CON ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG


  Nguyễn Trí Dũng        




        Tôi bây giờ, tuổi già chưa đến, tuổi trẻ đã qua, quên nhiều hơn nhớ. Có những chuyện mới xảy ra ngày hôm qua, nay đã quên rồi. Nhưng những kỉ niệm về thời cắp sách đến trường ở Pleiku, tôi không bao giờ quên , nhất là con đường đến trường.
        Nhà tôi ngày trước sống ở Khu gia binh Hoa Lư, ngày ngày đi học phải qua nhiều nơi bằng đôi chân nhỏ bé ( mặc dù bố tôi có chiếc xe Honda 67, nhưng tôi vẫn thích đi bộ hơn) . Có những năm học buổi chiều, cũng có những năm học sáng. Nơi đầu tiên tôi đi qua là “Quân tiếp vụ “, với hàng rào lưới B40 cao vút, mà tôi ước chừng phải đến 4 – 5 m , rồi đến nhà thờ Tin lành vang tiếng cầu kinh…. Có ba con đường để đến trường, nhưng tôi rất thích chọn con đường Trịnh Minh Thế để đi, vì được đi ngang qua “ấu trĩ viện”, ngày bé tôi đã học ở đó ( bây giờ gọi là lớp mẫu giáo ) , bên cạnh “ấu trĩ viện là “ Chẩn y viện” của quân đội, hồi đó tôi thường qua xem người ta tiêm thuốc và khám bệnh cho quân nhân, sơ khám ban đầu. Qua “Chẩn y viện “ là đến “Bảo sanh viện” , “ Dân y viện” , tôi nhớ từng cái tên như thế, nhưng ngày đó không biết họ làm gì trong đó, sau này lớn lên , khi biết nghĩa của từ, tôi mới mường tượng ra. Một quãng đường ngắn nữa sau đó là “ Cư xá sĩ quan” , đến dinh của các ông tướng, tôi nghe bọn trẻ kháo nhau, kia là dinh của ông tướng Lam Sơn, nọ là dinh của ông tướng vùng II…. Thôi thì cứ nghe như vậy. Rồi đến “ Nha tiểu học” , tôi cũng chẳng biết “ Nha tiểu học” để làm gì, cứ lẩm nhẩm đọc rồi thuộc từng cái tên như thế. Một lí do nữa để tôi thích đi con đường này vì nó rấy đẹp, hai bên là hai hàng thông già rợp bóng mát suốt ngày, bởi thế ngày bé tôi đi học ngày ngày mà không biết đâu là hướng Đông, đâu là hướng Tây của phố núi cao này, đặc biệt những hôm có những cơn gió nhẹ thổi qua là phấn thông rơi rất đẹp, nhất là mùa Thu có bướm vàng bay rợp khắp con đường. Ngày đó tôi dám bảo rằng không có con đường nào và không có thành phố nào trên trái đất này nên thơ và lãng mạn như đường Trịnh Minh Thế ở Pleiku, (vì tôi có được đi đâu ra khỏi thành phố nhỏ bé này đâu). Nếu tôi là nhà văn , tôi có thể mô tả , thành phố rất thơ mộng như Thanh Tịnh đã tả trong bài “ Tôi đi học” và có thể đẹp hơn như vậy.
        Qua ngã tư là đến “ Sở Công Chánh”, nhắc đến “ Sở Công Chánh” , những hôm đi học về sớm, tôi không về nhà ngay, mà tôi thường ghé nơi này để cạo mủ cao su vò thành trái banh , say mê đục , gõ, cạo … đến nỗi trời tối lúc nào không hay…
        Đối diện “ Sở công chánh” là “Ty ngân khố”, “Ty kiến thiết”, đối diện “Ty kiến thiết” có một cái “Am Bà”, ngày ngày hương khói, không biết họ hát hay cúng gì mà lúc nào cũng đông người, có tiếng trống, tiếng nhạc nghe lành lạnh. Bọn trẻ chúng tôi thích ghé vào xem thử và đứng ngẩn ngơ xem họ có cho xôi chè không?. Sau này, khi có con tôi mới biết tại sao bọn trẻ thường không về nhà khi được nghỉ học sớm, làm như vậy bố mẹ lo biết chừng nào. Đi hết “Am bà” là đến “Ty bưu điện” . Hết đường Trịnh Minh Thế, ra đường Hoàng Diệu, chừng vài trăm mét là đến trường, tôi học “Trường Nam Tiểu học cộng đồng”, khoảng vào năm 1967 – 1969, ngay cả chữ “cộng đồng” tôi cũng chẳng hiểu nốt, tôi chỉ nhớ như in vậy. Trường tôi ở bên cạnh “Quân cảnh tư pháp”. Ngày đó thầy cô thường dọa bọn trẻ lì và nghịch ngợm, coi chừng bị nhốt vào “Quân cảnh tư pháp”, với tâm hồn non trẻ của bọn tôi ngày ấy, không biết họ đặt ra Quân cảnh tư pháp làm gì, nhưng trong thâm tâm thì rất sợ bị nhốt vào đấy!
