Pleiku xưa – Phố núi cây xanh…


  Nguyễn Quang Tuệ        



Trước những năm 1970, khi bài thơ Còn một chút gì để nhớ (Vũ Hữu Định, 1941-1982),chưa ra đời, không rõ “phố núi” có được coi là một từ ngữ thông dụng hay không? Đó hẳn là một câu hỏi nho nhỏ mà thú vị, cần có thêm thời gian để tìm hiểu. Duy có một điều được nhiều người biết và thừa nhận, rằng: Sau khi có bài thơ ấy, đặc biệt là từ khi nó được Phạm Duy phổ nhạc thì Pleiku đã “trở thành” phố núi và nói “phố núi”, tức thì người ta liền nghĩ đến Pleiku với những người con gái đẹp (má đỏ môi hồng), mặc dù Buôn Ma Thuột hay Đà Lạt, đôi khi cũng được ví là phố núi. Trong tác phẩm thơ, nhạc được rất nhiều người yêu mến ấy, người ta bắt gặp hình ảnh của phố phường nhỏ bé (đi dăm phút đã về chốn cũ) lẩn khuất giữa rất nhiều cây cối (phố núi cây xanh trời thấp thật buồn). “Trời thấp” là một sáng tạo chữ nghĩa của thi sĩ, nhưng có lẽ cần nói ngay cái nét nghĩa gần gũi mà nó tạo ra, ấy là cây rất nhiều, tán lá đan cài miên man trên các nẻo đường thì tầm nhìn của “anh khách lạ” bị hạn chế, cũng là điều tất nhiên. Nói vậy, cũng chỉ để thêm một lần nữa khẳng định: Phố núi ngày xưa thật nhiều cây xanh; cây xanh (và dốc) là một nét đặc trưng của Pleiku. Rất nhiều người Pleiku trải qua tuổi học trò ở nơi này, đã không ngần ngại thề rằng đường Trịnh Minh Thế xưa (nay là đường Trần Hưng Đạo) là con đường đẹp nhất, với những hàng cây cao tỏa bóng mát vào mùa khô và những khóm lá ấy luôn giữ lại để bất chợt thả xuống cổ đám học trò những giọt nước bất ngờ, thú vị vào mùa mưa. Cây xanh của nơi này nhiều đến độ, đường sá, phố phường trở nên nhỏ nhoi dưới hàng trăm gốc đại thụ âm u, cao vút.


Một đoạn đường Trần Hưng Đạo ngày nay.



Bằng một cách nào đó (mà tôi cho rằng, tính chất ngẫu nhiên trong đó rất nhiều), những tấm ảnh của Pleiku xưa vẫn còn lưu lại được cho đến tận ngày nay. Tấm ảnh sớm nhất mà chúng tôi hiện sưu tầm được, có lẽ được chụp từ khoảng những năm sảu mươi của thế kỉ trước. Những người dân đã ở Pleiku khoảng thời gian này, còn sống đến ngày nay, kể rằng chuyện cọp về Pleiku những năm tháng đó không có gì lạ, chuyện nhà ngói, vách ván ở thành phố của chúng ta những năm tháng đó càng không có gì lạ. Thế nên, khu vực Diệp Kính xưa, dãy phố Hoàng Diệu cũ, vốn luôn được coi là những nơi sầm uất, lại vẫn hết sức lèo tèo, trong mắt những người nay. Tình yêu quê hương, sự hoài niệm đã khiến người ta luôn nghĩ về Pleiku không bằng những tiêu chuẩn của sự đo đếm hay kỹ thuật xây dựng thông thường. Dãy phố ấy, con đường ấy có thể là thấp bé, quê kệch so với cái hào nhoáng, cao vút ngày nay; hàng cây ấy, ngôi trường nọ có thể là không ngay hàng thẳng lối, chưa sang trọng hiện đại,… nhưng từ lâu, nó đã là máu thịt, là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người dân đã và đang sinh sống ở nơi này. Vậy thì, tình yêu Pleiku là gì? Không thể cắt nghĩa, hay chính xác hơn, chúng ta có hàng trăm hàng ngàn định nghĩa, tùy thuộc vào mỗi một con người cụ thể.

 


Một đoạn đường Quang Trung hiện tại
(phía trong gốc thông bên trái từng là khu vực Hội quán PH).



Trong hàng trăm hàng ngàn lí do khiến người ta yêu Pleiku tha thiết, tôi tin rằng có một lí do giản dị: Pleiku đã từng là thành phố của cây xanh. Và bây giờ, khi những hàng thông đã và đang được trồng trở lại, niềm hi vọng về một “phố núi cây xanh” đã thực sự bắt đầu nảy mầm trong lòng mỗi người luôn yêu thương, hướng về cái đô thị sắp sửa bước sang tuổi 80 này*.


*. Ngày 3/12/1929, Nghị định của Khâm sứ Trung kì xác định Pleiku là thị xã.


N. Q. T
------
Nguyễn Quang Tuệ - Bảo tàng tỉnh Gia Lai, 0913 418 122; 098 8585 016.





 

 

More on nhng and and also ngi
This file uploaded by Go FTP FREE