PK: Tùng Sinh


 


      Khi được đọc lại tập đặc san Xuân Nhâm Tý-1972 có lẽ trong chúng ta ai cũng không khỏi thấy lòng mình bồi hồi xao xuyến, dù ít hay nhiều, dường như cả một trời kỷ niệm thân thương thuở học trò đã sống lại vẹn nguyên như mới hôm nào. Và thế là tôi muốn nói lên lòng biết ơn đối với tất cả những ai đã đóng góp công sức để có được tập đặc san trên trang web thân quen này- mà từ lâu nay đã trở thành món ăn tinh thần đối với chúng tôi, những cựu học sinh Pleiku vẫn còn ở lại nơi đây.
     Dù thời gian đã để lại dấu vết khá rõ trên từng trang giấy đã cũ kĩ và phai màu nhưng tôi vẫn chịu khó kiên trì để lần ra từng dòng chữ đã chứa đựng bao tâm tư tình cảm và suy nghĩ của các thầy cô, của bạn bè thân hữu một thời cùng chung trường, chung lớp .
     Quả thật, rất khó mà nói hết được trong một vài trang giấy những xúc cảm của người đọc hôm nay đối với quá khứ tưởng đã phai nhòa qua bao tháng năm của cuộc thăng trầm, bể dâu. Hồi ấy sao mà đáng nhớ đáng yêu đến vậy! Hồi ấy thầy và trò cùng có chung một “khát vọng đất nước sớm thanh bình “( Chúc Tết- thầy Nguyễn Đức Trung ), để không còn phải nghe tiếng “ Đại bác từ xa vang vọng, Rưng rưng đốt nén hương lòng” ( Xuân trên cao- Tê Ka ). Mặc dù sống trong chiến tranh nhưng tâm hồn luôn rộng mở và hướng thiện, luôn khao khát yêu thương, tràn đầy ước mơ và hi vọng: “ Chúa xuân đang lên tiếng để tỉnh thức hương hoa, để lay gọi tâm hồn mở ngỏ và để xua tan bao bóng tối đang phủ kín cuộc đời …xin tìm đến chúa xuân với thật thà ngọt dịu và nhẹ nhàng trìu mến của thương yêu “ (Mở- BBT )
     Những ước mơ tươi xanh, trong sáng và cháy bỏng của một thời ấy đã được Trần Văn Hổ nói hộ cho bao người tuổi trẻ :

                     Khi anh về xin gia đình đoàn tụ
                     Xin yêu thương ngự trị trái tim người
                     Xin thù hận hãy gục đầu yên ngủ
                     Xin tù đày buông thả tuổi hai mươi
                                           *
                     Khi anh về xin mai vàng đón gió
                     Xin trời xanh ngút mắt những buổi chiều
                     Xin áo trắng còn thơm mùi lụa mới
                     Xin đường dài thôi sẽ hết hoang liêu


     Tuy vậy đôi lúc cũng bế tắc vì chưa rõ mơ ước đó là gì “Tôi không dám có tham vọng như một Xuân Diệu- nhà thơ của tình yêu và tuổi trẻ:” Tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ/Mà vạn vật là muôn đá nam châm”, nhưng ước mơ của người trẻ tuổi cho phép tôi mơ ước mình sẽ làm được một cái gì, một cái gì cần phải có mà chưa bao giờ tôi biết rõ. Tôi mười tám năm tròn chưa thoát vòng dấu hỏi” ( Có một khoảng đời- Tùng Sinh ).Về điều này cô Mỹ Dung- trong bài “ Câu chuyện THPK từ Trên đỉnh cao- 71 “ đã nói rất đúng tâm trạng ấy của người viết bài này.
     Ngay từ khi tập đặc san này được BBT đăng lên, nó đã trở thành một đề tài cho các bạn cùng ôn lại kỷ niệm xa xưa, cô bạn Hoàng Đào cũng luôn sẻ chia về vấn đề này còn Nguyễn thị Đức đã phone ngay cho tôi “ sao hồi ấy mới tí tuổi đầu mà TS… già thế”, nhưng riêng tôi thì tôi biết rõ mình hơn, dù tôi tự nhận là đã “trưởng thành” nhưng bây giờ đọc lại thật đúng là “cụ non” !
     Các nữ sinh thời ấy còn lắm mơ nhiều mộng hay nhìn đời qua lăng kính màu hồng, khi đông tàn xuân đến lòng vẩn vơ những xúc cảm nhẹ nhàng:

                     Những giọt nắng vàng rơi trên tóc
                     Gió xuân hôn nhẹ má em hồng
                     Tia mắt nhìn sưởi ấm hồn đông
                     Dung nhan đó mùa xuân tuổi ngọc
             
