Thái Văn Duy

TRƯỜNG TRUNG HỌC
PHẠM HỒNG THÁI

VIẾT CHO NGÀY GẶP MẶT
“NHỚ TRƯỜNG XƯA – 40 NĂM’’
KỶ NIỆM 40 NĂM THÀNH LẬP (25/5/1971 – 25/5/2011)




     Tôi thân ái gửi đến các em cựu học sinh cùng các cựu đồng nghiệp lời chào mừng tốt đẹp nhất cho Buổi Gặp Mặt ‘Nhớ Trường xưa – 40 năm’ nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập trường Phạm Hồng Thái (25/5/1971 - 25/5/2011).
     Tôi rất tiếc không tham dự cùng các em Buổi Gặp Mặt này, nhưng chuyến viếng thăm Pleiku tháng 10/2010 vừa qua, tôi đã được gặp lại các em, các cựu đồng nghiệp và thăm lại trường cũ. Chúng ta đã ôn lại bao kỷ niệm xưa. Tất cả như đang sống lại trong tôi.
     Bốn mươi năm là một thời gian dài, nhưng nó cũng trôi qua thật nhanh chóng. Mới ngày nào các em là những học sinh trẻ trung, hồn nhiên, trong sáng bên cạnh thày cô. Nay thì các em đã trưởng thành, thành công trong cuộc sống, có em là thày giáo, cô giáo, là hiệu trưởng ngay tại trường cũ, còn chúng tôi lớn tuổi, đã về hưu. Tuy thày trò chúng ta chỉ sinh hoạt chung trong 5 năm 1970-75, nhưng tình nghĩa thày trò sẽ là mãi mãi.
     Ba năm đầu 1970-73, thày cùng các em nỗ lực xây dựng trường sở. Hai năm sau 1973-75 thày Nguyễn Đăng Dự, thay thày làm hiệu trưởng khi thày lên làm Chánh Sự Vụ Sở Học Chánh Pleiku, đã cùng các em tu bổ, làm đẹp ngôi trường mà ngày nay những hàng phượng vĩ rực đỏ mỗi độ hè về là sắc thái đặc biệt của trường Phạm Hồng Thái.
     Quay trở lại giòng thời gian bốn mươi năm về trước, thày nghĩ rằng đây là cơ hội tốt nhất để thày trò chúng ta cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm qúy báu, khó quên trong diễn tiến xây dựng trường Phạm Hồng Thái của chúng ta.

Trường Trung Học Bán Công Pleiku và Trại Công Tác Hè.
     Nhớ lại những bước đầu trong việc thành lập trường, thày vui mừng, hãnh diện hồi tưởng lại những công việc thày trò mình đã làm được lúc đó.
     Cơ Sở tạm thời tại trường Nam Tiểu Học Pleiku.