        Sau khi học hết cấp tiểu học, bọn trẻ ở khu gia binh Hoa Lư đều thi vào Trung học Tỉnh hạt Phạm Hồng Thái, con gái thì thi vào Trung học Pleime cho gần nhà, riêng tôi, không biết là do yêu con đường Trịnh Minh Thế hay là đua đòi lớp trước, mấy anh chị nói “ trai nào gồ bằng trai Trung Học Pleiku, gái nào đẹp bằng gái Pleime” , thế là tôi chọn thi vào trường Trung học Pleiku , mẹ tôi một phen hú vía, vì thi vào đệ thất trung học ngày đó rất khó, hơn nữa tôi thuộc vào hạng học tầm tầm thôi. May sao tôi thi đậu vào trường Trung học, khỏi nói niềm vui của tôi nó lớn lao biết chừng nào. Thế là con đường đến trường lại dài thêm một chút nữa, nhưng tôi rất vui và phấn chấn trong lòng. Từ Trường Nam tiểu học Pleiku đến Trung học Pleiku phải qua một khoảng rừng cao su hay cà phê gì đó, đến Trường Tuyên Đức, trường dành cho học sinh người Tàu , có đề bốn chữ “ Tuyên Đức Học hiệu” . Đến cổng trường Trung học Pleiku, trời ơi nó to lớn và đẹp vô cùng ( so với ngày đó, và so với tuổi thơ của tôi)
        Lên trung học, được học nhiều thầy cô, chứ không như tiểu học, tôi thấy thầy cô nào dạy cũng hay, thầy cô nào cùng toát lên vẻ sang trọng mà tôi không biết dùng từ ngữ gì để diễn tả hết cho được. Đúng như vậy, thầy cô được gọi là giáo sư cũng đúng thôi, họ giảng dạy như lôi cuốn, và thật sự hấp dẫn học sinh như những vị thánh sống vậy, không biết tài tử xi nê trong mắt các fan hâm mộ có như vậy không?.Tôi tưởng tượng rằng , bất cứ cái gì thầy cô cũng đều hiểu biết hết. Tôi sung sướng được học trung học còn hơn đứa trẻ được mẹ may cho áo mới trong ngày Tết, tôi mong ước được học ở đây lâu hơn. Bởi thế tôi thường đi học sớm lắm, buổi sáng vào lớp 8 giờ ( theo múi giờ Sài Gòn trước 1975), nhưng từ 6 giờ rưỡi tôi đã đi học rồi…
        Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tầy gang”, tôi đang ngất ngây và sung sướng được học trong ngôi trường như vậy, thầy cô giáo như vậy, bỗng chiến sự leo thang, mọi người chạy loạn, tôi không thích chạy loạn tí nào. Nhưng bố thì đã đi từ trước, do công vụ, nay mẹ cũng đi, tôi đành ngậm ngùi chia tay trường vào tháng 3 năm 1975. Các anh chị lớp trước có thấu chăng nỗi niềm của tôi, vì mọi người đều được học trung học, 2 năm, 3 năm, 4 năm , có người 7 năm . Nhưng tôi và các bạn lớp 6/1 ngày đó thì học chưa được 1 năm, thật tiếc.
        Sau đợt chạy loạn xuống Phú Bổn, bị mắc kẹt, trở về, tôi có đăng kí học trở lại . Bố thì thất lạc, thầy cô đâu hết rồi, bạn bè đứa còn đứa mất, chỉ học có môn Toán và một số môn tự nhiên như :Vạn vật, Lý Hóa…. Tôi buồn quá. Tháng sau, mẹ tôi dắt díu con cái về quê bố, thế là tôi đành xa trường thật rồi, xa Pleiku thân yêu, xa con đường Trịnh Minh Thế thơ mộng.
        Sau 1975, tôi quyết chí đi học trở lại và thi vào trường Sư phạm để mong ước làm giáo viên như các thầy cô của mình ngày trước. Tôi đã được toại nguyện, tôi cũng là giáo viên dạy Toán Trung học đến nay đã được 25 năm dạy học, nhưng hình ảnh của người giáo viên bây giờ tôi thấy thế nào đó, những năm đói khổ, người ta coi giáo viên chẳng ra gì, bây giờ cũng không khá gì hơn.
        Hai mươi năm sau 1975, tôi có trở lại thăm thành phố mà tôi yêu, nhưng hình như, con đường, hàng cây, cảnh cũ đâu rồi. Tôi như người xa lạ giữa biển người, bạn bè, thầy cô…. Tôi có đến thăm trường, trường cũng mang tên khác rồi. Phải chăng chỉ còn lại trong kí ức của tôi thôi, con đường Trịnh Minh Thế đã đổi tên và thay đổi nhiều quá, tôi như bị lạc đường …
        Tôi viết bài này chỉ mong được bạn bè ngày trước, có còn nhớ đến tôi, nhớ đến lớp 6/1 ngày xưa thì tạo điều kiện để gặp nhau hay liên lạc thư từ, đễ ôn lại chuyện của những ngày xưa thân ái.
        * Hôm trước , lang thang trên mạng mới thấy trang web này , tôi mạnh dạn viết thư cho anh Cửu Dũng, may là anh cho Email của cô Vũ Thị Bích, tôi đã liên hệ với cô rồi, có tìm được người bạn cùng lớp là Vũ Đức Phương, em của cô Bích, hiện ở thành phố HCM, còn lại đâu hết rồi… thương nhớ các bạn lắm…!!!
       
        PK Nguyễn Trí Dũng Email : dunghuesh@gmail.com