ĐOÀN CA


T.TH

* Tặng Đoàn Thị Phú Yên_ con gái yêu của Bạn.
(theo đề nghị của Pm NT Đức)



        Đoàn Ca, là tên của một thằng bạn thân của mình từ hồi còn học lớp đệ thất 1, Trường THPK. Một cái tên ngắn ngủi như cuộc đời của bạn. Có lẽ, nếu biết trước bố mẹ bạn sẽ đặt thêm vào như: Đoàn Ca (Nhạc)….; Đoàn Ca (Kịch)…. v.v… đời bạn có thể dài thêm ra chăng?
       Nhà Ca ở bên hông Dân Y Viện, phía đường Trịnh Minh Thế xuống, qua nhà anh Nguyễn Ngọc Tiên học trên bọn mình 1 lớp (12 A NK 72-73, sinh ngữ Pháp), gần quán bún bò Huế nổi tiếng. Riêng mình thường đi ngã sau, phía đường Lê Lợi, có con hẻm đi lên.
       Gia đình Ca gốc Huế; cha năm ấy đã già, lọm khọm, thường chống gậy đi ra, đi vào, ở nhà không làm gì; mẹ thì lo buôn bán đường dài, hàng tháng mới về. Bây giờ không biết bác có còn khoẻ không? Ở đâu?
       Ca có 1 người chị tên Đoàn thị Kim Phụng, học Minh Đức. Chị biết yêu sớm, từ năm 1972, (không nhớ chị học lớp mấy hình như lớp 11, trên bọn mình một lớp). Vừa đi học về, áo dài trắng chưa kịp thay thì có anh lính Thiết Giáp (tên Chín) đón. Hai người mừng rỡ, ôm chầm lấy nhau, âu yếm; mình thấy nước mắt chị Phụng tràn ướt mi. Năm 1974, hai người làm đám cưới, ra thuê nhà ở riêng, gần nhà mình. Ngôi nhà, thỉnh thoảng được cho bọn mình mượn để sinh hoạt nhóm, có Chị Phụng giúp hậu cần, anh Chín (lúc ấy là thương binh) ngồi đệm đàn Ghita. Sau 75 không biết ở đâu, làm gì, không rõ.
       Ca còn có một cô em tên Hoa ở Huế, năm 1973, 1974 thỉnh thoảng mới vào ở chơi vài hôm rồi về. Cô em làm mình nhớ lại cái thuở mới lớn, yêu thương, hờn, ghen vô cớ…. Phía trước nhà Ca, có cô bé tên Ân, năm 1974 học lớp 9 Trường Thánh Phao Lồ; mình cũng thường ghé chơi. Do mình đến nhà Ca hàng ngày, cùng nhau đi học; có lúc ở lại ăn trưa, tối. Có một dạo, em vào thăm nhà, đợi 3, 4 ngày mà không thấy mình tới, lại nghe cô em Ân trước nhà thỏ thẻ chuyện gì ấy làm cô nàng giận. Khi mình tới …nàng khóc, chạy trốn, làm Ca chọc, bảo mình đi xin lỗi, năn nỉ… Hoa và Ân bây giờ, làm gì, ở đâu? Ai biết, chỉ dùm.
       Gia đình Ca còn ai thân thích nữa thì mình không biết, không nhớ. Ca, nhìn chung không có gì nổi bậc so với bạn bè thuở ấy: Học không giỏi, không thơ, văn, ca, hát, học võ, chơi tem….Không tham gia một tổ chức, hội đoàn nào, nhưng tình cảm rất cởi mở, chân tình. Được cái chăm, học bài thường hay đọc to; hồi học chung với Ca, nghe Ca đọc mình dò, từng câu, chữ, dấu chấm, phẩy; Ca chưa thuộc thì mình đã thuộc. Có lẽ nhờ vậy mà mấy môn học bài như Triết, Vạn Vật, Sử, Địa, Công Dân Giáo Dục, mình thi toàn điểm cao. Chơi thân với Ca, dù Ca học Ban A, mình Ban B; năm 73 – 74 hầu như ngày nào mình cũng có mặt ở nhà Ca nhưng không nghe bạn than van, chia sẻ điều gì, thậm chí có để ý đến cô nàng nào cũng không. Chỉ một câu nói “ A-jơ” (Adieu?) thường nơi cửa miệng, biểu hiện sự mừng vui khi gặp, bắt tay nhau hay mỗi khi buồn, đau, khổ …gì đó.
