TRUYỆN NGẮN- Nguyễn Đoan Tuyết



 


      Khi gia đình ông Khá dời đến mua đất vườn và xây lên một ngôi nhà đồ sộ nhất xóm này thì mọi người trong xóm ai cũng gọi vợ chồng ông bằng một biệt danh quen thuộc cho đến tận bây giờ là “ Ông (bà) nhà giàu” mặc dù trong sổ hộ khẩu gia đình vợ chồng ông đương nhiên là có tên tuổi hẳn hoi ( có lẽ khi cha mẹ ông Khá đặt cho ông tên này cũng đã nuôi ít nhiều kì vọng vào ông). Quả thật, nếu xét về tài sản, đất đai mà ông bà có được thì cũng đáng gọi như vậy lắm. Không chỉ có thế, dư luận còn đồn đại rằng trong cuộc di tản hoảng loạn chưa từng có của người dân Pleiku và Kontum vào tháng 3 năm 75, nhà ông đã vớ được cả một thùng đạn vàng và bỗng chốc giàu sụ lên trong khi nhiều người bị mất trắng cả sản nghiệp! Không ai có thể kiểm chứng được tin đồn này có chính xác hay không nhưng cứ nhìn qua cách sống, đặc biệt la cái cách mà vợ chồng ông “ đối xử “ với đồng tiền thì ai cũng có thể tin đó là sự thật.
     Đầu tiên là từ việc ông Khá tự thiết kế ngôi nhà đang ở. Chuyện này cách nay cũng khá lâu rồi nhưng có lẽ do nó quá độc đáo nên vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi ! Khi xây nhà, đám thợ hồ không thể không xì xào bàn tán ra đến tận bên ngoài vì cái “thiết kế” hết sức kì quặc- có một không hai mà trong đời đi làm thợ họ chưa bao giờ gặp phải. Đó là một ngôi nhà không chú trọng vào tiện nghi, giá trị sử dụng của nơi ăn chốn ở; cũng chẳng cần quan tâm về mặt thẩm mĩ mà chỉ cốt làm sao để bảo vệ được những của cải, sản phẩm mà nhà ông làm ra. Nếu biết quí trọng thành quả do mồ hôi công sức làm ra thì cũng đúng thôi nhưng đằng này vì ông ta quá sợ bị ăn trộm nên đã cho làm một gác lỡ, đúng hơn là một cái kho chứa hàng ở ngay trên không gian của phòng khách. Điều đáng nói là muốn đi lên trên cái gác ấy không phải bằng một cầu thang cố định như thông thường mà lại bằng một cái thang di động, có nghĩa là khi cần phải tốn thời gian lắp vào mới có thể lên được . Vì vậy nếu có người bà con nào đến chơi ( khách của ông chủ yếu là bà con) mà cần lấy ngay các loại nông sản hay cà phê khô trên cái kho ấy thì sẽ được chứng kiến một cảnh tượng không mấy đẹp mắt từ kho hàng trên cao xuống đến dưới phòng khách nhà ông. Trên đời này, nếu có ai dám mạo hiểm cả tính mạng “lấy thân để che của” ( vì cầu thang không an toàn) thì trong số đó phải có vợ chồng ông Khá.
     Mãi sau này, người dân vùng này mới hiểu ông ta đâu chỉ có chống trộm ở bên ngoài- mà cũng chỉ tại “gậy ông đập lưng ông “ đấy thôi !
     Còn một chuyện nữa rất khó tin nhưng có thật là nhà ông không chịu bắc điện- đúng hơn là có điện sau mọi ngưòi trong xóm đến ngót 15 năm. Trong khi cả thế giới đều hiểu điện đóm cần thiết cho đời sống như thế nào, con người đang phấn đấu để đưa ánh điện về tận những vùng xa xôi hẻo lánh nhất thì nhà ông Khá- đang ở trong một vùng có điện lại không chịu có điện- thật không thể tin được nếu như không tận mắt chứng kiến. Khi bà vợ ông cứ thỉnh thoảng đi mua lẻ dầu lửa ở mấy quán gần nhà để thắp mấy cái đèn hột vịt vào ban đêm thì bà chủ quán – mặc dù bán được hàng- vẫn không thể không hỏi một câu:
     - Sao nhà chị không bắc điện?
     - Tại vì… vì… nếu có điện thì phải .. . tốn thêm nhiều thứ lắm.
     - Tốn thì tốn chứ sợ gì , có điện vẫn hơn chứ.
