truyện ngắn: NHỚ RUỘNG NHỚ ĐỒNG


  NĐM_Thân hữu PK

Tặng Quê và Nghé của anh



Đường xa em có đi về              
Cơn mưa lủi thủi thầm thì ướt nhau              
Thương người xưa, nhớ người sau              
Câu hò mẹ kể úa màu thời gian              
Tang tình tang, tính tình tang              
Nhịp chày sương gõ mòn hàng lệ đau.              



        Trên chuyến tàu chợ rời ga Đà Nẵng, tiếng rao lạ đời của em làm mọi người chú ý: “Ai đi Nam cho cháu đi với. Cháu làm việc giỏi lắm. Có ngày cháu gánh phân ra đồng được mười điểm”. Tôi quê ở Quảng Trị, cũng từng gánh tới năm mươi điểm một ngày lận. Mười điểm đến mùa chia được ba lạng lúa ướt. Tôi mắc cười với tiếng rao của em, đùa: ” việc giỏi nhất của em là chi rứa? ”. Em cười lỏn lẻn: “Em được tuyên dương trong phong trào người tốt việc tốt”, “việc chi rứa?”. “Em sáng tạo ra cách tận thu lúa vào mùa gặt năm ngoái, trở thành phong trào “điển hình” cho thiếu nhi cả huyện, có giấy khen nữa đó”. Tôi tò mò: “Kể cho anh nghe được không?”. Em sôi nổi: “Anh biết không? Quê em miền núi ruộng ít. Những mùa gần đây thất lắm. Học sinh tụi em đến mùa gặt phải ra đồng mót lúa. Người đi mót lại được nhiều hơn xã viên, vì gặt tập thể chẳng ai cần tận thu cho hợp tác. Rứa là tụi em đến những đám lúa người ta không thèm gặt vì gần như mất trắng, nhặt những chẹn lúa chín mọng lẫn trong đó. Đến khi thấy học sinh thu được nhiều lúa, “ trên” lại “chỉ đạo” phải vô tập thể mót lúa. Rứa là thành một tập thể gọi là “đội học sinh tận thu”. Năm ngoái không có những thửa ruộng mất trắng để chúng em tận thu, phong trào thiếu nhi cũng không còn. Sáng nào em cũng đi ra đồng mót lúa, nhìn những nhúm lúa rụng căng mọng mà không biết cách nào tận thu, em suy nghĩ rồi dùng cục đất sét ướt vắt lại, chấm những hột lúa rụng, như người ta chấm muối mè rứa mà, rồi rửa vào trong thau nước. Ngày đầu tiên em đãi được hai ký, vị chi là năm lon gạo . Lúa rụng là lúa tốt mà anh. Em khoe với bạn bè, rồi cũng đến tai thầy hiệu trưởng. Rứa là lại vô tập thể tận thu theo cách mới. Và em được …giấy khen.” Em cười buồn.
       Tàu đến ga Quảng Ngãi. Chúng tôi không màng những con gà vàng rộm chào mời vì túi rỗng. Tôi đem cơm gói trong lá chuối ra ăn và mời em. “Em có khoai lang khô rồi. Em có thể ăn tới Sài gòn lận”. Tôi mời nhiều lần mà em nhất định không ăn cơm. Trời bắt đầu tối. Chuyến tàu mệt mỏi rời ga. Người nằm ngồi la liệt, trên võng dưới sàn xếp như nêm. Em chỉ đứng được một chân, chân còn lại đặt tạm trên cái ba lô giữa hai đùi tôi, tay níu lên giá. Khách trên tàu gà gật ngủ. Mỗi người mỗi phận. Tôi lơ mơ nhớ những ngày qua, những tháng qua, những năm qua. Năm năm với bao biến động của thời cuộc, đời tôi lẫn vào trong đó như bọt nước giữa dòng, khi quay tròn trôn ốc, khi lờ đờ mỏi mệt, khi lao vút xuống thác ghềnh.

        Long An Ngày 28 tháng 4 năm 1975
        Ba mạ ơi, con đang ở Long An. Mùa khô rát lắm. Những ruộng lúa ở đây mùa này cũng giống quê mình. Không biết người ta gặt từ bao giờ. Con chỉ thấy cánh đồng trống hoác. Ruộng cũng nứt nẻ như cánh đồng làng mình sau mùa gặt, nhưng đường nứt to hơn, thửa ruộng cũng rộng hơn. Trung đội con đang làm nhiệm vụ giải tỏa con đường đất đỏ như con đường hương lộ 68 ở quê mình. Con chuẩn bị tác chiến đây.

       Long An Ngày 29 tháng 4 năm 1975.
       Cả ngày này tụi con ăn cơm sấy. Nước sông mùa này mặn, chan vào cơm sấy nên không cần muối. Con nghe đài BBC, biết bà con mình trở về làng rồi.
       Con biết tính ba thích làm giàu, không biết làm ruộng ở quê mình có giàu được không? Ngày xưa ba mạ cũng làm ruộng giỏi mà, lo gì. Ruộng làng mình tốt nhất vùng. Ba mà đấu thầu ruộng là nhất, năm nào cũng lãi.

       Tối 29 .4 .75
        Chúng con vừa bơi qua sông Vàm Cỏ Đông. Sông gì mà rộng như biển, gần hai giờ mới qua được, có mấy thằng lính vỡ bè chết trôi. Con thương nhất là mấy thằng bị thương còn ở lại bên kia sông.

       Rạng sáng 30 tháng 4 năm 1975.
        Tụi con đói lắm rồi, không biết ăn gì đây.
        Đơn độc giữa đồng không mông quạnh hiện ra một căn chòi. Có một bà già đang nấu nồi cơm to. Con ra lệnh cho lính nằm im, không được manh động. Con đến bên bà già, bà không quay lại mà nói: “Chèng đéc ơi, súng nổ dữ quá, tau tưởng tụi bay không về. Cơm chín rồi, kêu mấy đứa vào ăn đi. Có mắm sặc trong khạp”. Con chẳng biết mắm Sặc là gì, có cơm là tốt rồi. Cả trung đội ăn ngon lành.         Trời sáng ra, bà già nhấp nhem hỏi: “Mấy đứa bay không phải là quân GP hả, mà thôi, lính Cộng Hòa cũng được, miễn còn sống sót là tau mừng”. Rứa đó, bà mẹ quê mô cũng tốt, chỉ những đứa con là…Con nhớ bài thơ chép lại trong cuốn nhật ký đã trôi mất trên sông:

              
Đêm cuối năm viết cho Má
               ………………………………..
              Hình như cây súng con lạ lắm
              Sao nó run lên khi đạn lên nòng
              Tâm hồn nó như tâm hồn con vậy
              Một kẻ nằm, kẻ đứng , xót xa không?

