PM: Hương Nguyên & Nguyễn Thị Đức
Một tối rảnh rỗi, tôi đến chơi nhà Dung-một cựu học sinh Bồ Đề. Mai nhà bạn có giỗ. Nhìn bạn hí hoáy dọn dẹp, nấu nướng với hai đứa cháu, tôi hỏi:
- Chuẩn bị đâu vào đấy cả rồi chứ?
- Ừ, tạm ổn.
- Định nấu bao nhiêu món? Bao nhiêu mâm mà lôi hết bát dĩa ra vậy?
- Mai chủ yếu chỉ mời phía nội nên gọn nhẹ thôi.
- Gọn nhẹ sao lại lôi cả tủ chén dĩa ra?
- Không, đang lựa. Lần này rút kinh nghiệm rồi. Chỉ rửa những tô chén sẽ dọn, không rửa toàn bộ như mọi lần.
Hai đứa cháu gái gọi bạn bằng cô, trạc mười chín, đôi mươi- lần nào nhà bạn có giỗ cũng lên phụ- đang rửa chén dường như thấm ý, nhìn nhau tủm tỉm cười. Dung chợt lên tiếng:
- Cái bình ga này gần hết mà không hết lẹ lên. Sợ mai đang nấu thì lại hết ga bất tử.
- Hết lúc nào thì kêu lúc đó. Lo gì mà lo!
- Trời, nghĩ mà tức cười. Bình ga nhà xài 6 tháng rưỡi mới gần hết.
- Thật không? Kiểm tra lại xem. Làm gì có chuyện đó.
-Thiệt! Coi ngày giao ga nè.Với lại nhà chỉ có hai mẹ con. Rồi thêm bếp từ, lò vi sóng. Có nấu ga mấy đâu.
Cúc, em gái Dung, tham gia:
- Nhà em cũng vậy. Từ ngày con dâu về ngoại sinh, con trai đi làm về thường tranh thủ chạy xuống ngoại thăm vợ con rồi gặp bữa ăn luôn ở đó. Nhà còn hai vợ chồng, bình ga ba bốn tháng cũng chưa hết.
Ngắm gian bếp đầy đủ tiện nghi của bạn, lòng tôi bâng khuâng nhớ khói từ các mái bếp năm nào. “ Giàu ngày ba bữa, khó cũng nổi lửa ba lần”, dù thu nhập thế nào, bếp nhà ai cũng đỏ lửa vài ba lần trong ngày.Việc củi lửa thời đó rất đa dạng, nhưng đa số cư dân Pleiku đều đi từ bếp rơm rạ rồi đến bếp củi, bếp than, bếp dầu... Một số ít nhà thời đó đã xài bếp điện, bếp ga sạch sẽ và sáng loáng. Nhưng in đậm trong tôi vẫn là bếp đun bằng rơm rạ và củi.
Bếp đun bằng rơm rạ chủ yếu ở vùng nông thôn. Sau vụ mùa, nhà nào cũng có cây rơm vừa để cho gia súc ăn, vừa dùng làm chất đốt. Bếp rơm đòi hỏi người nấu có nết chịu thương chịu khó, tỉ mẩn, khéo léo, không ngại vất vả. Dù mặt đỏ bừng, mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn tay cời tro, tay thoăn thoắt đẩy rơm. Bếp rơm gợi nhớ một bài học thuộc lòng thời tiểu học: “ Chiều nay mẹ bận chơi xa / Cho nên em phải ở nhà thổi cơm/ Nồi đồng nấu gạo tám thơm/ Tính em háu đói chất rơm bốn bề/ Nào ngờ quá lửa thành khê/ Mẹ em nhiếc mãi thẹn ê cả người”.Ơi những cái bếp đun rơm của bà, của mẹ! Bên thì vần nồi cơm, bên thì ấm nước và ông đồ rau thì lại bận rộn đội một nồi khác…
Bếp đun củi là loại bếp gắn bó nhiều nhất trong cuộc sống của gia đình người dân Pleiku thuở trước. Nhà bếp thường được cất thành một chái riêng, khá rộng. Nơi đây có chỗ treo nồi niêu xoong chảo lại vừa có chỗ đặt hũ muối, khạp dưa, có chỗ đựng đũa cả, ống thổi lửa, que gắp than; đồng thời còn có chỗ xếp củi- những thanh củi đã được bửa và chẻ nhỏ, đều tăm tắp, khô nỏ. Nguồn cung cấp chất đốt cho bếp củi chủ yếu là cành- thân của những loại cây trong vườn nhà: nhãn, mít, ổi, bơ, xoài, sầu riêng; giờ có thêm cây cà phê…
Những gốc tre, gốc cây xoắn, đầy mấu mắt, khó cưa, khó bửa thì cất riêng một góc để dành cho nồi bánh chưng, bánh tét dịp Tết. Những bó củi mà chủ nhà đã tự tay đẵn ở các khu đồi gần nhà hoặc các bìa gỗ mua từ xưởng cưa và những gùi củi mua của người dân tộc… được cưa thành từng khúc ngắn đều chằn chặn, xếp gọn trong một nhà củi riêng- như một hình ảnh của sự no đủ, một biểu hiện của nhà có của ăn của để!