       Nhóm bạn thân của mình hồi đệ thất 1 có Đoàn Ca, Lý văn Chánh (gù), Bùi Cảnh An, Nguyễn Hồng Trân, Đặng Bắc Tiến, Nguyễn Bá Học, sau này bổ sung thêm Võ Tâm (Tâm “nháy”) từ Nha Trang lên… Đến mùa hè năm 1971, sau khi học xong lớp 9. Đặng Bắc Tiến, Nguyễn Bá Học chuyển về Đà Nẳng; Võ Tâm về lại Nha Trang, sau đi lính Hải Quân, Nguyễn Hồng Trân đi lính bộ binh huấn luyện ở quân trường Lam Sơn, Dục Mỹ.
       Mỗi đứa có một hoàn cảnh gia đình khác nhau, đứa con quan, đứa con lính; đứa ở bậc trung, đứa nghèo, khó khăn (như Ca, Chánh) nhưng ngoài việc học ra, cái thứ nhất quỷ, nhì ma, thứ ba… bọn mình cũng không kém. Có những vụ phá không hại ai nhưng cũng có vụ 3, 4 đứa buổi trưa rủ nhau tháo mấy tép Pin (không nhớ loại Pin gì), lấy từng viên vuông vuông, hè nhau 1,2,3 ném lên mái tôn mấy nhà đồng bào Thượng (giả pháo kích) rồi chạy trốn. Trưa nào cũng vậy, 2,3 hôm liên tiếp không ai phát hiện. Bữa nọ, 1,2,3 ném! Chạy… Mình chạy không kịp bị bắt, bị nắm tay, sợ run bắt chết…. Không bắt được đứa nào nữa nhưng mình khai hết, buột Ca phải ra xin lỗi, Ca hù bọn mình … “tao ở gần, quen tụi nó không sao, tụi mày ở xa, nó thư cho bọn mày chết”…. Sau này mỗi lần đi qua khu nhà đó, mình thường tránh né, nhắm mắt chạy ù…. (Chú, bác, anh chị nào có nhà bị “pháo kích” thuở ấy, đọc được những giòng này xin thông cảm và tha thứ cho tụi học trò nhỏ, dại…)
       Còn những chuyện không hại ai, chỉ hại bạn thì nhiều vô kể. Tội nhất là Chánh “gù” (giờ cũng đã ra người thiên cổ). Chánh hiền lành, nhút nhát, tự ti, mặc cảm. Biết vậy, bọn mình rất thương nhưng đôi khi cũng lấy bạn làm trò đùa,,, ác độc. Đầu tiên là trận nhốt Chánh trong nhà xác Dân Y Viện.
       Chuyện là thế này: “Tâm nháy”, là thằng bạn từ Nha Trang mới theo gia đình chuyển lên Pleiku, học chung lớp, chơi chung nhóm nhưng Chánh chưa biết nhà. Bữa ấy hẹn nhau đến nhà Tâm chơi. Khi đến nhà Ca, Ca bàn riêng:
           - “Thằng Chánh nó chưa biết nhà Tâm, lát nữa dẫn nó ra nhà xác, nói nhà Tâm, cho nó vô, mình nhốt nó chơi”…
       Cả bọn đồng tình “hoan hô sáng kiến” của Ca và nào… cùng đi….
       Từ nhà Ca ra nhà xác rất gần, nhưng cả bọn sợ Chánh biết nên dẫn đi vòng, vòng…từ Trịnh Minh Thế, qua Yersin lên Hai Bà Trưng, xuống Quang Trung, ra Lê Lợi… đi ngã sau vào nhà xác. Ca làm bộ gõ cửa kêu: “Tâm ơi, Tâm…” rồi quắc Chánh tới gần. Bọn mình ba, bốn đứa nói: “mày vào trước đi, tao đi tiểu…”. Khi Chánh tới bậc thềm, Ca mở cửa, đẩy Chánh vào, bọn mình đóng cửa… chạy, cười. Chánh đập cửa kêu la thảm thiết.