              Trước mặt con những ngọn đồi cát máu
              Đêm thì thầm cùng những nắm xương
              Ôi! Trái tim con mãi tôn thờ má
              Đã dạy con hai tiếng yêu thương

              Từ má lỏng bàn tay con dìu dắt
              Con bơ vơ giữa cuộc phù sinh
              Dòng nước nào xa nguồn mà không đục
              Sợ một mai con lạc dấu chân mình.
               ………………………………………
                              ( Nguyễn Dương Quang)

        10 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975
        Con đang trên đường về Sài gòn trên chiếc xe tải thương dân sự lấy ở chi y tế chi khu Bến Lức, có cắm lá cờ Hồng Thập Tự ở trước. Mấy thằng lính của con bị thương rên quá chừng. Thằng âm thoại viên lái, con ngồi một bên như một sĩ quan chưa bại trận. Đến gần Phú Lâm gặp một đơn vị bộ đội, họ đón lại, chỉ lấy bản đồ, địa bàn, khẩu súng col rồi cho xe tải thương chạy tiếp. Hòa hợp dân tộc mà!

        11giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975.
        Con vừa đưa hai thằng lính bị thương vào bệnh viện. Tội nghiệp, không biết con cái nhà ai. Lạy trời cho tụi nó tai qua nạn khỏi…

        Tàu lắc lư. Những khuôn mặt mệt mỏi gà gật. Em vẫn giữ thế đứng không đổi, đầu gục xuống gần tôi. Cái gùi tre em mang có vẻ không nặng lắm, chắc chỉ vài bộ áo quần trong đó. Từ lúc gặp chưa thấy em ăn uống gì, tôi chạnh lòng: “Em ngồi xuống đi, chật một chút , không răng mô”. Tôi với lên gỡ tay em, xoay người em lại ngồi lọt giữa lòng mình, trên cái ba lô đựng quần áo. Em mềm đi, ngoan ngoãn gục lên đùi tôi ngủ. Tàu dừng ở ga nào đó trong đêm. Có vài người ngồi gần xuống tàu. Em ngồi lên bên tôi. Mua cho em ly nước mía, em uống một hơi dài rồi nhìn tôi biết ơn, lấy khoai lang khô ra ăn và mời tôi. Tôi cũng ăn với em cho thân thiện. Trời tờ mờ sáng, tôi gợi chuyện.         - Em đi vậy ba má có biết không?
Em không trả lời. Sự nhanh nhẩu của em hôm qua không còn, thay vào đó là đôi mắt buồn rượi có ngấn nước, đôi mắt sao mà y như của năm năm về trước tôi gặp ở hành lang bệnh viện Chợ Rẫy:

        Tôi bước ra hành lang bệnh viện lòng đầy hân hoan. Tiếng loa phát thanh đâu đó phát đi phát lại lời tuyên bố đầu hàng của Đại tướng Dương Văn Minh. Thế là hết binh đao chết chóc, tôi sẽ học một trường đại học nào đó như từng mơ ước. Đang phấn chấn với những suy tưởng, bỗng có tiếng hét lớn đằng sau, tôi quay lại. Một họng súng chỉa vào người tôi.
        - Tên kia, cởi áo quần ra. Giờ này mà còn mặc đồ Ngụy, muốn chết hả? Lại còn sĩ quan nữa chứ!
        Đó là một tay mặc đồ dân sự, có vẻ như dân Sài Gòn, tay trái mang băng đỏ, lăm lăm khẩu M16. Tôi luống cuống. Có giọng nói phụ nữ gần tôi:
       - Anh cởi đồ ra đi, tôi có đem theo đồ đàn ông đây, lẹ lên.
        Tôi lật khật cởi áo, giày. Đang lưỡng lự thì tay kia hét.
        - Cởi luôn cả quần.
        Hôm qua bơi qua sông, khi thay đồ không còn quần lót nên tôi lừng khừng, tay run rẩy cởi nịt…
       - Anh lấy cái khăn này quàng vào…
        Lại một giọng nữ. Tôi thao tác vụng về đến nỗi tuột cả khăn, may mà tôi đã kịp kéo cái quần dân sự lên. Tay mang băng đỏ vơ vội áo quần của tôi cho vào sọt rác gần đó, quay đi. Cái quần rộng quá khổ so với thân hình cao một mét sáu ba, nặng bốn mươi hai ký, nên tôi cứ giữ hai tay cho nó khỏi tuột. Tôi nghe tiếng cười nhẹ: “cậu lấy nịt nè”, người thiếu phụ đưa cho cái nịt lúc nãy đã bị quăng vào sọt rác. Nịt xong tôi mới lí nhí được: “Cám ơn chị” và hoàn hồn nhìn rõ chị.
       Đó là một thiếu phụ trạc dưới ba mươi. Da ngăm, tóc bới cao quý phái, vẫn còn chút chân quê trong giọng nói Sài Gòn pha miền Trung vùng Trị Thiên. Đôi mắt to, lông mi dài buồn một nét hoang dại. Bên cạnh là bé gái khoảng sáu bảy tuổi, có nét hao hao giống mẹ . “Cậu mặc áo vào đi”. Chị đưa tôi một cái áo cũng rộng quá khổ, nhờ vậy mà che bớt cái quần thùng thình phía dưới.
       -Cậu người quê đâu?
       - Dạ Quảng Trị.
       - Mấy tuổi rồi?
       - Dạ hăm mốt.
       - Đi lính mấy năm rồi?
       - Dạ kể cả ở quân trường là gần ba năm
       - Ba mẹ hiện giờ ở đâu?
       - Em cũng không biết nữa. Đứt liên lạc từ hồi di tản ở PLeiku. Theo đài nói thì những gia đình quê em đã hồi hương rồi. Em có gửi thư hàng tuần theo địa chỉ ở quê nhưng không biết nhận được không. Tuần này em viết rồi mà chưa gửi được. Những lá thư trong chiếc ba lô rớt mất trên sông hôm qua rồi.
       - Cậu ăn cơm với tôi nghe.
       - …
        Bà soạn cơm trên những tờ báo cũ. Có đủ cơm, canh, đồ xào và một dĩa kho mặn, tươm tất như bữa cơm của gia đình trung lưu. Tôi ngạc nhiên vì có đủ ba đôi chén đũa, như là đã dự tính có tôi trong đó. Tôi ăn cơm ngon lành.
       Hành lang bệnh viện buổi trưa tấp nập người ra kẻ vào, những khuôn mặt hớt hải thất vọng. Chị bình thản:
       - Cậu cứ tự nhiên, tôi coi cậu như em. Mấy ngày nay tôi chờ ở đây vì có tin em tôi bị thương nặng ở miền Tây, có thể chuyển lên đây vì các quân y viện giải tán hết rồi. Nó là em bên ngoại tôi, cũng người Quảng Trị, ba mẹ kẹt lại bên kia sông Thạch Hãn từ năm bảy hai. Nó bị tổng động viên, học ở Thủ Đức. Tôi thăm nuôi nó suốt chín tháng ở quân trường. Mới ra trường hơn năm nay , đóng quân ở Kiến Hòa. Chắc không còn hy vọng gì nữa.
        Chị lau nước mắt, đôi mắt ươn ướt đen thăm thẳm, nỗi đau lặn vào trong đó…
        Thằng âm thoại viên bước vào giục tôi: “ Đi Thiếu úy”. Tôi hoang mang chẳng biết đi đâu. Chị lục xắc tay lấy mấy ngàn đưa cho tôi bảo: “Cậu cầm lấy đi đường, đừng ngại” . “Em còn tiền mà”. Chị cười buồn, “Tiền người ta lấy hết rồi”. Tôi nhớ ra là tôi chẳng còn đồng nào. Hai tháng nay chưa lãnh được lương. Chị ghi cho tôi địa chỉ và dặn “Nếu chưa ra được thì ghé về chị ở tạm nghe”. Tôi cám ơn chào chị, bước vội lên chiếc xe Hồng thâp Tự . Chị nhìn theo, tay vẫy vẫy, mắt chớp nhanh, hình như chị khóc.


