* Tặng các bạn “Xóm Tri Âm”    


     Em Pleime của tôi có dáng gầy gầy, tóc để Đờ-mi Gác-xông, đôi mắt đen to tinh nghịch, môi nhỏ nhưng hơi trề ra (chắc ăn quà và nói chuyện nhiều lắm đây). Còn tôi, người trắng tròn, tóc để đờ-mi cua (người ta hay trêu tôi là Ba Tàu hay Ỉn)
    Chúng tôi làm quen nhau sao nhỉ ?
    Chả là hôm tổng kết cuối năm và phát thưởng của các trường công lập trong tỉnh tại rạp Diên Hồng, có các công chức của Vùng miền và Tỉnh đến dự. Tôi là một trong những học sinh xuất sắc được ông Tỉnh trưởng trao cho phần thưởng. Tôi khệ nệ ôm gói quà gồ ghề, cao khỏi đầu tôi về chỗ ngồi ở cuối hội trường. Khi đang tìm cách vào nơi các bạn tôi ngồi thì dính một cú ngáng chân của một cô bé Pleime làm tôi ngã chồm xuống và gói quà cũng bay khỏi tay tôi. Một loạt tiếng cười vang lên và nhanh chóng im bặt vì thầy cô đang ở đấy, trừng mắt và chỉ tay về phía tôi và các cô nhỏ Pleime kia. Mắt tôi đỏ lên, tay giơ nấm đấm về phía con nhỏ tóc ngắn đang bụm miệng cười khúc khích. Nhưng biết làm sao được! vì cái câu châm ngôn không công bằng: “Không được đánh phụ nữ dù chỉ bằng một cành hoa”.
    Trời xui đất khiến, tôi lại gặp em Pleime ở một kỳ thi. Năm ấy Ngành Giáo dục lần đầu tiên đưa chương trình thi trắc nghiệm “a, b, c, khoanh” vào một số môn. Kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt (học kỳ 1) năm ấy, Ty Giáo dục tổ chức trộn học sinh khác lớp, khác trường thuộc hệ thống công lập thi chung với nhau để kiểm tra chất lượng.
    Tôi và em cùng thi một phòng tại trường Thánh Phao Lồ, em ngồi trước tôi một bàn. Đến môn Anh văn, là môn sở trường của tôi, nên tôi nhanh chóng làm xong bài và ngồi nhịp đùi. Còn em Pleime thì đang ngồi cắn bút chì (tội nghiệp cho cây bút chì bị cắn bầm dập!). Cuối cùng em quay xuống tôi cầu cứu. Tôi vốn ức cái chuyện bữa trước nên vênh mặt nhìn lên trần nhà, nhưng thỉnh thoảng lại nhìn em. Thấy mặt em đau khổ quá, cầm lòng không đậu, tôi khẽ nói với em giơ bài thi cho tôi coi. Sẵn có tà áo dài sau của em, tôi kéo để lên đùi và lấy bút chì ghi đáp án vào một góc áo. Thế là em có phao cứu, nên đôi mắt to ấy nhìn tôi thầm cảm ơn.
    Ra về, em lẳng lặng đưa tôi gói kẹo sô cô la M & M để cảm ơn. Tôi nhận, nhưng vẫn chưa thèm làm quen với em.
    Em - nhà ở Hoa Lư, học Đệ lục Pleime, tôi - nhà ở Chợ Mới, học Đệ ngũ Pleiku. Nghĩa là cả hai cùng ở hai đầu xa… lắc! Nhưng thật ngẫu nhiên, em và tôi xích lại gần nhau vì bố em là xếp bố tôi, nên tôi được “quảng cáo” đến làm “gia sư” cho em. Từ đó thảm họa luôn đến với tôi.