       Cười đã, bọn mình vào mở cửa. Trời ơi, bên trong hôm ấy có 2 cái xác đang phủ vải trắng kín mít, mùi thuốc ête, khử trùng nồng nặc… Chánh, mặt mày tái me, tái mét, đầu tóc bờm xờm, mồ hôi, mồ kê nhễ nhại, không nói, không rằng chạy về nhà trùm mềm, bị bệnh và nghỉ chơi với bọn mình mất mấy bữa….
       Dịp khác, khi Chánh đã quên chuyện chơi xấu đó. Cả bọn rũ nhau đi ăn Ya-ua, cái quán trước Trường Minh Đức. Ăn, chơi, tán gẫu một hồi, cả bọn hè nhau, lẳng lặng rút, để lại một mình Chánh với một đóng ly, hủ…. Không có tiền, không tài sản thế chấp, không biết mấy bạn đi đâu mà sao lâu quá không tới. Chánh cứ bồn chồn, đứng lên ngóng ra cửa sổ, rồi ngồi xuống nhìn ra cửa chính. Bọn mình nấp, xem xét cũng hơi lâu, cuối cùng thôi hạ màn, vào trả tiền và đưa Chánh về nhưng Chánh không chịu, Chánh trách, Chánh giận, Chánh nghỉ chơi, không thèm nhìn, không thèm nói chuyện… cũng mất mấy hôm. Đó cũng là do Ca bày trò.
       Bây giờ cả Ca và Chánh không còn nữa. Chánh mất sau Ca vì di chứng đau não (lúc nhỏ, khi anh Chánh cỏng té lộn đầu xuống đất, gãy cột sống, nên lưng Chánh bị gù. Hồi đó Chánh nói nhờ Bác sĩ Mỹ cứu chữa chứ không thì đã chết sớm). Còn Ca thì chết vì một nguyên nhân lãng xẹt….tự tử.
       Nhớ lại, năm 1987, sau gần 14 năm xa Pleiku. Khi đi công tác ra Huế, vào Đà Nẳng, Quảng Ngãi… xong công việc, ra bến xe xếp hàng chờ mua vé về Nha Trang. Người đông nghẹt, chen lấn nghẹt thở mà không mua được vé. Nhìn sang quầy vé đi Gia Lai ít người hơn, mình chợt liều nghỉ thêm vài ngày, rồi mua vé đi Gia Lai.
       Khi ngồi trên xe từ Quảng Ngãi vào Bình Định cảm giác cũng bình thường. Tự nghĩ gia đình mình không còn ai ở đó, lên Pleiku đến nhà ai trước, không biết ai còn ở chỗ cũ, ai chuyển đi…(trừ Nhơn, Hoa có dì ở Tuy Hoà mình đã gặp và giữ liên lạc).
       Cho đến khi xe qua cầu Bà Di, theo quốc lộ 19 lên An Khê, tới Mang Yang, lòng nôn nao khó tả. Ôi, cũng con đường này năm 72, “mùa hè đỏ lửa” cả nhà cùng theo mọi người vội vàng di tản về Nha Trang…rồi sau đó quay lên Pleiku. Năm 74 khi đậu tú tài xong, chơi sang đi máy bay về Nha Trang rồi vào Sài Gòn, lên Đà Lạt học ĐH). Nay đi lại, cảnh vật 2 bên đường hầu như không thay đổi mấy. Chỉ khi đến Mang Yang, trung tâm Huyện có mở rộng hơn, đến An Mỹ… mình chồm người ra cửa nhìn thấy ngôi nhà thờ, tìm con đường nhỏ dẫn vào một buôn Thượng, có rừng, có suối, có bậc xe nước, có ruộng… mà thời học sinh thường rủ nhau đi Picnic…. Nhớ quay quắc….cho đến bến xe Trà Bá. Xuống xe, tay xách, nách mang, thả bộ lang thang xuống cầu Hội Phú, lên Diệp Kính, nghỉ chân, đứng nhìn ngắm mông lung rồi tìm đến nhà Anh Tiên – Nhơn. Cơm nước, nghỉ ngơi một lát, mình đi về khu nhà cũ, chỉ gặp lại gia đình anh Ninh. Hầu hết đã chuyển đi đâu hết không rõ. Căn nhà cũ của mình đã có chủ khác, mình
       vào thăm nói chuyện, Dì Kim (chủ nhà) mừng rỡ hỏi thăm rối rít. Bạn thân cũ như Dung và Liên … nhà cũng đã dời đi, người ở chợ mới, người ở đâu tít phía trên trên đường Lý Thái Tổ. Chiều tối Anh Tiên và Nhơn liên lạc có Thụ, Hồng đến thăm chơi, chuyện trò và đi thăm phố phường.
