MỘT GÓC NHỎ PLEIKU


  Nguyễn Hạnh        



      Nhà văn Lỗ Tấn của Trung Quốc đã có một làng Mùi để viết “AQ chính truyện” . Còn ở nước ta, Nam Cao đã có làng Vũ Đại để cho ra đời một “Chí Phèo”, Kim Lân đã có làng Chợ Dầu với một tình yêu thắm thiết để viết truyện ngắn “ Làng“ ....Người ta yêu thích những tác phẩm để đời ấy, không chỉ vì cách viết sắc sảo của những cây bút tài ba mà còn vì qua những hình tượng nhân vật cụ thể, đã giúp họ nhận ra những chân lý mang tính khái quát . Phép “ thắng lợi tinh thần” của AQ ; tính cách say, chửi, rạch mặt ăn vạ của Chí Phèo do bần cùng dẫn đến “lưu manh hoá “ ; nhận thức từ mơ hồ đến đúng đắn của ông Hai về tình cảm đối với quê hương đất nước, qua cái làng Chợ Dầu của mình … đã trở nên những hình tượng điển hình về người nông dân của một thời. Lớp người sau luôn cảm ơn các thế hệ văn nghệ sĩ đi trước, về những thành tựu lớn lao, mang dấu ấn thời đại mà họ đã viết bằng một trái tim đau đời . Quá khứ luôn là hành trang giúp ngưòi ta sống với hiện tại và bước vào tương lai với tình cảm thủy chung trọn vẹn .
      Ngày nay, đã không còn cuộc sống ở nông thôn và hình ảnh người nông dân như những thập niên đầu của thế kỷ trước. Bây giờ, người ta sẽ không còn tìm thấy làng Mùi, làng Vũ Đại, làng Chợ Dầu với cảnh sống lầm than tăm tối . Tất cả đã lùi xa vào quá khứ của một thời , mà người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời “ nhưng vẫn đói khổ rách rưới . Những người nông dân nghèo khổ không có mảnh đất cắm dùi ngày xưa ấy, giờ đây nhiều người đã trở thành chủ của những khu rừng, những trang trại bạt ngàn cây trái … Họ đã thực sự đổi đời rồi !
     Chẳng phải tìm đâu xa . Ngay nơi tôi đang ở, một góc nhỏ của Pleiku, trước đây là một vùng đất của khu kinh tế mới thuộc phường Yên Đổ, một làng quê được tạo lập, đi lên từ đất . Bây giờ đã trở nên một khu dân cư đông đúc của phường Yên Thế nằm ở phía Bắc thành phố Pleiku . Sau 33 năm, tất cả đã đổi thay, một sự đổi thay ngoài mơ ước của những người dân một thời lam lũ .
      Năm 1976, theo chủ trương đi xây dựng vùng kinh tế mới, nhà tôi đã chuyển một nửa gia đình ra điểm 17/3 cùng với mấy chục hộ để định cư . Thời gian này tôi đi dạy, các em tôi đi học nên còn ở trong phố . Những ngày nghỉ, chúng tôi tập trung ra làm rẫy với mẹ . Ngày ấy, những cô cậu học sinh bàn tay chỉ biết cầm bút đã tập tành lóng ngóng cầm cuốc, thật vụng về bỡ ngỡ . Vậy mà cũng đã góp một chút công sức của mình làm ra lúa gạo, khoai sắn, đậu, bắp …để có cái ăn hàng ngày. Thời kỳ bao cấp đã kéo dài cả chục năm đầy gian khổ . Cũng nhờ sau đó nhà nước đã có chủ trương giao khoán đất đai cho dân canh tác, nên sản xuất phát triển, hàng hoá dồi dào, được lưu thông tự do, giúp nhân dân thoát khỏi cảnh làm lụng vất vả mà thành quả không thu được bao nhiêu, thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu . Cái thời kỳ sản xuất tự cung tự cấp không còn, cũng là lúc khởi đầu cho nền kinh tế theo cơ chế thị trường, làm thay đổi diện mạo của đất nước . Tất nhiên sự thay đổi ấy bao gồm cả mặt tích cực lẫn tiêu cực . Người ta đã ca ngợi, tung hô nhiều về những thành tựu và cũng đã không ít lời phê phán chỉ trích những mặt trái của xã hội trong thời kỳ đổi mới . Ai mà chẳng vui sướng hạnh phúc trước những cái được và đau xót trước những cái mất . Tuy vậy, người ta dễ nhìn thấy cái được vì nó hiện hữu rõ ràng . Còn cái mất thì phải băn khoăn trăn trở, suy ngẫm, phải nhìn bằng cái tâm mới thấy hết được. Nhưng dù sao cũng phải nhìn nhận, trân trọng những đóng góp lớn lao của những con người đi lên từ những bàn chân đất ở miền quê nhỏ bé này, nơi mà tôi biết đến từ khi mới thành lập và đã thực sự sống gắn bó trong 22 năm qua .