        - Anh vô Nam lần mô chưa?
        - Trước giải phóng anh ở trong nớ.
       - Em cũng rứa, em ở Sài Gòn. Em muốn hỏi là trong đó ruộng rẫy nhiều không, em muốn đến một nơi có nhiều ruộng rẫy. Nghe người ta kể trong trong đó không ai thèm đi mót. Thích hỉ!
        - Anh cũng không rõ. Thì cứ đi rồi biết.
       - Anh cho em theo với được không. Em làm thuê cho anh ăn cơm thôi. Lúa nhiều rứa mà em đi mót thì phải biết…
        - Cũng được…
        - Là sao, anh nhận chứ!
       - Ừ, nhận…(Tôi phân vân thật sự. Chưa biết nơi mình đến thế nào, mấy đứa bạn có giữ lời hứa không, lo thân mình chưa xong mà cưu mang thêm nữa, liệu có …).
       Đôi mắt em rạng rỡ. Em lại tíu tít kể về chuyện bạn bè ngoài quê, về những buổi học trong lớp , về những bài học “chống Mỹ cứu nước”mà bạn bè em thường chọc là “thằng Mỹ có cái mũi cao và đôi mắt to như con Quê”. Hay “da con Quê đen như thằng Mỹ đen”. Nói vậy chớ các bạn thương em lắm.
       Tôi buộc miệng:
       - Sao em bỏ đi.
       - …
       Em lại buồn rười rượi. Tôi nhủ lòng là từ bây giờ không nhắc chuyện đó nữa. Có điều gì đó bí ẩn trong đời em, mà tôi không có quyền tọc mạch.