       Mờ sáng hôm sau, tìm đến nhà Chánh, ba mẹ Chánh đã mất, Chánh đã có vợ ở riêng căn phòng nhỏ bên hông Sở Thuỷ Lợi đường Sư Vạn Hạnh. Chánh mừng ôm đón mình kéo vào giới thiệu với vợ rồi vội vàng bảo vợ đi mua đồ về ăn sáng và 1 cút rượu đế. Cả ba vừa ăn, uống vừa chuyện trò một lát xong đến nhà Ca. Lúc ấy Ca đã là Trung uý Công An làm ở Ban Hậu Cần Công An Tỉnh. Không có vợ Ca ở nhà, con nhỏ không nhớ lúc ấy được mấy đứa. Ca cũng mừng đón ôm chầm mình bằng câu “A-Jơ”, rồi bắt Chánh và mình ngồi nhà, Ca chạy đi mua bia, mồi về nhậu, nói chuyện. Cũng toàn những chuyện về bạn bè, người còn, kẻ mất. Gia đình Ca thì lúc ấy chỉ biết bố đã mất, mẹ về Huế, vợ Ca thì buôn bán hàng chuyến. Năm 1987, (sau bao cấp, đổi mới có 1 năm), nhìn nhà cửa của Ca có sửa chữa lại chút ít, rộng hơn; bàn tủ toàn ván hương và cẩm lai… tiếp bạn bằng bia Sài gòn đủ thấy Ca khấm khá lắm. Mình mừng cho bạn.
       Thời ấy chưa có điện thoại nhiều, chỉ mấy cơ quan lớn chứ như ở UBND xã mình cũng chưa có. Liên lạc chỉ bằng thư, lúc được, lúc mất. Mình nhận của Ca được 1, 2 lá, Chánh thì nhiều hơn, nhưng một thời gian sau thì đứt hẳn chẳng rõ lý do. Hỏi thăm anh Tiên, Nhơn, Hoa, Thụ, Hồng đều trả lời: “lâu nay thấy vắng bóng chẳng rõ”….        Hơn 10 năm sau, Năm 1998 được Anh Tiên – Nhơn mời lên dự đám cưới con gái. Lúc ấy mới nghe anh Tiên nói Ca buồn chuyện gia đình (vợ) nên tự tử và mình không đến nhà nữa. Mình tìm đến nhà Chánh (chỗ căn phòng nhỏ bên hông Sở Thuỷ Lợi) hỏi thăm không ai biết Chánh, còn vợ Chánh mình lại chẳng biết tên (Vợ Chánh lúc trước là nhân viên kế toán ở Sở Thuỷ Lợi nên xin mượn căn phòng nhỏ đó để ở tạm). Tìm đến nhà cũ của bố mẹ, gặp anh Hoà (anh của Chánh), nay đã điếc, nói chuyện bằng cuốn vở và cây viết, lúc ấy mới biết Chánh mất cũng đã lâu. Anh Hoà dẫn mình đến thăm nhà vợ, con Chánh ở tít trên Trà Bá 2, gần Khu HAGL.Thuở ấy, khu này là khu dãn dân, mới lập, nhà còn thưa thớt. Vợ Chánh kể lại, giọng bùi ngùi, xúc động, nước mắt cứ tuôn rơi tự do… làm mình càng xúc động. Rằng :“ khoảng năm 1988, được cơ quan cấp đất để làm nhà ở đây, nhưng nghèo quá chưa có tiền làm ngay. Cơ quan dục đòi lấy lại căn phòng cũ, bọn em đành mua tre, tole về che tạm. Anh Chánh vẫn đi hớt tóc mãi trên chợ mới (vì chỉ có ở đó mới có khách quen), em ngày hai buổi phải đèo con mọn đi làm. Khổ nhất là khi trời mưa, hai mẹ con che chắn cở nào cũng ướt như chuột lột. Thời bao cấp quá khó khăn, lương, tiền làm không đủ sống, thuốc thang khi ốm đau bệnh tật, nên sau đó em xin nghỉ việc, về thồ hàng rau, mắm, cá khô vào các buôn Thượng để bán, kiếm đồng ra đồng vào. Nhờ thật thà nên đồng bào cũng thương, ngoài mua ủng hộ còn cho tặng các loại hoa quả trong vườn. Dần dần khá lên, em mới sửa lại nhà như nay anh thấy. Khi khó khổ thì có anh Chánh, bây giờ khá lên thì anh ấy không còn…”