     Bà Khá còn phân bua nào là nhà bà dư sức lao động, nếu có điện con bà sẽ đòi mua máy bơm nước trong khi bà muốn để chúng quây nước bằng tay từ dưới giếng lên cho khoẻ người ( mà giếng ở đây sâu đến 25m vào mùa khô), để chúng khỏi ăn không ngồi rồi mà sinh hư. Nào là con bà sẽ đòi mua ti vi, cát-sét, quạt máy, tủ lạnh…đủ thứ hết , rồi lại phải tốn tiền điện hàng tháng nữa. Nếu thắp đèn dầu cả nhà bà sẽ đi ngủ sớm để hôm sau làm việc cho tốt . Khi nghe qua, ai cũng lắc đầu ngao ngán cho cái đầu và cách suy nghĩ của bà. Không hiểu tại làm sao mà vợ chồng ông Khá lại cùng hợp nhau về điểm này (một trong những lí do để li hôn hiện nay là khi vợ hoặc chồng không chịu nổi người kia vì tính bủn xỉn, keo kiệt) .

     Nếu Molière- nhà soạn kịch tài ba của nước Pháp mà còn sống trên cõi đời này hẳn là ông sẽ rất vui mừng khi đã tìm được… bản sao của Harpagon- nhân vật keo kiệt điển hình và bất hủ cách nay hơn ba thế kỉ đã tái sinh ở nơi này, chỉ khác nhau về cách biểu hiện mà thôi !
     Riêng lũ con của ông bà Khá phải đêm đêm ngồi bên bàn học với ánh đèn dầu tù mù trong một ngôi nhà to tướng, toạ lạc trên một thửa đất vườn rộng nhất vùng có hai mặt tiếp giáp với hai “mặt tiền”; khi mà các nhà xung quanh đều có ánh điện sáng choang đã là một cực hình đối với chúng. Bà con lối xóm không hiểu nổi sao lại có người ngồi trên đống của mà phải ép xác để con cái phải chịu đày đoạ như thế. Cũng đâu có lí do gì để ông Khá phải dùng” khổ nhục kế “ như các bậc anh hùng theo đuổi chí lớn của thời xưa ! Không biết do bị ức chế tinh thần kéo dài hay là do gen di truyền mà các con ông Khá học hành rất chật vật, đứa khá nhất cũng chỉ học đến hết lớp 12 là phải nghỉ. Trong số đó có hai đứa con trai út song sinh không vượt quá tiểu học. Hai cậu này cùng bị xếp loại yếu về học lực cuối năm lớp 5, lại cùng tham gia một vụ “đốt cờ Tổ quốc” trong lớp học khi học sinh phải mang cờ đến trường để đi cổ động cho nên bị đưa ra Hội đồng kỉ luật và bị xếp hạnh kiểm yếu ( phải chăng đây là một cách phản kháng, một sự nổi loạn có căn nguyên từ trong gia đình). Thế là ông Khá lôi hai đứa con ra đánh cho nó một trận nhừ tử vì cái tội phải ở lại lớp. Vừa đánh, ông vừa gầm lên :
     - Tụi bay ngu quá nên cho đi chăn bò cho rồi.
     Hình như chỉ đợi có thế, cả hai đứa con trai đều đồng loạt xin ở nhà đi chăn bò cũng được chứ chẳng đứa nào tha thiết học hành gì nữa. Có lẽ ông Khá cũng không buồn lâu vì từ nay ruộng vườn nhà ông đã có thêm hai lao động.
     Cứ như vậy, cuộc sống tù hãm, tối tăm ( hiểu đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này) của gia đình “ông nhà giàu” trôi qua gần 15 năm sau trong con mắt khó hiều của người đời. Cho đến một ngày ông Khá phải cuới vợ cho đứa con trai thứ, tiệc cưới tổ chức tại nhà, có tiệc cho bọn trẻ vào buổi tối nên ông ta đã phải…muối mặt sang nhà hàng xóm xin câu nhờ bóng điện và đương nhiên được nghe những lời góp ý không mấy êm tai của họ. Cũng may là năm sau lại đến lượt một cô con gái nữa lấy chồng và lần này ông không đủ can đảm để đi xin điện hàng xóm lần nữa nên “ông nhà đèn” mới có cơ hội để thu tiền điện nhà ông.
     Nhưng rồi các con của ông Khá đâu muốn sống gần cha mẹ, hễ ai đến tuổi lập gia đình là đòi ra ở riêng vì không chịu nổi sự hà khắc. Hai đưá con trai út đã nghỉ học cũng chỉ ngoan ngoãn nghe lời một thời gian rồi sau đó chúng đi làm thuê, làm mướn những công việc lao động phổ thông đơn giản để kiếm tiền riêng thấy sướng hơn là làm cho nhà mình. Chúng không chịu nổi suốt ngày này qua ngày khác phải chôn chân trên cánh đồng nắng cháy hay phải giam mình trong các rẫy cà phê bạt ngàn, bị chính cha mẹ đẻ của mình vắt kiệt sức lao động để của cải làm ra ngày càng đầy lên trong khi những ước muốn chính đáng của chúng đều bị chôn vùi . Điều tệ hại nhất là ông Khá không sai khiến hai đứa con út được nữa nên cứ để mặc chúng muốn làm gì thì làm.
