Về lại Pleiku


  Tùy bút của Đào Hữu Thức        



       Về quê hơn 10 ngày làm “ nghĩa vụ con cháu “, tôi và H, vợ tôi phơi nắng, gia cố móng và vành đai 10 ngôi mộ của ông bà, cha mẹ, anh chị em… Cái nắng Bình Định tháng hai đủ làm cho da H đỏ lựng và mặt tôi “đen Hynos“! Xong việc, mệt muốn về Đà Lạt ngay, mệt đến nỗi chúng tôi không ghé Qui Nhơn để gặp bạn bè đàn đúm, nhậu nhẹt như mọi lần cho dù đã có mấy cú điện thoại mời gọi, cám dỗ. Đêm cuối cùng ở quê, H gợi ý : -Đi Pleiku đi anh ! Tôi như được đốt cháy lên ngọn lửa đã âm ỉ từng ngày từng tháng…Ừ về Pleiku !

       Qua khỏi Mang-Yang, có những địa điểm cũ mang tên mới, mới đến nỗi bây giờ tôi không còn nhớ là gì vì là tiếng dân tộc ! Hai đứa tôi chỉ ước chừng qua kính xe về những địa danh còn trong ký ức. –Đến Lệ Cần chưa anh ? – Chắc đã đến Lệ Trung rồi ! – Đến An Mỹ chưa ? Lại phỏng đoán :- Trụ cây số ghi “ Pleiku 20 km “, chắc An Mỹ, Lệ Trung đâu đây … Lần hồi rồi cũng đến được Pleiku. Cũng may Pleiku và những người bạn như căn nhà luôn luôn mở cửa đón chúng tôi, thân tình, độ lượng !

        Taxi đưa chúng tôi về thẳng nhà Nhung, Đức là hai người bạn nữ sinh Pleiku của chúng tôi, dĩ nhiên là người của Pleiku xưa. Tôi nằm trên xích đu đọc báo trong khi H, Nhung vào “hậu cung“, phụ nữ mà ! Chưa đầy 10 phút, có người nhéo tai tôi:-Biết người ta đến, còn bày đặt đọc báo! Hạ đấy. Cô bạn cùng lớp có cái miệng hơi móm, nhưng hơn bốn mươi năm rồi vẫn còn rất duyên. Tôi bắt tay, choàng vai Hạ, nói đùa : -Vẫn còn điệu ghê ta! –Điệu chứ, con gái Pleiku mà ! Theo sau Hạ là Hòa, người cùng lớp ngày xưa. Thế là tôi trở thành “ gươm lạc giữa rừng hoa !”, trong khi các quý bà hỏi han, vuốt ve nhau, “xem mình như củ khoai“. Dăm phút sau, Tố Hữu Thắng đến. Chúng tôi, hai đứa trẻ Pleiku lạc loài được thăm hỏi săn sóc, chu đáo như một VIP ! Rồi nghị quyết : Bây giờ ký gởi T cho Tố Hữu Thắng, còn H thì để đây chúng tôi lo, cho T tự do, độc thân vui tính như ngày nào, hẹn gặp lại vào giờ cuối, trước khi lên xe… Thắng nháy mắt, tỏ vẻ đồng tình theo ý kiến của “ các quý bà “ , còn tôi như mở cờ trong bụng. Nhung học cùng lớp với H của tôi. Người gốc Huế, Nhung có những hành xử với bạn bè thật tế nhị và hết lòng. Thỉnh thoảng tôi nhận được những cú điện thoại của Nhung vì “ máy của H không liên lạc được “. Dĩ nhiên là tôi vẫn được thăm hỏi đàng hoàng. Tết, hoặc sinh nhật của tôi…N hay gởi quà Pleiku lên Đà Lạt.Gói café Pleiku, vài cặp “tré”, chai rượu…, những tặng vật lý tưởng cho dân nhậu bẩm sinh như tôi, làm sao mà không quý. Mỗi lần nhận quà từ Pleiku, nghĩ đến tấm lòng của bạn, tôi “sướng âm ĩ” cả tuần ! Cho nên tôi nói bạn bè Pleiku “thân tình và độ lượng “ là vậy. Hòa, người bạn hiền nhất lớp của chúng tôi bây giờ chuyện trò, cũng “nổ như pháo” chẳng kém chi ai. Hòa vừa bị bệnh “ có con ve kêu suốt ngày đêm trong lỗ tai “ hơn tháng nay. Cô giáo về hưu, kinh tế gia đình tương đối, quý trọng bạn bè cũ hết mực, lại mắc vào chứng bệnh “không giống ai “ cho dù Hòa rất chịu khó tập võ dưỡng sinh và các liệu pháp chăm sóc sức khỏe . Thương bạn, nhưng không biết làm sao, chúng tôi chỉ còn mỗi cách kể chuyện tiếu lâm, gây cười cho bạn quên đi muộn phiền. –Thấy hai T và H về Pleiku là vui rồi !