       Quả thật, nhìn lại ngôi nhà mới được sửa lại, cũng chỉ thay lại mấy cây tre mới làm đòn tay; gạch, cát, vôi vữa… để cơi nới thêm gian bếp, nối ra chuồng heo và lò nấu rượu để đi ra vào đỡ mưa nắng, mình thấy cả một sự cố gắng giật gấu vá vai, chùm, đụp. Lúc này lại nhớ tới Đoàn Ca, nếu Ca còn sống, điều kiện kinh tế khá hơn, có thể giúp gì cho vợ chồng Chánh phần nào để giải quyết khó khăn không? Còn mình thì ở xa quá, hoàn cảnh cũng chẳng hơn gì, “giúp lời, giúp đũa”, chứ chẳng thể “giúp của, giúp cơm”.
       Nói về Đoàn Ca mà miên man với Chánh hơi nhiều, nhưng bạn thân từ đệ thất, lục lên lớp 12 chỉ còn 3 đứa thân nhất nên chuyện gì cũng có mối liên kết. Những năm sau 2000, thỉnh thoảng được các bạn trong bút nhóm cũ (Khơi Nguồn) mời lên dự đám cưới của con. Mình có ghé lại thăm vợ, con Chánh 1, 2 lần. Chánh có 3 đứa con gái, đứa đầu học Đại Học Khoa học Huế, nghe nói cháu học khá, nay chắc đã ra trường. Còn nhà Ca, mình không đến vì một cái gì đó chẳng rõ (Năm 1998 khi lên Pleiku, Dân Y Viên cũ đã dời ra khu mới Trà Đa, giao lại Sở TDTT, Phạm Văn Tuấn làm Giám Đốc Sở đã bố trí cho vợ chồng mình ở đây mấy hôm, nhìn qua rào là thấy nhà Ca mà cũng không dám vào). Có lẽ, năm 1987 khi lên PK không gặp vợ con Ca, chưa biết mặt, chưa lần chuyện trò, nay nghe chuyện không hay của bạn, mà việc xảy ra cũng đã lâu nên mình không muốn khơi gợi lại.
       Nhờ trang Web liên trường mà biết Đức, Kim Sen còn ở PK. Khi gọi cho Đức được nghe, được hỏi, được nhắc rất nhiều bạn bè trong ấy có Đoàn Ca và Đức yêu cầu mình viết về một người bạn để cho con bạn biết chút ít về người cha của mình. Mình đã hứa và ngồi vào bàn ngay nhưng chỉ mới có phần nhập đề xong không biết viết thêm gì nữa… dù kỉ niệm về bạn thì nhiều, nhiều lắm.
       Hơn nửa đời người, lăn lộn, bon chen với đời, có lúc cũng “lên voi, lúc xuống chó” mình như đã chiêm nghiệm ra: “Đời rất công bằng, đời lấy của người này, chia cho người nọ, rồi sẽ lấy của người khác trả lại cho mình nếu ai biết sẻ chia…”. Hãy bằng lòng với chính mình, với những gì mình hiện hữu. Có ước mơ, có mong muốn điều gì tốt, đẹp hơn cũng cần vun đắp, bồi dưỡng “chân, thiện, mỹ”…
       Chánh đã mất, vợ con Chánh cũng đã qua cơn bỉ cực, đã trưởng thành. Còn Ca, các con Ca rồi cũng thế.
       Một nén nhang chân thành thắp lên cho 2 bạn, nguyện cầu cho những người còn sống trong gia đình các bạn gặp nhiều may mắn hơn, bù đắp lại những mất mát xưa…

Tê Tê Hát
(Cựu HS TH PK, tháng 6/2009)
(truongthanhhuyen40@yahoo.com – cell 0983663020)