Phần 1:


      Đó là một miền quê có biển, người Sài Gòn không một ai ngờ được rằng nơi vùng quê xa xôi hẻo lánh ấy lại có một bờ biển xanh biếc, thoai thoãi chạy dài, với một vẻ hiền lành êm ả đến thế, vẫn còn nét rất hoang sơ mộc mạc vì chưa có bàn tay con người can thiệp vào, như người con gái chân quê xinh đẹp một cách tự nhiên trong sự giản dị, chất phát, không chút lụa là son phấn.
     Tôi biết đến vùng biển miền quê này do một sự tình cờ - có thể gọi là may mắn – trong lần tôi lái chiếc xe du lịch 24 chổ ngồi- đưa nhóm nấu ăn về xã Phước Tỉnh hai ngày để nấu đám cưới cho một gia đình có con gái lấy Việt Kiều, xe rẽ vào một con đường đất nhỏ hẹp, hai bên là những ruộng lúa và rau xanh, sau đó quẹo qua trái chừng chục mét thì đến nhà có đám cưới.
     Phận sự của tôi đơn giản là lái xe theo hợp đồng chở nhóm nấu ăn xuống đây và chờ đến chiều mai đón họ về. Thời gian quá rảnh rổi chẳng biết làm gì tôi đi thơ thẩn quanh làng để xem cuộc sống và phong cảnh ở nơi đây. Thật tình mà nói vùng quê này sao mà buồn quá, nhà cửa thưa thớt, nhỏ bé và đơn sơ. Hình như chỉ nhà có đám cưới là khá giả nhất vì cô con gái đi làm công ở tận Sài Gòn có chút nhan sắc, quen và lấy được Việt kiều…
     Thấy tôi có vẻ lạ hoắc, ăn mặc lịch sự nên mấy bà, mấy cô làm ruộng đứng nhìn chăm chăm, có thêm một đám con nít thò lò mũi xanh chạy theo líu lo hỏi chuyện:
     - Bác ở đâu đến đây thế? Bác kiếm ai vậy? Sao Bác lạ quá nhỉ?...
     Tôi cười vuốt mái tóc vàng hoe khét nắng của một thằng bé có vẻ lanh nhất trong đám, vừa trả lời vừa hỏi nó:
     - Bác ở Sài Gòn, à này, ở đây có nơi nào vui để chơi không?
     Tụi nhỏ nhao nhao đua nhau chỉ chỏ:
     - Có biển đấy ạ, Bác thích biển không? Cháu dẫn Bác ra biển chơi nhé.
     Tôi ngạc nhiên trố mắt nhìn mấy đứa bé khi mà tôi chỉ thấy quanh đây toàn là những thửa đất trồng lúa và rau xanh, tôi hỏi:
     - Đây mà cũng có biển? Thật không?
     - Thật mà, Bác cứ đi theo tụi cháu.
     Thế là mấy đứa bé kéo tay tôi chạy băng băng về phía trước theo con đường đất nhỏ xuyên qua mấy thửa ruộng…
     - Đó, biển kìa Bác…
     Tôi ngạc nhiên đến há hốc mồm khi trước mặt tôi đúng là biển thật, một màu xanh biên biếc của nước, một màu vàng mơ của cát và từng đợt sóng trắng xóa đang nhấp nhô vổ vào bờ, những làn gió mát từ biển thổi vào mặt tôi mang theo mùi muối mặn. Biển đẹp quá, thật tuyệt vời làm sao, tôi theo mấy đứa nhỏ chạy ào xuống nước, cùng nhau đùa nghịch với sóng biển và cười vui vang trời.
     Đưa cho mấy đứa nhỏ một ít tiền gọi là “ trả công” đã đem tôi đến với biển, tôi ngồi dưới gốc cây phi lao nghĩ mệt và nhìn những con tàu ở tận ngoài khơi; rất nhiều và nhỏ xíu.
     Bãi cát trải dài thoai thoải không có chổ trũng hay đá san hô ngầm, trên bờ chỉ có chừng mười mái nhà lá rách nát nằm lưa thưa, nhà nọ cách nhà kia bằng một hàng rào cây tràm vàng và vài ba cây phi lao. Bất chợt tôi nghỉ: “ phải kiếm mua một miếng đất ở đây mới được”, vì tôi có đến năm đứa con còn nhỏ, với bờ cát có độ lài này thì thật là an toàn khi các con tôi được về đây tắm biển.