*
*        *

    Nhà em có vườn rộng, trồng nhiều cây ăn trái: ổi, xoài, mận, cóc… nên thời gian tôi được thưởng thức các món này nhiều hơn ngồi chỉ bài cho em (vì em thích ăn vặt hơn ngồi học bài).
    Một hôm, bố em đem về cho em mấy cây hoa đồng tiền để em trồng. Em chia ra làm hai - em nửa, tôi nửa và bắt tôi thi trồng. Thời gian sau, những cây hoa của em không hiểu sao phát triển tốt hơn của tôi (có lẽ do lợi thế sân nhà, nên hoa em được em chăm sóc kỹ hơn, còn hoa tôi, em bỏ mặc!). Tôi giở lòng dạ “tiểu nhân” của tôi ra: lén lấy dầu hỏa - từ cây đèn hột vịt đặt ở trên cái trang thờ trong sân - tưới một ít vào cái gốc cây hoa của em. Nhưng trời ơi! Cá cây hoa của em bỗng tốt lạ thường và nở hoa rất đẹp. Tôi xin chào thua!

*
*        *

    Một hôm, đến nhà thấy em ngồi buồn, mắt đỏ hoe. Hỏi ra, mới biết con chó Nhật tên Mi-lu của em biến mất. Tôi an ủi em (nhưng bụng mở cờ vì chú chó này là kình địch của tôi, mỗi lần tôi ngồi gần em, hắn cắn vào ống quần tôi và giật ra thiếu điều muốn rách quần!). Nhưng sự việc không dễ dàng kết thúc, em mở cuộc “hành quân tìm Mi-lu và bắt tôi tham gia! Kết quả là Mi-lu qua nhà hàng xóm theo bạn gái, rồi tự dẫn xác về. Còn tôi, chiếc áo trắng bê bết bụi đất vì phải luồn lách qua từng tán cây, bụi cỏ… Tôi đành bận chiếc áo py-ja-ma của ông anh em, ngồi chờ em giặt, phơi và là lại chiếc áo cho tôi. Ôi! Cô bé thật là đoảng! Là áo làm sao mà cháy xém vạt áo trước của tôi. Mai làm sao có áo đi học được đây! Tôi giận dỗi bỏ về và lòng hứa sẽ không bao giờ đến nhà em nữa.
    Vậy mà không lâu, chỉ hai ngày sau, em đến nhà trao cho tôi chiếc áo sơ mi trắng mới. Em đã thêu ba bông thị xanh (ký hiệu lớp Đệ ngũ) và tên của tôi thật khéo. Em đã xin tiền bố mẹ mua áo đền cho tôi.
    Thế là xí xóa và tôi lại tiếp tục kèm em học.

*
*        *

    Buổi tối nọ, trong lúc giảng bài toán cho em, tôi chợt thấy một bài kiểm tra toán của em rớt ra. Ối dào! Có hai quả trứng đỏ chót trên trang giấy. Xem kỹ thì thấy đề thi trúng tủ với bài toán mà tôi đã khô hơi, rát cổ giảng cho em. Giận quá! Tôi lên mặt thầy, mắng cho em một trận và không quên gán cho em những biệt hiệu mỹ miều: thông minh như họ Trư, giỏi như bò đội nón…
    Em ngồi thúc thích, miệng tròn như… quả trứng ngỗng trong bài kiểm tra! Nhưng em chợt thôi khóc, bậm môi và im lặng ngoan ngoãn nghe tôi giảng bào (âm mưu gì đây ?)
    Sáng hôm sau đi học, nghe những tiếng cười phá lên trong lớp. Tôi mới phát hiện có một mảnh giấy dính sau lưng quần tôi đề “Ỉn luôn luôn làm tàng!”

