Về Cuộc Triển Lãm Ảnh
Pleiku Xưa và Nay


  Pm Nguyễn Thị Đức        


---*o0o*---

        Tháng Tư, những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rơi. Tháng Tư, cây cối hoa cỏ căng tràn nhựa sống. Bơ, mít, mận, bắp… đã cho trái. Cà phê, nhãn, xoài, sầu riêng… đã bắt đầu kết quả - những chùm quả non tơ, xinh xinh. Ngoài phố, trừ cây móng bò đã nở hoa vào mùa xuân, còn lại bao con đường rực sắc hoa. Những bông bằng lăng cánh mỏng manh trổ ở đầu cành, nhô hẳn lên ngọn cây với đủ các sắc độ tím – màu tím làm xao xuyến lòng người : tím hồng, tím đỏ, tím nhạt, tím thẫm… Bò cạp nước hoa vàng cứ buông từng chuỗi, từng chuỗi hoa vàng mọng - một màu vàng vừa sáng vừa tươi rũ xuống nổi bật trên cành lá xanh non, làm sáng cả một góc đường. Các loài hoa đua nhau nở. Chim chóc ríu rít. Ong bướm lao xao. Cảnh vật thật rộn ràng.

        Tháng Tư Pleiku đầy hoa trái. Tháng Tư Pleiku có bao điều gợi nhớ. Tháng Tư năm nay có một cuộc triển lãm ảnh Pleiku xưa và nay. Khoảng 100 tấm ảnh về Pleiku được phóng to và trưng bày trong một khung cảnh thiên nhiên đẹp, thoáng đãng. Dù đã sống ở Pleiku khá lâu nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú khi được nhìn lại những hình ảnh của một thời quá vãng - những hình ảnh của Pleiku xưa ít nhiều đã nhạt nhoà trong ký ức. Toà Hành chính tỉnh trước 1935 chỉ là một dãy nhà cấp 4, thấp lè tè. Dãy phố góc đường Hoàng Diệu – Phan Bội Châu, nhìn từ công viên Quách Thị Trang, thấy rõ từng cửa hiệu, trong đó có cả hiệu thuốc Tế Dân. Quán bún thang ở đường Nguyễn Thái Học với bảng hiệu chỉ là một tấm biển viết tay đơn sơ và hai chị em cô chủ quán ( nơi đó nay đã là quán cà phê Thu Hà khang trang ). Dãy phố Phó Đức Chính, chụp từ ngã ba Phó Đức Chính - Nguyễn Thái Học lên hướng Trịnh Minh Thế, hiện rõ một dãy nhà cấp 4, xa xa là một góc của Am Bà. Rồi ảnh ngôi trường Nữ tiểu học năm xưa của chúng tôi, cổng trường được làm bằng kẽm gai và ri sắt. Trường Trung học Pleime với một rừng áo trắng. Và những ảnh sinh hoạt đời thường của người dân, đâu đâu cũng nón lá. Bé thơ đội nón lá, lũn cũn như chiếc nấm. Các cô gái duyên dáng, e ấp nghiêng che nón lá. Các chị, các mẹ, các bà lam lũ, tần tảo sớm hôm cũng nón lá trên đầu. Giờ hình ảnh đó thật hiếm hoi.

        Triển lãm còn giới thiệu bao ảnh khác về Pleiku xưa. Những tấm ảnh đen trắng đã ố màu thời gian gợi ta nhớ về một Pleiku đầy sương mù và cây xanh trong thơ Đào Hữu Thức :

Pleiku nhỏ - một con phố chính
Bước vài ba bước đã đến rừng

        Những năm 1960, thị xã Pleiku nhỏ lắm. Phố chính chỉ là một đoạn đường Hoàng Diệu rồi Phan Bội Châu, Diệp Kính. Xuống nữa, có vài cửa hiệu ở bót công-trôn. Ngược lên hướng trên có chợ Mới, rồi vài ba cửa hiệu ở đường Võ Tánh, Lê Văn Duyệt, Hai Bà Trưng… Nhà tôi ở đường Trần Quang Khải. Vùng này nhà cửa mọc thưa thớt trên từng quả đồi. Đất mới được cấp. Xẻ đồi làm đường, xẻ đồi xây nhà. Vượt qua đường Lý Thái Tổ toàn đồi là đồi. Những ngọn đồi thấp đầy hoa mua, hoa ngũ sắc, hoa trinh nữ, cỏ tranh rồi cây cò ke, cây chim chim, me đất, cây chay ( loại cây lấy vỏ ăn trầu ), bụi le, cây rừng ( trong đó có những cây dầu cao, to, thân thẳng - loại cây người Jarai hái lá bán cho người Kinh để gói cá, thịt, muối… Những ngọn đồi hoang đó còn có cả suối, cả ao. Nhớ những trưa trai gái xóm tôi trốn cha mẹ lên đồi bắt dế, trèo cây, tắm ao… Pleiku xưa quả là “ bước vài ba bước đã đến rừng ”.