     Tôi đi vào sân nhà của một người đàn bà đang ngồi vá lưới, thấy khách lạ chị ngừng tay ngước lên nhìn tôi và hỏi:
     - Bác kiếm ai thế ạ? Bác ở đâu đến đây vậy?
     Giọng Bắc của chị tuy mang âm hưởng nhà quê, hơi cứng nhưng khá ngọt ngào, đôi mắt có đuôi dài bén ngót, mũi dọc dừa và cái miệng có duyên, chị còn trẻ, khoãng bốn mươi tuổi mà thôi. Tôi ngồi lên cục đá chẽ nằm dưới chân nơi tôi đang đứng và nói chuyện vu vơ:
     - Không ngờ nơi đây có biển, hoang sơ mà đẹp quá…À, tôi ở Sài Gòn…mấy đứa bé trong làng dẫn tôi ra đây.
     - Vâng, biển của chúng em đẹp lắm đấy bác ạ.
     - Chị vô đây lâu chưa?
     - Vâng, gia đình em vào đây được mười năm rồi đấy bác ạ.
     Chị tiếp tục công việc vá lưới sau khi trả lời mấy câu hỏi của tôi, đôi tay của người đàn bà này đen mốc và thô ráp, chai sần nhưng lại rất nhanh nhẹn, cầm con thoi thoăn thoắt đưa qua đưa lại vá mảnh lưới rách, như một người nghệ sĩ đang múa với những ngón tay của mình. Tôi tiếp tục câu chuyện thăm dò:
     - Chồng và các con chị đâu mà chị vá lưới một mình?
     Chị cười, rất xinh:
     - Vâng, nhà em đi biển lưới cá rồi bác ạ, các cháu đi nhặt ốc mỡ…đấy…bác thấy một đám con nít ngoài kia kìa…có con em trong ấy đấy ạ.
     Tôi nhìn theo hướng tay chị, ừ ha, tôi đã không để ý đến một đám choai choai đang lao xao ngoài bãi cát nơi mấp mé những bọt nước cuối cùng của con sóng, chị nói tiếp:
     - Chắc nhà em cũng sắp về rồi đấy.
     - Anh đi tàu đánh cá à?
     Chị cười buồn:
     - Ối giời, nhà em chỉ đi thúng thôi ạ, bốn giờ sáng là đi rồi, mãi trưa mới về, hôm nay lại về muộn.
     - Nơi này đẹp mà sao ít người ở quá hả chị?
     - Bác nói thế chứ chúng em ớn biển lắm, chỉ mong sao có tiền thì vào mải phía trong mua một rẻo đất xây cái nhà nho nhỏ, ở nhà lá khổ lắm bác ạ…chúng em đông con, làm ngày nào thì cứ là xào ngày đó, vất vã lắm bác ơi.
     Tôi cười nữa đùa nữa thật:
     - Cho tôi hỏi nghen, ở đây có ai bán đất không? Tôi muốn mua một miếng…
     Chị tròn mắt:
     - Bác…bác nói thật chứ?
     - Thật mà, chị coi có ai bán thì chỉ dùm tôi, tôi cho chị tiền cà phê, mà phải là đất mặt biển như thế này mới được chứ vô trong nữa thì tôi không mua đâu.
     Chị ta vội vàng nói mà không chút chần chừ suy nghĩ:
     - Nếu thế…bác mua đất của em nhé, chúng em bán đấy.
     - Thật không? Bao nhiêu tiền?
     Chị cao giọng:
     - Vâng…thật đấy ạ, chúng em đâu dám đùa, mà thôi, em mời bác vào nhà em xơi nước đã, nếu bác muốn mua, chờ nhà em về rồi ta nói giá cả luôn, bác nhé.
     Người đàn bà đi đôi guốc mộc giãn dị mời tôi vào nhà, trong nhà có một bộ xa lông bằng gổ gồm một cái ghế dài, hai ghế ngắn, một cái bàn, ghế có những thanh gổ xếp ngang, vì không có nệm nên ngồi không êm cho lắm, chị pha nhanh một bình trà mời tôi, mùi thơm của trà thật dễ chịu, chị khoe:
     - Trà Bắc đấy bác ạ, của bố chồng em từ Nam định gởi vào cho…
     - Chị là người Nam Định?
     - Vâng, chúng em quê ở Hải Hậu.
     Tôi nhìn quanh, trong nhà không có gì quí hơn bộ ghế gổ này, cái tủ áo quần xập xệ mất hết một cánh cữa, một cái giường cũng xập xệ không kém, chị hơi ngượng khi thấy tôi nhìn quanh nhà, tôi cũng hơi ngượng vì sự tò mò của mình. Chị nhìn ra cửa và reo lên:
     - A…nhà em về rồi đấy anh ạ…ông Chiến ơi, nhà ta có khách này…
     Tôi đứng lên chào người đàn ông chủ của cái nhà lá này, anh ta cười xởi lởi vui vẻ, mới nhìn thôi đã có cảm tình rồi vì vẽ hiền lành, đôn hậu của anh, một cái bắt tay khá chặt giữa hai đứa tôi…:
     - Mời bác ngồi đi ạ, vậy chứ…bác là người ở đâu đến ạ?
     Chị vợ nhanh nhảu nói ngay:
     - Bác ở Sài Gòn ra đây, bác hỏi mua đất, tôi bảo bác ấy mua đất của chúng mình…ta bán cho bác ấy đi ông nhé…
     Anh chồng điềm đạm uống một hớp nước trà, thở hắt ra, nói:
     - Vâng, nếu bác muốn, không dấu gì bác; tháng trước chúng em gã con gái, theo phong tục ở quê chúng em thì khi con gái lấy chồng, bố mẹ nhà gái phải có của hồi môn, chúng em phải đi vay hết mấy chỉ vàng đấy bác ạ, đang cố đi biển để kiếm tiền trả từ từ bớt nợ…nếu bác có lòng muốn mua thì chúng em cũng có lòng muốn bán.
     Tôi đi ngay vào vấn đề:
     - Anh chị định bán bao nhiêu?
     Chị vợ lại nhanh miệng nói thay chồng:
     - Hai cây tư…ông nhỉ.
     Người chồng hơi giật mình, nhướng mắt lên một tí nhìn vợ, chị vợ không để cho chồng có dịp mở miệng, lật đật nói tiếp:
     - Chúng em quyết…hai cây tư nhé bác.
     Lúc này chồng mới được nói:
     - Đất em rộng lắm bác ạ…
     Tôi hỏi:
     - Diện tích là bao nhiêu?
     Chị vợ tròn mắt nhìn chồng, có lẽ chị không hiểu “ diện tích” nghĩa là gì, anh chồng có vẽ hiểu biết hơn, đứng lên nói với tôi:
     - Bác theo em ra ngoài, ta đo xem dài rộng bao nhiêu nhé.
     Chúng tôi ra ngoài, anh ta sãi từng bước chân để đo chiều dài và chiều rộng, tôi đi theo cùng đếm với anh ta, mổi bước chân ướt tính là một mét, cuối cùng có: Chiều ngang mười hai bước chân, chiều sâu là ba mươi sáu bước, dài nhân rộng là ra diện tích, đơn giản hết sức và giá bán chỉ có hai cây tư thì quá rẽ so với người Sài Gòn.
     Tôi ngồi nói chuyện một lúc, giới thiệu mình tên là Thành, thứ ba nên thường gọi là anh Ba, làm tài xế xe du lịch, vợ tôi dạy học, có năm con…còn anh ta tên là Chiến, anh cả trong gia đình nên gọi là bác Cã Chiến, bảy người con…tôi hứa hẹn với họ là nhất định sẽ mua, hôm nay là thứ bảy, chiều mai về lại Sài Gòn, thứ hai tôi sẽ đưa vợ tôi ra đây…chắc chắn là như vậy. Hai vợ chồng tiễn tôi ra về, có nhiều người hàng xóm ở mấy nhà bên cạnh xúm xít bu lại hỏi thăm hai vợ chồng anh Chiến.
     Tôi trở lại nhà có đám cưới, ngồi ngoài xe móc điện thoại ra gọi về cho vợ:
     - Alô, em à…ở đây có biển đẹp lắm, anh hỏi mua được một miếng ngay mặt biển…chờ anh về sẽ kể cho em nghe.

