NGHĨA VỢ CHỒNG


  PM_Nguyễn Thị Đức


Gái thương chồng đương đông buổi chợ
Trai thương vợ nắng quái chiều hôm
(Ca dao)

Riêng tặng Xuân Hương và Tình.



    Chàng là dân BắcKỳ 54, ở nơi khác đến, chỉ học trường Trung Học Pleiku những tháng cuối năm 1975. Nàng gốc Bình Định, cựu học sinh PleiMe, nhà ở đường Sư Vạn Hạnh, con nhà dòng dõi. Chị em gái nhà nàng, ai cũng nổi tiếng xinh đẹp thùy mị, nước da trắng như bông bưởi, mũi cao, mắt to và sâu. Trước 1975, cư dân Pleiku hầu như không ai không biết gia thế của nàng.
   Việc nhân duyên của chàng và nàng là do ông trời sắp đặt! Ai cũng nghĩ thế! Hai người gặp nhau trong một khoá tập huấn nghiệp vụ kế toán tại Kon Tum. Cảm vẻ đẹp của nàng, chàng lân la đến nhà, rủ nàng đi dạo chơi, Nàng có vóc dáng khá cao lớn, chàng chỉ có một chiếc xe đạp trành. Khi chở nàng đi chơi, đường bằng thì xe còn “quay đều, quay đều”, đường dốc chàng gò lưng đạp, đưa chiếc xe nhích lên từng chút. Chạnh thương nàng hỏi :
      - Tình có mệt không ?
      - “Phình phường”, chàng trả lời trong hơi thở phì phò.
   Cha nàng rất khó tính, ông không ưa chàng chút nào. Có lần chàng và nàng ngồi ở xích đu trước nhà trò chuyện. Chàng đưa ra một chiếc rổ đan bằng tre thật xinh xắn, loại rổ phụ nữ thường đựng son phấn hoặc kim chỉ để may vá hỏi nàng có thích không. Nàng vừa mới gật đầu bỗng nghe tiếng gậy ba toong của cha nàng lộc cộc, lộc cộc vang lên. Hoảng sợ, nàng đẩy chàng về; còn nàng thì vội quay xuống nhà dưới, lòng thầm mong sao cha nàng đừng bắt gặp chàng.
   Vậy mà chàng không chịu về, cứ trân mình đứng dưới giàn bông giấy trước cửa. Cha nàng trông thấy, gằn giọng hỏi :
      - Cậu làm gì mà đến nhà tôi hoài ?
      - Dạ, cháu đến chơi với Hương, Bác không cho đến ngày một thì cho cháu một tuần đến chơi một lần.
   Nói xong, chẳng đợi cha nàng đồng ý hay không, chàng vẫn tiếp tục trân mình đứng dưới giàn bông giấy, mãi khuya mới về.
   Đúng một tuần sau, chàng lại đến với món quà là chiếc rổ đựng kem phấn nhỏ xinh (chàng có nghề đan lát, chàng đan rổ, rá rất khéo). Cha nàng vẫn chưa chấp thuận. Những lần sau, chàng tạt qua nhà cô em, ở sát vách nhà nàng. Có lẽ do trời định và do sự hỗ trợ ngầm của cô em này mà chàng cưới được nàng – trong khi chàng chỉ là một nhân viên kế toán, tay trắng, lương bổng không bao nhiêu, gia đình chàng lại rất khó khăn, bản chất chàng lại cục mịch, thật thà, không khéo ăn khéo nói.
   Đận mới lấy nhau, thật là vất vả. Nàng là kế toán của hợp tác xã phường, chàng là kế toán của một trường học. Cộng chỉ số lương không đủ sống. Rồi hai đứa con lần lượt ra đời, gia đình bé nhỏ này lao đao, vất vả với sinh kế. Không có sự giúp đỡ của anh chị em nàng thì khó có thể vượt qua giai đoạn ấy.

    15 năm trở lại đây cuộc sống của gia đình tạm ổn định. Nhờ anh Hai giúp, nàng đã mở được một cửa hàng tạp hoá nho nhỏ. Ngoài giờ làm việc, chàng tranh thủ đi chở hàng về cho nàng bán. Đồng lương ít ỏi nhưng khéo tằn tiện, gom góp nàng cũng gánh vác được “giang sơn nhà chồng”. Còn chàng, ngoài việc đi lấy hàng thì chàng vẫn phó thác toàn bộ việc nhà cho nàng. Lương ba cọc ba đồng muốn thể hiện mình là trụ cột, muốn đỡ đần nàng, chàng cũng đành bó tay chấm com (botay.com), để mặc nàng “nuôi đủ hai con với một chồng”. Nàng không hề hé môi than thở với mẹ chồng vì bà đã nói :
      - Cái thằng lùn, thằng khùng. Con lấy nó thì ráng chịu.