        Không chỉ có vậy, những tấm ảnh trong triển lãm chắc hẳn sẽ làm sống lại cả một thời :

Pleiku nhỏ - đến thuộc từng cửa hiệu
Bạn học thân, quen cả số nhà
Từ Công lập đến Bồ Đề, Minh Đức
Đều biết rõ ai học giỏi, nết na
( Đào Hữu Thức )

        Phố nhỏ, xóm nhỏ, dân cư ít ỏi. Con ai ngoan, học giỏi, nết na…cư dân Pleiku đều biết. Thời đó đâu phải chỉ nhà trường, gia đình mà cả xã hội đều nghiêm khắc nhìn vào học sinh. Những bạn trai học giỏi, thông minh; những bạn gái xinh đẹp, đảm đang là những tấm gương mà các gia đình, các bậc cha mẹ luôn đưa ra cho con cái noi theo…

        Triển lãm còn có ảnh 5 cô bạn lớp chúng tôi trong đồng phục áo dài trắng, quần trắng với nét mặt tươi tắn, rạng ngời. Đó là Thu Đào, Hoa, Vân, Ánh, và Lê Loan. Tấm ảnh này chắc sẽ làm cho người xem vừa ngắm nhìn vừa thả hồn theo những câu thơ của nhà thơ Thôi Hộ đời Đường :


Tích niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

        Triển lãm ảnh còn là dịp để ta nhìn lại chặng đường đi lên của Pleiku từ sau 1975. Những hàng cây cổ thụ giao tán, đan vòm che mát đường Trịnh Minh Thế; những cây vông đồng to gần Toà án và trường Nam tiểu học; những hàng thông ở đường Lý Thái Tổ, cây hoa gạo ở đường Hoàng Diệu; những cây phượng dáng nghiêng nghiêng nở hoa đỏ rực mỗi mùa hè ở đường Phan Bội Châu, ở bùng binh Diệp Kính… đã được thay bằng những hàng cây non tơ, mỗi con đường trồng một loại cây và giờ đã có cây cao vượt mái nhà, tán xoè rộng che bóng mát rượi. Trường xưa được xây dựng lại, bề thế, khang trang hơn. Nữ sinh từ lớp 6 đến 12 mặc đồng phục như nam sinh : quần tây, áo sơ-mi. Áo dài chỉ mặc một đến hai buổi trong tuần và chỉ qui định cho nữ sinh từ lớp 10 đến 12. Đi học thì bố mẹ chở vèo đến trường bằng xe máy hoặc tự đi xe đạp điện, xe 50 phân khối. Những hình ảnh mà Đào Hữu Thức mang nặng trong tim đã lùi xa :

Hãy cứ tà áo bay
Dài theo đường đi học
Hãy cứ đôi guốc mộc
Gõ suốt ngày rong chơi.

       Và những lời thơ :

Ta Trung học – đi từ Diệp Kính lên
Em Bồ Đề - xuống phố rồi đến lớp
Luôn gặp nhau chỗ trường Nam tiểu học
( Là những hôm cùng đi học đúng giờ )

cũng trở thành một giấc mơ xưa, một hoài niệm đẹp cứ lung linh mãi trong ta.

       Ngày 23 – 24 này triển lãm sẽ bắt đầu khai mạc - một triển lãm ngoài trời, một dịp để hình ảnh Pleiku xưa sống lại trong bạn, trong tôi và để ta yêu Pleiku hôm nay hơn…

Một sáng tháng Tư
Pm Nguyễn Thị Đức





What the world says about nhng and pleiku
Fastest SFTP, FTP and FTPS Client on the Planet, GoFTP FREE