        Chúng tôi xuống ga Long Khánh, sang xe một lần nữa thì đến nông trường Cù Bị. Tôi mang ba lô còn em mang gùi, đi bộ khoảng ba cây số mới đến nơi những người bạn đã cho địa chỉ.
        Căn nhà tranh bạn bè tôi đã dựng sẵn theo tiêu chuẩn công nhân. Đây là khu rừng già nông trường khai thác để trồng cao su, nơi những người dân quê tôi vào Nam thường gửi phận ở đó. Nông trường đang tuyển người, không cần hộ khẩu, là nơi lý tưởng để chúng tôi, những bạn bè vừa được cho về từ trại cải tạo, chưa có quyền công dân nhập cư. Chúng tôi “được tha” vào năm 77-78, trở về quê làm ruộng hợp tác, là “đối tượng” của chính quyền nên mọi việc nặng nề, nguy hiểm đều phải xung phong đi đầu như gỡ mìn, làm thủy lợi. Cực khổ và đói khát không kém hồi ở tù, bạn bè rủ nhau trốn đi Nam rồi hẹn gặp nhau ở đây. Kha, Lộc cùng tuổi Tỵ với tôi, là bạn thân từ thời trung học, cùng đi lính và cải tạo ở trại Ái Tử. Tụi nó vào đây năm ngoái, gửi thư ra rủ tôi cùng vào. Ba mạ tôi không cản vì thấy con mình ở quê khổ quá. Ngày đi mạ cho tôi năm chỉ vàng rồi dặn: “Coi như đây là quà cưới vợ ba mạ cho con, từ nay con tự lo liệu. Ba mạ già rồi không thể theo con được, còn mồ mả cha ông…”. Mạ tôi khóc. Lại thêm một lần rời xa vòng tay mẹ, không vào cuộc chiến tranh như lần trước, mà chạy trốn cái đói nghèo, gò bó. Lần này tôi không khóc. Tôi trốn đi vào một đêm mưa lớn, thấy làng xóm nhóe lên trong ánh chớp rồi tắt lịm, đen ngòm bóng tối sau lưng.
        Liên hoan với nhau bằng lít rượu đế, mấy con cá khô. Khật khưởng say, tôi quên mất là có em đang theo mình. Cuộc nhậu làm thời gian qua mau. Tôi hỏi mấy thằng bạn: “ Con bé đi đâu không thấy”. Cả mấy đứa đang nháo nhác thì em xuất hiện với cái gùi đầy lúa chẹn. Em hồ hởi:” Lúa nhiều quá anh ơi, người ta phí quá, có những chổ người ta không thèm gặt, lúa lẫn trong cỏ nhiều vô kể”.
       Đêm đó tôi say, nằm ngủ như chết. Sáng ra thấy nhà cửa của mình gọn gàng sạch sẽ, nồi cơm còn nóng bắc trên mấy cục gạch, có cả dĩa cá khô hấp trong đó. Tôi đói nên ăn sạch, không nghĩ là gạo đâu mà em nấu cơm.
       Em trở về với gùi lúa sau lưng, cười lỏn lẻn:
       - Lúa nhiều quá anh ơi, nấu cơm ăn xong em lại đi nữa.
        - Hôm qua gạo đâu mà em nấu cơm.
       - Em mua ở quán, em còn mấy ngàn ngoại cho để dành.
       Tôi lấy tiền trả lại mà em không nhận, còn gửi hết số tiền em có, lấy cớ là đi mót sợ rơi mất.
        Sáng hôm sau tôi đi đăng ký làm công nhân nông trường, khai với công an nhà có hai khẩu, tên là Trần Văn Minh và Trần Thị Quê.
        Qua một tuần, em gom được khoảng năm thùng lúa, tính ra còn hơn lương công nhân của tôi, mỗi tháng nghe nói quy ra khoảng hai mươi ký gạo. Em gánh đi bán rồi sắm đủ những vật dụng cần thiết. Cứ thế, tháng lương đầu tiên và phụ cấp của tôi lãnh về chưa đụng đến. Hết mót lúa lại đến khoai mì. Qua mùa thu hoạch em lại đi làm thuê. Lúc đầu người ta chê em nhỏ, nhưng với khả năng làm việc, sự siêng năng tận tụy của em làm ai cũng thích. Có nhà trả tiền công như người lớn, em đem về đưa tôi không thiếu một đồng.
        Mấy tháng sau chúng tôi đã có của ăn của để. Một hôm tôi gọi em lại bảo:
        - Hiện giờ anh em mình để dành được mấy ngàn rồi, phần nhiều là công của em. Em có muốn gửi về nhà anh ra bưu điện gửi cho.
        - Em đã nói là em chỉ làm cho anh ăn cơm thôi mà. Anh còn cho em tiền sắm áo quần nữa.
       - Không có ai cần tiền của của em mô.
       - Anh cứ để khi mô đủ tiền thì sắm năm phân vàng, để dành cưới vợ.
        Hai chúng tôi ngầm quy ước là không nhắc đến gia đình em. Lần nào tôi lỡ lời là em lườm mắt hoặc tảng lờ như không nghe thấy.
        Mỗi công nhân mới vào được giao phá hai mẫu rừng tre để trồng cao su. Phá rừng tre là công việc nặng nhọc nhất mà tôi từng gặp, dù đã từng kinh qua nhiều công việc lúc còn ở trại cải tạo. “Nhất chặt tre, nhì ve gái”. Có bụi tre phá cả tuần không xong. Tay chân chổ nào cũng có thương tích bởi gai tre. Tối nào về em cũng nấu nước sôi hòa muối rửa cho tôi. Một tối em bảo:
       - Mai anh cho em đi theo vào rẫy của mình nghe. Em muốn giúp anh phá cho mau xong để khô kịp mà đốt trước khi trời mưa. Em nghe người ta nói rẫy “cháy luộc” *(1) khó dọn lắm.
       - Bà chị có vẻ rành quá há.
       - Em còn nghe nhiều chuyện về cách làm rẫy trong ni nữa, khác ngoài mình nhiều lắm. Nào là tỉa đón mưa *(2), rẫy mới nên tỉa giống gì … Nhiều lắm. Cái gì không biết em hỏi thêm.
        Em theo tôi vào rẫy. Buổi sáng trời còn mát. Dọc đường thỉnh thoảng em dừng lại lượm một khúc củ mì hay là bẻ một trái bắp còn sót lại trên rẫy của ai đó bỏ vào gùi, điều mà chưa bao giờ tôi nghĩ tới. Tôi trêu: “Từ ngày có em vào đây mấy con chim con sóc nó buồn lắm”. Em cười khanh khách, nhảy chân sáo mà rằng: “Nhưng em là con chim khôn ngoan, biết chọn nơi mà đậu”. Thỉnh thoảng em có những câu văn vẽ đến kinh ngạc. Đậu có nghĩa là em sẽ bay, tôi buồn bã nghĩ đến ngày đó.
        Bụi tre đang phá đường kính cả chục mét. Có lẽ từ ngày khai thiên lập địa chưa ai đụng vào, nhánh gai đan vào nhau chằng chịt như mạng nhện. Với “kinh nghiệm” chặt tre ở quê, cứ chặt xong cây nào là kéo xuống, rồi chặt tiếp. Em la lên “Không phải mần rứa”(không phải làm thế). Tôi ngạc nhiên “rứa mần răng?” (thế làm sao?). Em cầm cây rựa khứa vào cây tre làm dấu: “ Em thấy người ta chặt phía trên ni xong, chặt đứt luôn phần dưới, lấy khúc tre ra, cứ rứa chặt dần vô tứ phía, đến lúc còn một ít cây ở giữa. Họ để đó chờ gió lớn sẽ ngã”. Tôi làm theo chỉ dẫn của em, quả thật nhanh hơn nhiều. Em đứng ngoài canh gió. Mỗi lần có gió to em lại la lên, để tôi kịp chui ra. Nghe em kể ở đây có người chui ra không kịp chết kẹt giữa bụi tre. Đến chiều, hai anh em đang ngồi hướng trên gió “giải lao”, một ngọn gió lớn ào tới, cả bụi tre vặn mình kẽo kẹt rồi ngã ào. Em reo lên sung sướng: “Còn bảy bụi, tuần sau mình phá xong, một tháng nữa mưa là vừa”. Vậy đó. Tôi tưởng là tôi cưu mang em , ai ngờ em lại giúp tôi nhiều đến vậy.
        Một tháng chờ rẫy khô để đốt, tôi ở nhà. Không có việc cứ đi vào đi ra. Lại buồn. Đây là thời gian tự do rảnh rỗi sau năm năm bị kềm kẹp. Chiều nào mấy đứa bạn cũng rủ nhậu, ngâm thơ đến say mèm, tối ngủ không dăng mùng. Sáng nào dậy cũng thấy em đã mắc mùng cho tôi cẩn thận. Cơm mắm để dành trên bếp rồi mới đi làm thuê.
       Một sáng thức dậy thấy em ngồi thẩn thờ, mắt đỏ hoe. Tôi hỏi:
        - Có chi không Quê.
       Im lặng đi một chặp, em nhìn tôi thật buồn rồi nghiêm giọng:
       - Anh có thương anh không?
       - Răng em hỏi lạ rứa?
       - Ngày mô cũng uống rượu, anh có nghĩ đến lúc bệnh hoạn không? Tối qua em đã nói thẳng với anh Lộc và anh Kha rồi. Các anh hứa là từ nay không rủ anh nhậu nữa. Em xin lỗi anh về điều đó. Hồi hôm thấy anh say mặt không đỏ mà tái mét, tay chân lạnh ngắt. Em xức dầu rồi ôm chân anh khóc cả đêm. Em sợ anh chết…
        Tôi ôm em vào lòng, em gục vào ngực tôi khóc nấc thành tiếng. Nước mắt tôi ứa ra. Tám năm rồi, ngày tiễn tôi đi lính mạ tôi ôm con và cũng khóc như thế. Tôi nghẹn ngào “Anh xin lỗi em, anh vô tâm quá . Từ nay anh hứa là không nhậu nữa”.
        Ngày hôm sau em đề nghị với tôi là đi mua heo về nuôi. Em nói chi tôi cũng thuận. Tôi đã từng định đi làm thuê mà em không chịu nên ở nhà rảnh, sinh tật. Lộc, tôi và Kha làm chuồng đến chiều thì xong. Em mang về cặp heo bụ bẫm, nói như reo: “Anh Kha ăn khỏe, anh mà thả heo thì phải biết” Thằng Lộc chêm vào: “Hắn là nghề “thả heo” mà”. Biết lỡ lời, cả ba nháy mắt ra hiệu với nhau. Em ngây thơ không để ý đến lời đùa của chúng tôi, đề nghị: “Bữa ni chúng ta liên hoan khánh thành chuồng heo. Anh coi giùm em nồi thịt đang luộc, em ra quán mua thêm ít gia vị”. Em mua về thêm một ít thức ăn và một xị rượu đế. Ba đứa tôi ngồi nhìn nhau không bình luận gì về chai rượu. Uống quen rồi cũng thèm, nhưng cả ba mới hứa hôm qua với em, lẽ nào lại…
       Em bưng lên một mâm khá rôm rả, nào thịt luộc, bánh uớt , rau sống…trịnh trọng thưa:
        - Mời các anh liên hoan . Cho em xin lỗi về thái độ hôm tê. Vì sợ quá em nói bậy, mong các anh bỏ qua. Kha hỏi: “Từ nay bà chị cho tụi tui uống mỗi chiều một xị được không?”. Chúng tôi cười vang nhà. Không những tôi mà cả hai đứa bạn coi em như “bà chị” thât sự. Mỗi lần nhậu không bao giờ quá chén.
        Mùa mưa sắp đến.
       
