MƯA ĐẦU MÙA


  Pm Nguyễn Thị Đức        



Rời Đà Nẵng về Sài gòn ở với con từ mùng 10 tết mãi đến những ngày cuối tháng ba âm lịch, Hiền mới trở về. Từ Sài Gòn, vợ chồng Hiền lên Đà Lạt, qua Ban Mê Thuột rồi ghé về Pleiku. Trưa 24-4 Hiền có mặt tại phố núi và từ chiều đến tối là thời gian nó dành cho bạn bè.

Người đầu tiên ở phố núi mà Hiền liên lạc là Thu Hà. Hà luôn là người tổ chức, lên kế hoạch cho các cuộc gặp mặt của chúng tôi. Hai giờ rưỡi chiều, Hiền từ khách sạn Đức Long đi bộ xuống nhà Nguyệt. Phan Minh gọi điện báo nó bận, không chở Hiền đi chơi được. Tôi và Tùng Sinh liền đến nhà Nguyệt, kéo hai đứa nó đi xem triển lãm ảnh Pleiku – xưa và nay.

Trời mát dịu. Mỗi đứa cầm một tấm ảnh Pleiku trong sương sớm có hàng thông và bài thơ “ Còn một chút gì để nhớ ” của Vũ Hữu Định. Vừa nhâm nhi cà phê, chúng tôi vừa ngắm ảnh. Bài hát “ Còn một chút gì để nhớ ” với giọng hát của các ca sĩ : Khánh Ly, Thái Thanh, Elvis Phương… nhè nhẹ vang lên. Hiền thích thú : “ Đến đây, được tặng ảnh, được nghe bài hát này thật ý nghĩa. Bạn của ông xã mới hỏi tao về bài này ”.

Hoi ngo Ảnh đầu tiên là núi Hàm Rồng, chụp mặt trước, mặt sau ( trước 1975 và sau 1975 ), có cả không ảnh. Rồi đường vào Pleiku từ hướng núi Hàm Rồng, nhà thờ Thánh Tâm, dốc Hội Phú, bùng binh Diệp Kính, đường Phan Bội Châu, Hoàng Diệu, Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Trịnh Minh Thế, chợ Mới, Hai Bà Trưng, Võ Tánh… Đường vào từ hướng Kon Tum với Biển Hồ, phi trường, đường Lê Lợi nối dài, trường nữ tiểu học.v.v… Có khoảng 150 tấm ảnh được trưng bày trong thế đối sánh xưa – nay. hầu hết các ảnh đều được chụp ở cùng một địa điểm, một góc độ, một bố cục - một sự dụng công thể hiện bao tâm huyết, bao công sức của nhóm làm triển lãm.

Cảm xúc của chúng tôi mỗi lúc một trào dâng theo từng bước chân.

- A, chỗ này là bùng binh Diệp Kính. Bên kia là nhà ông P.Đ.K. Tao với Hằng hay mua khoai mì, khoai lang luộc ở đây.
- Đây là nhà Loan Tây Đô. Trước nhà có một gốc phượng già dáng đổ ra đường Hoàng Diệu. Hè về gốc phượng này cùng với những hàng phượng ở bùng binh Diệp Kính, đường Phan Bội Châu nở hoa đỏ rợp trời nè.
- Nhà con Đ.T.Kim Anh, tiệm thuốc tây Ái Lan, bảng hiệu nè.
- Ôi, phố xá nhà cửa Pleiku trước 75 sao nhỏ và toàn bùn đỏ không à.
- Kìa ! Đào, Hoa, Vân, Ánh, Loan đây nè. Hình này Đào giữ và nó đưa lên trang liên trường đó.
- Tụi bay xem hình trên nè. Này nhé, K.A cầm bảng. Hàng đầu tiên bên trái là Xuân Hằng, Thu Đào rồi hình như con N.T.Phước phía sau. Hàng giữa, tụi bay nhìn kỹ đi, ngay sau K.A là Vượng Tư, Nguyệt Ánh. Tao đứng chỗ này. Đó cao kều, tóc dài, rẽ ngôi giữa. Hàng thứ ba là Bích Lan ( Thanh Hiền reo ).

Cả bọn châu đầu, chăm chú ngắm nhìn. Giọng Quang Tuệ - một người trong nhóm triển lãm :
- Mấy chị đứng đầu trong ảnh thời đó chắc chắn là hoa hậu, hoa khôi cả. Còn chị Đức thì có lẽ ở trong nhóm này.
Vừa nói, Tuệ vừa cười chỉ vào nhóm các em trai lô nhô đứng ngồi bên cạnh. Tiếng cười vang lên giòn giã. Tuệ có biết đâu cả K.S và tôi đều không có mặt. Trong lộ trình : Trường Pleime - đường Trịnh Minh Thế - đường Quang Trung – sân vận động thì đến ngã tư Trịnh Minh Thế - Yersin, K.S đã nháy mắt rủ tôi chuồn. Hai đứa đột kích vào nhà thầy Hòa ( lúc này đương nhiên là thầy ở sân vận động ) chơi với cô Mười rồi lấy trộm một tấm ảnh của thầy cô về khoe thành tích với bạn bè.

