Phần 2:

..........

      Tôi dặn chồng nếu có thể được mong anh về sớm vì tôi có chuyện cần nói. Anh ấy nhìn tôi hơi có vẻ ngạc nhiên nhưng không hỏi vì sao mắt tôi đỏ ké? Vì sao mặt tôi buồn rười rười? Vì sao giọng nói của tôi khàn đục? Cũng không hỏi vì sao tôi khóc? Tôi biết lắm khi bây giờ tôi chỉ là con số “không phẩy chín” trong mắt anh.
     Một ngày mới không có gì lạ với những công việc không tên, tôi tự an ủi mình: “cố gắng rèn luyện để trở thành một người giúp việc tốt” đúng với danh nghĩa người giúp việc, mai sau không sợ thất nghiệp. Tôi gượng vui với những câu nói thơ ngây của các con nhỏ, tôi tìm niềm an ủi trong những bàn tay bé xíu ưa nắm chặt lấy tay tôi.
     Chồng tôi không về sớm như lời tôi dặn dò, có lẽ anh đang có “ con đường tình ta đi ” mới lạ hấp dẫn nên đã quên, không còn muốn về sớm với “đường xưa lối cũ”. Tôi vẫn phải thao thức chờ đợi và nghe từng tiếng thở trong đêm. Bắt đầu là con tắc kè kêu to khi đồng hồ điểm mười tiếng, phụ họa hòa âm với nó có tiếng con thằn lằn chắt lưỡi đệm thêm vào là tiếng rả rích của mấy chú dế mèn. Tôi chờ đợi tiếng rao buồn buồn khàn đục của ông bán bánh giò với cung bậc trầm bỗng ngân xa:
     - Ai…ăn bánh chưng bánh giò không?
     Khi rao chữ “ ai” ông ta xoáy cao giọng thành chữ “ái”, thêm vào một chút luyến láy và cuối cùng tới chữ“ giò” thì giọng rao của ông ta cụt ngủn một cách bất ngờ. Người bán bánh chưn bánh giò đi xe đạp, hai bánh xe quay tròn phát ra những tiếng kêu lọc cọc khô khốc như người chủ của nó đang rao hụt hơi.
     Đồng hồ lại dạo nhạc và gõ mười một tiếng, tim tôi có mười một nhát dao đâm vào, chồng tôi vẫn chưa về. Bây giờ đến lượt tiếng vó ngựa đập xuống đường nhựa kêu lóc cóc, chuyến xe thổ mộ chở rau quả trái cây từ miệt quê đang đi vào thành phố, bao giờ cũng vậy, khi đến quán ông Bách là ngừng lại để chủ vào uống ly cà phê vợt; là cà phê cho vào trong cái vợt bằng vải, để trong cái siêu nước– thường được dùng để sắc thuốc bắc - cái siêu cà phê vợt đặt trên bếp lửa lúc nào cũng cháy đỏ, đây là một cách uống vừa nhanh, gọn và rất bình dân. Con ngựa đứng yên một chỗ chờ người chủ, hình như nó sốt ruột nên bốn chân cứ nhấp nha nhấp nhổm không yên trên mặt đường vì thế có những tiếng lốp cốp rất nhẹ vang lên…từ bốn cái vó ngựa.
     Mười hai tiếng gõ vang lên trong đêm thanh vắng, tôi nghe từ đằng xa có tiếng bước chân nặng nề chậm chạp của con bò chở những cây tầm vông dài thậm thượt đang tiến gần lại, phần đầu ngọn cây tầm vông chạm mặt đất, kéo lê trên đường theo mổi bước đi của con bò làm phát ra những tiếng kêu “xèng…xẹt…xèng…xẹt…”. Đều đặn và buồn buồn như sự cam chịu của một kiếp làm thân con bò. Chủ của chú bò cũng ngừng lại quán cóc của ông Bách để uống một ly cà phê, một lúc thì tôi nghe tiếng roi quất vào mông chú bò “ đét ”, và tiếng người chủ ra lịnh “…tắc… đi nào…” chú bò lại nặng nề chân bước làm những bó tầm vông lết dài nhấp nhỏm kêu “… xèng…xẹt…”. Tôi chờ đợi tiếng xe honda từ xa của chồng tôi, lúc này anh sắp về.
     Chuông đồng hồ gõ một tiếng, tôi thở ra một hơi dài có chút nhẹ nhõm ví anh ấy về tới. Trong đêm đen tôi như thấy được anh đang lục túi tìm chiếc nhẫn và đeo nó vào tay.