                       ( Mùa xuân tuổi ngọc- Nguyễn thị Hạnh )

     Đối với các bạn nam có lẽ sống có phần thực tế hơn, chuyện lính tráng vẫn luôn là nỗi ám ảnh không rời khi phải đối mặt với các kỳ thi tú tài có tính quyết định số phận:

                     Ôi anh lính học trò năm nay vừa tròn hai mươi tuổi
                     Có buồn chăng khi vĩnh viễn xa trường

                                          ( Hồn hoang- Thanh Sơn)

     Có một đề tài cũng rất đáng chú ý đó là những xao xuyến, rung động đầu đời của tuổi học trò với những màu vẻ, sắc thái cảm xúc khác nhau. Khi thì nuối tiếc mơ hồ, xa xăm với nỗi “nhớ em” len nhẹ vào hồn:

                     Và bỗng ta nghe mình tiêng tiếc
                     Một cái mơ hồ nào đã qua
                     Một quãng trời thơ rất thật thà
                     Đem đặt cả bên bờ khôn lớn
                                          *
                      …Thấy y nguyên người cũ đợi chờ
                     Thấy năm tháng và mình cút bắt
                                                
           ( Nhớ em- Lam Điền )

     Khi thì buồn khổ thất vọng với một chút cường điệu cho giống với người lớn:

                     “ …Người tình của một đoạn đời dấu ái.
                      Có gì vĩnh cửu đâu? Nụ cười nào rồi cũng tắt, niềm vui nào rồi cũng phai thì đừng trách tại sao tôi còn đây với cõi lòng dửng dưng bình thản. Ngày tháng đã quá muộn phiền không tưởng, chỉ một lần mình mất nhau đã làm cả đoạn đời tôi khốn khổ”
                              
           ( Trong tháng ngày quên lãng- Đan Mỹ )

     Tình cảm như sương khói ấy có khi chỉ là hư ảo, mỏng manh, xa rời thực tại :
                     Em mắt thu buồn như tháng đông
                     Có hoa nào ướp lệ hương nồng,
                      Có sương nào đến cài lên tóc
                     Mà gió ru hoài một quãng không
                                          *
                     …Tình yêu sương liễu ta buồn quá
                     Chụp ánh triều dương ngã té nhào
                                   
( Bài viết Một loài liễu sương- Hoàng Trần )

     Thầy giáo dạy Pháp văn của chúng tôi hồi ấy cũng đã góp mặt bằng một bài thơ tình rất nổi tiếng của Pierre de Ronsard- nhà thơ của tình yêu- với bản dịch khó có thể dễ thương và trong sáng hơn mà vẫn sát với nguyên tác –làm cho bọn học trò tiếng Pháp chúng tôi càng thêm yêu văn chương Pháp nhiều hơn :

                     ( Mignonne, allons voir si la rose)
                     Nàng xinh, chúng ta đi xem thử nụ hồng
                     Nàng xinh, chúng ta đi xem thử nụ hồng
                     Sáng nay đã hé nở
                     Nếp áo huyết dụ dưới ánh mặt trời
                     Đã đánh mất chưa vào buổi chiều nay
                     Chiếc áo màu huyết dụ
                     Và sắc hồng tương tự màu da em
                                          *
                     … Vậy nếu em tin tôi, hỡi nàng xinh
                     Khi tuổi người còn đang thắm
                     Với tuổi đời xanh tươi vừa chớm
                     Hãy hưởng, hãy hưởng tuổi trẻ của nàng
                     Như đóa hoa này, tuổi già
                     Sẽ làm phai đi sắc đẹp của em

                                                 ( Hương xa- Thầy Nguyễn Quảng Cư )

     Nàng xinh- người thiếu nữ đã làm rung động trái tim của chàng thi sĩ đa tình, đa cảm này bấy giờ nàng chỉ mới 13 tuổi. Đúng là tình yêu không đợi tuổi và cũng không bao giờ có tuổi !
     Ngoài ra còn có những tình cảm gia đình thiêng liêng và cảm động mà khi mất đi là mất hẳn một chỗ dựa về tinh thần của đời mình: ”…con yêu quê hương lắm mẹ ạ , nhưng riêng mẹ con yêu hơn tất cả trên đời… Mẹ tôi không còn sống để cài đóa hồng lên tóc cho tôi, để dìu tôi vào ngưỡng cửa cuộc đời…” ( Cánh hoa hồng- Đặng Băng Tâm)