        Nhớ lần trước, không có một chi tiết nào để hẹn với taxi, tôi hỏi Thắng : –Đường nhà mày có tên chưa ? –Có lâu rồi, Tuệ Tĩnh ! Nghe Thắng nói tên đường, tôi chợt nhớ đến Trung-Thuốc-Bắc, người bạn học ban A, làm nghề đông y, đã kính tặng thầy Trung mấy thang thuốc “đại bổ, tráng thận… và từng “tra tấn” tôi hằng giờ về y lý, dược tính…về tỳ, phế, thận…Trung-thuốc-bắc khó quên với chúng tôi, đúng là nhờ thuốc bắc! Qua khỏi tòa án, vòng ra phía sau, thẳng về “viễn tây” Pleiku, quẹo mấy cái suỵệt, đến nhà Thắng, tôi gặp Trung-thuốc-bắc, Thịnh-Quỳnh-Tin ở đó ! Không được “ nghỉ trưa một lát để chiều đi chơi “ như đã dự kiến, buổi trưa của tôi phải “liên thông đến chiều “ với bia và bạn ! Thịnh cùng học 4 năm trung học đệ nhất cấp với tôi ở Cường Để-Qui Nhơn. Gần 50 năm gặp lại, biết bao nhiêu là chuyện. –Hai thằng bạn gặp nhau, chúc mừng đi ! Thắng và Trung-thuốc-Bắc cứ hô hào miết làm tôi “ tê “ luôn ! Mà thật ra cái sự tê tê ấy một phần cũng có từ hạnh phúc bạn bè. Hóa ra, với Thịnh, tôi “bà con bên nội lẫn bên ngoại”. Thịnh chẳng những là chồng Quỳnh Tin, cô bé vừa xinh, vừa hát hay, học sau tôi 3 lớp ở trung học Pleiku , mà còn là bạn cùng khóa Thủ Đức với Luân. Luân là bạn nhập ngũ cùng ngày với tôi, là chồng của Tường Vân, học cùng lớp từ Cường Đễ Qui Nhơn lên Trung học Pleiku! Chỉ bằng ấy thôi là đã có biết bao nhiêu chuyện, biết bao nhiêu ly để “ mừng hội ngộ “. Luân và Vân, cặp vợ chồng học trò Pleiku thành đạt. Doanh nghiệp Tư nhân Đông Hưng của vợ chồng Luân-Tường Vân là một thương hiệu được hầu hết dân Pleiku biết đến. Chúng tôi còn mừng hơn vì họ đã gởi cả 2 đứa con lớn sang Mỹ học và đều tốt nghiệp bác sĩ y khoa ! Đang trong cơ hội làm ăn, nên họ ít tham gia những cuộc vui chơi với bạn bè, ngoài những bữa cơm nhà hàng để tiếp khách mang tính chất thủ tục. Nhưng chiều ấy, khi tôi đưa Thịnh đến gặp Luân và cũng để mượn xe, tôi bắt gặp Bá ( chồng Hòa) lái chiếc Ford Everest chở các quý bà là H của tôi, Nhung, Hạ, Bùi Hương, Ngọc Hương, Hòa và có cả Tường Vân đi chơi. Thế mới biết Tường Vân đã “ hy sinh bạc triệu “ đi chơi với bạn bè !