*

                                                                  *           *

    Rồi cuộc sống “sáng vác ô đi, tối vác ô về “với kiểu “uống trà nhịp” khiến chàng nhiễm thói xấu : bài bạc! Ôi vướng vào một trong tứ đổ tường. Nghe ghê gớm thế, nhưng chẳng qua là chơi tiến lên, tá lả …. Sau này nàng mới biết là chỉ chơi cò con với anh em trong cơ quan, ăn thua chẳng đáng kể nhưng nàng giận vì chàng quá đam mê đến nỗi bỏ quên cả vợ, con. Lấy chàng, nàng đã chấp nhận một cuộc sống thiếu thốn, đầy lo toan, vất vả, không thể nào quẳng gánh lo đi – dù chỉ một phút. Lấy chàng, nàng đã thầm lặng tự đương đầu, tự xoay sở, tự bương chải trong cuộc sống sao cho có đủ chi phí cho con ăn học, có tiền để lo chu tất việc gia đình chồng … Lấy chàng, nàng chẳng bao giờ biết đến những thú vui chơi, giải trí. Một năm 365 ngày, ngày nào cũng bán bán buôn buôn, cũng hàng hàng hoá hoá, tính toán lời lãi không nghỉ một ngày. Vậy mà chàng nhàn nhã quá lại hoá hư, mải mê lao vào cờ bạc, trưa không về, chiều cũng không về … Lúc đầu, thấy chàng đi làm giờ giấc thất thường, có lúc về 11,12 giờ đêm. Như những người phụ nữ khác, nàng đau đớn, dằn vặt và nghi ngờ có người thứ ba xen vào gia đình này. Có những lúc nàng phải tạm đóng cửa quán cất công lên cơ quan chàng, đứng xa xa theo dõi rồi khéo léo dò hỏi đồng nghiệp của chàng. Lúc thì nàng đi một mình, lúc lại kéo cả mẹ chồng, nhưng vẫn không có một bằng chứng nào để cáo buộc chàng, mà chàng thì vẫn đi về thất thường, đầy khả nghi như thế!
    Hệ thống lại mọi việc, nàng chuyển sang hướng khác. Trai gái : không ; Hút sách : không ; Rượu chè : không. Vậy chỉ còn tật cờ bạc. Đúng như thế chàng đang lao vào cuộc đỏ đen. Nàng giận không sao tả xiết, dù chàng chỉ chơi với đồng nghiệp ở cơ quan sau giờ làm việc nhưng vẫn uất lắm. Người ta nói : “Cờ bạc là bác thằng bần”, không thể thế được! Và nàng đã đôi lần xuất hiện tại cơ quan chàng với vẻ mặt giận dữ, đằng đằng sát khí. Có lẽ vì nàng quá quyết liệt mà chàng đã đoạn tuyệt với 52 con bài đen đỏ. Sau này, những lúc vợ chồng vui vẻ, hỏi riêng chàng thì chàng trả lời : “ Ngày xưa mê 4 bà đầm trẻ đẹp trong bộ bài, nhưng nay mấy bả già rồi nên không mê nữa”. Cơ quan chàng xì xầm nàng dữ như sư tử Hà đông. Mặc, miễn là chàng từ bỏ được đam mê bài bạc là nàng vui rồi.
    Cơ quan của chàng chưa đầy 20 người và họ coi nhau như một gia đình. Dịp 8/3 cơ quan thường mời cả dâu, rể của cơ quan đến cùng đi chơi. Những lúc đó mấy cô, mấy chị trong cơ quan thường nghe nàng phàn nàn về sự vô tâm của chàng. Chàng chắc cũng biết nhưng đóng mặt tỉnh khô. Nàng cũng hơi dị vì “xấu chàng hổ thiếp” nhưng cũng phải tâm sự nhờ anh, chị em trong cơ quan nhắc nhở chàng.
    Đất nước mở cửa, hội nhập với thế giới. Giáo dục càng vươn lên cho theo kịp khu vực. Các trường học được vi tính hoá. Chàng đam mê máy móc, miệt mài cả đêm ngày, bỏ tiền túi ra học hỏi, mua sách vở tự nghiên cứu. Từ một người “ngoại đạo” với công nghệ thông tin, với lòng say mê và sự cần cù sẵn có, chàng đã trở thành người giỏi vi tính nhất, nhì ở cơ quan. Máy móc của các trường bị hư hỏng, chàng đều phục hồi được. Chàng thường hài hước tự nhận mình là “ chuyên gia sửa phần mềm máy tính không sửa phần mềm phụ nữ”. Ngoài lương chàng có thêm nghề tay trái, tuy có thu nhập thêm nhưng chàng chỉ đưa đúng xuất lương hàng tháng nhận được không hơn không kém cho nàng. Nàng cũng không hề hỏi thu nhập phụ của chàng. Lúc này chàng thường xuyên vắng nhà. Ai hỏi thì nàng trả lời với giọng giả như bàng quan nhưng lẫn chút tự hào ;
      - Ôi biết đâu, ổng dạo này hay đi lắm, thứ 7, chủ nhật cũng chẳng có ở nhà.
    Nàng cũng không còn đóng cửa tiệm tạp hoá để đi do thám nữa.

