạn của tụi em càng đậm đà, thời khốn khó hai đưá chia xẻ từng chiếc áo, cái trứng, từng ánh mắt xanh, mắt trắng của cuộc đời. Ngày đám cưới đứa em gái kế, bạn theo em về( lúc này ông anh của em đã có vợ), chiều đó ba em bắt gặp bạn đứng một mình bên hiên nhà khóc, ba kêu em nói nhỏ bảo an ủi bạn. Tối đó em, bạn và một vài bạn nữa thức suốt đêm hát hò quậy phá, em biết bạn cố nén chặt lòng để quên.
Năm 79 em ra đi, tối đó bạn tới ngủ với em, giữa khuya dì của em chực nhớ kêu bạn dậy nhờ bạn đón xe đò về quê kêu đứa em trai của em lên (khi ấy đi lại rất là khó khăn và mệt nhọc), sau này đứa em trai của em thường nhắc tới ơn nghĩa này của bạn.
Tới mười năm sau em mới có tin của bạn, ngày đứa em gái của em đem quà của em cho bạn, bạn khóc lớn - vẫn mau nước mắt như ngày nào cho dù bây giờ đã có chồng và 3 con. Năm 95 em về không cho bạn biết bất ngờ ghé nhà thăm, bạn cố kềm nhưng em vẫn thấy bạn run và nước mắt lưng tròng. Rồi bạn tới nhà thăm em, đối mặt với ông anh em, gần 18 năm hai người mới gặp lại nhau (18 năm so với 24 năm của ông Phan Khôi), và chỉ là những lời thăm hỏi xã giao.
Rồi bạn dọn nhà, em gái của em cũng dọn nhà, hai bên mất liên lạc nhau ngay trong cùng một thành phố. Năm 2004, nơi đây một tối em nhận điện thoại của bạn, bạn qua bên này từ năm 2000, và bạn kiếm được em nhờ bạn về PK và gặp bạn thiết , câu quả đất tròn được rất nhiều người dùng nên đôi khi mất ý nghĩa nhưng trường hợp này em không biết phải dùng câu gì khác. Rồi một lần nữa bạn dọn nhà, em dọn nhà hai đứa lại thất lạc nhau. Và mỗi lần em nghe bài Hoài Cảm là em nhớ bạn vì bạn rất thích bài này.
Nhắc đến bạn ngày đám cưới của nhỏ em kế em, em cũng nhớ tới anh Ng. (vì anh cũng thức suốt với tụi em tối đó) anh bạn của ông anh thứ ba của em mà cũng là bạn của tụi mình, nhớ không? Bạn biết anh từ trước nhưng em biết anh lúc về SG học đại học, anh học trên mình một lớp nhưng đường thi cử lận đận, năm đó anh lại rớt, khi anh tới nhà chơi với Dũng (con dì em, lớn tuổi hơn em nhưng theo vai vế thì là em) anh mượn sách vở của em để ôn thi. Dạo đó mình thường bắt gặp anh đưa đón cô bạn gái- dân Pleime-ở sân trường Văn Khoa, và dạo đó ở chung nhà với tụi mình có những đứa em của Dũng, trong đó có một cô em gái chưa đầy 14 tuổi, nhỏ nhắn, hồn nhiên, rất dễ thương, em thuơng và thân thiết như em ruột (mà chị em ruột với chị em con dì thì có khác gì?) Vậy mà sau này hai người lại là một đôi thắm thiết. Những ngày cuối tháng tư 75 anh không về nhà người bác anh trọ học mà thường trực ở nhà mình với Dũng, đêm 29 tháng tư mình sợ quá trong khi anh với Dũng leo lên sân thượng tận lầu 4 để xem pháo kích. Anh cũng là người đặt cho em biệt danh “cái ống chỉ” khi em nói với anh “em chưa biết ốm là gì”. Năm nhỏ 18 tuổi hai người làm lễ đính hôn, vài tháng sau anh đi về SG-PK chuẩn bị đám cưới, cho tới hôm nay em vẫn còn nhớ buổi sáng hôm đó nhỏ thức dậy nói với em “tối qua em nằm mơ thấy anh Ng., mà không biết có phải nằm mơ không? tại vì em có cảm tưởng thật lắm, em thấy anh đứng nhìn em khóc, em nắm lấy tay anh nhưng sao tay anh lạnh quá”. Trưa đó chị người làm nhận được điện tín anh ba em gởi từ PK báo anh vừa mất vì tai nạn, nhà dấu bức điện tín không cho nhỏ biết, một phần sợ nhỏ không chịu nỗi, một phần không tin đây là sự thật, mong ai đó chơi ác phao tin thất thiệt. Ngày đó theo dự định là tụi em về quê đám giổ bà ngoại nhưng nhỏ linh tính điều gì ra bến xe đón xe lên PK và ở bến xe nhỏ hay tin từ một người quen. Nhỏ ngất không biết bao lần trên đường từ SG tới PK nhưng rồi nhỏ cũng không được gặp anh lần cuối vì người nhà coi ngày nên không chờ được. Bạn thiết, em thấy định mệnh thường cướp đi hơn là cho, có phải không? Và mỗi lần em nghe bài Cỏ Xót Xa Đưa là em nhớ tới anh vì nhỏ hay hát bài này.
Em nhớ TT Hoàng mỗi lần em nghe ai hát với tiếng đệm của đàn guitar. Anh bạn học của mình học giỏi, đa tài và rất là nghệ sĩ. Em nhớ anh với nụ cười rất tươi, với những cuộc tình nỗi tiếng của anh. Nhớ anh ngồi đàn cho KH hát, nhớ những buổi tập hát tại nhà Lê Bình cùng với BT và anh năm 11, nhớ những buổi họp phong trào du ca ở nhà anh, nhớ những buổi tối ở SG thỉnh thoảng anh ghé thăm, tụi mình dẫn nhau ra đầu đường uống nước mía, nhớ hoài câu nói của anh “học luật để phá luật chứ không phải làm luật”, nhớ anh học cùng lúc hai trường đại học. Và cho tới bây giờ tụi mình vẫn không hiểu tại sao anh từ chối suất học bổng đi Mỹ của thầy Hiệu Trưởng.
Anh cũng là người bạn trong phong trào du ca của chồng em gái em, nên em thường hỏi thăm về anh. Năm ngoái em về, Lê Bình đã mất, BT nơi nao không ai biết, còn anh ở SG đôi lúc có về PK nhưng bạn bè ai cũng nói anh thay đổi rất nhiều, thất chí nên vùi vào bia rượu tìm quên (hệt như những gì mà chồng của em gái em nói), mỗi lần gọi điện thoại thăm hỏi anh chưa lúc nào anh tỉnh táo. Em muốn giữ hoài hình ảnh anh bạn học với nụ cười rất tươi và tiếng đàn guitar rời rạc của anh. Thấy không? định mệnh cũng hủy hoại cuộc đời của một người không thương tiếc.
Và bây giờ em nhớ tới anh Ch. và bài Lời Buồn Thánh. Có phải vì hôm nay là chủ nhật và nắng rất vàng ngoài kia?
TRƯƠNG THU THỦY- 05/2009