     Trường Trung Học Bán Công Pleiku khởi sự vào mùa hè 1970, bắt đầu là một trại 'Công Tác Hè', một chương trình phát triển sinh hoạt thanh niên học đường (gọi tắt là CPS) của Bộ Giáo Dục mà thày là Trưởng Ban Điều Hành tại Pleiku. Trại Công Tác Hè sửa lại 2 phòng học bị hư hại không dùng được của trường Nam Tiểu Học Pleiku. Sau đó với vật liệu xin được từ Cơ Quan Dân Sự Vụ Không Quân Hoa Kỳ đồn trú tại phi trường Cù Hanh, cùng với sự đóng góp của phụ huynh học sinh, 3 phòng học mới được xây cất, tổng cộng là 5 phòng trang bị đầy đủ bàn ghế.
     Sau 3 tháng chuẩn bị, Trường Trung Học Bán Công khai giảng vào tháng 9 năm 1970 với các lớp đệ nhất cấp (6, 7, 8, 9) tạm thời trong khuôn viên trường Nam Tiểu Học.
     Sự thiết lập trường Trung Học Bán Công Pleiku tiến hành mau chóng nhờ vào sự trợ giúp tích cực về vật liệu cần thiết của Cơ Quan Dân Sự Vụ Không Quân Hoa Kỳ, sự hăng hái đóng góp của phụ huynh học sinh và sự quan tâm đặc biệt của chính quyền điạ phương. Cơ quan Dân Sự Vụ Không Quân Hoa Kỳ là cơ quan dân sự vụ mới thành lập, muốn làm công tác cộng đồng giúp cho dân chúng tỉnh Pleiku. Các phụ huynh học sinh hăng hái vì muốn mau có trường cho con em mình học. Chính quyền địa phương tỉnh Pleiku sốt sắng, mau chóng chấp thuận dự án thành lập trường để giải quyết tình trạng thiếu trường trong tỉnh. Do đó trường Trung Học Bán Công Pleiku được hoàn thành trong một thời gian kỷ lục.
     Trường Trung Học Bán Công Pleiku hoạt động bình thường ngay trong thời gian mới khai giảng là nhờ trường có đủ giáo chức giảng dạy đến từ trường Trung Học Pleiku. Trường bán công là cơ sở công lập điạ phương nên được sự yểm trợ của Bộ Giáo Dục về phương diện điều hành.
     Trường Trung Học Bán Công Xây Cất Cơ Sở mới.

     Song song với việc điều hành trường Trung Học Bán Công Pleiku tại cơ sở tạm thời tại trường Nam Tiểu Học, Thày Duy, Hiệu Trưởng lo xúc tiến thủ tục xin đất để xây trường mới. Chính quyền địa phương chấp thuận dành cho khu đất trống, xa trung tâm thành phố trong thời gian 1970, trên ngọn đồi thoai thoải nhìn ra phi trường Cù Hanh, cạnh Ty Thanh Niên, là địa điểm của trường Phạm Hồng Thái ngày nay.
     Hội Phụ Huynh Học Sinh và thày Hiệu Trưởng quyên góp qúy vị mạnh thường quân có lòng hảo tâm giúp đỡ xây trường, xin trợ cấp từ ngân sách Hội Đồng Tỉnh và được sự trợ giúp tích cực về vật liệu của Cơ Quan Dân Sự Vụ Không Quân Hoa Kỳ.
     Cơ sở mới của trường khởi công xây cất ngày 15-12-1970, hoàn tất ngày 25-5-1971.
     Lễ khánh thành trường sở mới được tổ chức ngày 25-5-1971.

     Sau này Bộ Giáo Dục ban hành nghị định ân thưởng Văn Hóa Giáo Dục Bội Tinh cho các vị có công trong việc thành lập, xây dựng trường Trung Học Bán Công/Tỉnh Hạt Pleiku, trong đó có ông Trần Duy Đào, Hội Trưởng Hội Phụ Huynh Học Sinh và thày Duy, Hiệu Trưởng.
     Chắc các em còn nhớ thời gian đó phù hiệu của trường khắc nổi trên bức tường trước cổng trường 'Bàn Tay Cầm Bó Đuốc Trí Tuệ' để tượng trưng sự đóng góp của các em (những bàn tay nhỏ bé khiêng gỗ, vác xi-măng ) trong việc xây dựng ngôi trường của chúng ta.


     Nhìn kỹ các phòng học theo hình dạng chữ U từ cổng trường vào bắt đầu từ bên phải, các em có nhận ra rằng từ mái tôn, cột nhà, khung cửa kính, khung cửa lớp, tất cả đều nhờ vào công trình khuân vác từ những bàn tay bé nhỏ của các em. Phải kể luôn cả bàn ghế trang bị trong lớp nữa.


     Còn nữa, những viên gạch ‘tableau’ đúc bằng xi-măng để xây tường, đó cũng là những đóng góp của bàn tay các em.


     Để hoàn tất chữ U, phiá bên trái từ cổng trường đi vào, 2 phòng học mới đã được xây cất thêm.


     Những kỷ niệm qúy báu và khó quên đó sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm chúng ta.