        Rẫy đốt cháy rừng rực. Tro than theo khói bay lên ngụt trời. Em reo lên trong tiếng nổ lốp bốp “Rẫy cháy đẹp quá anh ơi, người ta nói rẫy tre khó phá nhưng cháy rất sạch, không bị luộc. Rẫy ni mà tỉa bắp đỏ thì phải biết”. Em nói thành thạo như dân bản xứ, có những thuật ngữ tôi chưa nghe lần nào.
        Những buổi chiều mây vần vũ, trời thấp và đen đến độ như muốn trút cả trời nước xuống những đám rẫy khô rang nóng bỏng. Em và tôi làm việc quần quật. Vừa dọn rẫy em vừa nói về chuyện trồng tỉa, “Tối qua em đã mua được mấy chục ký bắp giống đẹp lắm. Chắc không tỉa hết nhưng phải phòng, người ta nói có khi phải tỉa đến lần thư ba thứ tư. Mình tỉa một ít bắp nếp luộc ăn anh hỉ”. “ Tùy bà chị. Bà chị là bí thư, tui chỉ là chủ tịch”. Hai anh em nhìn nhau cười vang, cười nắc nẻ. Em nói trong tiếng cười ngặt nghẽo: “ Có cái gương cho anh soi mặt anh vui lắm”. Tôi mắc cười với cái mặt của em đen những lọ than, “Có cái máy hình chụp hai anh em mình đang hát bội, để mai mốt làm kỷ niệm”. Hóa ra mặt hai đứa đen những lọ than mà không biết.
        Dọn rẫy xong, chúng tôi tỉa “đón mưa”. Bắp tỉa thưa nên mấy ngày đã xong việc. Hai ngày sau trời đổ trận mưa lớn, cả nông trường vui như hội. Những ngày này rảnh rỗi, bà con đi hái nấm về ăn. Lúc này em đã quen biết nhiều, cũng theo bạn bè đi hái nấm. Những tay nấm mối bụ bẫm xào lên nghe thèm uống rượu. Em đi mua rượu, được nửa lít để mừng trời mưa. Em cho chừng nào thì chúng tôi uống chừng ấy, không dám vượt quá quy định.
        Một tháng sau bắp lên xanh mướt, rẫy mới nên ít cỏ. Kha, Lộc và tôi đi nhận cây cao su giống về. Ba đứa tôi cùng một tổ, vần công với nhau để trồng. Sau năm năm lao động ở trại cải tạo và ở ngoài quê, đây là lần đầu tiên chúng tôi làm chủ được một đứa vài mẫu bắp xen canh với cao su. Ba thằng độc thân nói chuyện trên trời dưới đất, từ văn học, thời sự, chính trị , nhưng rôm rả nhất vẫn là chuyện yêu đương. Những mối tình thời học trò thơ mộng, những tiểu thư một thưở đã sang ngang. Kha buồn với mối tình đầu, người yêu của nó đi dạy ở Đông Hà vừa kết hôn với một tay cán bộ văn hóa gần bốn mươi tuổi. Người tôi yêu nghe nói cùng với gia đình vào đâu ở Bình Tuy, mất liên lạc từ năm bảy hai. Lộc chỉ thích nói chuyện tục và pha trò: “Đừng trách người ta, con gái nó có thì, như cây bầu cây bí ấy, nụ cái đến thì, te hé ra mà không có nhụy đực sẽ teo lại, tàn úa. Chờ tụi bay chỉ có nước phơi khô. Tau sẽ lấy một o nông dân, không biết chữ càng tốt, để chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa. Quên đi cho khỏe người để còn sức mà cày. Cha mạ mình nông dân , mình nông dân, con cháu mình mai mốt cũng nông dân, hạnh phúc tới bốn đời… ha … ha..., hoan hô nông dân , hoan hô giai cấp cơ bản…” hắn nhảy tưng tưng, rồi tiếp, “Còn thằng Minh thì khỏi lo rồi, thằng rim rím mà khôn, hắn nuôi con Quê năm sáu năm nữa sẽ thành đôi- vợ- chồng- công- nhân- hạnh- phúc- chuẩn- mực- xã- hội- chủ- nghĩa, hoan hô giai cấp công nhân tiên tiến… Còn thằng Kha thì …làm thơ”, hắn diễn và ngâm, “ Nếu biết rằng em đã lấy chồng, anh về lấy vợ thế là xong - Vợ anh không đẹp bằng em mấy, vẫn có "núi đôi” với một… dzòng”…”. Hắn xuống xề một câu vọng cổ rất mùi, hai tay dang ra, mặt đau khổ như kép cải lương thứ thiệt. Tôi nghiêm giọng, “Đừng nói bậy, con Quê mà nghe được thì đừng có trách”. Thằng Kha lo lắng, “Cái miệng mi ăn mắm ăn muối, chuyên nói phét có ngày cũng đi tù rục xương. Mi để “bà chị” giận là tiêu đời nghe con, chiều rượu đâu mà uống”. Chúng tôi trở về với vài ba tai nấm cho có lệ. Em “lo” hết rồi. Có em đố thằng Lộc dám nói gì, tôi biết tỏng là nó sợ em hơn mẹ nó.
       
        Cơm chiều, cả bốn cùng ăn. Im lặng. Ậm ừ. Em cười cười vì hôm nay lại trở về tiêu chuẩn “một xị”. Lúc em đi xới thêm cơm, thằng Lộc nhìn theo, mắt láo liên và cười đểu, “ Con Quê nhổ giò rồi đó, vài năm nữa đẹp phải biết”. Thằng Kha trừng mắt, “Người quân tử không được nói sau lưng người ta, có ngon lát nữa nói, hay tau nói giùm mi”, thằng Lộc bỏ đũa xuống, hai tay vái lia lịa. Một xị rượu mới hai tua xoay vần đã hết. Thằng Lộc buồn rầu, “Hôm nay có tâm sự của Kinh Kha (hắn nhìn thằng Kha), kính xin bà chị cho tụi này thêm một xị để chia buồn trong tình huynh đệ”. Thằng Kha cười văng cả cơm, “Thèm uống thêm thì nói đại cho rồi, bày đặt cải lương. Bà chị ơi, nó đang buồn thiệt đó, nó muốn khen người ta mà không dám nói, cho hắn thêm một xị nữa nghe bà chị”. Thằng Lộc đứng lên, cầm chai xị trước ngực cúi xá em như trong phim kiếm hiệp, đi giật lùi. Em cười, cùng vui lây với chúng tôi. Tôi xin qua tua mấy lần, em tần ngần nhìn như thầm bảo “Anh uống đi kẻo buồn, miễn đừng say là được”. Ngà ngà say chúng tôi ngâm lại những bài thơ một thời yêu mến. Ngâm thơ ít bị để ý như hát nhạc vàng. Em cũng phụ họa vài bài dân ca, làn điệu bài chòi với giọng Quảng Nam đặc sệt, có khi làm chúng tôi xúc động, cũng có khi cười chảy nước mắt:
               “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
              Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say
              Đối với ai ơn trọng nghĩa dày
              Một hột cơm cũng nhớ,
              Một gáo nước đầy cũng chưa quên”.
       Khi nào hát bài này em cũng nhìn tôi rưng nước mắt. Ngạc nhiên nhất là em còn hát được nam ai, nam bình, hoặc cao hứng hò vài câu hò giã gạo giọng Quảng Trị khá chuẩn. Em bảo ngoại hát hò hay lắm, em nghe hoài nên thuộc.

