TẢN MẠN NHỮNG MẨU CHUYỆN CỦA LỚP TÔI


  PKPM- Nguyễn Hạnh

Thân tặng bạn bè lớp Đệ Thất-2 NK 65 – 66/ Trung Học Pleiku



       Xin được cùng các bạn trở lại lớp học của tôi với hắn ngày xưa , cái lớp ấy thật lắm điều nhiều chuyện, mà cũng rất dễ thương ( chúng tôi thường tự hào với nhau như vậy ). Ngoài câu chuyện “Lỗ tai cây “ của hắn , còn có những mẩu chuyện sống mãi trong ký ức của chúng tôi với những tiếng cười không bao giờ tắt !
       Mọi chuyện đều bắt đầu từ những ông mãnh. Thực ra lớp tôi chỉ có một “ Ông “ tên là “Huỳnh Kim Mãnh “ (sau này là một trong những người tâm huyết của phong trào Về Nguồn ). Nhưng bên cạnh Mãnh (danh từ riêng ), còn có nhiều ông mãnh (tính từ ) khác nữa đã làm cho thầy cô vừa khổ công dạy dỗ vừa phãi răn đe chúng tôi, nhức đầu vì phãi xử kiện hàng ngày. Nào là chuyện vi phạm tác phong , chuyện lười học ( trong đó cũng có các bạn gái nữa ) , chuyện rắc rối trêu chọc nhau , chuyện ghép đôi … Bao nhiêu vụ việc xảy ra mà có vụ mãi đến bây giờ cũng chưa biết đích danh ai là thủ phạm … Người chứng kiến nhiều nhất những trò tinh nghịch của học sinh lớp Đệ Thất-2 là Cô Cúc, Giáo Sư Pháp Văn và cũng là G/s hướng dẫn của lớp tôi, người đã dạy cho chúng tôi những bài học làm người sâu sắc. Đây là những câu chuyện tản mạn mà đám con gái chúng tôi hay nhắc lại khi nhớ về trưòng xưa lớp cũ.

       +++ Chuyện “ Chiếc áo phai “
       Tôi còn nhớ anh chàng tên Hùng họ Phạm , là một trong những học sinh thường lôi thôi về tác phong. Hùng ngồi bàn đầu cho nên cô Cúc vào lớp là phát hiện ra ngay. Bữa nọ chàng ta mặc chiếc áo màu hồng đến lớp . Cô giáo vào bảo Hùng đứng lên trả lời cô vì sao không mặc áo trắng đi học? Anh chàng ấp úng mãi mới nói được một câu: “ Thưa cô … nó… nó … phai ạ ! “. Cả lớp cười ầm, cô Cúc cố nín cuòi đỏ cả mặt hỏi vặn: “ Áo trắng mà phai thành áo hồng hả ? “ !!!
       Tư bấy đến giờ tôi chưa gặp lại bạn Hùng. Chiếc áo hồng của bạn không còn nữa nhưng “chiếc áo phai “ của giờ học hôm ấy vẫn còn lưu mãi trong ký ức của lớp xưa ! .

       +++ Chuyện “ anh chàng Cà Lăm “
        Chắc cả lớp không ai quên được cặp măt to, cái miệng rộng của anh chàng Phạm Văn Thìn. Có thể chàng ta nghĩ là mình đẹp trai lắm nên ai cũng nhớ đến anh chàng! Nhưng thực ra do cái tật mỗi khi bị Cô kêu lên trả bài anh chàng cứ co vai, nhướng mắt nhìn ra cửa sổ rồi cố rặn từng tiếng một “ Thưa...thưa...thưa... cô … “ , rặn mãi chưa ra được một câu! Mỗi khi Thìn lên trả bài là y như rằng cả lớp được một trận cười no bụng. Đã thế ngồi trong lớp còn thư từ thậm thò thậm thụt. Có lần bị Cô Cúc bắt đem mẩu giấy anh chàng gửi cho bạn cho Cô xem. Cô đọc to trước lớp “ Coi chừng bã thấy “. Cả lớp lại cười nhưng vội im ngay vì cô la bạn: “Gọi cô là bã, là bã trầu hay bã mía hả ? “ Rồi cô nhắc nhở chúng tôi cách xưng hô thế nào cho đúng mực. Qua chuyện đó chúng tôi đã cẩn thận hơn trong cách xưng hô và nói năng ứng xử với thầy cô. Bây giờ các bạn vẫn sợ Thìn cho số điên thoại của bạn bè vì nguòi ta sẽ không gọi được do bị... bị...dư số … Mãi mãi Thìn là anh bạn Cà Lăm dễ mến của lớp tôi.