     Một kỷ niệm khác mà thày muốn nhắc đến là tình hình tài chánh của trường vào thời gian gần cuối niên học 1970-71 ở trong tình trạng thiếu hụt. Tuy nhiên trường vẫn phải nỗ lực làm việc trong thiếu thốn để chuẩn bị cho kịp lễ khánh thành trường mới. Anh Nguyễn Văn Hiệp vừa viết bảng hiệu ‘Trường Trung Học Bán Công Pleiku’, vừà đắp nặn, tô điểm cho phù hiệu của trường ‘Bàn Tay Cầm Bó Đưốc Trí Tuệ’ trước cổng.
     Thày Đặng, thày Tùng, thày Tuấn và thày Duy làm đủ mọi việc từ A tới Z dù mệt mỏi, cả bác Thảo nữa, lớn tuổi cũng không nề hà vất vả để chuẩn bị cho kịp lễ khánh thành trường mới.
     Ngoài ra, trường phải chuẩn bị để phát triển kịp thời chương trình niên khoá tới với việc mở lớp 6 công lập tỉnh hạt, mở lớp 10 bán công.
     Trường Trung Học Bán Công Pleiku niên khóa 1970-71 có từ lớp 6 đến lớp 9 tức là trường trung học đệ nhất cấp. Muốn có lớp 10, 11 và 12 trường phải có đủ điều kiện để mở bậc đệ nhị cấp. Thày Hiệu Trưởng đã làm thủ tục, hội đủ điều kiện để mở lớp 10 bậc đệ nhị cấp cho niên học 1971-72.
     Trường trung học bán công được thiết lập do quyết định của chính quyền địa phương dựa theo điều kiện của Bộ Giáo Dục. Bộ Giáo Dục yểm trợ về phương diện điều hành trường sở, cử hiệu trưởng đến điều hành mà không yểm trợ về giảng huấn. Do đó, học sinh trường bán công phải đóng học phí nhẹ để trang trải chi phí giảng dạy.
     Đáp ứng nhu cầu cấp bách cho các học sinh lớp 6, 7, 8, 9 có nơi học tập và tận dụng sự giúp đỡ của cơ quan Dân Sự Vụ Không Quân Hoa Kỳ, thày Duy đề nghị và được chính quyền điạ phương Pleiku chấp thuận, ban hành Quyết Định Thiết Lập Trường Trung Học Bán Công Pleiku ngày 16/7/1970.
     Trường Trung Học Bán Công Pleiku được ‘công lập hoá’
     thành Trường Trung Học Tỉnh Hạt Pleiku.