      Năm 1987, vợ chồng tôi xin chuyển công tác về dạy ở ngôi trưòng làng, trước sự ngạc nhiên của bạn bè và những lời khuyên ngăn của người thân . Từ trong phố lại đưa hai đứa con nhỏ ra khu kinh tế mới, trong khi nhiều người muốn chen chân về nội thị . Đến một nơi còn đầy khó khăn thiếu thốn, tôi không khỏi ngỡ ngàng lo lắng . Đường đất lầy lội, không có điện thắp sáng, nhà ở lụp xụp tạm bợ, dân cư thưa thớt . Cả vùng chỉ có một chiếc xe Honda 67 của chú Bốn Sinh ( một trong những người có mặt đầu tiên ở đây ) là phương tiện duy nhất giúp bà con chở người nhà khi bị cấp cứu đi vào bệnh viện …Tuy thế, hai đứa con tôi lại được sống vui vẻ hồn nhiên cùng với đám bạn nghèo chung quanh . Chúng không cảm thấy tự ti như khi sống gần với đám trẻ nhà giàu ở trong phố. Điều đó khiến tôi có thể an tâm vượt qua những khó khăn để xây dựng cuộc sống mới, một cuộc sống bắt đầu bằng những chật vật thiếu thốn mọi bề .
      Sau hơn 20 năm, so với những thay đổi của một số bà con nông dân ở đây thì gia đình tôi vẫn thuộc lớp thanh bạch. Cái cốt của tầng lớp trí thức như mình, lao động không bằng ai, sống thật thà lương thiện thì cả đời cũng vậy thôi . Tôi đã tự nhủ như vậy và đã chẳng mơ gì hơn được sống thanh thản sau những năm tháng nhọc nhằn .Tôi bằng lòng với cuộc sống của mình, như một người đã cố hết sức để bơi khỏi khúc sông hiểm trở để đến bến bình yên, và đang tận hưởng niềm hạnh phúc của AQ !