        Ngày tháng qua nhanh, chúng tôi lấy nương rẫy làm vui. Bắp tốt cao quá đầu người, có cây tới ba trái. Bắp nếp ngắn ngày hơn, đã có bắp tươi để luộc. Buổi sáng em đi làm thuê cho ai đó cũng mang theo gùi , bây giờ cây trồng lên cao mới thấy cái gùi của em lợi hại thế nào. Dân nông trường hầu hết từ vùng đồng bằng Hải lăng, Triệu Phong - Quảng Trị, không có ai mang gùi như em. Họ dùng quang gánh nên khá bất tiện với công việc và địa hình ở đây. Chiều về em ghé rẫy bắp, loáng một cái đã đầy cái gùi nặng hơn trọng lượng cơ thể mình, đi thoăn thoắt như con gái sắc tộc Gia Rai.         Em lãy bắp ra xào với nước mắm, tiêu hành, làm một dĩa thật là bắt mồi. Bắp luộc cả nồi sôi sùng sục. Chúng tôi lại lai rai và ăn bắp trừ bữa. Thằng Lộc đùa “ Tính ra một sào bắp nếp của gia đình thằng Minh phải ăn tới ba tháng bắp luộc, khỏi đi chợ”. Em hồn nhiên “ Được một tuần thôi, tuần sau bắp già rồi, để khô lợi hơn. Nhà anh Lộc có bắp nếp tỉa muộn, tuần sau qua nhà anh Lộc xin đỡ tốn tiền”
        Mùa thu hoạch thật bận rộn. Trên xà, dưới nhà, ngoài sân vàng một màu bắp. Người và heo cùng ăn bắp. Bắp là quà trời cho nên ai cũng phổng phao ra. Cặp heo lớn trông thấy, dễ chừng trên bốn chục ký.
        Buổi chiều thứ bảy, ba đứa tôi ngồi trước sân nói chuyện. Hình như ai cũng có ý đợi em về. Từ đầu xóm, với cái gùi nặng sau lưng, em đi vững chải, nhịp nhàng, ngực ưởn ra như một sơn nữ mãn khai. Thằng Lộc nói bâng quơ “ăn bắp mau phát dữ”. Kha nhìn trời mơ màng hát, “sơn nữ ơi, làm chi cho đớn đau lòng trong một thời gian , rồi thương rồi nhớ…”. Hai mươi sáu tuổi đầu, chúng tôi vẫn còn là những thằng trai tân, hồn bồng bềnh, lãng tử khói sương.

        1973.   Mãn khóa ở Thủ Đức, tôi chọn tiểu khu Pleiku vì… bài hát “Còn một chút gì để nhớ” . Lên tới đó mới hay thị xã miền núi này không nên thơ như tôi tưởng. Ở vài hôm với phố núi, chưa gặp được em “má đỏ môi hồng nào”, tôi phải mang ba lô ra đơn vị.
        Tôi nhận một trung đội toàn người sắc tộc, chỉ có thằng âm thoại viên tên Luôn là người kinh. Trung đội đóng quân trong một buôn nhỏ, khoảng năm mươi nóc nhà sàn. Buổi chiều đầu tiên, tôi thắc mắc với Luôn là sao buôn làng chỉ toàn người già và trẻ em. Luôn cười bảo “lát nữa đi tắm chuẩn úy sẽ biết vì sao”. Độ năm giờ chiều tôi theo Luôn xuống suối. Hắn chọn một bụi rậm kéo tôi vào đó, bảo “phải đừng để cho các cô thấy mới hay”. Tôi hỏi “các cô nào?”, “trả lời” tôi là một toán sơn nữ độ hai chục cô, ngực trần, mang gùi theo đường mòn xuống suối. Dưới ráng chiều vàng, những đôi ngực rắn chắc màu cua đồng rung rinh theo nhịp đi. Tôi lặng người với vẽ đẹp hoang sơ đầy ấn tượng. Lần đầu tiên tôi thấy ngực thiếu nữ. Họ tắm hồn nhiên, trần truồng với chỉ một tay, tay còn lại bụm chặt “chổ ấy”. Nằm sấp xuống trên lá mục, kiến vàng cắn đau điếng, nước miếng tôi ứa ra, răng cắn chặt hít hà. Tôi rùng mình, bặm môi xa xót trở thành “đàn ông”. Thằng Luôn cười rất đểu. Chiều đó tôi không tắm suối, theo thằng Luôn về buôn, đêm trằn trọc không ngủ.
        Tinh sương. Nghe tiếng chày, tiếng cười rúc rích, trong ánh sáng tờ mờ, tôi định thần nhìn ra sân: các sơn nữ ngực trần đang giã gạo. Họ cũng giã chày tay như quê tôi, nhưng thế đứng rất lạ: Hai chân chụm lại, khi vung chày lên xuống, đôi vú cũng bật theo, mông tròn lẳn trong những chiếc váy hoa, nhấp nhô, khêu gợi.
        Tôi lân la làm quen, tưởng mình là người “khai phá”. Các cô cứ cười khúc khích, tay bụm miệng. Tôi tức cười nhớ chuyện chiều hôm qua dưới suối, bàn tay các cô lợi hại thật, chỉ cần bụm lại là xong chuyện. Một cô nói tiếng kinh lơ lớ, như muốn cho mọi người cùng nghe “Hồi hôm kiến vàng cắn có đau không chuẩn úy?”, các cô cười rộ lên. Hóa ra chuyện “bí mật” của tôi và Luôn các cô đã biết tỏng. Những ngày sau đó tôi không dám đi rình các cô tắm nữa. (Sau này mấy người lính sắc tộc cho biết là các cô biết mấy ông người kinh hay rình, nên treo ổ kiến vàng ở bụi cây bên bờ suối).
       Buổi sáng chúng tôi rút quân đi, các sơn nữ không còn cười rúc rích, chỉ nhìn theo, buồn. Những đôi mắt mờ sương núi ám ảnh tôi mãi những ngày tháng sau đó.


