Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Đám trẻ lau nhau năm nào giờ đã lên chức ông bà. Bài toán nghỉ hưu sẽ “ đóng đô” ở đâu đã chớm xuất hiện trong tâm trí một số bạn xa quê ..
     Huỳnh Thu- một người bạn lớp 12B năm xưa- thường tranh luận với bà xã về vấn đề này. Bà xã bạn thì khư khư về Nha Trang sống, phố biển đẹp, khí hậu tuyệt vời, sinh hoạt không đắt đỏ, sẵn cá mú, tha hồ tắm biển, lại gần Tuy Hòa- quê ngoại. Bạn thì một hai về Pleiku. Pleiku có nhiều bạn bè. Pleiku thoáng đãng, gió núi mát rượi, không nóng hầm hập, không để lại cảm giác rin rít trên da như gió biển..Cuộc tranh luận chưa đến hồi kết. Cuối năm 2011 bạn đưa cả gia đình về thăm phố núi.
     Từ Tuy Hòa, bạn ra Phú Phong ghé thăm nhà Cao Văn Tam- người chung lớp và cùng xóm thời thơ ấu. Chuyện của Thu và Tam khá li kỳ. Chơi thân từ nhỏ nhưng họ bặt tin nhau gần bốn chục năm nay. Đó là hè năm 1972, Tam 17 tuổi, đang học lớp 10 thì có lệnh tổng động viên. Như bao bạn trai khác, Tam “bùng” khỏi trường, bỏ về Phú Phong, chạy giấy tờ và ở dưới quê luôn. Họ xa nhau từ đó. Rồi năm 1974, Thu du học. Khi có internet, Tam vào Google gõ David Thu, David Huỳnh, Micheal Thu v..v nhưng không sao tìm được bạn. Tình cờ đọc một bài thơ ghi tên tác giả là Huỳnh Thu, Tam đã gửi thư cho BBT/ ltpleiku.com; qua đó hai bạn nối liên lạc được với nhau và có ngày hội ngộ tay bắt mặt mừng như hôm nay…
     Buổi sáng ngồi ở Tre Xanh, bạn bè lần lượt đến. Khá đông. Hỏi sao có thể tập trung nhiều thế, các bạn trai cười mỗi đứa nhớ một vài người và cứ thế mà gọi, mà í ới cho nhau. Chuyện trò rôm rả. Tam kể về những cô bạn cùng xóm chợ Thần Phong. Nào là cô Dung thật xinh. Ngày ấy Tam thầm để ý. Mỗi lần đi qua nhà Dung đều cố tình đi chậm và huýt sáo thật to. Chỉ mong sao chó nhà nàng ra nhay để có cớ ăn vạ. Nào là Chiêm, một cô nữ sinh Pleime, dáng người thanh mảnh, ngày đó khá nhiều anh bạn hàng xóm xung phong trổ tài vẽ giúp tranh ảnh ở môn Vạn vật. Có một lần Chiêm bị ốm, nhờ Tam mang giấy phép đến trường TH Pleime- ngôi trường con gái- chàng nào qua đó cũng run nhưng vẫn thích lạng qua lạng lại. Tam dò hỏi thật kĩ giờ giấc và cố ý tránh giờ ra chơi để không bị chiếu tướng. Ai dè xui xẻo, vừa bước vào khoảng 2/3 sân trường thì hồi trống ra chơi giòn giã vang lên. Một rừng áo trắng túa ra. Tiếng cười. Tiếng gọi nhau. Tiếng chân chạy rầm rập. Một nhóm áo dài chợt phát hiện đối tượng lạ. Cả trăm con mắt nhìn Tam. Chân Tam bỗng dưng luống cuống cứ vướng vào nhau như người say. Đã vậy biển áo trắng đó còn tinh nghịch đồng thanh đếm: “ Một hai một… Một hai một…” Trống ngực Tam đập hà rầm. Một lần rơi vào cảnh “ gươm lạc giữa rừng hoa”, Tam tởn tới già.
     Các bạn sôi nổi nhắc chuyện xưa. Bà xã Thu cười: “ Anh Thu cứ thích về Pleiku để tổ chức một đêm không ngủ với bạn bè. Ui chao, cần chi! Từ Phú Phong lên Pleiku, anh Thu và anh Tam nói chuyện em thấy đã hơn một đêm dài không ngủ rồi…” Sen hỏi: “ Bạn bè em có ồn ào như vậy không?”- “ Ôi, quậy hơn nhiều. Về Tuy Hòa là em họp lớp ngay. Bạn em đang đợi dưới đó. Lớp em nam nữ học chung từ nhỏ nên nghịch phá và vui lắm”
     Trưa tiếp tục gặp nhau ở nhà hàng Lâm Viên. Đông hơn. Nào là Kiểm, Nghĩa, An, Ái, Toàn, Phát, Sơn, Thiết, Lộc, Tín, Thi, Lai, Bá Đào, Trà Canh, Phong, Kim Hương, Sen…Uống sần sần, Bá Đào và Tam trổ tài hát bội. Một số bạn khác kể về quyền uy của trưởng lớp Phong ngày trước. Khi nào thuộc bài thì rỉ tai Phong, bạn sẽ chấm một chấm ngay tọa độ giữa tên mình và môn muốn được trả bài. Thế nào hôm đó thầy cô cũng theo quán tính mà gọi. Anh nào điểm hẻo quá lại bỏ nhỏ kiểu khác. Thương bạn, Phong sẽ tương kế tựu kế chọn thời cơ ra tay nghĩa hiệp: liều mạng tự ghi vào sổ vài con điểm kha khá để bạn không bị thi lại hoặc không bị ở lại lớp…Chúng tôi mắt tròn mắt dẹt nghe kể các “thành tích” của nửa bên kia.