*
*     *

     Vợ tôi tròn xoe mắt khi nghe tôi kể chuyện về miếng đất và quyết định của tôi mà không cần bàn bạc với cô ấy, nhưng vì đây là dịp may, là Chúa Mẹ cho gặp được, là cơ duyên trời đưa đến…thì phải quyết định ngay, tôi cười nói đùa cho cô ấy không giận:
     - Anh đành phải “ tiền trảm hậu tấu” vậy…sáng mai anh đưa em ra đó, cũng không xa, chỉ cách Sài Gòn 110 km, lại không phải đi qua cầu Cỏ May, mai mình đi thật sớm, em nhớ đem theo tiền.
     Vợ tôi gật đầu:
     - Gần hơn Vũng Tàu 15 km.

*
*     *

     Tôi chở vợ đi mua đất biển bằng xe du lịch Toyota bốn chổ ngồi. Thấy xe chạy qua những thửa ruộng lúa và rau xanh, vợ tôi cứ sốt ruột hỏi:
     - Sao chưa tới biển? Bao giờ mới thấy biển? Toàn ruộng với ruộng không hà…
     Tôi cười:
     - Sắp tới rồi, em đừng có rối lên như thế…kìa…tới rồi đó.
     Trước mắt chúng tôi là một khoãng xanh của trời và nước giao nhau, từng lớp lớp sóng trắng xóa đang vổ vào bờ. Vợ tôi trố mắt nhìn, ngạc nhiên và thích thú chồm qua ôm lấy tôi, không nhớ rằng tôi đang lái xe, nàng reo lên như con nít:
     - Ôi chao, đùng một cái biển hiện ra trước mắt, đẹp quá, thích quá anh ơi.
     Vì đã hẹn trước nên hai vợ chồng anh Chiến ở nhà chờ tôi, họ mừng rỡ chạy ra đón khi thấy chúng tôi vừa bước xuống xe. Chị vợ nhìn vợ tôi lom lom tứ đầu xuống chân, những người hàng xóm cũng bu lại trấm trồ – vợ tôi là một người phụ nử xinh đẹp, sang trọng và đài các, da nàng trắng mịn tuy không thoa phấn, môi nàng hồng tươi khi phớt nhẹ lên một chút son, đôi tay nàng thon thon từng ngón nuột nà, tóc nàng lúc nào cũng dài quá vai một tí, cắt từng lớp khéo léo và được uốn nhẹ để tạo thành những nếp bồng bềnh, dáng vợ tôi cao cao, nàng có một vẻ rất đặc biệt, rất Tây khi mặc quần Jean xanh nhạt, áo thun trắng và mang đôi giày thể thao, nhìn nàng thật mi nhon và có vẻ Sport lại rất trí thức khi đeo mắt kính cận – tôi nắm tay vợ đi vào nhà anh Chiến, đám đàn bà con nít theo sau.
     Không trả giá vì vợ tôi nói:
     - Anh chị phải bán nhà trả nợ, chúng tôi không nở kì kèo bớt một thêm hai, cứ làm giấy chồng tiền thôi.
     Anh Chiến mừng rỡ:
     - Phúc cho chúng em quá, tháng trước trên xã có cho người về đo đạt kê khai để làm sổ đỏ, bây giờ mình viết giấy tay, em sẽ lên xã khai báo đổi lại tên anh chị nhé.
     Vợ tôi lấy trong túi xách ra mấy bịch kẹo đưa cho đám trẻ con hiếu kỳ đang đứng ngoài cửa, chúng nó vui mừng chạy ra biển, chia nhau,cải nhau chí chóe, mấy người đàn bà không chịu rời mắt khỏi vợ tôi. Chị chủ nhà nắm tay vợ tôi tấm tắc khen mãi:
     - Bác gái đẹp quá, sao tay bác mềm thế, chã bù cho tay dân chài chúng em, sao da bác trắng thế? Sao dáng bác sang thế.?...
     Tôi bật cười, nhớ đến những câu hỏi trong truyện “ cô bé quàng khăn đỏ”, cũng may vợ tôi không phải là “…” thôi; không dám ví von, nàng giận thì mệt lắm lắm…
     Chúng tôi ra về sau khi chồng đủ tiền quy ra vàng, làm giấy tay và mướn lại anh Chiến trông coi đất, mỗi tháng trả ba trăm ngàn ( vào thời điểm 1995 ). Mấy người hàng xóm của họ đến nhờ vợ chồng tôi có thể giúp họ bán những miếng đất bên cạnh nhà anh Chiến hay không? Vợ tôi vui vẻ hứa sẽ đưa bạn bè ra mua, họ mừng lắm. Theo đó thì vợ chồng anh Chiến bán được mảnh đất với giá cao, có nghĩa là anh chị ấy “vô mánh”.
     Trên đường về vợ tôi hào hứng vẽ ra một bức tranh thật đẹp cho ngôi nhà ven biển của chúng tôi, nàng còn tính chuyện sẽ kêu bạn bè xóm giềng ở Sài Gòn ra đó chơi, đương nhiên là tôi phải lái chiếc xe 24 chổ đưa họ đi theo ý vợ.
     Một sự tình cờ đầy may mắn, một cơ duyên trời dành sẵn để cho chúng tôi có được miếng đất ven biển đẹp như mơ!