     Còn một tình cảm nữa mà chúng ta ai cũng dễ nhận thấy- nhất là trong các kỳ Hội ngộ Liên trường Pleiku ở trong nước cũng như hải ngoại đó là Tình Thầy- Trò, đã không phôi pha theo thời gian mà còn sâu lắng hơn, thắm thiết hơn. Thời gian đã nhuốm màu sương tuyết cả mái tóc của thầy và trò, giúp cho trò trưởng thành để có thể hiểu về thầy hơn- nhất là khi người học trò năm xưa đã trở thành đồng nghiệp của thầy cô.
     Đến đây, tôi xin dừng lại một chút về bức thư “ Nói với tuổi trẻ “ của thầy HDD ( bút danh hồi ấy của thầy Nguyễn Đăng Dự ). Mở đầu thư thầy đã viết “Lần đầu tiên tôi nhận thức được cái khoảng cách diệu vợi của chỗ tôi đứng với chỗ em ngồi trong một lớp học. Tại tôi hay tại em đã làm nên cái khoảng cách này “. Thưa thầy, theo em đúng là hồi ấy giữa thầy cô và học sinh vẫn luôn có một khoảng cách, khoảng cách này là cần thiết để Thầy ra Thầy, trò ra trò,( chứ không làm xa cách tình cảm), bằng chứng là khoảng cách ấy đến hôm nay vẫn còn hiện hữu và vẫn được tôn trọng! Còn tình thầy trò dường như gần gũi, thân mật hơn xưa cho dù có xa cách đến hơn nửa vòng trái đất !
     Đúng như thầy đã nghĩ “ chẳng ai làm giàu được bằng nghề bán chữ”, trừ phi có những kẻ làm nghề dạy học mà bán rẻ lương tâm của người Thầy như em đã thấy. “ Cái khoảng đất dành cho em dùng những “ kiến thức vụn vặt ”sau khi từ giã học đường mà em hỏi, theo tôi nghĩ chính là cuộc đời của em, em ạ. Kiến thức của tôi, tôi dùng để dìu dắt các em một quãng như một nhịp của một chiếc cầu. Sao em không vượt qua để một lúc nào đó làm một nhịp của một chiếc cầu khác lớn hơn”.Thầy ơi! Sau khi rời mái trường xưa gần 40 năm qua, đã từng đứng trên bục giảng hơn 30 năm trời em mới có cơ hội để trải nghiệm những điều mà ngày xưa thầy đã kỳ vọng vào tuổi trẻ. Chỉ có điều không biết là tụi em và các thế hệ học trò hôm nay có làm được “ nhịp của một chiếc cầu khác lớn hơn “ như kỳ vọng của người đi trước hay không ?
     Trong “ Một vị thế của học đường “cô Lê Mỹ Dung đã viết “ …những điều xấu của học đường có thể có, giáo sư có thể không phải là những người thật cao thượng, làm khuôn mẫu, kỷ luật của nhà trường không phải thứ luật pháp tòa án quân đội…”. Thưa Cô, những điều Cô nói rất đúng vì ngay trong lớp học Đệ thất 2, năm học 65-66 của tụi em hồi ấy – trong giờ học môn toán -đã có những bạn nam chịu hình phạt của thầy giáo không bắt nguồn từ tình thương, từ mục đích giáo dục thật sự, mà bằng “thứ luật pháp tòa án quân đội“ như cô đã từng phê phán, đến nỗi để lại một dấu ấn đau xót trong tình thầy trò cho đến tận bây giờ ( xin đọc bài” Lớp đệ thất 2 và tôi” của Lê Hoàng Thụy Vũ / LTPN-PK website). Và cũng đúng như những lời tâm huyết đầy suy tư của cô “ tuổi trẻ vì dễ dàng tôn thờ thần tượng nên thần tượng cũng nhanh chóng bị sụp đổ” – cũng may tụi em hồi ấy vẫn xem hầu hết các thầy cô như là thần tượng của mình vậy – không kém gì thần tượng trong các lãnh vực điện ảnh , ca nhạc hay thể thao ! ( nếu không tin xin cô cứ hỏi các bạn cùng thời với tụi em cô nhé )

     Cuối cùng tôi xin mượn lời của cô Mỹ Dung để kết thúc bài viết này :
     “Hãy biết yêu thương mái gia đình êm ấm ấy để mai sau lìa trường, để khi nào mỏi gối chồn chân các em còn xứng đáng được quay về trường nhìn lại, tìm lại những tình cảm thiêng liêng, những sức mạnh tinh khôi ban đầu mà đủ sức tiếp tục hành trình”.



TÙNG SINH                      
Pleiku 06-2011