        Pleiku có những quán café đẹp nhất nước. Những căn nhà chỉ sử dụng cho mục đích bán café được tính toán từ lúc thiết kế, Trà Cung Đình ở đường Trần Phú ( Lê Văn Duyệt cũ ) là một quán cà phê như vậy. Tôi, tố Hữu Thắng , Thịnh và Ti, một người bạn nhỏ đang dạy vẽ ở trường Nguyễn văn Trổi ( Pleime cũ ) ngồi riêng một góc vườn. Bên ly café Pleiku, chúng tôi nghe Lan Hương ngâm thơ. Lan Hương là học sinh Trung học gốc Bồ Đề, hiện làm việc ở Đài Phát Thanh Truyền Hình Gia Lai, là giọng ngâm thơ nữ số 1 của Pleiku-Gia Lai. Nghe Lan Hương ngâm Pleiku thương của Đào Hữu Thức, rồi Thương nhớ Pleiku của Lê Nhược Thủy, Thịnh-Quỳnh-Tin lấy vợ học trò Pleiku nhưng ít có dịp được thâm nhập thế giới bạn bè Pleiku, lần đầu nghe : …Mưa nắng Pleiku rất lạ đã đành/ Em cũng vậy cứ nửa kinh, nửa thượng/ Cứ mộc mạc lẫn trong lịch lãm/ Cái vô tư phản phất dịu dàng/ Những ngày đầu tiên tôi mới về trường/ Tôi khó chịu với Pleiku mưa nắng/ Rồi thương, rồi tình sâu nghĩa nặng/ Rồi thương Pleiku và…thương em ! Thịnh vỗ tay rối rít, còn “đâm hơi” :-Bài thơ hay là nhờ giọng ngâm thôi ! Nhưng nhìn mặt hắn ta nghệch ra, đủ thấy hắn sướng đến độ nào ! Chúng tôi chìm vào một không gian riêng, xúc động với Pleiku xưa cũ, quên hẳn phố xá bên ngoài…Mà sự thật, chúng ta tìm về Pleiku chẳng phải vì những Pleiku xưa cũ đó sao? Thậm chí, chiều ấy đi ăn, chúng tôi phân vân mãi “ Cơm gà Mỹ Tâm, đối diện Diệp Kính “ hay “ Phở khô Ngọc Sơn” trước rạp Thanh Bình vì đó là những địa chỉ có từ những năm 60 của thế kỷ trước, là một chi tiết “ văn hóa phi vật thể “ của những người Pleiku xưa !

        “ Các quý bà “ tổ chức bữa tiệc họp mặt tại village của Hòa nhân dịp T và H về Pleiku thật linh đình ! Cánh nam sinh uống bia Henecken, cánh nữ sinh uống nước cam và coca, lại liên tục chạm ly chúc nhau, lại chuyện riêng chuyện chung… không dứt. Đang đếm “ 1,2,3 dzô ! “ thì Phú điện thoại cho tôi : -Alô ! anh dang ở đâu ? –Đang ở nhà chị Hòa ! Em dang ở đâu, với ai ? Em đang ở nhà chị Kim Hải.-Hai chị em hãy đến ngay nhà chị Hòa đi, đang vui, không đến rồi sẽ hối tiếc đó ! Thế là chưa đến mười phút sau, Phú và Kim Hải đến với cây guitare trên vai…Phú là em ruột Quỳnh Tin, dân chơi keyboard chuyên nghiệp, nhưng đánh guitare cũng thuộc loại có hạng, còn Kim Hải là ca sĩ vào nghề đã lâu. Hàng đêm, hai chị em hay chở nhau đi “hát cho vui “ ở các phòng trà Pleiku. Phú và Kim Hải đều là cựu học sinh Pleiku, các em xuất thân trường Phạm Hồng Thái, là ngôi trường được xây dựng khi “ thế hệ già “ chúng tôi đã rời trung học Pleiku. Hòa là cô giáo cũ của Kim Hải, nên cuộc gặp gỡ trở nên “ly kỳ “ hơn. –Em xin hát tặng cô và các anh, các chị…Thế là Kim Hải đã hát không biết bao nhiêu ca khúc ( tôi và Phú chỉ đóng vai phụ diễn ). Những bài hát của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An… của một thời được chúng tôi cùng hát, cùng nghe, sung sướng đến ngây ngất ! Kim Hải còn hẹn chúng tôi, tối nay sẽ hát ca khúc Trách gì nắng của ĐHT tại quán “ Bè Bạn” của Tùng, nhưng tiếc là đêm ấy tôi không đến dự được !