     Trường Trung Học Tỉnh Hạt Pleiku bắt đầu bằng các lớp 6 từ niên khóa 1971-72. Tại sao có tên gọi là trường trung học tỉnh hạt ?
     Từ tháng 4 năm 1975 trở về trước, vì tình trạng chiến tranh, ngân sách dành cho ngành giáo dục có giới hạn, không đủ đáp ứng nhu cầu xây cất các trường trung học công lập nên Bộ Giáo Dục đưa ra phương thức thành lập trường trung học tỉnh hạt bằng cách phối hợp sự đóng góp giữa trung ương và địa phương. Điạ phương xây dựng trường học, trang bị bàn ghế, Bộ Giáo Dục cử giáo chức đến điều hành trường sở, phụ trách việc giảng huấn.
     Trường trung học dù mang tên là trường trung học tỉnh hạt nhưng là trường trung học công lập giống như các trường trung học công lập khác trong tỉnh như trường Trung Học Pleiku, Trung Học Pleime về phương diện giảng huấn và điều hành. Điểm khác biệt ở chỗ hội phụ huynh học sinh trường trung học tỉnh hạt có trách nhiệm xây dựng trường sở, trang bị bàn ghế để đáp ứng nhu cầu giáo dục của trường.
     Niên khoá 1971-72, các lớp 6 thuộc hệ thống công lập tỉnh hạt, trong khi các lớp 7, 8, 9 (đệ nhất cấp) và lớp 10 (đệ nhị cấp) thuộc hệ thống bán công.
     Trường Trung Học Tỉnh Hạt Pleiku được Bộ Giáo Dục chấp thuận cho mở các lớp 6 niên học đầu tiên 1971-72, thày Duy được đề cử làm hiệu trưởng.
     Ngay sau khi Trường Trung Học Tỉnh Hạt Pleiku chính thức hoạt động, thày Duy, hiệu trưởng trường Trung Học Tỉnh Hạt Pleiku, kiêm hiệu trưởng trường Trung Học Bán Công Pleiku đề nghị và được Bộ Giáo Dục chấp thuận cho ‘công lập hoá’ các lớp còn lại của Trường Trung Học Bán Công. Các lớp 7, 8, 9 và 10 sát nhập vào Trường Trung Học Tỉnh Hạt Pleiku cũng trong niên học 1971-72.
     Trong một thời gian ngắn, Trường Trung Học Tỉnh Hạt Pleiku đã là một trường trung học công lập đệ nhất cấp (có lớp 6, 7, 8, 9) mà cũng là trường trung học công lập đệ nhị cấp (có lớp 10 rồi lớp 11, 12 các niên học kế tiếp).
     Tại sao thiết lập trường Trung Học Bán Công trước?
     Sự thành hình của Trường Trung Học Bán Công Pleiku ngay trong niên khóa đầu tiên 1970-71 đã cho phép trường mở các lớp 6, 7, 8, 9 giải quyết nhanh chóng tình trạng thiếu trường học cho các học sinh trung học trong tỉnh, trong khi nếu mở trường trung học tỉnh hạt thì chỉ có thể có được lớp 6 năm đầu tiên. Cho nên đây là phương cách mau chóng nhất để mở các lớp 6, 7, 8, 9 trong cùng một niên học 70-71.
     Trường Trung Học Phạm Hồng Thái và ‘Thày Hiệu Trưởng mới’.
     Năm 1973 Bộ Giáo Dục cải cách tổ chức giáo dục ngành trung tiểu học, thiết lập Sở Học Chánh tại mỗi tỉnh để điều hành, phát triển mọi sinh hoạt giáo dục liên quan đến ngành trung, tiểu học và hoạt động văn hóa trong tỉnh.
     Trước đó, Ty Tiểu Học điều hành mọi họat động giáo dục tại các trường tiểu học và các trường trung học là những đơn vị biệt lập trực thuộc trung ương.
     Sở Học Chánh từ nay điều hành, phát triển mọi sinh hoạt giáo dục tại các trường trung học, tiểu học công lập cũng như tư thục và sinh hoạt văn hóa trong tỉnh.
     Thày Duy được đề cử giữ chức vụ Chánh Sự Vụ Sở Học Chánh Pleiku 1973, thày Nguyễn Đăng Dự thay thế thày Duy trong chức vụ Hiệu Trưởng Trường Trung Học Tỉnh Hạt Pleiku.
     Do yêu cầu của thày hiệu trưởng Nguyễn Đăng Dự, Trường Trung Học Tỉnh Hạt Pleiku được chính thức mang tên trường Trung Học Phạm Hồng Thái kể từ tháng 6 năm 1973.
     Tại sao chọn công tác xây trường là sinh họat chính trong những trại công tác hè?
