Kính tặng Cô Hường    


     Thị xã Pleiku, năm 1980. Giờ ra chơi nó nhảy dây với bạn- kiểu nhảy tréo chân, móc chân không giống cách nhảy dây thời đi học của anh chị nó. Và một chuyện không may đã xảy ra: nó bị ngã oạch xuống nền xi măng của sân trường- một cú ngã choáng váng, đầu gối phải đập mạnh xuống nền. Tê điếng. Đau muốn ngất, tưởng không thở nổi.
    Tan học nó mím môi lê chân về nhà. Cũng may nhà nó không quá xa trường. Nó nằm vật xuống giường, người hâm hấp nóng, môi khô ran. Ba mẹ nó tất bật với cuộc mưu sinh, anh chị em nó người đi làm, người đi học… Nó cắn răng, cố duỗi thẳng cái chân đau ra lấy tay xoa xoa…
    Cuối tuần, chị nó dạy học ở xa về. Tức giận la cho một trận rồi chị tất bất đưa nó ra trạm y tế phường. Họ chữa đông y. Xoa. Day. Nắn. Kéo. Đau thấu trời xanh. Sợ chị, nó không dám khóc. Cuối cùng ông thầy thuốc bó thuốc vào đầu gối nó rồi đưa chị nó một gói bột dặn khi nào thuốc khô thì chế dấm lên. Vài ngày lại xào bột thuốc với dấm và bó lại cho nó.
    Tối đó, nó sốt. Người nóng ran, miệng khô khốc nhưng nó chỉ thầm rên khẽ, sợ làm mất giấc ngủ của nhà. Nó phải nghỉ học. Gian nhà vắng lặng, chỉ tầm trưa, chiều và tối nhà mới có người. Nằm một mình nó cứ ray rứt mãi. Thật là tệ! Ham chơi làm chi giờ để cả nhà phải lo rồi phải nghỉ học, nằm chèo queo một mình.
    Một tuần bó thuốc nặng nề trôi. Chị nó về. Thấy cái chân đau của nó không có chút dấu hiệu thuyên giảm mà giờ đã sưng to như chân người lớn, căng bóng, đỏ tấy từ đùi đến các đầu ngón chân. Chị nó lại hét lên. Lại la. Lại than trời. Nhưng sau khi vò đầu bứt tai coi kĩ cái chân sưng, chị nó nhờ một cô bạn chạy xe đạp lên để thồ nó đi bệnh viện tỉnh.
    Đường từ nhà đến bệnh viện tỉnh khá xa. Nó ngồi ở gác ba ga, bạn chị nó thồ còn chị nó thì đi bên cạnh nâng cái chân đau sưng to tướng của nó. Cứ thế hai bà chị mướt mồ hôi lặc lè, lặc lè đưa nó vào phòng cấp cứu. Vừa xem qua, bác sĩ và y tá mắng chị nó té tát rồi cho nó nhập viện.
    Nó nằm ở khoa Ngoại 2. Chị nó phải xin nghỉ để chăm nó. Hai chị em chia nhau suất cơm bệnh viện. Một ngày, hai ngày, ba ngày… chân nó vẫn sưng to, căng bóng. Nhức lắm nhưng đêm đêm nó vẫn cắn răng xuýt xoa khe khẽ, không cho chị nó hay.
    Chị nó nhìn chân nó và nóng ruột, bồn chồn ra mặt. Chẳng quen biết ai, chị nó làm quen với cô hộ lí: quét phòng, lau phòng, phụ dọn vệ sinh với cô… Một chiều rổi rảnh cô hộ lí ngồi chơi hỏi thăm về chân nó. Vừa lúc đó bác sĩ đi qua, không biết cô hộ lí nói gì mà nó thấy bác sĩ dừng lại xem kĩ cẳng chân nó rồi lấy xi ranh loại to chích vào đầu gối. Một dòng mủ xanh đặc trào lên. Bác sĩ mời chị nó vào gặp. Nó thấy chị nó lo lắng và hớt hải. Rồi hôm sau nó được đưa vào phòng mổ. Lúc cởi bỏ bộ đồ đang mặc, chỉ đắp hờ tấm ra trắng đã ngã màu vàng và nằm lên băng ca đẩy đi. Nó khóc. Chị nó cáu kỉnh mắng cho một trận, nó im re.
