Phần I:


      …“Tháng mười chưa cười đã tối”
     Mới hơn sáu giờ chiều thôi mà trời đã chạng vạng rồi, cả không gian và vạn vật từ từ nhuốm màu sâm sẩm tối, trong nhà đàn muỗi bắt đầu kết bè kết lũ bay chập chờn, kêu lên những tiếng “o…o…” nghe thật khó chịu cái lổ tai. Người đàn bà lấy hai tay khua khua để đuổi đám muỗi, miệng kêu:
     - Duyên ơi…Duyên à…
     Có tiếng nước xối và tiếng trả lời phát ra từ cái chái nhỏ sát hông nhà:
     - Con đang tắm…xong rồi đây má…
     Người đàn bà – đó là bà Dần – lần tay tìm nút nhấn của công tắc đèn, bà bật lên nghe kêu một tiếng “tách” nhỏ; sau đó một luồng sáng phát ra từ ngọn đèn; nó chớp chớp mấy cái rồi mới sáng hẳn, bà Dần lọ mọ ngồi xuống chiếc chõng tre kê phía trước sát cửa sổ ở gian ngoài, cằn nhằn:
     - Giờ này mà chưa có cơm nước gì ráo trọi hà…?
     Có tiếng guốc kéo lê trên nền nhà kêu“lộp cộp” và tiếng của Duyên:
     - Con dọn liền…bị ham làm cỏ mấy đám rau nên tắm trể.
     Mâm cơm dọn ra, không có gì ngoài dĩa rau muống luộc, tô canh chỉ là nước luộc rau thêm vào mấy trái cà chua và ít hành lá, mấy con cá bống dừa kho mặn. Hai má con ngồi trước mâm cơm dưới ánh đèn néon nhợt nhạt; mỗi người mang một tâm trạng, một nỗi niềm riêng. Bà Dần đang hoài niệm về thời còn trẻ với bóng hình của người chồng vắn số. Cô Duyên thì nghỉ đến tuổi xuân của mình đang héo úa từng ngày. Ngó lui ngó tới chỉ có hai má con sớm hôm lủi thủi với nhau mà thôi; đôi khi buồn chết đi được.
     Bà Dần húp một ngụm canh rồi nói trống không:
     - Phải chi nhà có thêm một người…đở hiu quạnh…
     Duyên định trả lời má nhưng cô bỗng giật mình, tay đang bưng chén cơm đưa lên miệng chợt khựng lại…không biết từ phương nào theo gió thoảng đến; tiếng đàn bầu của ai đó buông rơi từng giọt…từng giọt. Tiếng đàn thánh thót và ngân dài trong buổi chiều tà đang chạng vạng tối. Đã mấy ngày nay; cứ vào khoảng giờ này là tiếng đàn bầu lại bay theo gió vẳng đến bên tai Duyên đầy thiết tha mời gọi, hết bài này đến bài khác; mà sao bài nào nghe cũng buồn nảo nuột. Duyên nói:
     - Ai đàn mà hay quá.
     Má cô thở dài:
     - Nghe buồn thì có, ngày xưa ông ngoại bây thường hát để răn đe má; cái câu:
          “Đàn Bầu ai gảy nấy nghe,
           Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”.
     Duyên ngạc nhiên hỏi:
     - Ủa…sao kỳ vậy má?
     - Má cũng không hiểu tại sao, chỉ biết là ông ngoại con không cho má nghe bất cứ tiếng đàn nào, nhất là tiếng đàn bầu.
     Tiếng đàn bầu vẫn buông rơi từng giọt ngân nga thánh thót, nó xoáy sâu vào tâm hồn của hai người đàn bà: một già một trẻ. Bà Dần đưa mắt nhìn vào khoảng không tối đen bên ngoài, đôi mắt bà bị bịnh quáng gà, hễ chạng vạng là nhìn thứ gì cũng mờ mờ ảo ảo như có hơi sương che phủ, nhưng bù lại thì tai bà rất thính. Tiếng đàn đưa bà về với kỷ niệm xưa của một mối tình say đắm, và người tình của bà; một chàng trai đàn guitar rất hay. Cha của bà cấm đứa con gái út không được nghe đàn bầu, nhưng không ngờ rằng con gái mình lại say mê tiếng đàn Guitar của một chàng lãng tử…