*

                                                                  *           *

    Hè vừa rồi, có những ngày mưa liên miên, xối xả. Quần áo phơi cứ i ỉ , không khô và không thơm mùi nắng chút nào. Một chiều thứ bảy, nàng thấy nắng vừa hửng bèn ra phía sau nhà, đứng lên ghế kéo mền ra phơi. Không ngờ mất đà, nàng ngã. Ở tuổi U60, đó là cú ngã khá nặng. Không tự đứng lên được nàng gọi to, chàng và đứa con thứ hai vội chạy xuống lựa thế khiêng nàng lên giường. Đau nhức, cái chân như chân gỗ, cứ thẳng đơ, đụng vào là nàng hét vang lên. Chàng vội đưa nàng vào bệnh viện, chụp X quang chẩn đoán gãy cổ xương đùi, y sĩ bảo nằm để theo dõi vì thứ 7, chủ nhật không có đủ bác sĩ để mổ. Ngày thứ bảy nặng nề trôi, cái chân đau hành sốt, nàng uống thuốc và chờ thứ hai mới có bác sĩ trực để phán quyết. Sau khi khám, không thấy chỉ định của bác sĩ, chỉ thấy một đơn thuốc cho ngày hôm sau yêu cầu phải mua trước, nôn nóng vì sự xử lý chậm chạp của bác sĩ và được nhiều người bạn tư vấn, chàng quyết định xin cơ quan cho nghỉ phép đột xuất để đưa nàng đi Sài Gòn chạy chữa. Bán tạp hoá trong xóm, tiền chỉ đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày, nàng lo sợ không đi, chàng dõng dạc đập tay vào túi áo ngực :
      - Tiền đây! Mới xin tạm ứng được 10 triệu nè.
   Chàng lại đưa ra cái thẻ ATM rồi cao giọng nói tiếp :
      - Còn đây nữa nè. Tui cho bà đi, bà cứ yên tâm đi.
   Nghe chồng tuyên bố hùng hồn, nàng xúc động rơm rớm nước mắt, chàng tiếp tục lên cơ quan hỏi ý kiến xem nên vào bệnh viện nào ở SG, chuyển bệnh nhân gãy xương đùi bằng phương tiện gì cho thuận lợi : xe giường nằm, máy bay hay xe cấp cứu 115. Một đồng nghiệp ở cơ quan khuyên nên lô xe khoảng từ 1,5 đến 2 triệu vì sợ gãy xương đùi không đi máy bay được. Về nhà, chàng quyết định chuyển viện bằng máy bay. Sau khi bắt nàng ngồi trên xe lăn gần nửa giờ để kiểm tra tình trạng, an ninh phòng vé mới cho lấy vé máy bay, chiếc xe lăn đưa nàng đến chân cầu thang máy bay thì ngừng. Chàng phải chứng tỏ “bản lĩnh đàn ông thời nay” bồng nàng lên cầu thang rồi đặt xuống ở hàng ghế cuối trong máy bay. Nàng vốn to con, lúc bồng lên chàng đủ sức nhưng khi đặt được nàng trên máy bay thì chàng thở không ra hơi vì mấy chục năm nay chàng chưa làm việc này bao giờ ... “bế vợ”!

*

                                                                  *           *

    Đến Sài Gòn, hầu hết anh, chị em nàng đã tề tựu đông đủ. Do đã hội ý từ trước họ quyết định đưa nàng vào bệnh viện chấn thương chỉnh hình của tư nhân để mổ cấp cứu giảm được thời gian chờ đợi bất hợp lý. Phía bên vợ hỏi đã lo được đủ tiền chưa mà vào đây, chàng trả lời : Có 10 triệu tiền mặt bên nội giúp đỡ và 20 triệu tiền trong thẻ ATM vay nóng, nếu còn thiếu thì sẽ lo tiếp. Nàng nhìn chàng như có ý hỏi : Sao ứng tiền ở cơ quan mà dám nói như vậy, chàng cười nụ cười thật hiền ;
      - Vợ đau thì phải có tiền lo chứ ! Không có tiền để bên ngoại họ cười ư ?
    Ca mổ kéo dài khá lâu, cơ quan liên tục gọi điện hỏi thăm, rồi nàng cũng được chuyển ra phòng hậu phẫu. Phía vợ hỗ trợ tích cực về tiền bạc, nhiệt tình động viên, an ủi, chăm sóc thì đã có chàng. Tất tần tật mọi việc, việc gì chàng cũng tự tay lo cho nàng, Một ngày … Hai ngày rồi nửa tháng. Việc cơ quan dồn đống, điện thoại liên tục reo vang. Có lúc nóng ruột chàng toan về nhưng nghe mẹ vợ nói lẫy, chàng tặc lưỡi : “Tính sau”, rồi ở lại với nàng.

