Đã mấy ngày trôi qua, kể từ hôm đi thăm chùa đến nay, vậy mà trong tôi vẫn còn cái cảm giác vui vui khó tả.
    Phước Hòa là tên một ngôi chùa nằm trên đường đi Kontum, cách thành phố Pleiku khỏang 10 cây số. Đó là một ngôi chùa rất đặc biệt, đặc biệt không chỉ vì trước cổng chùa là bức tường hoa hoàng anh vàng rực, không chỉ vì chùa có cảnh trí nên thơ với vườn cây xanh mát luôn rì rào tiếng gió đùa trong gió, không chỉ vì chùa có thờ hương linh Đào Vân, người bạn thân trong lớp chúng tôi, mà còn đặc biệt là vì sư trụ trì chùa là Trần Văn Hảo, một người bạn cùng lớp, bây giờ là Đại Đức Thích Trí Thanh.
    Hôm ấy là một buổi sáng mát dịu, đang uống cà phê ở quán Tri Âm thì chị Nhàn, người lớn tuổi nhất trong nhóm, đề xướng:
    - Chúng ta đi thăm chùa đi.



    Cả nhóm hưởng ứng, vợ chồng Chánh - Nguyện nói thêm:
    - Ra chùa ăn cơm chay cho nhẹ bớt tội lỗi.
    Xông, cô bạn mới, nhỏ tuổi nhất reo lên.
    - Em biết chỗ nấu chay rất ngon, để em chở chị Nhàn đi mua.
    Lúc ấy, HĐ cũng vừa đến quán thăm Lan Hương. Chúng tôi làm quen với nhau. Với chiếc áo hoa màu khá nổi, quần tây trắng, khoác chiếc áo hơi dài màu tối, trông HĐ rất thanh lịch, điệu đà, chị Nhàn và Nguyện là dân Saigon cũng phải trầm trồ khen ngợi. Các bạn muốn có hình lưu niệm, thế là HĐ bấm máy, sau đó rủ HĐ cùng đi chùa.
    Sau khi rời quán Tri Âm, chúng tôi đi chùa.
    Tôi thấp bé nên vội leo lên xe của Xông, chiếc xe máy nhỏ gọn rất hợp với dáng người nhỏ nhắn của Xông và cũng rất hợp với tôi. Mới được vài giây, tôi đã bị mời xuống để qua xe khác vì X phải chở chị Nhàn đi chợ. X dặn dò.
    - Phải chờ em ở ngã ba Hoa Lư đấy nhé, chứ em không chở nổi chị Nhàn và đồ ăn đâu.
    Khoảng 30 phút sau, X và chị N đến nơi hẹn và bắt đầu cuộc hành trình thú vị.
    Bây giờ X lại chở tôi, còn chị N qua xe anh Sơn.
    Đi một lát thì gặp Trang, X nói:
    - Hôm nay đáng lẽ em đi làm, nhưng vì vui quá, em xin nghỉ để đi chơi với các anh chị và em còn chở chị Nhung nữa.
    Cảm ơn cô bạn dễ thương đã xung phong chở tôi (tôi nghĩ ít ai thích chở tôi vì tôi thường lặng lẽ, ít nói nên không vui bằng người khác)
    Đến nơi, chúng tôi lặng đi trước cảnh chùa tĩnh mịch. Nhưng chỉ một lúc sau, khi thầy Hảo ra mời chúng tôi vào chùa, thì cả bọn cùng nhau chào thầy rộn cả lên. Thôi thì đủ mọi kiểu xưng hô, người thì gọi là thầy, người thì gọi tên, có người bộc phát xưng “mày, tao” như lúc còn đi học.
    Anh Chánh nói lớn : - Bây giờ phải xưng hô sao đây?
    Thầy Hảo cười: - Gọi sao cũng được. Tất cả đếu là giả thôi mà. Có gì quan trọng đâu.