     …Năm đó bà Dần mới tròn hai mươi tuổi, với sắc đẹp mộc mạc chân quê của người con gái xuân thì, bà đã làm cho bao nhiêu chàng trai trong làng phải say đắm, tâm hồn bà nhiều lúc cũng dạt dào mơ mộng với đôi chút lãng đãng nhớ nhung, nhưng chưa có ai thật sự làm cho trái tim bà phải lao đao…Cho đến một ngày…

     …Chàng trai ấy là một người trong đoàn thanh niên xung phong đã ghé về miền quê này để xây cho dân làng một cây cầu bằng xi măng thay cho cây cầu khỉ. Buổi chiều sau khi xong công việc của một ngày; sau khi tắm rửa sạch sẽ; rồi sau khi ăn cơm chiều, cũng tầm lúc trời nhá nhem…chàng đem cây đàn guitar ra khảy khảy mấy tiếng. Như chỉ chờ có thế; đám đông liền bu quanh chàng, họ vừa đàn; vừa hát; vừa vổ tay làm sống động nguyên cả một vùng đất vốn xưa nay im lìm buồn bã.
     Dần thích nhìn lén chàng, thích nhìn cái cách chàng hất đầu lên để cho mấy sợi tóc đang rớt lòa xòa xuống trán không bị vướng vào mắt, mà đôi mắt của chàng thì lúc nào cũng mang một vẻ buồn xa vắng, Dần say mê nhìn mười ngón tay của chàng vừa bấm; vừa khảy, vừa lướt lên lướt xuống trên sáu sợi dây đàn tạo nên những âm thanh rộn ràng làm cho lòng của Dần dạt dào xao xuyến, mười ngón tay chàng mới đẹp làm sao…
     Tình yêu là điều gì đó không ai có thể định nghĩa cho đúng, chỉ biết rằng Dần khó mà sống được nếu thiếu chàng trai ấy nên nàng đã bất chấp tất cả mọi sự ngăn cản của cha mẹ, anh chị trong gia đình. Một sáng nọ khi gà vừa cất tiếng gáy thì Dần cũng âm thầm lặng lẽ rời xa ngôi làng quê ấy, bỏ luôn cha mẹ…nhưng ở bên cạnh Dần là chàng thanh niên có tiếng đàn guitar điệu nghệ và cặp mắt ưa nhìn vào chốn nào như là xa xôi lắm, đối với Dần thế là quá đủ.
     Và họ đã trở thành vợ chồng, chỉ có trời đất chứng giám.
     Ai biết được điều gì sẽ xảy ra cho mai sau? Cuộc tình đẹp như mơ, lãng mạn say đắm với kết quả là một đứa con gái ra đời, nhưng sau đó không lâu thì chồng của Dần chết vì tai nạn. Lúc đó Dần chỉ mới hai mươi ba tuổi và đứa con gái bé bõng vừa mới thôi nôi.
     Dần quấn khăn tang, ôm con về làng chịu tội với gia đình, người trong nhà không ai nỡ nặng lời khi thấy vành khăn trắng quấn trên đầu Dần. Cha má tuy giận nhưng vẫn thương đứa con gái út còn rất trẻ mà nay đã trở thành góa gụa; lại có thêm đứa con nhỏ sớm mồ côi cha nên cắt cho Dần một mảnh đất nhỏ của ông ở cuối làng, mấy anh, chị của Dần bỏ công dựng lên cho em gái một mái nhà tranh vách tre để hai mẹ con ở, chính giữa nhà là một bàn thờ bằng gổ tạp chưng khung hình của người chồng “không bao giờ già” với một bình cắm nhang và cái lọ cắm hoa. Má Dần mang đến nếp nhà nhỏ của Dần những thứ cần phải có, ngày ngày bà tới thăm để an ủi con gái và vỗ về đứa cháu ngoại.
     Cũng cần phải tính kế sinh nhai để cho cuộc sống của hai mẹ con được ổn định, nên nếp nhà tranh tre ấy có thêm một tiệm tạp hóa nho nhỏ phía trước bày bán những thứ linh tinh, kèm theo một quán nước đơn sơ chỉ với hai cái bàn và tám cái ghế kê ở phía ngoài sân; nơi đó được dựng một mái hiên lợp lá che nắng che mưa. Tiệm tạp hóa chỉ bán vào ban ngày, đến khoảng bảy giờ tối là đóng cửa để Dần “nói chuyện riêng với chồng” bên cạnh đứa con gái nhỏ trên chiếc giường tre.