       Nguyễn Hậu - nhạc sĩ già, Hồng Phương em của Hạ - nhạc sĩ trẻ, thuộc Hội Văn học Nghệ Thuật tỉnh Gia Lai. Ngoài việc sáng tác, cả hai còn làm cả việc hòa âm phối khí và đều có phòng thu riêng. Vào quán, biết Hồng Phương đang thực hiện vài tiết mục ca múa cho cơ quan thuế Gia Lai, tôi hỏi :-Chú “đánh thuê” được bao nhiêu mà dám mới anh em nhậu nhà hàng ? Phương phản ứng :-Anh lại dùng từ “đánh thuê” nghe “tội lỗi quá ! Bi nhiêu cũng được, em “nuôi nhậu” anh cả tháng chẳng sao ! Khi tôi hỏi : Thành phố Pleiku chuẩn bị kỷ niệm 80 năm, chú có viết được bài nào tham gia không ? Kỳ này nhuận bút khá đấy ! Phương tuyên bố ngay :-Nghệ thuật cho 80 năm ! Em mà viết thì đến năm thứ 81 đâu ai còn dùng nữa, với lại em chỉ viết khi em thích, theo đơn đặc hàng, làm nhạc khẩu hiệu…mệt lắm ! Nguyễn Hậu ngồi nghe rung đùi, đắc ý. Cốt cách của cựu học sinh Pleiku như vậy, tôi biết điều ấy nên đã tìm đến họ từ tiệm café, quán nhậu, vào tận phòng audéo riêng để xem và để nghe, vì chúng tôi đã từng uống rượu, ôm đàn, hát tác phẩm mình để cùng nghe từ Đà Lạt đến Pleiku…

       Đêm cuối, tôi ngủ tại nhà Nhung để tiện xe đón. Nhà có một chiếc giường, Nhung và Đức ra kê bàn ngoài phòng dạy nằm với nhau, nhường giừơng cho bạn.-Tối nay “ôn” và “mụ” nằm giường này, “ tụi tui “ ra ngoài, cứ vô tư mà ngủ cho khỏe ! Nhung lệnh cho chúng tôi như thế, và chúng tôi chỉ biết “ ngủ cho khỏe ” thôi ! 4giờ30 sáng thức dậy, tôi và H đã có cà phê filter đàng hoàng cùng với xôi, bánh mì chả “ cho T , H ăn sáng và mang theo ăn đường luôn, ăn dọc đường mất vệ sinh lắm !”. Ôi bạn tôi ! Có lẽ Nhung thức dậy rất sớm để ra chợ đêm Pleiku mua qùa sáng cho chúng tôi. Uống café xong, cất cả bánh mì và xôi vào ba lô mà thương bạn muốn khóc !

       Ở Pleiku hai ngày, tôi và H như hai đứa trẻ được chiều chuộng hết mực, nên về đến nhà H cứ buồn dàu dàu. Cũng phải thôi, chúng tôi về Pleiku không phải đến với phố phường lộng lẫy, những danh thắng nổi tiếng, mà là về nhà cũ, về với tình bạn ! Có nhau, chúng tôi được sống lại không khí của hơn 40 năm về trước, quên hết mọi chuyện để hồn nhiên….

       Mấy ngày ở Pleiku không chỉ có thế. Một chút tản mạn trên đây, tôi chỉ muốn nói rằng tôi yêu Pleiku-bè-bạn của tôi biết dường nào !

Đ.H.T
Pleiku 18/3-ĐàLạt 20/3/2009








More on pleiku and along with chng
Page transported by FREE Go FTP Client