    Tôi nói nhỏ với thầy: - Thầy thông cảm cho chúng con vì sự ồn ào này, chỉ vì vui quá thôi. Hôm nay chúng con ra chùa thăm bạn cũ, chứ không phải ra chùa để... tu!
    Thầy cười vui: - Không sao, không sao, các bạn cứ vui vẻ tự nhiên.
    Lúc này, HĐ và Lan Hương mới đến chùa, thì ra HĐ ghé tiệm để rửa gấp những tấm hình, vì chị Nhàn và Chánh Nguyện phải về ngay trong chiều hôm đó. Có bao nhiêu người trong hình là HĐ rửa bấy nhiêu tấm ảnh và tặng chúng tôi... Thật là người chu đáo hết biết!
    Sau khi lên điện thờ thắp nhang lễ Phật, chúng tôi cùng nhau vào bếp. Ai cũng có việc để làm. Ai cũng muốn góp sức cho buổi cơm chay ấm tình bè bạn. Đầu bếp chính là chị Nhàn, Nguyện và Nuôi.Cả ba người vừa nấu nướng vừa tranh nhau kể chuyện vui, khiến chúng tôi cười toét cả miệng, đau cả bụng... Trang ngồi rửa rau cạnh hồ nước, cười to quá đến nỗi văng cái vòi nước làm ướt cả quần áo.
    Tôi an ủi: - Không sao. Ướt còn cháy mất, lát nữa là khô ngay mà.
    Lúc ấy đã hơn 10g30, phải nhanh tay sao cho kịp giờ ăn trưa rồi về trước 12g30, để thầy và một số bạn có công việc phải làm vào đầu giờ chiều.
    Phải công nhận chị Nhàn và Nguyện là những nhà nội trợ tài ba, trong chốc lát đã làm xong món chả giò với đậu khuôn, nấm rơm và bún tàu. Nguyện chuyển qua tôi những chiếc chả tròn đều rất đẹp và nói: Nhung chiên chả đi, canh lửa sao cho đừng cháy đấy nhé.
    Tôi vốn chẳng có năng lực gì về nấu nướng, sau khi lật lật vài chiếc chả trong chảo dầu đang sôi, tôi ngọt ngào: - Bà Nuôi ơi, nghe nói bà nấu ăn giỏi lắm, bà chiên giùm tôi đi. Nuôi vui vẻ và nhận lời, giải thoát cho tôi nỗi lo làm hỏng một món ăn ngon.
    X được giao nhiệm vụ nấu cơm. Khi cắm phích nồi cơm điện, X phát hệin ổ điện bị hở, phải chờ các bạn nam sửa chữa. Sau khi yên chí về nồi cơm, X đi làm việc khác.
    Mấy đĩa chả giò vàng rộm được bày ra bàn, chị Nhàn lại say sưa với món xào. Còn Nguyện thì đang nêm nếm món kho. Nuôi thì loay hoay với món luộc.
    Khi tôi đặt hai tô canh rau tần ô nóng hổi lên bàn thì anh Thành nói to: - Dọn cơm lên đi.
    X chạy lại nồi cơm định xới ra bát, thì hỡi ơi, nồi cơm còn nguyên cả nước. Hóa ra cái phích cắm điện đã bị hỏng lại mà chẳng ai biết. Nhìn vào nồi cơm, gần mười cái miệng cùng thốt lên một tiếng nghe thật não nùng : - Ôi trời !
    Anh Triết có vẻ lo lắng : - Vậy biết chừng nào mới có cơm ăn ?
    Sau vài gâiy thẩn thờ trước thảm cảnh bi đát của nồi cơm. X bỗng sáng mắt: - Không sao, có cơm ngay thôi.
    X vào bếp lấy ra một cái nồi nhôm to, vội vàng đổ gạo ra nồi, rồi bắt lên bếp gas. Gạo đã ngấm nước nên nấu rất mau chín, nhưng cơm bị cháy dính vào đáy và thành nồi hết một phần ba!
    Cuối cùng thì bữa ăn cũng hòan tất.