*
*     *

     Vợ chồng con cái anh Chiến dọn qua ở bên nhà người con gái lớn- đã về Bắc- cũng chỉ là một mái nhà tranh trống trải. Chúng tôi thường xuyên ra đất biển của mình để sửa sang, làm đẹp, thay da đổi thịt cho nó, với óc thẩm mỹ, tánh ưa trồng cây, hoa kiểng của vợ, còn tôi mua đá chẽ về xây hàng rào…nên nói chung từ ngày chúng tôi sở hữu miếng đất này, nó đã xinh đẹp lên rất nhiều. Vợ tôi huy động bạn bè, xóm giềng theo chúng tôi – đông lắm, đủ một xe 24 chổ - ra vùng quê có biển ấy để mua đất, vợ tôi nói với vợ chồng anh Chiến:
     - Tôi sẽ giúp anh chị có thêm một công việc để cải thiện cuộc sống, tôi sẽ đưa các bạn tôi ra đây mua đất biển, anh chị cứ đi kiếm đất, chị sẽ có tiến “ cà phê” của bên mua và bên bán, tùy theo sự khéo léo của chị…
     Nói trắng ra đó là nghề “ cò đất”, chị Chiến là người khá lanh trong công việc này, các bạn tôi mổi người mua một miếng, to nhỏ tùy theo miếng đất mà người ngoài đó có để bán.
     Chúng tôi đã xây dựng thành hình một cái làng mà nói theo dân địa phương ngoài đó là “ làng của người Sài Gòn”, vắn tắc là “ Làng Sài Gòn” như thế đó, tùy theo khiếu thẩm mỹ của mỗi người để cất nhà, vợ chồng tôi lại có đam mê mua nhà gổ từ Xuyên Mộc đưa về biển để làm mới lại, đẹp hơn, sang trọng hơn, mấy người bạn thấy thế cũng làm theo, vậy là có một nhóm “ cò” đi lùng sục kiếm nhà gổ ở Xuyên Mộc cho người Sài Gòn.

     Bây giờ thì làng Sài Gòn ven biển của chúng tôi đẹp lắm, thơ mộng lắm, nhưng kể từ đó vợ anh Chiến tự nhiên sầu muộn, đâm ra héo úa dần mòn, chị mang một căn bệnh gọi là trầm cãm và vợ tôi là người được chị thổ lộ hết mọi tâm cang của mình.
     Đến lượt vợ tôi kể về câu chuyện của người đàn bà trầm cảm này.


     Đón xem tiếp Phần 2...



Hồ Thủy, Saigon 01/2012