    Đêm đó nó nằm phòng hồi sức. Phòng bệnh im ắng, thỉnh thoảng vang lên những bước chân nhè nhẹ của y tá, bác sĩ và người nhà bệnh nhân. Chị nó ngồi bên giường, quan sát thần sắc của nó. Có lúc vị bác sĩ cao to mổ cho nó( sau này nó biết đó là bác sĩ Tịnh), dừng lại bên giường. Bác sĩ nói gì đó với chị nó. Nó chỉ nghe loáng thoáng là chân nó phải tập nhiều, may ra mới không bị cứng khớp gối…
    Nó tiếp tục nằm viện nhưng lần này là khoa Ngoại 1. Chị nó lại bắt đầu hành trình làm quen với hộ lý, với y tá. May sao ở khoa này có một cô y tá ( nghe mọi người gọi là cô Hường), còn chị nó cứ lễ phép một cô hai cô. Thì ra chồng cô là Thầy của chị nó. Thật là may. Nhờ đó mà cái chân nhiễm trùng đầu gối của nó được chăm sóc kĩ hơn và phát hiện kịp thời nó bị viêm cẳng chân lan tỏa, mủ không khu trú ở đầu gối mà do để lâu, chữa trị không đúng nên chỗ viêm ban đầu đã lan xuống đùi và cẳng chân của nó.
    Nó lại được đẩy vào phòng mổ. Những ngày sau nó nghe bác sĩ nói với chị nó đã lấy ra 300cc mủ xanh đặc ở đùi và bắp chân, đã truyền 250cc máu; hi vọng là nó chưa bị viêm xương. Chị nó lo sợ hỏi nếu bị thì như thế nào. Bác sĩ trả lời thì khá phiền vì sợ thuốc men thiếu, chỗ xương viêm cứ tái đi tái lại rò mủ mãi… Trời ơi, chỉ vì mải chơi và một chút bất cẩn, nó đã làm gia đình phải lo lắng chạy vạy ngược xuôi thế đó!
    Khi vết mổ gần lành, trong một lần khám bệnh, cô Hường và bác sĩ Ánh-trưởng khoa, đã gọi chị nó đến và hướng dẫn tập phục hồi khớp gối cho nó. Bác sĩ bảo mua một cái bi đông, lần đầu đổ khoảng một phần ba bình rồi để nó ngồi thòng chân xuống đất, treo bi đông nước lên chân đau cho đầu gối từ từ cong xuống. Lần sau lần sau số lượng nước tăng dần. Rồi phải cố gắng tập cho nó bước đi, tập cho nó co duỗi chân. Đau cũng phải kiên trì tập để có thể đi đứng bình thường, không bị cứng khớp gối.
    Và sau đó là những ngày kiên trì tập. Cái bi đông đơn giản với lượng nước tăng dần đã vô cùng hiệu quả. Cái chân thẳng đơ gần hai tháng nay đã cong xuống, đầu gối đã dần co vào được. Chị nó đã dìu nó đi được một quãng ngắn. Nó được ra viện. Về nhà nó bám tường tập đi. Gần nửa năm cái chân đã bình phục hoàn toàn. Thật là hú vía!
    Những ngày nằm bệnh viện nó nhớ nhất hai vị bác sĩ: bác sĩ Tịnh ở khoa Ngoại 2, bác sĩ Ánh ở khoa Ngoại 1 và cô Hường- y tá hành chính( điều dưỡng trưởng khoa) ở khoa Ngoại 1. Không có sự tận tâm và những lời hướng dẫn tận tình của các vị lương y này, chân nó chắc hẳn đã bị cứng khớp gối và bước đi của nó đã không thể bình thường…
    Giờ thì bác sĩ Tịnh đã không còn. Nghe nói khi về Quảng Nam ăn Tết với gia đình, bác sĩ đã qua đời vì căn bệnh sốt rét mà mầm bệnh đã ủ sẵn từ những ngày làm việc ở Gia Lai. Cô Hường và bác sĩ Ánh cũng đã không còn ở nơi này. Nhưng những vị thầy thuốc đáng kính ấy chẳng bao giờ nó quên…

Pleiku 11/2011                  
Nguyễn Thị Đức