Thầy Hảo & Anh: Triết - Chánh - Thành - Thái
Chị : Nuôi - Ngô Nhung - Lan Hương - Nguyện - Kim Trang


    Trên bàn ngoài món cải thìa xào nấm, cải xanh luộc vừa chín tới, canh rau, chả giò, còn các món bổ dưỡng khác như nấm rơm kho mặn, những chiếc nấm tròn tròn chỉ to bằng đầu ngón tay được kho rim với nước tương thơm lừng. Vài đĩa đậu khuôn chiên vàng được đặt xen lẫn với các đĩa rau xanh trông thật hấp dẫn. Giữa bàn có một đĩa to đựng món dưa giá kèm với quả cóc xắt sợi chua chua ngọt ngọt ăn với chả giò. Món cà pháo giòn giòn ăn với canh rau. Mọi người đang dán mắt vào các đĩa thức ăn và thầm nghe bao tử thúc giục đôi tay cầm đũa, thì chị Nhàn hô to: - Cốt lết chiên giòn đây!
    Anh Ngọc Anh thoáng ngạc nhiên: - Ủa, sao ăn chay mà có cốt lết?
    Hóa ra không phải thịt, đó là một loại mì căng ướp gia vị, được cắt thành miếng hình chữ nhật, trông như miếng cốt lết heo. Chiên vàng sẽ có vị mặn ngọt, beo béo, giòn giòn rất khoái khẩu.
    Thực khách đã đầy đủ. Vinh, chồng của Nuôi và Thái chồng của Lan Hương cũng vừa kịp tới tham dự bữa cơm. HĐ và LH sau khi dạo khắp khu vườn của chùa, cả hai cũng đã trở lại bàn.
    Vui ơi là vui.
    Cả mười lăm cái miệng (à không, chỉ mười bốn thôi, vì trừ thầy Hảo ra) đều xuýt xoa khen ngon và thi nhau ăn như chưa bao giờ được ăn các món rau ngon như thế.
    Đang ăn hào hứng, bỗng một giọng nam vang lên: - Xới cơm thêm đi, sắp hết cơm rồi.
    Một giọng nữ thì thầm: - Hết cơm rồi, làm sao đây?
    Lại một giọng nam, hình như là anh Sơn, có vẻ chê bai (chắc là nói đùa!): - Sao nấu cơm ít vậy? Mấy bà nội trợ chẳng biết tính toán gì hết!
    Nghe vậy, tôi vội vào bếp, dùng hết sức mạnh của đôi tay, cạo hết lớp cơm cháy dính ở thành nồi, cũng được gần một tô nhỏ.
    Tôi sắp sẵn trên môi một nụ cười như có lỗi: - Cơm còn nhiều mà. Bảo đảm ăn không hết đâu.
    Mà đúng vậy, cuối cùng cơm vẫn còn một ít. Người ta thường nói: “Con mắt to hơn cái bụng”, thật không sai chút nào!
    Chúng tôi hăng hái ăn sạch hết các món chay vì quá ngon, lại đang đói nữa. Thật là một bữa cơm đáng nhớ!
    Ăn xong, chúng tôi chia nhau dọn dẹp. Lúc này mọi người dường như thấm mệt vì no. Nên chỉ có tôi và LH rửa chén bát. Tôi tuy nấu ăn không giỏi nhưng rửa bát thì sạch khỏi chê. (Mỗi khi đi ăn ở nhà bạn, tôi được ưu tiên giao cho nhiệm vụ cao quí này). Tuy vậy, cũng còn thua LH xa, đang tráng lại mấy cái đĩa nhựa mà tôi đã rửa qua, bỗng nhiên LH la oai oái : - Mấy cái này rửa chưa sạch chị Nh ơi!
    Mấy cái đĩa vẫn còn hơi trơn dầu. Thế là tôi phải hì hục rửa lại bằng nước rửa chén đậm đặc hơn mới làm LH vừa lòng.
    Mọi việc đã xong, bếp núc đã gọn gàng, sạch sẽ. Chúng tôi lên phòng khách của thầy uống trà, nói chuyện. Lúc bấy giờ nét mặt của mọi người đều nghiêm trang, y hệt như những thiện nam tín nữ đi chùa cầu phước.
    Chị Nhàn trịnh trọng đứng lên chắp tay:
    - A Di Đà Phật, hôm nay chúng con ra chùa thăm thầy. Xin thầy Cầu An cho chúng con.
    Chúng tôi ghi tên, tuổi, pháp danh (nếu có), rồi trao cho thầy tờ giấy ghi danh sách những người tham dự buổi gặp mặt hôm ấy.



    Nhìn đồng hồ, chúng tôi nhận thấy đã đến lúc phải ra về. Đang lững thửng đi đến nơi để xe, thì HĐ lại đề nghị chụp hình. Dĩ nhiên là chúng tôi đồng ý cả hai tay!
    Thế là HĐ chọn cảnh, còn chúng tôi, nhất là cánh phụ nữ cố gắng tạo dáng đứng, dáng ngồi, với hy vọng sao cho có những tấm ảnh đẹp như người mẫu!
    Ai đó nhắc nhở HĐ: - Chụp xa xa thôi, đừng chụp gần trông già lắm!
    Ôi trời, toàn bà nội, bà ngoại mà còn sợ già! Quả thật chúng tôi không còn trẻ, nhưng tâm hồn còn rất trẻ! và chẳng muốn già chút nào!


Thầy Hảo & Anh : Sơn - Ngọc Anh - Thành - Triết - Chánh
Chị : Nuôi - Nhàn - Ngô Nhung - Nguyện - Xông - Lan Hương





    HĐ tính tình vui vẻ, nhanh nhẹn và bấm máy chuyên nghiệp, tôi cứ ngỡ HĐ là một phóng viên nhà báo thực thụ. Nhờ có cô bạn này, chúng tôi đã có những tấm ảnh không những đẹp, mà còn là những tấm ảnh đặc biệt ghi lại những phút giây đáng nhớ của nhóm bạn chúng tôi.



    Chúng tôi từ giã chùa ra về với niềm vui thanh thản, thầm hẹn với lòng chắc chắn sẽ quay lại nơi này một ngày không xa.
    Bây giờ tôi đang hồi tưởng về bữa cơm chay hôm ấy và viết lại một cách chân thật để các bạn đọc cho vui nhé.

Ngô Nhung                   
Pleiku, tháng 11/2011            
(Hình ảnh - Hoàng Đào)