Thêm đôi dòng về cà phê Pleiku
Bài và ảnh Nguyễn Quang Tuệ
(trích báo Gia Lai Điện Tữ)
Lời nhắn:
Đễ ghi lại môt đặc trưng văn hóa của phố núi: QUÁN CÀ PHÊ PLEIKU,
anh Quang Tuệ dự trù tổ chức vào cuối tháng 5/2010 một chương trình gốm:
- 1 triển làm ảnh về cafe PK xưa và nay
- 1 đêm cafe cộng đồng - Đêm café Pleiku 2010
- 1 đêm giao lưu PK-café & tôi
Anh NQT đang sưu tấm những hình ảnh các qúan càphê Pleiku
trước 1975 như Dinh Điền, Văn, Vị Thủy,Tân Giao Chỉ…
Nếu các anh chị em và thân hữu Pleiku cón lưu giữ
những hình ảnh qúy gía này và muốn chia sẽ cùng cư
dân PK, xin vui lòng gửi về LTPK website nhờ chuyễn
hay trực tiếp đến NQT tại:quangtuepku@gmail.com.
Cám ơn. BBT/ LTPKU
Nắng bụi mưa bùn không ngăn được tình yêu của người dân Phố Núi với cà phê. Cuộc sống hiện đại sôi động vẫn nhường cho cà phê Pleiku những khoảng lặng thuần khiết. Dốc, thông và cà phê từ lâu lắm rồi đã là một phần không thể thiếu của đô thị này.
Tôi đã hơn một lần viết về cà phê Pleiku. Và lần nào cũng vậy, bài đăng rồi lại thấy điều mình biết và vừa viết là chưa đủ. Tôi vẫn trăn trở về đề tài này. Bởi, từ lâu tôi đã thầm cho rằng cà phê là một giá trị văn hóa của Pleiku. Chúng ta chẳng thể nào sánh cùng Hà Nội, Sài Gòn hay những thành phố khác ở góc độ hiện đại. Hãy cứ nghĩ mà xem, ngày nay, Phố Núi thân thương không còn cao lắm nữa, vì những con dốc đặc trưng đã được bào đi đáng kể; thông già quyến rũ một thời còn lại rất ít, thông non thì có lẽ phải nửa thế kỉ nữa mới ra hình ra dáng; sương mù do đó mà cũng chẳng còn điều kiện để vấn vương lòng người. Vậy thì Pleiku thân yêu còn lại gì trong văn chương, còn lại gì để níu kéo những “anh khách lạ” nếu chẳng phải là cà phê?
Tôi đã đem chuyện này nói với nhiều người và nhận được những chia sẻ khác nhau. Nhà thơ VCH nói rằng, với anh cà phê vỉa hè là tất cả. Ngoài cái sự rẻ ra thì ở một góc phố nào đó, anh có thể lắng nghe được âm thanh, hơi thở của cuộc sống. Từng ở Pleiku nhiều hơn 30 năm, khác với nhiều người hình như VCH không có quán cà phê ruột. Anh có “đánh đu” ở bất kì con đường nào, miễn là ở đó cà phê đen nóng và nếu có thêm… báo mới nữa thì càng hay. Một người từng sống ở Pleiku từ 1965 phân tích cho tôi hiểu rằng, cà phê Pleiku xưa còn được nhắc nhiều đến tận ngày nay là bởi, thời đó không nhiều người có cơ hội thưởng thức loại đồ uống này. Chiến tranh, nói một cách ví von thì những quán cà phê hồi đó chẳng những thơm mùi thuốc lá mà còn phảng phất cả mùi thuốc súng. Cảnh ấy, bao giờ cũng làm người ta cảm động và nhớ lâu, phải vậy không? Hơn thế nữa, hãy cứ hình dung rằng, khi ranh giới giữa cái chết và sự sống quá mong manh thì giọt cà phê chính là giọt hòa bình mà người ta may mắn có được, nên nó quí lắm…
Cà phê Pleiku xưa có những cái tên dễ thương, nhiều người đã thừa nhận với tôi điều ấy. Nhưng cái tên chưa hẳn đã làm nên thương hiệu của quán. Vấn đề quan trọng xưa nay vẫn là chất lượng tách cà phê và kèm theo nó là một vài thứ khác. Anh NS, một người bạn tôi viết rằng, trước 1975, người ta từng đồn đoán về một thứ chất gây nghiện có thể đã được chủ quán nọ trộn lẫn vào cà phê. Tôi không tin điều này và cho rằng đây có lẽ chỉ là một cách nói cho vui hoặc đúng hơn là một cách để tôn vinh quán Dinh Điền xưa mà thôi. Nhưng tôi biết chắc rằng, các quán cà phê xưa có một cách “gây nghiện” hiệu quả còn hơn á phiện. Ấy là người bán cà phê. Ngày trước, nhiều quán mang tên người phục vụ chính. Và nhân vật đó không ai khác, thường là một người đàn bà mặn mà duyên sắc hoặc đặc biệt hơn nếu đó lại là một cô gái mười tám đôi mươi. Mái tóc dài mượt, cái lúm đồng tiền, chiếc răng khểnh hay đôi mắt nhung,… chính là những “báu vật” làm nên một phần thương hiệu của quán cà phê Pleiku xưa.
Dĩ nhiên là không thể so sánh cà phê xưa và nay ở khía cạnh người phục vụ hay các điều kiện vật chất khác. Bởi các quán lớn ở Pleiku hiện nay đã khác trước rất nhiều. Ở đó, ngoài một không gian đẹp, đội ngũ tiếp viên mang đồng phục, chuyên nghiệp, quản lí quán thường không phải là ông bà chủ trực tiếp mà là một người có chuyên môn về lĩnh vực này. Cà phê đã trở thành một ngành nghề kinh doanh mang lại lợi nhuận đáng kể, nên việc người ta đầu tư tiền tỉ vào xây dựng, chăm chút nội thất quán một cách tỉ mỉ cũng là điều bình thường.

Làm thế nào để ngày càng có thêm nhiều người biết và đến với các quán cà phê sang trọng, lịch sự ở Pleiku là điều nên nghĩ, nên làm. Bởi nếu những việc làm ấy được thực hiện một cách đều đặn, từng bước sẽ tạo nên một “kiểu” cà phê riêng có của Phố Núi, tạm gọi là phong cách hay văn hóa cà phê Pleiku. Dù sao vẫn phải thừa nhận rằng, kinh doanh cà phê chính là đặt niềm tin vào một cuộc chơi đẹp và thú vị. Chính những con người này đang âm thầm góp phần làm cho Pleiku thêm đẹp, thêm hấp dẫn.
----
Bài gửi kèm 1 ảnh, xin chú: Cà phê sáng từ lâu đã thành một thói quen của người dân Pleiku (trong ảnh là quán ANAN, 215A, đường Wừu, PK)
Nguyễn Quang Tuệ
(Trích báo GiaLai 26/02/2010)