PM-PK: Tùng Sinh
Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh anh mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Anh pha mực cho vừa màu áo tím.
(Sau này có người nói đùa rằng:
”Áo nàng rắc rối quá anh về yêu hoa bí”)
Những câu thơ nổi tiếng một thời và rất dễ thương của Nguyên Sa trên đây thế hệ chúng tôi không ai là không biết. Không hiểu sân trường ở đây là đại học hay trung học nhưng có một sự thật chắc chắn rằng tình học trò đã từng hiện hữu ở rất nhiều trường học từ xưa đến nay và đã tốn khá nhiều giấy mực
Bản thân người viết bài cũng không có nhiều trải nghiệm về vấn đề này ngoại trừ những điều mắt thấy tai nghe đối với học trò của mình trong suốt mấy chục năm dạy học. Hồi mới lớn tôi thường thả hồn theo những cảm xúc vu vơ không biết gọi tên theo kiểu thương mây khóc gió, những mơ mộng vừa trong trẻo vừa hão huyền của thời con gái đối với một mẫu người mà tôi hằng ngưỡng mộ. Vì thế, tôi chỉ xin tản mạn đôi dòng về thứ tình cảm rất dễ thương nhưng cũng sinh ra lắm sự rắc rối trong thế giới học trò.
Thành thật mà nói, thời đi học ở trung học Pleiku và nữ trung học Pleime, tôi chưa từng thấy trong lớp học của mình có một cặp đôi nào đáng được gọi là một đôi cả, ngoại trừ những trò ghép đôi thường thấy ở học trò. Hồi ấy, ở trung học Pleiku tôi nhớ có một đôi anh chị học trên lớp tôi nhưng tôi không biết tên (không biết các thầy cô hoặc anh chị nào có còn nhớ không?) lúc nào cũng sóng đôi với nhau như hình với bóng, khách quan nhìn vào ai cũng thấy mối quan hệ của họ thật khác thường,phải nói là trên mức tình bạn . Mỗi khi họ xuất hiện trên đường từ nhà đến trường hoặc từ trường về nhà, kể cả vẫn thường hay đi với nhau ngay trong sân trường là mọi ánh nhìn đều đổ về phía họ. Nghe đâu họ rất chăm ngoan nên chẳng làm phiền lòng ai cả. Đó là một cặp đôi công khai trong nhà trường mà tôi biết thời đi học.
Hiện tượng như trên duy nhất chỉ một lần lặp lại đối với học trò của tôi trong suốt hơn 30 năm dạy học- Và chuyện là thế này…
Một hôm, ông hiệu trưởng gọi tôi lên bảo là lớp tôi chủ nhiệm có một nữ sinh dám cặp bồ công khai với một nam sinh của trường và yêu cầu tôi “làm việc” với em đó. Tôi bèn gọi cả hai bên ”đương sự” lên gặp và mẫu đối thoại đại để như sau:
- Có đúng là em và bạn Th.Th. lớp cô đã đi xem phim với nhau như mọi người thấy không?
- Dạ đúng
- Em có biết như vậy là vi phạm đạo đức của học sinh không?
Lúc này tôi mới ra trường còn non trẻ lắm,vả lại ai cũng cho rằng học sinh, nhất là học sinh cấp hai mà biết bồ bịch, yêu đương lăng nhăng thì không phải là ngoan và chỉ có hại cho việc học(trên thực tế cũng thường thấy như thế).Thật không ngờ em nam đó đã trả lời:
- Thưa cô, nội quy nhà trường không hề ngăn cấm tình bạn giữa nam và nữ, không cấm bạn nam đi chơi với bạn nữ, vì vậy em nghĩ em và bạn Th.Th. không làm gì xấu và sai cả.
Qủa thật, tôi hơi choáng váng vì đã không lường trước câu trả lời thông
minh của một em học sinh mới học lớp 7 nên chỉ còn biết chống đỡ yếu ớt:
- Nhưng từ trước đến giờ không một bạn nam nào dám đi đôi với một bạn nữ để xem phim cả, làm như thế người ta sẽ không nghĩ là tình bạn- là gì chắc các em hiểu.
- Thưa cô, đó là do họ nghĩ chứ bọn em đi với nhau chỉ là bạn thôi ạ.