        Mới bảy tám tháng mà trông em khác hẳn. Em hay nhờ tôi đo chiều cao hằng tháng, lấy cái thước để trên đầu rồi làm dấu vào cột nhà. Em reo lên “Em cao thêm được năm phân rồi, vài năm nữa sẽ cao bằng anh cho coi”. Tôi đùa, “Cao bằng thằng “còi” mần chi, phải cao hơn anh mới đẹp”. Em nũng nịu “Không cần đẹp, chỉ cần thấp hơn anh một chút”.
        Một sáng dậy, không thấy em đi làm mà ngồi khóc. Tôi bối rối tưởng mình làm gì để em buồn, hỏi: “Chuyện chi rứa Quê?”. Em nói trong tiếng nấc, “Em bị bệnh rồi, nặng lắm”. Tôi luống cuống, “Bệnh chi nói cho anh biết để còn lo liệu chớ”. Em ngước nhìn tôi, mắt nhòe nước, ngập ngừng “ Máu ra nhiều lắm, chắc em chết. Em thức cả đêm, không dám gọi anh. Có lúc sợ quá, em mê đi, thấy ai đó về rủ em đi theo ngoại. Em chết rồi ai nấu cơm cho anh, ai dăng mùng lúc anh say rượu, heo đói ai cho ăn...còn cả mẫu rẫy chưa làm cỏ xong…”. Tôi hiểu ra , vừa tức cười vừa thương em đến xót xa. Tôi làm mặt bình thản, nghiêm nghị “Anh biết rồi, em không có bệnh chi hết. Con gái lớn lên ai cũng rứa, anh đọc sách biết rằng đó là kinh nguyệt. Để anh đi mua ít vải mùng về, em băng vài bữa là hết. Đừng lo”. Đoạn tôi chạy ù ra cửa hàng mua cho em mét vải mùng. Bản năng phái nữ giúp em làm những việc còn lại, tôi không phải chỉ dẫn thêm. Mà tôi có biết gì ngoài những điều trong cuốn “tuổi dậy thì” đọc từ hồi học lớp đệ tứ.
        Những cơn mưa cuối mùa ầm ào trút nước. Hai vụ mùa bội thu bắp lúa đầy nhà mà giá bán rẻ mạt. Em tiếc không bán nên nhà không còn chổ chứa. “Phòng” của em che bằng thân tre đập dập, chất đầy lúa. Bắp treo kín xà nhà. Chỉ còn duy nhất bộ phản của tôi là nơi vừa dọn ăn, tiếp bạn và ngủ. Tôi ái ngại về chổ ngủ của em. Trong bữa cơm tối , em nói tỉnh bơ: “Bộ phản còn rộng , em ngủ ngoài này cũng được. Mai mình kêu người bán heo, mở rộng chuồng rồi mua ba cặp heo về nuôi. Để bắp nuôi heo lợi gấp đôi. Còn lúa ra tết mới bán. Được không anh?..”. Tôi ngậm ngừ: “Cái chi cũng được, riêng chuyện anh em ngủ chung thì…kỳ quá. Hay là anh treo võng ngủ trước hiên… cho mát”. Em có vẽ không vui, nói “tùy anh”.
        Cơn mưa vẫn không dứt. Trước hiên mưa tạt chưa thể treo võng. Tôi bảo “em ngủ đi, anh sẽ ngồi đọc sách đến sáng, mai chủ nhật ngủ bù cũng được”. Em bối rối như muốn nói điều gì đó, nhìn tôi ngập ngừng rồi lại thôi. Tôi nhẹ nhàng “Em định nói chi phải không? Anh coi em như em gái, có chi cứ nói”. Trầm ngâm một chút, rồi em nói, giọng run và nhỏ: “Tuần sau là đúng một năm giỗ ngoại, anh cho em làm mâm cơm cúng ngoại nghe”. Tôi nghiêm giọng “Nhà này của em một nửa. Không những em có quyền cúng giỗ mà phải lập bàn thờ ngoại. Em nên kể với anh về gia đình. Đã kết nghĩa anh em thì phải chia sẻ buồn vui với nhau chớ, phải không?”. Em xúc động thút thít khóc, quay đi lấy mấy chén chè đậu nấu sẵn đặt lên tấm phản: “Câu chuyện dài, có thể đêm nay anh em mình không ngủ. Anh ăn chè đi, em sẽ kể…”