      Nhưng tôi đã vô cùng ngưỡng mộ những người nông dân cần cù chăm chỉ, quyết chí làm giàu bằng đôi bàn tay của mình . Họ đã chung lưng hợp sức mang lại màu xanh cho miền đất hoang vu, mang vết tích của chiến tranh . Tuy là một khu kinh tế mới, nơi chứa đầy những mảnh đạn bom nhưng đây cũng là mảnh đất lành, nên đã thu hút được dân cư ở nhiều nơi đến sinh cơ lập nghiệp . Phần đông số dân ban đầu là người miền Trung từ phường Yên Đổ ra định cư . Về sau những người ở Bắc vô, ở các nơi khác tìm đến sinh sống cũng nhiều . Từ mấy chục hộ ban đầu, về sau tăng dần đến số hàng trăm và bây giờ đã lên đến số hàng ngàn . Diện tích đất canh tác từ những mảnh vườn nhỏ đã được mở rộng vượt ra hàng trăm hecta, ở các khu lân cận . Không nhớ hết được những đổi thay từng ngày ở nơi đây. Nhưng nhìn lại tôi thấy giật mình vì không ngờ cái miền quê heo hút ngày nào đã trở nên đông vui nhộn nhịp . Hàng ngày, trên con đường đã được trải nhựa, học sinh nô nức đến trường. Ngôi trường ọp ẹp ngày trước bây giờ đã được thay bằng hai dãy lầu khang trang, bề thế . Học sinh vào học cấp ba không còn đếm trên đầu ngón tay như trước mà đã có hàng trăm em sau mỗi niên khoá, chuyển cấp đi vào các trường cấp ba . Nhiều em vào được trường chuyên, lớp chọn . Trong số học sinh lớn lên từ ngôi trường làng nhỏ bé ấy, đã có nhiều em thành đạt mang niềm tự hào về cho gia đình quê hương làng xóm . Đời sống đã trở nên văn minh hơn, từ khi điện thắp sáng vào tận từng nhà . Những căn nhà ổ chuột không còn nữa. Gia đình nào khó khăn thì được xây nhà Đại Đoàn Kết . Nhiều ngôi nhà hiện đại đã mọc lên . Nếu lúc đầu ở đây chỉ có một chiếc xe máy thì bây giờ nhà nào cũng có được từ một đến hai, ba xe máy. Có nhà còn sắm được xe hơi … Biết bao mồ hôi, nước mắt của bà con đã đổ ra để vỡ ruộng khai hoang, xây nhà dựng cửa . Làm theo lời dạy của cha ông “năng nhặt chặt bị “, “có công mài sắt có ngày nên kim “ mà người dân ở đây đã ăn nên làm ra . Họ chẳng phải nhờ dự án này dự án nọ để đổi đời như một số làng quê khác, mà họ đã đi lên từ đôi chân đất, từ sự tần tảo chắt chiu …Nhiều gia đình sinh “con đàn cháu đống “, cả ba đời cùng góp sức xây dựng mảnh đất này . Không chỉ tình cảm làng xóm gắn bó “ tối lửa tắt đèn “ có nhau, mà cả tình yêu đối với cây và đất với con người cũng thật sâu nặng. Có thể nói cây cà phê sau bao thăng trầm vẫn là người bạn thân thiết, luôn gắn bó với họ suốt bao năm, trong hành trình đổi thay cuộc sống .
     Người được bà con cảm phục nhất ở đây có lẽ là vợ chồng anh Hai Thạch . Đôi vợ chồng nông dân ấy đã rời bỏ quê hương Tây Sơn Bình Định, đất chật người đông đến Tây Nguyên để mưu sinh . Nơi đây tuy đất rộng người thưa nhưng cũng chứa đầy tiềm năng, đang chờ đón những người nông dân cần mẫn Họ đến cùng thời điểm với vợ chồng tôi . Và cũng đã có một giai đoạn đồng cam cộng khổ với chúng tôi, trên những lô cà phê nhận khoán của địa phương . Tôi nhớ nhất là vào mùa khô, nửa đêm hai nhà còn tưới rẫy. Dạo ấy chưa có điện nên phải thuê dàn máy Sizma bơm nước để tưới . Dưới ánh trăng sáng lấp loáng trên những tán lá cà phê, chúng tôi vác ống nước đi, nhẫn nại như những chú kiến tha mồi về tổ . Nhìn cái thân hình bé nhỏ gầy gò của chị Hai Thạch nhanh nhẹn vác những chiếc ống dài gấp bốn người của chị, chạy hàng cây số, tưới hàng hecta cà phê mà vẫn dẻo dai bền bỉ, tôi liên tưởng đến hình ảnh chị lao công mà một nhà thơ đã tả “Như sắt như đồng “... Chị luôn vui vẻ tươi cười, chê cô giáo yếu quá, vác có một ống mà đi không muốn vững . Còn chị vác hai ống mà vẫn thoăn thoắt đôi chân . Tôi không thể nào làm theo chị nổi . Xong việc tưới tiêu đến việc bấm cành, làm cỏ, bón phân rồi đến mùa thu hái . Hết vụ này đến vụ khác . Càng ngày tôi càng đuối trong công việc rẫy vườn, vì vừa đi dạy vừa làm vườn làm rẫy nên không kham nổi .