Đến nước này, tôi đành tắc tị và chỉ còn biết khuyên các em không nên làm điều gì để mọi người phải lo lắng và giữ sao cho tình bạn trong sáng mà thôi.Sau đó cả trường còn thấy hai em luôn kề vai sát cánh bên nhau trong học tập và mọi công tác của trường (vì em nam là liên đội trưởng, vừa học giỏi, vừa năng động tháo vát, còn em nữ cũng học giỏi, hát hay, múa đẹp lại rất xinh nữa). Dù các em có khéo chống chế và lí sự đến đâu nhưng nếu tinh ý, chỉ cần nhìn qua cử chỉ, ánh mắt của hai em cũng đủ hiểu đó không chỉ đơn thuần là tình bạn. Một bằng chứng hùng hồn nữa là sau này tôi biết hai em đã nên vợ nên chồng, có hai đứa con và sống rất hạnh phúc. Đó là một trong những đôi bạn rất đẹp đôi -rất hiếm hoi và đáng quý ở chỗ có ý chí,nghị lực, đã biết tự chủ tình cảm của mình để giúp đỡ nhau, động viên nhau cùng học tốt. Trong trường hợp này, các em sẽ cố gắng chứng tỏ cho mọi người thấy là “tình bạn” giữa các em rất trong sáng và nhất là không ảnh hưởng xấu đến việc học. Vả lại còn nảy sinh tâm lý tích cực, lành mạnh là em này muốn đẹp hơn trong mắt em kia để xứng đáng với tình cảm dành cho nhau và có tác dụng tốt cho việc học nữa là khác.Một chuyện thú vị nữa là khi tôi đang viết dở bài này thì có tin giáo sư Ngô Bảo Châu đã giành được giải thưởng Fields danh giá được xem như giải Nobel của toán học, làm rạng danh đất nước con người VN.Theo những người thân cận của G.S. Châu thì anh không chỉ đam mê toán học mà còn là một người si tình,đã từng có tình cảm với một cô bạn học từ thời mới cấp 2-người mà sau này trở thành vợ anh.
Nhưng tình học trò vốn rất mong manh, dễ vỡ, thường chỉ làm cho các em bị chi phối không tập trung được vào việc học hành, đâu phải bao giờ cũng tự chủ được để giữ được lâu bền đến một kết thúc có hậu như trên, nhất là ở vào cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” này, phần lớn chỉ là những cảm xúc giới tính bộc phát theo lứa tuổi dậy thì, vừa hồn nhiên dễ thương vừa ngây ngô đến buồn cười, dễ đến rồi cũng dễ tan đi như khói sương lãng đãng. Ở đây, tôi muốn nói đến những cái cách mà các em biểu hiện tình cảm của mình, ở vào cái tuổi dở dở ương ương là học sinh cấp hai,khuôn mặt búng còn ra sữa nhưng đã muốn học làm người lớn,thường là nam sinh đối với nữ sinh- có lẽ nam giới bẩm sinh đã là phái mạnh nên thường chủ động hơn trong việc này chăng (?).
Tùy theo cá tính của mỗi em thôi thì đủ cách để bày tỏ, mạnh dạn thì khác với nhút nhát, rụt rè.Tuy nhiên có những em nam vốn can đảm tự tin trong nhiều trường hợp nhưng trước “người ấy” thì bao nhiêu dũng khí tiêu tan đâu mất hết!(các em đã từng thú nhận như vậy) Còn những em vốn nhút nhát thì lại uống thuốc liều để lại bức thư trong hộc bàn của đối tượng, bất chấp hậu quả sẽ ra sao .Mà cũng lạ thật,những bài làm văn thường ngày thì khô như ngói nhưng không hiểu sao viết thư lại hay thế không biết,cứ như một người khác nhập vào vậy, lại hay mở đầu bằng:”Ngày buồn tháng nhớ năm thương”rất quen thuộc trong các cuốn lưu bút học trò. Những bức thư đó thế nào cũng bị phát giác,bị mổ xẻ tơi bời (trước khi đem nộp cho thầy cô) và tin tức lan truyền nhanh như sóng, đến nổi “khổ chủ” đi đâu cũng bị chiếu tướng, luôn bị bạn bè xì xào chỉ trỏ. Có em thì lãng mạn hơn(có lẽ bắt chước người lớn), cứ mỗi ngày đặt một đóa hoa hồng tươi tại “mục tiêu” đã lựa chọn, kiên trì nhẫn nại cho đến khi nào… hết hoa thì thôi! Đó là trong lớp, còn khi ra khỏi trường trên đường đi học về thì các em nam còn nghĩ ra những cách quái chiêu để thu hút sự chú ý của đối tượng cũng như chứng tỏ “bản lĩnh” của mình: khi thì đi theo sau rồi bất ngờ kéo bím tóc hay giật mũ,khi thì đi với đám bạn cùng phái rồi giả vờ xô đẩy nhau để ngã dúi dụi vào đối tượng.Ngày hôm sau thế nào cũng phải xử những vụ thưa kiện “ném đá dấu tay”đến mệt cả óc này
Lại có những lúc khi tôi vừa bước vào lớp học mà học sinh vẫn còn xôn xao không đứng lên chào như thường lệ, hình như đang có một sự việc gì rất nghiêm trọng vừa xảy ra. Thì ra trước đó, một em nam trong lớp đã phải lòng một bạn nữ nhưng không đủ can đảm để đứa tấm thiệp đặc biệt nhân ngày Valentine bèn nhờ một thằng bạn đưa giùm. Thế là, người được ủy thác làm chim xanh này lại lớ ngớ đưa cho đối tượng ngay trước mặt bạn bè trong lớp, còn nói rõ là của ai. Lập tức, tấm thiệp đã trở thành một đề tài nóng bỏng cho cả lớp trêu chọc và người nhận nó chưa kịp đọc đã phải xé tan trước những cặp mắt tinh quái kia với vẻ mặt vừa xấu hổ, vừa giận dỗi. Đúng là người tặng, người được nhờ trao và người nhận mỗi người trẻ con theo một cách khác nhau nhưng chẳng lẽ tôi lại hướng dẫn cho các em trong việc này thì có khác nào” vẽ đường cho hươu chạy” nên chỉ lắc đầu cười nhẹ và khuyên các em nên chú tâm hơn vào việc học .