Bếp đun củi có nhiều kiểu dáng. Có nhà dùng bếp kiềng; có nhà dùng mấy cục gạch hay ba hòn đá kê; có nhà dùng cọc sắt hàng rào cưa dài ngắn theo ý muốn và kê trên hai chồng gạch thành một bếp dài, một lúc có thể đặt nhiều nồi; có nhà sử dụng bếp lò- loại bếp chủ yếu dùng cho việc đun nấu bằng than; có nhà dùng loại bếp bằng ống sắt, ngoài nén chặt mạt cưa, trong để thành một ống rỗng rất ít tốn củi …
Dù kiểu dáng nào thì bếp củi vẫn luôn sưởi ấm một thời thơ ấu. Ai có thể quên những lúc hì hụi ngồi chồm hổm thổi lửa bên bà, bên mẹ? Ai có thể quên những hạt lạc, hạt ngô, hạt bí rang giòn và thơm phức mẹ nhón cho đứa con bé bỏng; những miếng cháy cơm nếp nóng hổi mẹ dúi cho đứa con háu đói trong gian bếp thơm mùi khói, củi nỏ cháy đượm nổ lách tách và vách bếp bập bùng ánh lửa ? Ai có thể quên những củ lang lùi, những trái bắp tươi, những củ sắn nướng cả vỏ- kiểu nướng chín từ từ bằng hơi nóng bên bếp củi ngon không tả xiết! Ai có thể quên vị ngon của món nấm vườn nhà gói trong lá bình tinh rắc ít muối nướng trên những hòn than hồng từ bếp củi; ai quên sự hấp dẫn của những con cua, con ốc bắt ở ruộng, ở suối nướng trên những cái bếp dã chiến trong những lần trốn mẹ rong chơi?
Bếp lửa còn gợi bao bài học làm người mà mẹ cha ta đã dạy bằng những lời lẽ giản dị trong gian bếp khói hun nhèm mắt- những bài học luôn khắc sâu trong ta, trở thành một phần tính cách của ta : không cho ông Táo “ăn” những loại củi uế tạp như chân ghế, chân giường, mặt ghế, dát giường; bếp có than hồng nhớ gắp ra rồi nhốt lại, để dành hôm sau đun; nấu xong nhớ rút củi ra dập lửa cẩn thận và nhớ vùi một vài hòn than đỏ giữ lửa cho lần sau; khi đưa củi vào bếp phải quan sát và xác định đâu là gốc đâu là ngọn để chụm phần gốc trước vì cái gì cũng phải có gốc có ngọn, có đầu có đuôi...Khi nhóm lửa phải chất củi khô nỏ trước và nhớ không xếp củi quá nhiều, lòng bếp phải thoáng đúng như lời người xưa dạy: “ Lòng người thì phải đặc, còn lòng bếp thì phải rỗng”để khi chêm thêm một ít que củi chẻ nhỏ, nhất là củi ngo thì ngọn lửa hồng sẽ bùng lên, bén vào củi lớn…Bao nhiêu bài học ở đời! Đặc biệt thời đó, lũ chúng tôi còn nhớ như in các bậc cha mẹ luôn miệng răn dạy con gái việc bếp núc phải gọn gàng, vén khéo. Đi coi mắt con dâu, mấy bà gia chỉ cần nhìn gian bếp là biết rõ một trong tứ đức của con dâu tương lai như thế nào…
Bếp rơm, bếp củi và những làn khói lam chiều vương trên các mái tranh đã đi vào thơ ca nhạc họa. Bên cạnh những gian bếp hiện đại, đầy đủ tiện nghi, nhiều nhà ở Pleiku bây giờ vẫn có một gian bếp củi ngày nổi lửa ba lần. Củi vẫn tí tách reo. Lửa hồng vẫn bập bùng. Khói bếp vẫn la đà… Để tận dụng chất đốt sẵn có trong vườn nhà? Để tiết kiệm ga như bản tính chắt chiu tằn tiện xưa nay? Để thỏa nỗi nhớ khói, nhớ bếp lửa nồng ấm kỉ niệm một thuở?…Có lẽ là tất cả! Vì sâu thẳm tâm hồn của mỗi người Việt Nam, cái bếp gắn liền với hình ảnh người mẹ; làn khói bếp mỏng manh nhưng luôn có sức mạnh thúc giục những đứa con xa rảo bước quay về : “Từ xa, từ xa/ Làn khói mỏng lan dần trong khóm lá/ Chắc trong bếp giờ này có mẹ/ Nghe ấm lòng con bước thật nhanh…”
Bếp ga, bếp điện, bếp từ của thời hiện đại vẫn gắn với hình ảnh mẹ nhưng sao trong ta mãi nhớ khói bếp của một thời?
Hương Nguyên & Nguyễn Thị Đức
đầu tháng 07 năm 2011