Vũ Thị Bích
Thấm thoát đã gần 30 năm !
Tôi còn nhớ, hôm ấy, tôi và hai con trai, thức dậy thật sớm. Chúng tôi đón xe, từ Saigòn đi Hàm Tân, Long Khánh. Mấy mẹ con, tay xách nách mang. Các con tôi vẫn thường nói, “Sao mẹ không làm món thịt bò xào xả ớt nữa đi, hồi ấy, chỉ được vét chảo thôi, mà ăn cũng ngon làm sao!” Đúng thế, những năm sau 1975, gần như mọi người đều sống trong cơ cực! Đàn ông đi vắng cả rồi! Chỉ còn ở lại, những bà mẹ trẻ và đàn con dại! Kiếm ăn lúc ấy, thật khó khăn làm sao! Đã thế, tâm hồn của người ở lại, có bao giờ nguôi lo lắng, cho người chồng, đang ở chốn lao tù. Vì thế, cái gì cũng để dành cho Bố hết!
Chúng tôi xuống xe, là vội vã nhìn quanh, tìm xe lam, để vào trại thăm nuôi. Cũng không có nhiều xe, vào những ngày đầu tháng, thì lại càng khó mà leo lên được. Có khi, hụt mất đến vài chuyến. Hôm ấy, đẩy được hai con và đám giỏ xách lên rồi, tôi cũng chẳng còn chỗ nào mà bám. Tôi bảo các cháu cứ vào trước, tôi sẽ đi bộ vào sau.
Sáng hôm ấy, nắng mới lên. Cái nắng dịu ấm, chưa gay gắt như nắng hạ, trên con đê Thanh Hóa năm nào. Tôi, một mình, đi trên con đường đất đỏ. Hai bên đất trống mênh mông, như bỏ hoang tự thuở nào, vì thiếu màu xanh cây cỏ. Gió nhẹ thổi, bay bay tà áo! Không hiểu, có phải vì còn luyến tiếc ngày xưa, hay trong tôi có điều gì không ổn, tôi vẫn luôn luôn mặc áo dài, mỗi khi ra đường, dù là đi thăm nuôi vất vả. Cũng may, tôi là cô giáo, nên khi bà Hiệu Trưởng hỏi, “Sao cô không mặc bà ba, cho giống tập thể?” Tôi đã trả lời, “Tôi nghĩ là, tôi đã ăn mặc đúng phong cách của một nhà giáo, tôi mặc quốc phục Việt Nam mà.”
Đang nghĩ đến lúc được gặp mặt chồng, lòng đầy cảm xúc. Tôi chỉ nhắm một hướng duy nhất, đó là dãy nhà tranh, thấp thoáng tận cuối đường.
Chợt, một giọng nói, từ xa, nhưng rất rõ, “Chị áo dài ơi!” Từ đám đông đang khom người làm việc, một người đứng lên, vẫy gọi. “Anh gọi tôi ư?”- “Vâng, chị đi thăm nuôi hả?”- “Vâng.”- “Tháng nào chị cũng đi thăm chứ?”- “Vâng.”- “Đã 7 năm nay, chúng tôi không được thấy áo dài.”-“Thế ạ”-“Những lần sau đi thăm, chị nhớ mặc áo dài, và đừng đi xe lam nhé!”-“Vâng.”
Một người, rồi hai người, họ đứng dậy, nhìn theo tôi. Đến một khúc xa, tôi quay lại vẫy chào, lòng thật bùi ngùi. Ồ, thì ra, họ đang nhớ người thân. Qua tôi, họ thấy lại hình ảnh của bà mẹ, người chị, người vợ, hay người yêu bé nhỏ của họ ngày nào.
Tôi không nhìn rõ mặt ai, nhưng tâm hồn tôi xao xuyến. Tôi cảm thấy, họ như những người thân của mình, và tôi nghĩ rằng, tôi sẽ mặc áo dài, những lần đi thăm về sau.
Trên con đường ấy, còn nhiều nhóm khác, cũng vẫy gọi tôi. Tôi xót xa thương “các anh” thật nhiều.
Những lần sau, vừa thấy tôi, họ đã gọi chào, “Chào chị áo dài.” Có một lần, những anh đang lao động ở ven đường, gặp tôi, đã nói, “Cám ơn chị, đã cho chúng tôi nhớ lại ngày xưa.” Tôi chợt thấy mắt mình cay cay, muốn khóc. Ôi, những người hùng treillis! Những chàng trai đã làm bao thiếu nữ xôn xao, mỗi khi về phép; những người chồng hai tay từng giang rộng, ôm ấp người vợ nhỏ ngày đêm khắc khoải chờ mong; những người con, khuôn mặt rạng ngời, tinh nghịch, đem ấm áp về ngôi nhà cha mẹ, sau những chuyến hành quân đầy khói lửa!
Giờ đây, các anh đang cúi mặt, nhẫn nhịn, cuốc cầy trên những mảnh đất khô cằn, tâm tư hoang vắng trước một tương lai mờ mịt. Còn đâu tiếng nói trẻ thơ, tiếng nũng nịu ngọt ngào, hay lời dặn dò thân thiết! Tất cả đã vuột khỏi tầm tay, trong khoảnh khắc, các anh mất trắng, hiện tại và tương laị; chỉ còn lại, quá khứ đầy nuối tiếc.
Sau những năm tháng cơ cực, chồng tôi đã trở về. Các con tôi, không còn là những đứa bé thơ ngây nữa, mà đã là những thanh niên, thiếu nữ. Tôi cũng không còn có dịp đi trên con đường đất đỏ, để các anh gặp lại bóng dáng ai đó, ngày xưa.
Không biết bây giờ, các anh ấy ở đâu?
Vũ Thị Bích
Seattle, tháng 10/2010