Một Sáng Mù Sương


  Vũ Thị Bích        


Seattle đã trở lạnh, từ mấy tuần nay. Nhưng hôm nay mới rét làm sao! Cái lạnh len lỏi qua lớp áo dầy. Cái lạnh làm chân tê cứng. Cái lạnh làm tay thô ráp, như lần đầu “người ấy” nắm tay!

Ôi! 6 giờ rồi sao? Phải dậy thôi! Ngoài trời còn tối quá! Ước gì được ngủ thêm chút nữa!

Như một thói quen, rồi mọi việc cũng lại trôi chảy, một ngày như mọi ngày!

Gói mình trong mấy lớp áo, khăn quấn quanh cổ, tay trong bao, tôi hăng hái lên đường. Vừa lái xe qua “freeway entrance”, đã thấy từng đoàn xe cộ nối đuôi nhau. Thì ra, tất cả mọi sinh linh trên thế gian này, vâng tất cả, đều phải “cựa quậy” để sinh tồn, chẳng phải chỉ riêng tôi.

Mặt trời đang trốn sau làn sương mù dầy đặc, một chút ánh hồng. Xa xa, những hàng cây ẩn hiện trong mầu trắng đục của sương sớm. Hai dãy đèn xe. Bên trái, một dãy đèn vàng chói chang. Trước mặt, dãy đèn đỏ, khi mờ khi tỏ, chợt đứng chợt đi! Đoàn xe quá dầy, tốc độ giảm xuống, gần như 5 mph! Cứ theo tốc độ này, thì phải đến 3 giờ nữa, tôi mới tới trường được!

Cũng may, trời sáng dần. Vài tia nắng đã cố len lỏi, qua làn sương sớm, lấp lánh tươi vui, trên mặt kính các building, sừng sững phía downtown, đang dần hiện ra ở cuối đường! Vượt qua khỏi downtown, xe thưa dần, tôi tăng vận tốc, để kịp đến trường.

Sương mù luôn đưa tôi về với ngày tháng cũ. Tôi nhớ, ngày xưa, khi còn dậy ở Phao-Lồ. Mỗi sáng sớm, tôi thường đứng ở lầu 2, khoanh tay dựa vào lan can, để thích thú nhìn, các học trò của tôi, từng em, bước ra từ bức màn sương dày đặc. Tôi thương biết bao nhiêu, Tính, Thanh Tùng, Thúy Anh, Tin, Nhật, Diệm, Thiện, Điện…Các em, như những bông hoa tươi thắm, xinh xinh và hồn nhiên biết bao! Ôi, những tháng ngày đầu tiên được làm cô giáo!

Các em ơi, giờ này các em ở đâu? Chỉ còn hôm nay, bên cô; một Tính hiền lành, tận tụy, đức độ, như một masoeur; một Thanh Tùng hết lòng chăm sóc, thiết tha như ruột thịt, mỗi lần cô đến Paris; một Tin hiền lành, chịu khó, mãi mãi rụt rè, e lệ; một Nhật dễ thương và vững vàng. Nhưng còn ai nữa, đã lưu lạc phương nào? Cô mãi nhớ Thúy Anh, mỏng manh và lúc nào cũng rưng rưng, như muốn khóc.

Hôm nay, sương sớm đưa tôi về với Pleiku, với con đường bụi đỏ ngoằn ngoèo, hằng ngày học sinh, hai trường Pleiku và Phao lồ, nối chân nhau đi xuống phố. Những thiếu nữ xinh tươi, với má hồng môi đỏ, và mái tóc dài mềm mại, chảy dọc lưng cong. Những thanh niên đang tuổi lớn, ánh mắt tinh nghịch và giọng nói chợt đổi, ấm hơn và nồng nàn hơn, bên cô bạn gái nhỏ bé, chợt lao xao chân bước. Tôi cũng không thể quên không khí ngập tràn “mùi lính”, với nhiều sắc áo khác nhau. Ngoài những bài hát ảo não, nói lên nỗi nhớ nhà và sự gian khổ của người lính, cũng như sự đơn côi của người chinh phụ; và thảm thiết hơn, là hình ảnh người góa phụ, sững sờ đón chồng về, “trên trực thăng, sơn màu tang trắng”! Tuổi trẻ Pleiku còn được sống với những giây phút mộng mơ, qua các bài tình ca người lính, của Trần Thiện Thanh. TTT đã vinh danh các chiến sĩ, các binh chủng, để các anh sẽ thì thầm hát cho người yêu, và các người yêu bé nhỏ, sẽ dệt bao ước mơ, khi những bản tình ca ấy vang vang, mỗi khi chiều xuống.