     Khi không tìm được việc, không có tiền tiêu, bọn chúng bèn giở trò đạo tặc ngay trong nhà nên một số đồ dùng không biết đội nón ra đi từ lúc nào. Đặc biệt là cà phê- một thứ hàng hoá có giá mà rất dễ tiêu thụ , dù cất ở kho hàng trên cao với chiếc cầu thang chống trộm nhưng bọn chúng vẫn có cách để tẩu tán ra bên ngoài.
     Do không sai khiến được con mà cũng không muốn mất tiền thuê nhân công hái cà phê ( vả lại ai cũng bị ông chê là làm dở, không đáng đồng tiền bát gạo) nên cả hai vợ chồng già- đã quá tuổi để leo trèo, lại cứ phải bắc thang leo vắt vẻo trên cành cao như người làm xiếc trông vừa đáng thương vừa buồn cuời làm sao! Mà cà phê mít lại rất cao, ở vùng này mọi người đều chặt bỏ để thay bằng giống cây thấp hơn, dễ thu hái mà giá trị kinh tế cũng cao hơn nhưng lão tiếc tiền đầu tư và khoảng thời gian bị thất thu để chờ cây mới. Chao ôi! Phàm cái gì mà tính toán già quá thì lại…hoá non.
     Cứ thế, ông bà già phải trèo cây hái cà phê thì cứ trèo, mấy đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn thích đi làm thuê bên ngoài thì cứ đi. Những lúc quá tủi cực, vừa làm ông vừa chưởi đổng và mắng nhiếc vợ không biết dạy con, bởi vì…con hư tại mẹ. Cho đến một hôm, một người bạn của con ông chạy về báo hung tin thằng con út bị cây ngã đè đang cấp cứu ở bệnh viện. Bác sĩ khuyên nên chuyển gấp vào Trung tâm chấn thương chỉnh hình ở Sài gòn vì cột sống bị tổn thương có thể dẫn đến tê liệt nhưng ông Khá cứ nhất quyết để chờ người chủ nơi con ông đang làm thuê chịu trách nhiệm mọi chi phí rồi mới chịu đưa đi. Ông ta đem tính mạng và sự an nguy của con ra mà thi gan, mà gây sức ép với người chủ với suy nghĩ “ cứ để đó, nếu nó có ra làm sao thì họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Do trì hoãn và không được chữa trị triệt để nên cuối cùng thằng con ông bị liệt nửa người thật sự, mà ông Khá cũng chẳng thể nào buộc người ta phải trả lại sức khoẻ cho con ông như trước, tiền bạc lúc này đã trở thành vô hiệu. Giá như con trai ông bị nạn và bị tàn phế trong một trường hợp khác với một hoàn cảnh gia đình khó khăn, có lẽ búa rìu của dư luận đã không nhắm bổ vào ông.
      Từ đó trở về sau, cuộc sống của gia đình ông Khá đã trở thành đề tài cho bà con chòm xóm bình luận, đàm tiếu, mà làm sao có thể ngăn cấm được “bia miệng” của thế gian. Cụ Trí- một người hàng xóm chung một hàng rào với nhà ông Khá, trong những lúc trà dư tửu hậu thường nói với bà con rằng :
     - Bà Năm đi bán vé số và giúp việc nhà theo giờ cho người ta mà nuôi được hai con tốt nghiệp đại học; ông Huân chạy xe ôm , bị vướng vào cái “ lí lịch không rõ ràng” thế mà các con ông vẫn học hành giỏi giang, có nghề nghiệp đàng hoàng ; còn đằng này giàu có như ông Khá thật là vô nghĩa. Ai dám chắc sau này con cháu ông không làm tiêu tan hết gia sản vì chúng đâu có học được từ cha mẹ cách sử dụng đồng tiền sao cho có ích nhất.
     Một ngưòi khác cũng góp lời :
     - Đúng vậy, nếu chỉ biết chăm bẵm cho cái túi tiền càng ngày càng nặng lên mà xem nhẹ các giá trị khác thì sẽ chuốc lấy hậu quả nhãn tiền ngay đấy thôi.
     Mặc cho thiên hạ muốn nói gì thì nói, lão” Harpagon tái thế “ vẫn chưa thôi đam mê tích luỹ của cải không hề biết chán vì biết bao nhiêu là đủ cho người có máu tham. Ông cũng không có được giấc ngủ yên lành vì luôn sợ bị mất trộm, lo lắng sau này không biết để của cải lại cho ai và cũng không làm sao có thể mang theo được sang bên kia thế giới !!!

Nguyễn Đoan Tuyết           
Thang 9-2011