*
*        *

    Tôi phải làm nhân vật “rét-kiu” (cứu hộ) trong nhiều trận cho em và mỗi lần như vậy tôi đều bị … tơi tả!
    Một lần,
    Được nghỉ giờ học đầu, tôi lấy vở ra ôn bài. Chợt thấy cây bút pilot xanh kẹp trong vở rớt ra. Thì ra hôm qua, tôi lấy cây bút của em ra giảng bài Anh văn cho em. Xong việc, tôi quên đưa lại cho em mà kẹp lại trong vở nháp của tôi. Không có bút lấy gì mà chép bài đây!
    Tôi phóng xe, đạp lấy đạp để đến trường em. Trường Pleime ngày ấy, xung quanh chỉ rào sơ sài bằng kẽm gai. Tôi chui rào vào ngỏ sau trường, tìm lớp em học. Đang loay hoay đi tìm, bỗng có một bàn tay xách tôi lên và giọng nói ồ ồ của thầy Giám thị cất lên: “Trò đi đâu đây ?...”
    Tôi đành mếu máo (vì tai bị xách đau quá!) trình bày sự thật cho thầy nghe… Thầy cầm bút, đi tìm đưa cho em. Còn tôi lủi thủi đi về với cái tai đỏ ửng!
    … Pleiku đang vào mùa mưa!
    Hôm ấy, tôi đạp xe đế Ty Thanh Niên (gần trường Pleime) học võ. Xa xa, thấy em và các bạn đang “nhẹ gót” đến trường… Bất chợt, một chiếc xe jeep lùn quân đội chạy lạng vào chỗ em, hất cả vũng nước bùn lên cả áo dài của em. Chiếc áo trắng tinh bây giờ lấm đầy bùn! Em khóc…
    Tôi vội vả chạy đến và giục em lên xe, về thay áo. Để đưa em kịp đến trường, tôi vừa chở em, vừa đạp xe với tốc độ không tưởng! Trái tim tôi như muốn rớt ra khỏi lồng ngực…
    … Và câu chuyện khác cũng tương tự như vậy… Một chiều tôi đi học võ về, lại thấy có mấy nhân vật áo lính vây quanh trêu ghẹo em. Thấy tôi, em ngoắc tay bảo tôi chở em đi và bắt tôi gò lưng đạp lên con dốc Khu Tạo tác (trung tâm thể dục, thể thao tỉnh bấy giờ), để thoát khỏi mấy anh chàng kia.
    Trời Phật! Con dốc vừa cao, vừa lởm chởm, lại phải đèo em nên hai bắp chân tôi căng cứng, đau nhức. Tôi phải hít hơi nhiều lần để đưa em qua khỏi dốc.
    Hôm ấy, tôi nói với em, mai mốt tôi sẽ đi “Đà Lạt” để trở thành mấy anh chàng hay chọc ghẹo em. Em đập vào lưng tôi nói: “Tui cấm ông đi lính…, ông phải học lên Đại học - Tui ghét lính lắm nha!”
    Còn rất nhiều tình huống bất ngờ xảy ra trong cuộc đời học sinh của Em và tôi. Kể ra chắc tốn nhiều giấy mực… Rồi bố em thuyên chuyển công tác đến một nơi khác. Dĩ nhiên gia đình em phải di chuyển theo. Chúng tôi chia tay nhau từ đó, trong nỗi nhớ nhung và đầy ắp kỷ niệm.

*
*        *

    Thời gian qua mau, Em và tôi bặt tin nhau.
    Chiến tranh leo thang.
    Tôi phải chọn cuộc đời binh nghiệp và sau này tôi cũng được tin em làm phu nhân của một nhân vật cũng làm nghề lính có nhiều bông mai… Sau 1975, gia đình em đều định cư ở nước ngoài. Còn tôi vẫn ngồi đây hát bài “Ta vẫn chờ em trên đồi nương bao la…”
    Còn đâu những ngày Tết, vừa nhìn cây mai to bự, nở hoa rực rỡ trong nhà em, vừa được em vồn vả ép ăn bánh thuẩn và uống rượu nếp thang đến căng bụng.
    Bây giờ, mùa Xuân lại đến. Tôi ngồi giữa đất trời mênh mông uống rượu và nhớ về em. Em Pleime ơi!


PK: Nguyễn Ngọc Anh            
Mùng 3 Tết Nhâm Thìn