     Có lẽ vì tình yêu của Dần đối với chồng quá lớn, có lẽ vì hai người họ quá yêu nhau nhưng nữa đường bị đứt gánh nên dù có lắm người trong làng vẫn muốn kết tóc se tơ với cô Dần “gái một con trông mòn con mắt”…nhưng Dần không thể nào quên được người chồng quá cố nên nàng gạt ra ngoài tai mọi lời ong bướm, mọi sự săn đón cầu thân…Dần vẫn ở vậy để nuôi con…

*
*     *


     Thấm thoát mà đã gần hai mươi năm trôi qua, cha má Dần kẻ trước người sau qua đời, đứa con gái tên Duyên bé bõng ngày nào nay cũng đã trở thành thiếu nử. Dần thì vẫn sống mãi với hình bóng của người chồng năm xưa: vừa là tình đầu, tình cuối và cũng là tình yêu duy nhất của mình.
     Duyên càng lớn càng giống cha, cô cũng có đôi mắt buồn xa vắng, chỉ phải cái là nhà không có điều kiện nên cô không được học đàn để cũng biết đàn như cha mình, chính bởi tiếng đàn của cha đã làm cho má cô phải bỏ tất cả mà đi theo.
      Duyên đã đến tuổi yêu và cũng đã yêu, nhưng cô lại ở giữa hai lằn ranh buộc cô phải chọn lựa. Cô không thể nào bỏ má ở một mình thui thủi để tìm vui thú hạnh phúc cho riêng mình, phải chi má chịu ưng và giá nghĩa với một người nào đó để có người chăm sóc thì Duyên không bận tâm chi nhiều, đằng này má mãi hoài nhớ thương người chồng chết trẻ.
     Duyên không thể để má ở một mình, ngặt nỗi người Duyên không yêu thì sẳn sàng về ở chung với má và Duyên. Người mà Duyên yêu thì lại đòi Duyên phải theo về làm dâu nhà anh ta. Cuối cùng Duyên đành dứt bỏ đôi ba mối tình cũng chưa lấy gì làm say đắm cho lắm mà ở vậy với má, cô chờ cho đến một ngày nào đó…Biết đâu?.
     Chờ mãi cho đến nay thì Duyên đã hơn ba mươi tuổi rồi. ***
     Tiếng đàn bầu nghe sao mà buồn não nuột, từng âm thanh rơi rụng bay theo gió lọt vào mái tranh nghèo của bà Dần và cô con gái nữa chừng xuân. Nó thấm sâu vào lòng bà để khuấy động lên một nỗi nhớ nhung không dễ nguôi quên nhưng cũng đã tạm chìm lắng. Nó xoáy sâu vào tận đáy tâm hồn của Duyên để dấy lên nỗi khao khát vô hình nhưng có thật, không chạm được bằng tay mà cảm nhân được bằng trái tim, cuối cùng thì nó đọng lại trong lòng Duyên một nỗi bâng khuâng xao xuyến... “bèo giạt mây trôi…em ơi…” tiếng đàn đang nói như thế.
     Bữa cơm chỉ mới nữa chừng bỗng dưng ngừng lại khi tiếng đàn vừa cất lên, Duyên buông đũa thẩn thờ nhìn vào khoảng sân mờ tối trước hiên nhà, trong lòng cô có một thôi thúc nóng cháy với mong muốn tìm cho ra nơi chốn phát ra tiếng đàn bầu quyến rũ ấy. Nhưng đột nhiên tiếng đàn chợt im bặt, bà Dần thở dài đứng lên chậm chạp lò mò đi vào bên trong, tiếng đàn bầu đã khuấy động tâm hồn làm bà cảm thấy mệt nên muốn đi nghỉ sớm. Duyên lùa nốt miếng cơm cuối cùng còn trong chén vào miệng rồi dọn dẹp, Duyên cũng muốn đi nghỉ vì xao xuyến...