***


     Chuyện quan trọng tôi nói với chồng là những lời ong tiếng ve mà tôi đã nghe rất nhiều, và đó chính là sự thật chứ không còn là tiếng gió lao xao nữa. Tôi muốn anh chọn lựa: dừng lại hay tiếp tục? Dĩ nhiên chọn lựa cách nào thì cũng phải có cái giá để trả giữa ĐƯỢC và MẤT. Chồng tôi đã trả lời:
     - Anh sẽ dừng lại nhưng em phải cho anh một thời gian, anh sẽ làm ra vẻ hết tiền để cô ta bỏ anh trước, anh không muốn mang tiếng là người đàn ông phụ bạc khi anh bỏ cô ta.
     Tôi đắng nghét cả cổ họng, chồng tôi…một người đàn ông cao thượng không muốn mang tiếng là kẻ phụ tình. Nhưng còn với tôi thì sao đây? Chồng tôi sẵn sàng nhởn nhơ, vô tư vô tình mang tiếng phụ bạc tôi. Vậy thì tôi là cái gì? Là số mấy trong trái tim của anh ấy mà một thời anh từng nói với tôi: “Em là người duy nhất của anh”.
     Tôi nói với chồng:
     - Em không có thời gian để cho anh, mọi chuyện sẽ tùy vào sức chịu đựng của em, nếu còn sức chịu đựng thì em còn ở với anh, nhưng nếu hết sức chịu đựng rồi thì chúng mình sẽ chia tay nhau trong im lặng, không ồn ào lộn xộn để giữ sĩ diện cho anh và không làm thương tổn đến lòng tự trọng của em.
     Chồng tôi la lớn:
     - Em không yêu anh, anh biết mà… vì em đã không ghen.
     - Ghen có nhiều cách lắm anh à, nhưng ghen không có nghĩa yêu, và yêu không có nghĩa là phải ghen.
     Tôi bỏ ra sau nhà, chờ tiếng xe anh ấy đi xa tôi lặng lẽ ôm ba đứa con vào lòng và khóc nức nở.

***


     Đêm nay con hỏi:
     - Mẹ ơi, chừng nào cha về?
     Tôi vuốt tóc từng đứa con và trả lời:
     - Chừng nào cha con muốn về thì cha sẽ về. Ngủ đi, mẹ ru các con đây:


Ầu ơ núi cao chi lắm núi ơi,
Núi che mặt trời không chộ người thương
Người thương ta đội ơn người,
Biển hồ ngàn dặm xa vời lắm thay.


     Trời ơi, lại những câu ca dao buồn đến não lòng. Không biết ai là “người thương” đây? Và ai là “ ta”? Có lẽ từ đây tôi không còn muốn chờ đợi tiếng xe của chồng tôi từ xa chạy đến nhà theo đà có sẵn, tôi không chờ nghe tiếng ngáy sung mãn của chồng để dỗ giấc ngủ cho mình, nhưng tôi sẽ tự ru tôi bằng những câu ca dao lúc nào cũng buồn ảo não, tôi sẽ chờ nghe tiếng con tắc kè vang lên ồn ào lúc chín giờ, rồi đến tiếng rao của ông bán bánh chưng bánh giò khi đồng hồ điểm mười tiếng thánh thót, tôi sẽ tưởng tượng ra ông ta lúc khỏe, lúc ốm mệt theo cung bật của tiếng rao từng đêm để mừng hay buồn cho ông ấy…Và khi đồng hồ ngân nga mười một tiếng có tiếng vó ngựa lốp cốp gõ đều, âm thanh ngắn gọn, dứt khoát …cho đến khi tiếng xe bò kéo lê trên mặt đường kêu thành từng tiếng xèng xẹt rất buồn…
     Tôi sẽ ngủ vào lúc nào nhỉ? Lúc âm thanh nào vừa vang lên trong đêm? Có những khoảng mốc của từng thời khắc đi đến mang theo từng tiếng động của riêng nó, nhưng tôi muốn được ngủ vào khoảng thời gian khi tôi vừa ru xong những câu ca dao buồn - cùng lúc với các con.
     Đêm nay tôi muốn ru tôi và các con bằng hai câu lục bát mà tôi làm từ lâu lắm:


Cũng đành một chuyến đò đưa,
Người bên sông nhớ chuyện xưa mà buồn.




Hồ Thủy, Saigon 11/2011