       - Lúc gặp ở trên tàu, em mường tượng như đã từng gặp anh mô đó. Linh cảm mách với em rằng anh là người tử tế. Sau đó biết thêm anh Lộc và anh Kha, và biết rằng các anh từng là lính Ngụy. Năm năm đi học ở quê, ngày nào cũng có nhắc đến Mỹ Ngụy, Những phim ảnh chúng em xem thấy tên Ngụy nào cũng ác. Em cũng căm thù mẹ em vì từng cộng tác với Mỹ, đẻ ra em mang dòng máu của kẻ thù, vứt em lại cho ngoại rồi vượt biên. Ngày nào đi học em cũng bị bạn bè chọc ghẹo là con lai. Mấy lần em định tự tử nhưng nghĩ đến ngoại nên không đành. Ngoại biết suy nghĩ của em, một đêm mưa như thế này, em nằm bên nghe ngoại kể, giọng Quảng Trị của anh: Mẹ em là con út của ngoại, con khác cha với với các cậu. Ông ngoại mất lúc bà bốn mươi tuổi. Thời đó chiến tranh loạn lạc. Cậu Hai và cậu Ba đều đi du kích. Thời hai cậu còn hoạt động nằm vùng, ngoại khổ cực trăm bề. Trong một lần lính Tây tràn qua làng bắt ngoại đi vì có liên hệ với Việt Minh. Mặc dầu đã trên bốn mươi ngoại vẫn còn nhan sắc, được ông đội người gốc Ấn bảo lãnh làm vợ, rồi sinh ra mẹ em. Nhớ quê ở huyện Quế Sơn , ngoại đặt tên mẹ là Ân thị Quế, (có lẽ hàm ý là con của người Ấn, làm chi có họ Ân, phải không anh?). Ngoại kể là năm 1954 ông người Ấn (tức ông ngoại ruột em) về Pháp, hằng tháng vẫn gửi tiền về cho ngoại, đến năm 1960 thì mất liên lạc. Hồi đó ngoại và mẹ ở Sài Gòn, có lẽ lúc đó mẹ cũng bằng tuổi em bây chừ. Mẹ em học trường Tây đến năm 1961 chuyển qua chương trình Việt, đậu tú tài năm 1964, nói thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Rồi mẹ được tuyển dụng làm nhân viên gì đó trong tòa đại sứ Mỹ. Năm 1967 em ra đời. Ít khi mẹ nhắc đến ba em. Có lần em hỏi thì mẹ nói cha em chết rồi. Em gần ngoại hơn mẹ.
        Em còn nhớ là hồi đó gia đình em ở trong một chung cư, phần nhiều là người nước ngoài. Một hôm trước hành lang thấy người ta chất đầy va li, người nào cũng có vẻ lo lắng. Buổi sáng mẹ bảo đi gặp cậu Khang đang nằm bệnh viện. Cậu Khang thương em lắm, mỗi lần đến thăm hay hôn em và bảo: con gái của ba ngoan, mẹ chỉ cười và nhìn đi chổ khác. Nghe nói cậu đang là sinh viên thì bị tổng động viên đi sĩ quan gì đó. Ngoại nhận cậu làm con nuôi chứ không bà con chi cả. Hôm đó không gặp cậu Khang, mẹ đưa em về nhà cho ngoại, tối đó mẹ không về. Ngày hôm sau bộ đội đến tiếp quản, hẹn trong ba ngày mọi người phải rời khỏi chung cư, lý do đây là khu quân sự. Ngày thứ ba, mẹ vẫn không về. Ngoại khóc quá chừng. Hai bà cháu bơ vơ giữa thành phố, ở tạm trên hiên nhà người ta gần một tháng rồi về lại Quế Sơn. Đến chừ em cũng chẳng biết mẹ đi mô. Cậu Hai nói là mẹ đi theo địch…
       Lần đầu em gặp cậu Hai vào ngày giỗ ông ngoại cuối năm 1975. Cậu mang cái xắc màu đỏ, đi xe đạp, có cái đèn pin và cái đài tòn ten bên hông. Ngoại và em đã lo mâm cỗ từ đầu hôm. Ngoại đứng chắp tay chờ cậu làm lễ. Cậu chỉ thắp nhang rồi nhìn bà cháu từ đầu đến chân, ra dắt xe đi không chào hỏi. Năm ngoái cậu lại về, nhân ngày giỗ cậu Ba. Trong câu chuyện với ngoại, em nghe cậu nói: “ Sổ liệt sĩ của chú ba tôi đã trả lại cho bên thương binh xã hội, bà không có quyền hưởng. Bà và con Quế làm gì ở huyện này ai cũng biết. Còn từ nay bà cũng không có quyền cúng giỗ cha tôi nữa”. Cậu quày quả bỏ đi, nhìn em với ngoại như kẻ thù. Mâm cơm không ai ăn. Ngoại quỵ xuống, đôi mắt trắng giả rồi tắt thở. Em ôm ngoại cả đêm, càng lúc ngoại càng lạnh. Chôn ngoại xong em như người điên, tối mang chiếu ra mộ ngủ với ngoại. Gần một tuần đêm nào cũng nằm bên mộ, em mộng thấy ngoại hiện về bảo: “Quê ơi, ngoại về Quảng Trị với tổ tiên rồi, không còn ở đây nữa. Cháu đừng ngủ đây mà bệnh. Cháu đi vào phía Nam đi, trong đó ruộng rẫy nhiều lắm, cháu giỏi giang tốt bụng thế nào cũng có người giúp đỡ ”. Thế là em về nhà lấy một ít khoai khô, mấy bộ áo quần, mấy ngàn ngoại để lại bỏ vào gùi rồi lên tàu. Em biết thế nào lời ngoại cũng linh thiêng , cho nên em gặp anh.
        - Ngoại có kể là quê làng mô ngoài đó không?
        - Ngoại không nói rõ, chỉ biết làng ngoại ở bên một khúc sông rất đẹp. Lớn lên trong tiếng hò thương hồ hằng đêm não nuột. Mười sáu tuổi ngoại đẹp như trăng. Những mái chèo ngừng nhịp, xao xuyến mỗi lần ngang khúc sông lấp lán nụ cười o Nhan (tên của ngoại). Ông quan nhà Nguyễn hào hoa trong một lần ra thăm Quảng Trị bằng đường sông, ngang bến nhà ngoại, neo thuyền rồi tổ chức mấy đêm liền hò đối đáp trên sông. Ông quan ba mươi tuổi phải lòng người đẹp hò hay nhất làng. Ngoại từ biệt bến sông thời thơ ấu theo ông quan vào Huế làm vợ lẻ. Năm 1945 ngoại theo chồng và hai con về Quảng Nam, ông ngoại mất vào năm đó.

        Mạ tôi năm nào cũng giỗ dì tôi. Mỗi lần đốt nhang bà khấn: “Chị ơi sống khôn thác thiêng, về đây với ông bà tổ tiên. Ngày này chị bỏ nhà đi, em không biết chị còn sống hay đã chết. Hồi đó em còn nhỏ nhưng luôn hãnh diện về chị. Chị đẹp người đẹp nết, hò hay nhất vùng. Từ ngày chị đi em không dám ra bến. Nhớ dáng lưng ong trong chiếc áo nối(3) vải đà, nhớ buổi chiều chị bước xuống thuyền quan là em khóc ngất. Mỗi lần nghe ai đó hò trên sông là em bịt tai lại, vừa giận chị lại thương cho kiếp hồng nhan. Mạ không cho em theo trai bạn hò đối đáp như chị. Năm em mười sáu tuổi, mạ gã chồng làng bên để còn lo mồ mã nhà mình. Nhà cửa chiến tranh cháy hết, cha mạ cũng qua đời rồi. Bến nước chị hay ngồi nhìn sông vẫn thế. Em có lập am thờ chị ngay bến nước ngày xưa, dân làng vẫn gọi là “bến O Nhan”. Chị về đi, hương hồn cha mạ đang chờ.”

        Đêm rờn rợn. Gió nơi nào cũng như nhau. Đêm nơi nào cũng như nhau, ếch nhái kêu cũng thế. Cũng buồn thê thiết như bài thơ Đường của Bà Huyện Thanh Quan, lao lung như tiếng Nam Ai Huyền Trân Công chúa, “Nước non ngàn dặm ra đi…”, cũng xa, gần như EM và TÔI. Đầu em nghiêng xuống, chao đi trong ánh đèn dầu. Hồn tôi nghiêng xuống, gần em hơn. Trời thì cứ gầm rú. Tôi thì chao đảo như ngọn đèn, chợt lóa lên rồi chực tắt. Ngoại ơi, dì ơi, chị Quế ơi, Quê ơi. Bản đồ đất nước mình cong như đứa con gái khòm lưng gánh câu hò chạy dọc đường Cái Quan. Có ai xuôi vạn lý . Có ai về với nhau. Câu hát bài chòi ơi! Câu hò “ân tình”, “đâm bắt” ơi! Em cứ khóc đi. Tôi cứ khóc đi, cho thỏa. Ngoại dẫn em về cho tôi theo tiếng hò da diết, “Đi mô cho thiếp theo cùng, đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp theo”.
              
        Sài gòn (Đêm 25.10.2007) Nguyễn Đặng Mừng


        (1)Rẫy cháy luộc: Phá rẫy xong phải phơi nắng đủ khô mới đốt. Nếu đốt sớm hơn cây sẽ không cháy hết, rất khó dọn.
        (2)Tỉa đón mưa: Rẫy đốt xong mà trời sắp mưa, tỉa hạt trên đất khô chờ mưa xuống, mầm hạt sẽ lên nhanh, cỏ không kịp chụp.
       (3) áo nối: Thời đó chưa có vải in hoa, phụ nữ thường mặc áo nối hai màu cho đẹp, thường là màu đen và đà.