     Sáng nay Duyên đi chợ sớm hơn mọi khi, bà Dần ở nhà dọn hàng ra bán, tiệm tạp hóa nhỏ có thêm hai cái bàn bán cà phê cóc keng lượm bạc cắt chỉ đủ hai má con đắp đổi qua ngày, cũng nhờ có mảnh vườn nho nhỏ ở sau nhà trồng ít khóm rau các loại, vài cây ớt, giàn bầu, bí…nên cũng không tốn hao nhiều tiến chợ, mỗi vụ lúa; theo giao ước của bà ngoại; cậu Ba của Duyên phải đong cho hai má con chục giạ lúa, cuộc sống về vật chất coi như cũng tạm ổn, duy chỉ có phần tinh thần thì khá là thiếu thốn đôi bàn tay và tiếng nói của người đàn ông…nên cũng buồn.
     Ý của Duyên hôm nay phải ăn cơm chiều sớm, để khi dọn dẹp xong là vừa lúc “ai đó” thả rơi những giọt sầu ngân nga thánh thót, nhất định cô phải đi tìm cho ra nơi đã phát ra tiếng đàn, cô cũng rất muốn nhìn cho được khuôn mặt của người đã gảy ra nhũng tiếng đàn bầu gọi mời tha thiết ấy.

     Sự chờ đợi của Duyên trở nên vô vọng, hôm nay không có tiếng đàn bầu, hình như “ai đó” làm biếng đã nhốt chúng laị chẳng chịu thả ra, tự nhiên Duyên cảm thấy buồn và thiếu... Ngày xưa có nàng Mỵ Nương tương tư tiếng sáo của chàng Trương Chi mà đổ bịnh. Ai cấm được thời nay không có người con gái tên Duyên thao thức chờ đợi tiếng đàn bầu đến nỗi nhớ nhung từng giọt thánh thót của nó từ tay của “ai đó” thả rơi? Duyên nói với má:
     - Tối nay không nghe tiếng đàn bầu…cũng buồn ghê ha má?
     Bà Dần chợt cười:
     - Bây đừng có mà mê tiếng đàn bầu quá đó nghen, lở như mà…cái người đàn là một ông già lụ khụ thì…
     Duyên trả lời:
     - Thì con cũng hết mê tiếng đàn bầu, đâu phải ai cũng như má, mê tiếng đàn guitar của cha đến nỗi bỏ ông bà ngoại mà…đi theo không.
     - Bậy, ngay đó má mê cha mày trước rồi mới mê cái cách ổng đàn sau.
     Duyên cười:
     - Ý má nói bây giờ con mê tiếng đàn bầu trước rồi mê người gảy đàn sau…chớ gì?
     Bà Dần mắng yêu con gái:
     - Vậy là bây khôn hơn má rồi đó.
     Cả hai mà con cùng cười lớn, tiếng cười của hai người xua tan sự im lìm buồn bã trong mái nhà tranh tre có tuổi đời bằng tuổi của Duyên và già nua như bà Dần; dù mỗi năm cũng sữa sang vách tre lại một lần vào dịp cuối năm, rồi năm bảy năm thì được lợp mái lại một lần để cố duy trì nếp nhà “cái” bởi không có bóng dáng của đàn ông.

