Vệt nắng bên thềm


         



Mùa xuân đã chính thức bắt đầu từ hơn mười ngày nay, tuyết vẫn còn phủ kín mặt hồ nhưng mặt trời đã bắt đầu mọc sớm và lăn trễ hơn.

Vệt nắng bên thềm đang vươn dài liếm gần hết mấy bực tam cấp. Không cần nhìn ra ngoài tôi cũng biết là mặt trời đã lên khỏi cánh rừng thông sau nhà và giờ này cũng đã phải hơn 9 giờ sáng. Không một ngọn gió, không một chiếc xe chạy trên con đường ngoằn ngoèo nối liền những căn nhà im lìm nằm dưới những tàn cây trụi lá rải rác chung quanh hồ.

Trên tivi đang chiều cảnh những giòng xe vẫn dầy đặc chen nhau vượt chiếc cầu nối liền hai bên thành phố, Tôi nhâm nhi tách cà phê nhìn qua phía bên kia hồ .Những làn khói xanh thoát ra từ những ống khói vươn lên cao xòe rộng rồi tản mát trong không gian. Trên cây phong trồng sát bờ hồ đàn sẻ nhỏ đang hồn nhiên chuyền tứ cành nọ qua cành kia, những tia nắng ban mai đã nhuôm vàng khu rừng trước mặt. Thời gian như ngừng lại nơi đây.

Tháng tư năm nay đã là tháng tư thứ ba mươi bốn của cuộc đổi dời vận nước, đổi dời vận số của biết bao nhiêu triệu người miền Nam như tôi. Tôi sinh ra ở miền Bắc di cư vào miền Nam năm 54 trưởng thành tại miền đất dấu yêu đó nên tôi vẫn luôn nghĩ trong lòng tôi là một người miền Nam.

Ngày xưa tôi vốn không tin con người có số mệnh nhưng cuộc đổi dời năm 75 đã làm tôi hoàn toàn thay đổi quan niệm ! Một năm trước đó trong một buổi gặp gỡ tình cờ Quế giáo viên dậy tại Tiểu-học Minh-Đức đã nói tôi sẽ phải rời xa ngôi trường Phạm Hồng Thái cùng với gia đình, thay đổi nghề nghiệp và sẽ sống ở một nơi nào xa Pleiku lắm, còn nhà tôi khi sinh nở đứa con thứ ba nên về nhà thương lớn vì sẽ gặp khó khăn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Quế là người có khả năng rất lạ đôi khi đang nói chuyện tự nhiên nói ra một lời nào đó không liên quan gì đến câu chuyện đang nói mà lại có tính cách của một lời tiên tri !.

Đã hơn ba mươi bốn năm tôi sống nơi đây xa cách Pleiku cả một nửa vòng trái đất. Công việc tôi làm suốt 27 năm qua hơi khác với những ngày tôi còn ở ngôi trường Phạm Hồng Thái. Nhà tôi khi sinh nở đứa con gái út trong trại tỵ nạn tại Mỹ đã cần đến 4 bác sỉ, liên tục truyền máu trong suốt nửa ngày. Nếu những sự việc mà tôi trải qua đã không được ghi chép đâu đó thì làm sao có người đã đọc được như Quế để nói cho tôi hay !?

Số mệnh hình như cũng là một chuỗi dài những run rủi để đầy đưa tôi ở lại nơi đây một thành phố chỉ có một vài gia đình người Việt nguyên là những sinh-viên du học trước 75 thành tài rồi lấy vợ đầm để được ở lại khỏi về nước ! Không quen biết một ai, tiếng Pháp chưa biết ! Gia đình bé nhỏ của tôi gồm hai vợ chồng ba đứa con 2 tuồi, 1 tuồi rưỡi và đứa chót mới sinh được 3 tuần trong những tháng đầu đã sống cô đơn giữa những người bản xứ giống hệt như một chiếc thuyền con lênh đênh giữa biển.