     Thày Duy chọn công tác xây trường là sinh họat chính trong những trại công tác hè khác như tu bổ, sơn sửa trường tiểu học trong các làng xa xôi, hoặc trại du ngoạn đưa các học sinh các trường Trung Học Pleiku, Minh Đức, Bồ Đề thăm Qui Nhơn, viếng trại cùi, tìm hiểu di tích văn hóa Chàm.
     Khoảng đầu thập niên 1960, khi thày còn dạy học tại trường Trung Học Pleiku, có một lần, trước khi trường Trung Học Pleiku niêm yết danh sách học sinh trúng tuyển vào lớp đệ thất (lớp 6), môt ông lão dẫn đứa cháu đứng chờ coi bảng. Ông cụ cho biết bố đứa trẻ đã mất, hai ông cháu từ quận Lệ Thanh (Thanh An) ra xem bảng. Nếu cháu ông không đậu thì ông sợ không đủ điều kiện cho cháu học trường tư ở tỉnh lỵ Pleiku. Lúc đó quận Lệ Thanh không có trường trung học. Kết quả cháu ông đã không đậu vào đệ thất. Hai ông cháu buồn bã ra về. Thày ngỡ ngàng nhìn theo hai ông cháu lủi thủi bước đi với thật nhiều bùi ngùi và xót xa. Thày không rõ cháu của ông có tiếp tục được đi học hay không, nhưng hình ảnh này ám ảnh thày và chính là động lực thúc đẩy thày xây dựng trường khi đìều kiện cho phép.
     Kỷ Niệm 40 năm trước thật tuyệt vời.
     Chúng ta đã cùng nhau nhắc lại kỷ niệm dưới mái trường xưa, kỷ niệm sinh hoạt, xây dựng trường Phạm Hồng Thái của 40 năm trước từ những ngày đầu chập chững.
     Chúng ta đã mạnh dạn thực hiện những công việc ngoài sức bình thường, một dự án mà bây giờ nghĩ lại mới thấy tuổi trẻ vừa hăng hái, vừa liều lĩnh, dám làm những việc trên sức lực của mình và đồng thời cảm nhận được rằng việc làm tốt đẹp, dù liều lĩnh, đều được sự giúp đỡ và tiếp tay yểm trợ của mọi người xung quanh. Nếu chúng ta đã không mạnh dạn hành động thì làm sao chúng ta có được thành quả như ngày nay.
     Trường Phạm Hồng Thái ngày nay được xây lại khang trang. Đó là một bước tiến quan trọng. Mong rằng ngôi trường của chúng ta sẽ được tiếp tục phát triển và tồn tại lâu dài.
     Trong bài 'Một Thoáng Về THCS Phạm Hồng Thái' đăng trên website Liên Trường Phố Núi Pleiku, cô giáo Nguyễn Thị Đức, trước dạy tại trường Phạm Hồng Thái (1986-96), nhắc lại những lớp học mái tôn của trường cách đây mười mấy năm, khiến cô ‘vừa dậy’ ‘vừa phải chậm mồ hôi’. Cám ơn cô đã gợi lại kỷ niệm xưa.
     Một kỷ niệm khác thày nhớ là có lần trời mưa to quá, rớt xuống mái tôn ào ào, thày trò cùng nhau ngồi nhìn mưa rơi mà không học được gì cả.
     Vâng, chính trong khung cảnh thiếu thốn đó, trong môi trường không toàn vẹn đó, chúng ta xây dựng trường, làm đẹp trường, chúng ta chăm chỉ học hành, chúng ta lớn lên và trưởng thành.
     Những kỷ niệm đó, theo thày, là những kỷ niệm tuyệt vời.
     Thân ái chào các em cựu học sinh và các cựu đồng nghiệp.



     Thái Văn Duy
     Cựu Hiệu Trưởng, Sáng Lập Viên Trường Trung Học Bán Công/Tỉnh Hạt Pleiku,
     sau đổi tên là Trường Trung Học Phạm Hồng Thái.
     Florida, 31 tháng 5 năm 2011
     Email: thaivanduy2006@yahoo.com


Ghi chú: Có 37 hình ảnh sinh hoạt của trường Phạm Hồng Thái trên website Liên Trường Phố Núi Pleiku. Đây là những hình ảnh mà Skip Leighton, thày giáo tình nguyện dạy Đàm Thoại Anh Văn cho các em 1971-72 chụp và cho thày mượn để ‘scan’, bỏ lên trang web Liên Trường Phố Núi Pleiku . Link vào trang web Liên Trường Phố Núi Pleiku tại www.ltpleiku.com, vào trang Phạm Hồng Thái, vào Hình Ảnh Phố Núi (phiá bên trái) và Dr. Leighton để xem hình.