     Ba ngày nay tự nhiên vắng tiếng đàn, Duyên không còn muốn mong chờ nữa, nghỉ cũng lạ, sự chờ đợi làm cho người ta nôn nao thích thú, làm cho người ta cảm thấy cuộc sống thi vị hơn, nó không còn đơn điệu buồn tẻ, ít nhất cũng có một điều gì đó làm cho người ta thấy rằng mình và “ai đó” đang tồn tại một cách có ý nghĩa, nó gieo vào lòng người một sự xao động, nôn nao, bồn chồn…
     Duyên lại quay về với cuộc sống “một ngày như mọi ngày”. Và thật là bất ngờ khi lòng cô đã không muốn chờ muốn đợi nữa thì tối nay tiếng đàn lại thánh thót ngân dài, sâu lắng, từng giọt…từng giọt…rơi ra khỏi sợi dây đàn để bay bổng vào thinh không, vọng xuôi theo gió đến tai của Duyên. Đang rửa mấy cái chén sau chái bếp, Duyên khựng lại cố lắng tai nghe. Tiếng đàn lúc to lúc nhỏ, lúc trong lúc đục, có khi ngân nga tưởng như gần lắm nhưng rồi chợt bay đi thật xa, tiếng đàn tối nay đã làm cho tâm hồn cô ngơ ngẩn.
     Ai thả rơi chi những giọt khi trầm khi bổng vào cái lúc mà cô không còn muốn chờ đợi lắng nghe? Ai nỡ lòng nào khuấy động lại tâm hồn cô gái đang mong có được một tình yêu ở vào cái tuổi sắp sửa về chiều? Như có điều gì đó thôi thúc làm Duyên đứng bật dậy, chùi vội hai bàn tay vào hai ống quần, cô chạy lên nhà trên lật đật vừa đi vừa nói với má:
     - Má đóng cửa lại…con đi đằng này một tí…
     Không kịp nghe bà Dần hỏi một câu gì đó, Duyên dắt xe đạp, nhảy lên yên rồi vội vả đạp theo hường gió phát ra tiếng đàn. Nhưng mới đi được chừng hai mươi vòng của bánh xe; đến ngay bụi tre làng thì tiếng đàn chợt im bặt, Duyên ngẩn ngơ dừng xe lại cố chờ đợi thêm một lúc để xem tiếng đàn có ngân lên nữa không?...nhưng chỉ có tiếng lao xao của lá tre đong đưa trong gió còn tiếng đàn bầu thì mất dấu. Cuối cùng Duyên quay xe lại đạp về nhà mà lòng buồn rười rượi, cọng thêm một nỗi tủi thân làm cô nghẹn ngào muốn khóc.
     Hình như bà Dần đoán được con gái mình đi đâu nên khi nghe tiếng Duyên về, bà nhìn cô với một cái nhìn đầy ái ngại, phân vân, nữa muốn hỏi, nữa lại không muốn biết câu trả lời. Duyên buồn ghê lắm, hình như cô đang bị “ai đó” chơi trò cút bắt làm Duyên lao đao. Tối nay cô không sao ngủ được, lòng phân vân rồi trăn trở đủ điều, cuối cùng thì Duyên quyết định nếu tối mai mà có tiếng đàn vọng đến thì cô sẽ lập tức đạp xe thật nhanh để tìm cho ra “nơi ở của tiếng đàn bầu”. Còn nếu không thì cô nhất quyết sẽ quên hẳn cho dù ngày kia có hay không có tiếng đàn bầu thánh thót thiết tha mời gọi ấy.
     Vẫn là sự chờ đợi, vẫn như một trò chơi cút bắt khi đêm nay không có tiếng đàn bầu. Trăng mười lăm huyền hoặc bao phủ cả một không gian rộng lớn, ánh trăng vàng làm cảnh vật giống liêu trai, ở xóm trên bầy trẻ nhỏ đang chơi trò trốn tìm, trai gái trong làng đua nhau ra đường ngắm trăng và trò chuyện. Duyên cũng ra ngoài sân ngồi nhìn trăng đang ôm lấy mái nhà tranh của mình, bà Dần lọ mọ từng bước ra ngồi bên con gái để hóng gió bỡi vì mắt bà bị quáng gà.
     Duyên thờ dài nói với má:
     - Đêm trăng đẹp như thế này mà không có tiếng đàn bầu, uổng ghê hen má.
     Bà Dần cũng thở dài:
     - Ờ, má cũng thấy tiếc, mà sao hôm nay không ai đàn cho má con mình nghe vậy ta?
     - Lúc trước con không để ý lắm là ngày rằm trăng đẹp như thế này, chỉ thấy trăng rằm sáng đến nỗi con lạnh lạnh…từ khi có tiếng đàn bầu, đây là đêm đầu tiên con mới để ý trăng rằm đẹp lắm má à, phải chi có tiếng đàn thì thật là tuyệt vời…
     - Con ơi, đừng nghỉ nhiều chi cho thêm khổ. Thôi má đi nghỉ đây, nhắc đến đêm trăng làm má nhớ cha bây quá chừng.


... Xem tiếp Phần II ...


Hồ Thủy, 02/ 2012