Từ người lính biên phòng, kể lể với người yêu:
“Đồn anh bên sông cạn
Và hoàng hôn ướt đẫm đáy sông thưa
Nhiều tên trong đơn vị
Gọi đùa anh, chiến sĩ của mộng mơ.”

Đến người lính tàu bay, cũng đã thì thầm bên người yêu bé nhỏ:
“Đây áo bay màu xanh, xanh như tình ái
Thắt lại, khăn ấm chính em đan
Khi gió quay cuồng sau cánh bay
Con tàu thét gầm, cho tim ngất ngây
Phi đạo chạy dài, anh cất cánh bay lên.

Vượt cao vút cao
Mây trời khuất dần, một vùng tuyết trắng ngần
Tuyết ơi, xin nhuộm trắng trong tâm hồn, em gái nhỏ tôi yêu.”

Rồi những người lính dù, chợt đến và để lại tơ vương:
“Ôi đất nát trên đồi xanh
Tình yêu khóc ngất bên cỏ tranh
Đâu cánh dù ôm gió
Đây cánh dù ôm kín đời anh.”

Cả những người lính biển, ít khi xuất hiện nơi xứ cao nguyên tình xanh này:
“Tại em khi xưa yêu màu trắng
Tại em suy tư bên bờ vắng
Nên đêm vượt trùng,
Anh mong tìm gặp hoa trắng về tặng em
Cho anh thì thầm
Em ơi, tình mình trắng như hoa đại dương.”


Thành phố của lính, của ngững người đã để lại biết bao nhung nhớ, dệt lên biết bao ước mơ, trong tâm hồn những cô gái nhỏ. Tôi còn nhớ, các anh lính chiến đã dựng lên một “chiến lũy” bằng công xa, chắn gần hết mặt tiền của trường Minh Đức! Khi trống tan trường vừa điểm, các cửa lớp chợt bung ra, một sức sống tuôn tràn, những cánh bướm trắng tung tăng. Đã có nhiều cánh bướm, bay lạc vào dãy xe, đậu dài trước ngõ! Các chiến sĩ đã trở về sau chiến dịch, bắt cóc các em gái hậu phương, trước đôi mắt ngỡ ngàng và trái tim chợt nhói, của các cậu học trò mới lớn!

Tôi đã về lại Pleiku. Pleiku hôm nay, không còn “Đi 5 phút, đã về chốn cũ.”, nhưng Pleiku như rộng hơn, đông đúc hơn, rực rỡ ánh đèn hơn Pleiku trầm lặng của tôi ngày xưa. Pleiku đã có những quán ăn, với suối róc rách, với các lầu bát giác, như ở thác Prenn, Đà Lạt. Pleiku cũng có những quán trà, với các loại trà, có tên gọi quý phái. Nhưng tôi vẫn nhớ, những quán ăn nho nhỏ ngày xưa, như “Cà phê Dinh Điền”, “Bún bò Nhà Xác”…Và tôi không quên các quán cà phê, với những bàn vuông nhỏ, dưới gốc hoàng lan ngát hương. Tôi về lại Pleiku, ngỡ ngàng như khách lạ. Nếu không có cha Oanh, cha Nam, Đinh Đồng Bảo, Đinh Đồng Dưỡng, Quang Hiền,…thì có lẽ tôi sẽ lạc lõng ngay giữa “quê hương mình”!

Tôi đã đọc ở đâu đó, là phải biết chấp nhận dĩ vãng, và để nó trôi đi. Biết là thế, nhưng có ai, không một lần, để tâm tư đi hoang, lãng vãng, về miền quá khứ xa xưa? Để lại thêm một lần, tâm tư trầm xuống, lắng đọng. Chợt ấm áp. Chợt đơn côi. Để rồi, vin vào một “chân lý” nào đó, buông tay, rã rời, như chợt mất chính mình. Để rồi, lại lao vào giòng đời, lại nổi trôi, lao đao bập bềnh theo số phận!



Vũ Thị Bích_Seatle 12/2009