Đời sống của những người tỵ nạn năm 75 hồi đó không khổ vì vật chất mà khổ về tinh thần, Người ta nhớ quê hương bỏ lại, nhớ người thân, nhớ bạn bè nhất là trong ý nghĩ là sẽ vĩnh viễn chia lìa. Có những lúc ngồi trong thư viện chồng sách trước mặt nghe xí xa xí xố chung quanh bằng một ngôn ngữ xa lạ hồn tôi đã quay trở về với căn nhà nhỏ số 13 đường Yên Đỗ Pleiku. Con đường không được tráng nhựa lầy lội ngày mưa mà tôi ghét cay ghét đắng ngày nào nhưng lúc đó tôi đã thèm được trở về để lại được rón rén bước chân tránh từng vũng bùn. Tôi nghĩ tới ánh mắt buồn rười rượi của con chó thân yêu.Tôi thèm được ngửi lại mùi hương thoảng nhẹ của bụi hồng nhỏ góc vườn mỗi khi lách xe ra khỏi cổng trước khi đến trường. Tôi muốn được chung quanh tôi là tiếng lao xao bằng một ngôn ngữ Việt thân quen của các em học sinh trong những lớp học ngày xưa !

Những buổi tối trước tivi hiẻu được lõm bõm câu được câu chăng tôi nhìn hình ảnh những chiếc thuyền chở người vượt biên dập vùi trên sóng nước mà đau xót và thầm nghĩ không hiểu trong đó có em nào là những học sinh của tôi. Tôi đã tìm xem những bài báo nói về thuyền nhân những chương trình phóng sự quay trong những trại tị nạn ỏ Thái lan, Mã lai để dán mắt vào những khuôn mặt trong phim trong hình với hy vọng tìm được những khuôn mặt quen biết !

Người di tản 75 đã có những khó khăn mà chỉ một hai năm sau những người qua sau này đã không hề gặp phải, một trong những điều đó là việc tìm mua thực phẩm Việt nam ! Hơn 4 tháng trời lưu lạc từ các trại tỵ nạn Mỹ Subic Bay ở Phi luật tân, trại lều Orote Point ở đảo Guam, Indianan town Gap ở Pennsylvania ngày ngày xếp hàng chờ ăn ba bữa chỉ được ăn món Mỹ nên tôi đã nhớ món ăn Việt nam quay quắt ! Ngay ngày hôm sau đặt chân tới thành phố này tôi đi lùng kiếm tìm mua nước mắm ! Cả một thành phố không có được một tiệm bán thực phẩm Á Châu, gạo cũng rất hiếm chỉ bán tại một vài siêu thị trong những bao nhỏ 2lbs gạo Mỹ hạt dài. Nước mắm không có, tôi nài nỉ mua được 1 chai xì dầu tại một tiệm ăn Tầu duy nhất trong thành phố ! Tôi nhớ phở, nhớ bún bò nhưng những tô phở những tô bún bò nấu với mì spaghetti lại thiếu nước mắm nuốt không vô ! Tôi thích ăn ngon nên 2 tuần lễ sau đó tôi mua vé xe đò tới thành phố Québec cách thành phố tôi ở 225 km vì nghe nói tại đó có một tiệm thực phẩm Việt Nam. Chưa bao giờ biết cách đi xe bus trong một thành phố tân tiến tôi lạc giữa, thành phố nói tiếng Pháp cà nửa ngày rồi cuối cùng cũng tìm ra được.Thật ra đó chỉ là một tiệm tạp hoá Tầu nhỏ xíu ! Tôi trở về nhà bằng chuyến xe đò nửa đêm mua được một ít bún một ít bánh phở khô nhưng vẫn không có nước mắm ! Một tháng sau tôi nhận được chai nước mắm quý hoá do đứa em từ Mỹ gửi qua bằng đường bưu điện, chính nó cũng phải đi cả hơn 100 dậm mới mua được. Đến nay tôi còn nhớ hương vị tuyệt vời của những miếng thịt heo luôc chấm nước mắm bữa ăn tối hôm đó ! Bây giờ nơi đây thục phẩm Việt Nam bầy bán ê hề ngay trong cả những siêu thị, tiệm ăn Việt Nam thì hầu như chỗ nào cũng có !

Dân tình ở đây rất dễ thương, 2 ngày sau khi tới đây khi tôi đang ngơ ngác dẫn 2 đứa con dạo phố một ông già xăm xăm đi tới kéo 3 bố con vào một tiêm giầy gần đó nói chủ tiệm lựa cho mỗi người một đôi giầy rồi trả tiền bắt tay tôi chào bỏ đi sau khi nói một tràng dài tiếng Pháp, tôi nghe như vịt nghe sấm chỉ biết mở miêrg cười. Bạn bè thân của tôi nay đang là những người dân bản xứ, có những mối thâm tình đã kéo dài từ mấy chục năm nay !