Đến đây, tôi chợt nhớ đến bài thơ “Tình thứ nhất” của Xuân Diệu. Bài thơ ra đời cách nay gần một thế kỉ, không biết tác giả đã đưa thư tỏ tình bằng cách nào mà kết quả… cũng không khác bây giờ là mấy:
Em đã xé lòng non cùng giấy mới
Mây đầy trời hôm ấy phủ sơn khê !
Trong khi trước đó đã hao tổn biết bao thời gian và công sức để “đầu tư” mà có mấy ai thấu hiểu cho nỗi lòng:
Giấy phong kĩ mang thầm trong túi áo
Mãi trăm lần viết lại mới đưa đi…
Nhưng đó chỉ là một vài trường hợp cá biệt vì bọn trẻ bây giờ đã “đi trước thời đại” trong lĩnh vực này so với thế hệ chúng tôi.
Ngày nay,cùng với sự ra đời của internet là sự bùng nổ thông tin trong cuộc sống hiện đại.Điện thoại di động và email đã chắp thêm cánh không chỉ trong việc học tập mà cho cả chuyện tình cảm của học sinh cả mặt tích cực lẫn tiêu cực của nó mà nhà trường và gia đình không tài nào kiểm soát nổi.Nếu thế hệ của chúng tôi các chàng thường kín đáo ngắm từ xa và lẽo đẽo đi theo cô nàng ngày này qua ngày khác không hề biết mệt mỏi, tương tự như trong “Ngày xưa hoàng thị” :
….Em tan trường về
Mưa bay mờ mờ
…Anh trao vội vàng
Chùm hoa mới nở
Ep vào cuối vở
Muôn thuở còn thương,còn thương
......
…Bao nhiêu là ngày
Theo nhau đường dài
Trưa trưa,chiều chiều…
và bóng dáng những anh chàng quần xanh áo trắng vẫn thường hay lượn lờ quanh trường nữ Trung học Pleime thuở ấy không biết vì lẽ gì ( chỉ có họ mới hiểu !) thì học sinh bây giờ có nhiều cách ,nhiều cơ hội để tiếp cận và nhận biết đối tượng sát sao hơn .Phải chăng do xu thế của thời đại,do sự phát triển về tâm sinh lí lứa tuổi (thực tế cho thấy bọn trẻ bây giờ dậy thì sớm hơn trước ) đã làm cho những cảm xúc giới tính của học trò-tôi không muốn dùng từ tình yêu theo đúng nghĩa của nó- ở một số học sinh,nhất là ở cấp 3 đã vượt quá giới hạn cho phép,để lại những hậu quả đáng tiếc cho các em nữ phải gánh chịu,không những phải bỏ dở học hành mà còn để lại di chứng nặng nề
Theo tôi,bản thân tình cảm không là cái tội-kể cả đó là những rung động đầu đời đến một cách tự nhiên ở lứa tuổi học trò.Vì thế nhà trường và gia đình,với tư cách là người đi trước nên định hướng cho các em-nhất là phải chỉ ra giới hạn và ảnh hưởng của tình cảm này ở các mức độ của nó,giúp các em tháo gỡ những vướng mắc có thể gặp phải trước khi quá muộn.Tôi biết có những phụ huynh khi biết con em mình vướng vào chuyện này đã ngăn cấm quyết liệt,giám sát rất chặt và thô bạo nhưng kết quả thì hoàn toàn ngược lại.
Để kết thúc,xin mượn lời của một nhà thơ đã nói hộ cái tâm trạng “xao xuyến,bối rối” chợt đến vào một ngày nào đó của học trò tuổi mới lớn:
Ta lớn lên những năm tháng không ngờ
Vô tư quá để bây giờ xao xuyến
Bèo lục bình mênh mang màu mực tím
Nét chữ thiếu thời trôi nhanh như dòng sông
......
Ta lớn lên bối rối một sắc hồng
Phượng cứ nở hoài hoài như đếm tuổi
Nhưng chiều nay, một buổi chiều dữ dội
Ta nhận ra mình đang lớn khôn…
(Nguyễn Khoa Điềm)
Nhưng ở đời ai nên khôn mà chẳng dại một đôi lần.Mà sự dại khờ của tình học trò theo một góc nhìn nào đó cũng thật đáng yêu!
PM: Tùng Sinh
20Tám2ngàn10