     Người ta thì chăm chỉ cần cù trên mảnh đất của mình để thu thành quả . Còn tôi lại có những giấc mơ cổ tích . Nhưng những chùm cà phê không thể biến thành những hạt vàng sau những điều ước mà nó phải sau nhiều mùa chăm sóc phải thấm đẫm những giọt mồ hôi của người lao động thì mới biến thành vàng được . Phép lạ do con người tạo ra chứ chẳng có ông Bụt, bà Tiên nào ban cho cả …Tôi đã tự cười mình bởi nhiều lúc có những ý tưỏng mơ mộng viển vông. Thế mới biết người đời xưa sao giàu mơ ước đến vậy .
     Cứ như thế, càng ngày họ càng mở rộng đất đai, còn vợ chồng tôi thì càng ngày càng thu hẹp lại và cuối cùng chỉ còn lại mảnh vườn nhỏ với đám cà phê cằn cỗi . Lực bất tòng tâm mà, bởi mình không phải lao động chuyên nghiệp, lại không vốn liếng đầu tư nên cũng đành chuyên tâm với công việc chính của mình .Và chúng tôi cũng lại sống bình dị . Còn vợ chồng người nông dân kiên trì nhẫn nại ấy đã trở thành tỷ phú, sở hữu hơn 20 hecta càphê và nhiều cơ ngơi nhà cửa đất đai ở mặt phố . Tôi thấy mình so với họ thì có chút chữ nghĩa hơn, nhưng lại thua họ rất xa về lĩnh vực làm giàu . Thế mới biết, ở một khía cạnh nào đó thì có những người ít chữ, thậm chí mù chữ vẫn hơn những kẻ học cao hiểu rộng, nhiều bằng cấp . Tôi thực sự khâm phục những người dân chịu thương chịu khó đã chẳng trông cậy vào ai, chẳng có quyền cao chức trọng để lợi dụng làm giàu như một số kẻ sâu dân mọt nước. Họ đã bám đất cần mẫn để thay đổi số phận của mình . Chẳng ai ngờ vợ chồng anh Hai Thạch ngày nào còn đi kéo cộ củi về bán, kiếm tiền sinh sống khi chưa thu hoạch được cà phê, bây gìờ đã có nhà lầu, xe hơi …Ông cha ta đã nói chẳng sai “ sông có khúc người có lúc “ , “ hết cơn bỉ cực tới hồi thái lai “ mà . Cuộc sống nơi đây đã và đang tiếp tục mang đến cho tôi những điều ngạc nhiên kỳ thú .
     Tôi cũng là một trong số những độc giả mau nước mắt khác, đã từng khóc trên những trang sách viết về số phận bi thảm của những người nông dân như AQ, Chí Phèo, Lão Hạc ...Còn bây giờ thì tôi lại rất đỗi tự hào về những người nông dân ở quê hương thứ hai của mình, bởi họ đã tạo nên một góc nhỏ của Pleiku mới lạ và ngày càng mới lạ ... Nhưng cùng với những đổi thay theo mong đợi, vẫn lẩn khuất đâu đó những mất mát làm người ta cảm thấy day dứt không yên ! .

Hè 2009
Nguyễn Hạnh








Further info on nhng and related to ngi
The Fastest FTPS and FTPS on the planet FREE Go FTP Client