Trong những năm đầu ở nước ngoài, đời sống của những người tỵ nạn 75 là những ngày tháng cố gắng hội nhập vào xã hội mới, là những ngày tháng lo lắng cho người thân còn ở lại. Sau khoá học Pháp văn 5 tháng tôi bắt đầu đi làm việc. Với vốn liếng Pháp văn ít ỏi mới học được tôi đã phải khá vất vả để chu toàn được công việc.Tôi tiếp tục học thêm tiếng Pháp, thì giờ trong một ngày không còn bao nhiêu tuy nhiên tôi cũng đã quyết định buổi tối cắp sách tới trường học thêm chuyên môn. Buổi đầu tiên ngồi trên chiếc ghế sinh viên chung quanh là những sinh viên trẻ nhìn lên bục giảng là một giáo chức tuổi chỉ khoảng tuổi tôi lòng tôi thoáng nao nao.Từ buổi đó tôi đã dấu kín trong lòng cái ước mơ tìm lại cho tôi những gì tôi đã đánh mất !

Cái vất vả của đời sống vừa đi làm vừa đi học làm tôi hay có những giây phút nhớ về Pleiku với những năm tháng êm đềm tôi đã có ở đó như một nguồn an ủi. Hình ảnh Pleiku trong tôi là ngôi trường Phạm Hồng Thái thân yêu nằm trên sườn đồi thoai thoải ngó xuống “ thung lũng hồng “, là lớp 12B niên khoá 74-75 chỉ có 3 nữ sinh Trang,Kim, Mai giữa một đám nam sinh, là sinh hoạt trại cuối năm là những sinh hoạt văn nghệ với những em đã tích cực hoạt động như Tân, Phúc, Giáo, Sáu, Sanh....Tôi nhớ về trường Trung học Pleiku những năm đầu chập chững đời đi dậy với những em học sinh dễ thương đã cho tôi cái đam mê nghề nghiệp để mỗi buổi sáng hân hoan tới trưòng bắt đâu cho một ngày mới. Tôi nhớ trường Minh-Đức, cây phượng đỏ nhìn từ cửa sổ phòng học lớp 11C xuống đường làm tôi hay nhìn ngắm đã làm cho các em học sinh của tôi khúc khích cười. Tôi đã nhớ là Pleiku của tôi nghèo lắm khác với ở đây nhưng tôi vẩn nhớ, nhưng tôi vẫn yêu !

Viết đến đây tôi chợt nhớ tới những replies cho những bài viết của tôi vừa qua. Tôi nhớ lời TrinhLuyen sau khi đọc bài Tôi và hoa dã quỳ Pleiku “ ..em học dở lắm nên không dám cho biết tên thật,mà dẫu có cho thầy biết thầy cũng không nhớ được đâu vì em không có gì đặc biệt hết...”. Nhận xét của em rất đúng tuy nhiên có những khi miên man nhớ về những ngày xưa đã có những tên những khuôn mặt của những em mà tôi còn nhớ ra được mà cũng không hiểu vì sao như Phạm Đức Hải , Quý Hoan, Đào Vân.... Đối với tôi bước vào lớp học khi điểm danh tôi đã nhìn từng em để cố nhớ từng tên từng khuôn mặt từng cá tính. Lúc này tôi quên đã khá nhiều nhưng đôi khi hình ảnh của cả một lớp học nào đó như hiện ra rõ ràng trước mặt với khuôn mặt của từng em từng bàn !

Tôi đọc và trân quý những lời chào những cảm nghĩ các em đã viết cho tôi về những bài tôi đã viết. Đó chính là động lực đã làm cho tôi viết được cho đến bây giờ vì tôi nhớ trong suốt quãng đời đi học tôi đã chưa khi nào làm được một bài luận văn ra hồn !

Gs Nguyễn đăng Dự
Tháng 4 năm 2009 ( Québec, Canada )





 

More on: nhng and trong
Content moved by FREE Go FTP