       +++ Chuyện ghép đôi
        Đối với học sinh, chuyện ghép đôi dường như không thể thiếu trong những lớp nam nữ học chung. Cho nên đã có nhiều cặp xuất hiện ở lớp tôi. Hồi đó không biết dựa vào đâu mà mấy ông mãnh đã ghép thành từng cặp như thế, nhưng nhìn qua thấy cũng "xưng đôi vừa lứa" lắm. Mấy cặp tiêu biểu như Thái Bình-Tự Phát đều mũm mĩm dễ thương, Đặng Thị Thế Thanh–Nguyễn Tiếp đều hiền lành chất phác, một số cặp khác do quan hệ họ tên cũng đã thành đôi như Trần Văn Hiệp-Trần Thị Hiệp, Đặng Thị Thìn-Phạm Văn Thìn, Phạm Công Chiến Thắng-Nguyễn Công Tùng Sinh ( người mà thây Hiyup, dạy Pháp Văn năm Đệ Lục, gọi là Nguyễn Công Tung Sình); Lương Thanh Tố-Nguyễn Thị Hoa ( hôm nhìn thấy hình hồi nhỏ của Hoa trong quyển lưu bút của tôi, chàng Tố có vẻ xúc động lắm !!!) …. Chuyện trêu chọc ghép đôi các bạn trong lớp tôi đã xảy ra hàng ngày như cơm bữa. Nhưng để lại tình huống hài hước nhiều nhất là chuyện của Thế Thanh – Nguyễn Tiếp, và chuyện của tôi với Thân Trọng Lợi có biệt danh là Lý Toét .
       Để trêu chọc Thế Thanh, ngoài chuyện nhại giọng Bình Định ( Thưa cô em tên là Đặng Thị Thớ Thanh quơ ở Bình Khơ ), mấy ông mãnh còn chọn Tiếp có giọng nói miền Trung trọ trẹ để làm đề tài trêu chọc cặp Thanh-Tiếp. Anh chàng Tiếp ngồi cùng nhóm bàn với Châu Đức Lân, Phạm Văn Thìn… cuối dãy bàn phía bên con gái. Hôm ấy đang trong giờ học, cô giáo dừng giảng bài vì nghe tiếng cười rúc rích dưới nhóm bàn của Tiếp. Cô nghiêm mặt nhìn xuống yêu cầu trật tự. Có lẽ quá tức tối nên bạn Tiếp đứng ngay dậy tố cáo Lân: “Thưa cô bạn Lân cứ gọi em là Thanh-Tép Tẹp , Thanh-Tép Tẹp ạ! “ (Thanh-Tiếp Tiệp ) . Lại một phen cả lớp cười lăn. Rất ngạc nhiên, ngưòi nhớ kỹ nhất chuyện này mà tôi được biết đến bây giờ lại chính là nạn nhân bị trêu chọc ngày xưa: Thế Thanh ( nỗi bực dọc ngày xưa vì bị trêu chọc, chắc bạn ấy đã quên rồi??? ).
       Còn tôi thì lại nhớ như in tình huống hơi kịch tính một chút của mình với anh chàng Lý Toét. Anh chàng cũng không đến nỗi quá xấu trai chỉ tội hơi gầy, mũi hơi hếch, miệng rộng, môi hơi cong, mà anh chàng bị ghép đôi với một cô bạn gái quê mùa xấu xí như tôi, chẳng biết lúc đó anh ta có buồn không. Còn tôi vô tư lắm chẳng để ý gì đâu. Chỉ không ngờ mình lại lâm vào một tình cảnh vô cùng hài hước như thế. Bữa ấy, sau giờ ra chơi, chúng tôi vừa vào lớp và ổn định chổ ngồi, anh chàng Lợi-Lý Toét đã đứng lên “Thưa cô bạn nào đã đổi ruột viết của em ạ ? “. Hồi đó chúng tôi thường dùng bút máy. Bạn nào gia đình khá giả thì dùng loại Pilot đắt tiền, còn đa phần dùng viết Alpha. Ruột viết màu xanh của Lợi đã biến thành mầu hồng. Cả lớp lại được một phen cười ồ. Cô Cúc chưa giải quyết, tạm thời cho Lợi ngồi xuống. Cả lớp vẫn cười rúc rích. Tôi cũng cười hùa với các bạn và thầm nghĩ ai mà bị đổi thì ngượng chết! Đến khi ghi bài, tôi mở viết ra … thì cả lơp cười nghiêng ngả ...!!! Tôi và Lý Toét ngượng chín cả người. Hôm đó và mãi đến bây giờ tôi cũng chưa biết ai là thủ phạm đích danh trong vụ ấy. Cũng là một điều bí mật thật thú vị???

       Hơn 40 năm đã trôi qua biết bao dời đổi. Trong cuộc đời không phải trồng cây lúc nào cũng được mùa thu hoạch. Chúng tôi lớn lên trong sự nuôi dưỡng, dạy bảo của cha mẹ và thầy cô nhưng rồi trưởng thành trên những con đường khác nhau. Đứa thì sự nghiệp công danh thành đạt, đứa lận đận gian truân, đứa thì khá giả, đứa lại khó khăn, có nhiều đứa bặt vô âm tín, có đứa đã ngủ yên trong lòng đất!. Chỉ còn một nhóm bạn bè nơi Phố Núi này vẫn đi tìm lại những dấu chân tuổi thơ trên những con đường xưa để thấy lòng mình bồi hồi, nhớ tiếc một cái gì đó!
       Những câu chuyện của tuổi 13 đã theo chúng tôi đi cùng năm tháng. Để mỗi khi gặp nhau những tiếng cười hồn nhiên tươi trẻ lại vang lên xua tan mọi ưu tư về cuộc sống, để chúng tôi sống lại những giây phút vô tư, hạnh phúc của thời cắp sách trong tình bạn ấm áp thân thương. Xin cảm ơn trường xưa lớp cũ đã cho tôi những món quà quí báu của một thời dấu yêu!


Nguyễn Hạnh
Cựu H/s lớp Đệ Thất-2/TH Pleiku và TH Pleime