Thanh Hiền đưa cho Tuệ xem ảnh 2009 của Vượng Tư, Ánh và Hiền. Tuệ để bên bức ảnh triển lãm và chụp lại. Xem xong, chúng tôi ngồi trò chuyện với Tuệ. Thật là vui khi tất cả đều biết nhau. Tùng Sinh là chị của Tùng Chinh; Hiền là em gái anh Nam ( Tùng Chinh và anh Nam đều sinh hoạt trong Hội văn nghệ với Tuệ ). Chuyện trò nở như ngô rang. Hiền và Tùng Sinh ghi cảm nghĩ về cuộc triển lãm. Một số bạn học sau chúng tôi một lớp cũng vừa xem xong, đến chỗ chúng tôi. Lại nhận ra nhau. Lại những câu hỏi thăm. Lại nhắc vở kịch Kiều Loan, nhắc quan văn Thanh Hiền quá nhập vai, ném cái cốc bay vèo xuống chỗ khán giả…

Đã 4 giờ 20 chiều, tạm biệt Tuệ, Hiền và tôi đến tiệm len của Hà. Xuân đi dạy về cũng tạt vào đó. Hiền kể chuyện dự đám cưới con gái V.T và đưa tập ảnh cho bạn bè xem. Loan hơi mập nhưng trắng trẻo và xinh đẹp trong chiếc váy màu xám nhạt. Hiền và Liên có da có thịt trông thật quí bà. Ánh trẻ trung, tươi tắn. Bà sui V.T mặc áo dài nom hơi lạ mắt. Hiền còn kể chuyện V.T bé cái nhầm dẫn đến dở khóc dở cười. Ai đời gặp cô Huệ, V.T xớn xác hỏi : “ Mày là đứa nào mà tao không nhớ ”. Có sự nhầm lẫn chết người này vì bạn bè nói cô Huệ trẻ hơn nhiều so với tuổi 68 và học trò có nhiều đứa còn lủ khủ, còn già hơn cả cô. Rồi chuyện cả bọn tập trung ở nhà Ái Loan. Anh Nam – chồng Loan – làm tài xế đưa cả bọn đến nhà Ánh. Chỉ có Lê Như và Thúy Nga không tham dự được. Nghe nói tết vừa rồi Nga bị va quệt xe, phải băng bột; từ đó ít dám ra đường.

Hiền đề nghị đi ăn. Hà bảo : “ Ừ, thì ăn cháo gà ”. Chúng tôi ra xe. Trời bỗng chuyển mưa. Mây xám kéo đến âm u cả bầu trời. Gió thổi mạnh. Người đi đường ai cũng tất bật. Vài hạt mưa đã lắc rắc rơi. Vừa bước vào quán cháo ở đường N.T.Học thì một cơn mưa ập tới. Mưa lạnh làm món cháo gà nóng càng thêm hấp dẫn. Hà nói : “ Ăn đi ! Gà Pleiku ngon lắm ! Ở Sài Gòn không tìm được đâu ”. Bốn đứa đang thưởng thức hương vị gà luộc, bỗng Hà đột ngột đứng dậy, lấy một ly nước lọc rồi ngồi thụp xuống, vội vã cởi giày Xuân, xối nước rửa 10 đầu ngón chân cho nó. Hiền và tôi tròn mắt nhìn. Thì ra Xuân bị nước mắm ớt văng trúng mắt. Ngồi đối diện nên Hà thấy và lập tức chữa bằng cách như tôi vừa kể. Vài phút sau, mắt Xuân bình thường như không hề có việc gì xảy ra. Thật là hiệu nghiệm. Cả bọn cười : “ Thích nghe. Xưa Trần Quốc Tuấn nấu nước thơm xin được rửa chân cho T.Q.Khải. Giờ Xuân được Hà rửa chân ”. Hà cũng cười : “ Ừ, trước giờ tao chưa rửa chân cho ai à nghe ! ”.

Rời quán cháo, trời vẫn mưa lất phất, đường phố ướt nhẹp. Hỏi có đi được không, Hiền cười : “ Lâu mới về. Lại được đi trong mưa Pleiku. Thú ghê ”. Hiền rủ chúng tôi đi cà phê. Vẫn quán Phiên Phương quen thuộc. Hà chở Hiền, Xuân chở tôi. Đi qua không thấy xe Hà, Xuân chở tôi về thẳng nhà. Vài phút sau Hiền điện. Tôi thả bộ đến quán, thấy Hiền ngồi một mình. Ba Hà bị bệnh giãn tĩnh mạch vừa mổ ở Sài Gòn; Hà tranh thủ về lo cơm nước cho ông. Một lúc sau, Nguyệt và Hà đến. Cả bọn chụm đầu kể bao nhiêu chuyện. Chuyện thời đi học ở Pleime. Chuyện hồi học ở Đà Lạt. Chuyện lập gia đình của Loan Phương Loan, Loan Tây Đô, Nguyệt, Tâm cận, Hà và Hiền. Rồi chuyện Nguyệt phải vào vai bà Tùng Long để gỡ rối tơ lòng cho bạn bè phố núi. Thời gian cứ dần trôi. Xuân gọi điện hẹn gặp Hiền ở khách sạn. 9 giờ kém 15, cả bọn chia tay. Mai Hiền lại lên đường sớm rồi.

Vậy đó, thỉnh thoảng bạn bè về rồi lại đi như những cơn mưa đầu mùa thường bất chợt ào xuống mỗi chiều. Mưa đầu mùa làm tiết trời bớt oi ả, cây cối xanh tươi, đầy hoa thơm trái ngọt. Mưa đầu mùa làm những chùm hoa bằng lăng trên đường phố càng tím thẫm, nhuộm tím cả trời chiều. Mưa đầu mùa luôn được mọi người mong mỏi ngóng trông. Mưa đầu mùa - những cơn mưa như câu hát "Mưa cao nguyên - cơn mưa đến bất ngờ ..." luôn đem lại bao niềm vui cho con người và đất trời.

Pm Nguyễn Thị Đức