KHUNG TRỜI KỶ NIỆM


  Tùng Sinh

Tựa: Theo sự thôi thúc của bạn bè, tôi định viết một bài về Biển Hồ nhưng loay hoay
mãi vẫn chưa xong thì “Biển Hồ huyền thoại…” của một thân hữu PK đã
ra mắt bạn đọc rồi. Đúng là “tư tưởng lớn gặp nhau” nhưng không sao
vì những gì tôi viết tuy có trùng hợp về đề tài nhưng không trùng
lặp thêm tiếng nói về Biển Hồ quê mình.





***o0o***

       Thơ văn xưa thường ví đôi mắt của một cô gái đẹp tựa làn nước hồ thu. Và không phải vô cớ mà nhạc sĩ Nguyễn Cường (một người ở Hà Nội nhưng nhiều duyên nợ với Tây Nguyên) đã so sánh Biển Hồ là đôi mắt của Pleiku (“Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”). Thật vậy, Biển Hồ là đôi mắt đẹp trên khuôn mặt Pleiku tươi trẻ, đầy cá tính độc đáo và cũng có nét duyên thầm luôn làm vương vấn kẻ đi xa.
       Tây Nguyên hùng vĩ bao la có nhiều hồ nổi tiếng, mỗi hồ có một vẻ đẹp riêng. Theo tôi, nếu hồ Xuân Hương có vẻ đẹp duyên dáng của một cô gái khéo điểm trang vì nằm ở trung tâm thành phố Đà Lạt, hồ Lắc trải dài mênh mông phẳng lặng nhưng lại xa thành phố Ban Mê đến 56Km thì Biển Hồ có cái ưu điểm mà hai hồ kia không có được: không quá xa để ta dễ tìm đến tham quan, thưỏng ngoạn cũng không quá gần để có thể ảnh hưởng khói bụi chốn phồn hoa. Biển hồ có vẻ đẹp quanh co, nhấp nhô của núi đồi và còn vẻ hoang sơ, tĩnh lặng cần có để con người thả hồn ngắm cảnh bóng núi mây trời.
       Tôi yêu Biển Hồ không phải chỉ vì cảnh thiên nhiên đẹp. Nơi ấy đã in bao dấu chân kỉ niệm của bạn bè thân thương một thời tuổi trẻ. Nơi ấy đã từng chứng kiến bao chuyện hợp tan và biết đâu đấy…cả những lời thề hẹn … (ai đã từng gắn bó với Pleiku mà không biết Biển hồ thì mới lạ!).
       Thời học sinh, chúng tôi lâu lâu lại rủ nhau ra Biển Hồ. Tết , không biết đi đâu cũng lại ra Biển Hồ đứng ngắm bâng quơ rồi về. Và chụp ảnh. Có một chuyến đi đã trở thành kỉ niệm không bao giờ quên vì một người bạn trong ảnh nay đã ra người thiên cổ. Anh chàng cà lăm của lớp tôi là người khởi xướng, kết nối bạn bè để có chuyến đi ấy, và kiêm luôn phó nhòm. Chúng tôi đâu ngờ rằng đó là lần cuối cùng còn thấy mặt, còn đi picnic với bạn. Những tấm hình đã là vật lưu niệm quí giá đối với gia đình bạn vì không lâu sau năm 75 bạn ấy ra đi đột ngột, tất cả di ảnh của bạn bị thất lạc trên đường tỉnh lộ-7 như nhiều người dân Pleiku lúc bấy giờ. Thời điểm Văn Hiệp qua đời, hoàn cảnh chung còn khó khăn bộn bề, bạn bè ly tán, không mấy ai thắp được nén hương đưa tiễn bạn mình.
       Dòng nước trong xanh của Biển Hồ đã từng ôm vào lòng nó những tâm hồn thơ dại, vì mãi vui với bạn bè mà quên đi bất trắc hiểm nguy của dòng nước, vô tình để lại bao nỗi tiếc thương cho gia đình, bè bạn. Nhưng không vì thế mà người Pleiku (kể cả khách lạ) không tìm đến với Biển Hồ. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước không ngừng tìm lại khung trời đầy kỉ niệm này. Có một bạn trẻ thuộc thế hệ 8x đã nói hộ tiếng lòng của người xa xứ:

“…Nơi ấy quê mình không có bãi phù sa
Không có dòng sông chảy giữa đôi bờ cổ tích
Nhưng nơi ấy quê mình có Biển hồ xanh màu ngọc bích
Nơi bắt đầu những tình yêu…”
(Hồ Thiên Sơn)


       Đúng vậy. Đó là nơi bắt đầu những tình yêu. Và sẽ không bao giờ là người cuối cùng !





PKPM-Tùng Sinh