     Một số bạn khác tập trung tra hỏi Kim Hương- một cô bạn trẻ mãi không già. Học trường nào? Sao quen Thu? Sao không để tóc dài mà cắt tóc tém? Sao bạn này được ngồi sát Kim Hương? Can cớ chi mà được ngồi chỗ đó?...Kim Hương chỉ mủm mỉm cười. Một góc bàn tiệc sôi động hẳn lên.
     Vợ chồng Thu chia tay bạn bè về lại Tuy Hòa. Mấy ngày sau, quay về Pleiku. Và Thu rủ bạn bè về Ninh Hòa thăm Huyền.
     Lịch trình của Thu đã kín. Thời gian đi Ninh Hòa, phương tiện đi được nâng lên đặt xuống và thay đổi xoành xoạch. Cuối cùng đi sớm hơn dự định một ngày. Sen, Lộc, Sơn và tôi đi xe nhà; gia đình Thu đi xe Mai Linh. Lộc, chồng Sen- tài chính; Sơn- tài phụ. Xuất phát trước gần ba tiếng đồng hồ nên khoảng 6g chiều chúng tôi đã dừng trước nhà Huyền. Tháng chạp, trời sụp tối thật nhanh. Nếu không nhìn đồng hồ cứ ngỡ đã tám- chín giờ đêm.
     Ninh Thượng đang tất bật thu hoạch lúa vụ 12. Cắt lúa. Phơi lúa. Cân lúa. Xe tải ì ầm ra vào. Sân nhà Huyền đầy thóc đã đóng bao và tấp nập người. Kẻ khiêng người cân, người đọc, người ghi sổ… Bà xã Huyền và con gái thật xốc vác. “Miệng bằng tay, tay bằng miệng” thoăn thoắt bê vác, kiểm tra mã cân, ghi sổ. Từng bao lúa nhanh chóng được chất thành đống, đợi bốc đi.
     Gần 9g tối Huyền và Lộc mới đón được vợ chồng Thu. Đây là lần đầu tiên hai bạn Thu và Huyền gặp nhau sau gần 40 năm xa cách. Bữa cơm ấm áp tình bạn và ngập tràn cảm xúc về một thời với bao kỉ niệm, bao ước mơ. Thầy cô. Bạn bè. Những lần nghịch phá. Những hồi ức đẹp…Và người xa quê nhà vẫn luôn là “quán quân” trong việc lưu giữ kí ức: Thu là người nhớ nhiều nhất. Chúng tôi lần theo lời kể để gỡ từng mối chỉ rối, lau dần từng lớp bụi mờ ... Chủ nhà nhanh chóng đổi kế hoạch: vợ con bạn vào nhà trong, ngôi nhà mới dành riêng cho các bạn lớp 12B thức với nhau. Để cùng vui buồn với những kỉ niệm xưa cũ. Để người xa quê nhà có một đêm không ngủ với bạn bè…
     Thu, Sơn, Huyền, Lộc…Từng kỉ niệm được khơi ra, mỗi bạn nhớ một mảng. Những tiếng cười vang lên không ngớt. Đêm khuya dần. Cuộc chuyện trò dường như kéo dài bất tận. Bà xã Thu, Sen và tôi chụm lại dỗ dành “bản sao” của Thu- một chú bé 4 tuổi. Về quê nhà, bố cho đi tour nhiều quá, “ bản sao” mệt phờ, bị đau và giờ thì ra sức mè nheo. Gần nửa đêm, Thu đành nuối tiếc dừng đêm thức trắng để “ làm việc” với con trai. Bộ ba Sơn- Huyền- Lộc vẫn tiếp tục “chiến đấu”.
     Cùng gia đình Thu về Ninh Thượng thăm Huyền, việc này hẳn chỉ diễn ra một lần trong đời. Và câu nói của Thu vẫn vang bên tai tôi: “ Hồi đi học các bạn có bao giờ nghĩ mấy chục năm sau, mấy đứa bạc tóc tụi mình tìm gặp nhau rồi thi nhau kể chuyện ngày xưa như đám trẻ con không?” Ồ “ đám trẻ con” tóc bạc của Thu chỉ mới mấp mé 60. Nhớ ngày đó, Sen đã nói với tôi hãy hình dung 70 năm sau có hai bà lão tóc bạc phơ, lưng còng lụm cụm chống gậy đến thăm nhau…

Nguyễn Thị Đức                 
Một2ngàn12