    Hai mươi ngày qua, được xuất viện với chỉ định ngặt nghèo của bác sĩ : thời gian nào được thòng chân, thời gian nào được chạm chân xuống đất, thời gian nào tập đi phải theo đúng y lệnh của bác sĩ. Ngày ngày nàng ở nhà, phải nhờ người đến giúp nàng chợ búa, dọn dẹp một thời gian ngắn khi chưa được phép cử động nhiều. Nàng cảm thấy mình yếu đuối và bất lực biết bao. Đau nằm một chỗ việc lớn, việc nhỏ gì cũng phải nhờ, ngay cả tự phục vụ cho mình cũng không thể. Thương mình, thương chồng nàng luôn dấu kín những nỗi buồn và những giọt nước mắt thầm lặng. Sáng sáng, chiều chiều trước khi khép cánh sửa sắt, để nàng một mình trên giường bệnh với không gian yên tĩnh, chàng đều trêu nàng :
      - Công an không cho ra khỏi nơi cư trú, vậy bà cứ ở đó đừng đi đâu nhé.
   Phải nằm im một chỗ ! Thật vậy, các con đi làm, đi học xa, chàng cũng phải lao vào công việc, nàng phải nằm bất động trên giường. Ôi một kiểu “ở tù” thật ngao ngán. Gian nhà vắng lặng, chân đau, thân thể rã rời … Những ngày trên giường bệnh nàng thầm cảm ơn trời, người mà nàng chung sống gần 30 năm nay, người cha của 2 con trai nàng, người mà có những lúc nông nổi, cạn cợt này đã từng phàn nàn, kêu ca … Người ấy lúc “nắng quái chiều hôm”, lúc hai vợ chồng mấp mé tuổi 60, con cái đi xa cả, nàng mới hiểu được nét đẹp trong sâu thẳm tâm hồn chàng : một người đôn hậu, chất phác, nghĩa tình hết lòng thương yêu vợ, con, không như một số người khác quanh nàng. Cuộc sống của họ có thể dư dả về vật chất nhưng tìnhvợ chồng thì : “Cái nghĩa đã phai, dẫu khăn dài cũng ngắn”.

    Những ngày đau ốm rề rề dài lê thê rồi cũng nặng nề, chậm chạm trôi, nàng bị gãy cổ xương đùi đã gần một năm. Một năm không buôn bán! Một năm không làm ra đồng nào! Một năm mọi việc đều cậy nhờ chồng! Những lúc chàng đi làm, bao nhiêu nước mắt của nàng đã thầm lặng rơi. Cứ nghĩ mình đau ốm triền miên là gánh nặng cho chồng, trái tim nhỏ bé của nàng như có bàn tay ai bóp chặt. Đớn đau khôn cùng, từ khi lấy nhau, bây giờ chàng mới thực sự là trụ cột là chỗ dựa vững chắc cho mẹ con nàng : chăm sóc, an ủi cho nàng yên tâm dưỡng bệnh, tích góp tiền bạc mua xe cho con, gửi tiền ăn hàng tháng cho con ăn học. Khoản thu nhập thêm của chàng mà lâu nay cất dấu, nay đã được dùng một cách có ý nghĩa nhất: lo được cho vợ, cho con. Cuộc đời có ai học được chữ ngờ. Trước kia nàng cứ nghĩ với khả năng xoay sở của mình, chàng mãi mãi chỉ biết một việc là đi lấy hàng về cho nàng. Bây giờ thì … nghĩ đến đây, nước mắt nàng lại rơi lả tả, đầm đìa trên hai gò má.

    Có tiếng mở cửa, rồi giọng nói trầm trầm của chàng vang lên. Sao mới hai giờ chiều mà chàng đã về ? Ồ, chàng mang về cho nàng một phần bánh kem, phần bánh được đặt cẩn thận trên một chiếc đĩa thật xinh và chàng đã chạy xe thật khéo để phần bánh vẫn vẹn nguyên với bơ tươi trang trí trên mặt và bên hông. Ôi, chàng của nàng người đàn ông cục mịch ở tuổi U60 này, người mà mấy chục năm qua dú đầu ấp tay gối nàng vẫn không hiểu hết, người mà nàng vẫn gọi bằng “ông” và xưng “tui”…

PM_Nguyễn Thị Đức
Pleiku vào Xuân_tháng02năm2010