Đã gần hết Tháng Hai. Mùa Xuân đã đến. Những nhánh lá tulip đã nhú lên khỏi mặt đất. Nhưng sao mùa Đông lại trở về? Từ sáng Thứ Sáu tuần trước, khi chúng tôi mở cửa định đi phố, chợt thấy cả một bầu trời sáng. Tuyết đã phủ trắng không gian, và tuyết đang rơi rơi, như reo vui rộn rã.
Tuyết rơi thật là đẹp. Từ khoảng trời cao, tuyết thong thả nhỏ thành giòng, như những tia nước trắng xóa, từ vòi sen chảy xuống. Qua màn tuyết chảy, những ngọn thông xanh trông mờ ảo, đẹp lạ lùng! Nhưng chỉ vài hôm nữa thôi, tuyết sẽ tàn tạ, và đem lại cho chúng ta rất nhiều phiền não. Tuyết như một cô gái đẹp, đỏng đảnh, hành hạ chúng ta, nhưng vẫn khiến chúng ta mê đắm!
Từ những ngọn thông xanh, từ cảm giác lạnh lẽo, đưa tôi về với miền cao nguyên quê nhà. Tôi nhớ đến Đà Lạt, tôi nhớ đến Pleiku.
Đà Lạt tuy không có tuyết rơi, nhưng cũng có những buổi sáng, sương phủ trắng cỏ cây. Tôi nhớ đến những người phụ nữ trên nương rẫy. Người người chùm kín trong khăn phủ đầu, trong áo lạnh nhiều lớp, trong những đôi ủng cao cổ, che khuất nước da trắng hồng, che khuất những mái tóc mượt mà, che khuất cả những tấm thân đang dâng tràn sức sống của những cô gái vùng cao. Chỉ có các cô gái ở thành phố, mới thong thả trong những chiếc áo manteaux, những chiếc khăn quàng cổ tăng thêm phần duyên dáng. Đà Lạt còn có những quán cà phê, nơi ấy người ta đến để nhâm nhi chất nhựa đắng và ngắm nhìn thiên hạ.
Pleiku của tôi thời ấy, vẫn còn trong tôi những buổi sáng mù sương, những cô học trò tuổi mới lớn, ngời sáng; những con đướng đất đỏ, trơn trợt. Những tình cảm đậm đà khó quên.
Tôi nhớ rõ buối sáng hôm ấy, đó là ngày đầy tháng của cậu con trai đầu lòng của tôi. Theo chồng lên xứ sương mù, không có đến một người thân. Tôi lại vốn là một người quá vụng về, nên chẳng biết phải làm gì. May sao, các em học sinh yêu quý của tôi, đã giúp tôi lo liệu cho buổi cúng 12 Bà Mụ, hôm ấy. Tình cảm ấy, tôi còn giữ mãi. Thầy trò chúng tôi, đã gặp lại nhau ở Paris, ở Houston, ở Việt Nam. Những cô học trò bé bỏng ngày xưa, giờ đã gần gũi như các cô em nhỏ, cùng nhau chia sẻ buồn vui trong cuộc sống.
Tôi vẫn về với Pleiku, vẫn cố gắng thu xếp để có thể gặp lại học trò xưa. Có các em, nay đã trở thành bạn đồng chí hướng, đã cùng tôi đến với những người bất hạnh. Thầy trò chúng tôi đã vào tận rừng sâu, để cùng những người dân khốn khó, chung vui, dù chỉ một ngày. Năm nào trở về quê hương, tôi cũng được xum vầy với bạn xưa, trò cũ. Các em Pleiku, ở Sài Gòn, luôn tạo cho tôi các cơ hội, để được gặp gỡ những người đã sống cùng tôi, những ngày tháng đẹp nhất của một đời người, ở vùng cao nguyên đất đỏ năm nào. Chúng tôi đã cùng nhau ca hát, dù tháng năm có làm phai màu tóc, nhưng trên gương mặt mỗi chúng tôi, đều tràn ngập nét hân hoan. Hạnh phúc ấy thật giản đơn, nhưng hạnh phúc ấy vẫn lắng sâu trong tôi mãi mãi.
Ngay nơi xứ người lạnh lẽo này, tôi vẫn cảm nhận được sự ấm áp từ các học trò của tôi, từ các bạn cũ ngày xưa, nơi Pleiku ngày ấy, mỗi lần tôi đến Cali, Houston, Dallas, Paris.
Pleiku của chúng tôi thật bé bỏng, "đi dăm phút đã về chốn cũ", nhưng tình cảm của người Pleiku luôn dạt dào. Cái ấm áp ấy, đã làm tan cái giá lạnh của khí hậu vùng cao. Chẳng thế mà tôi vẫn mãi không chịu chạy trốn, để về với đô thị phồn hoa, dù tuổi đời đang lúc hăng say nhất, đẹp nhất. Tôi nhớ cái lần ông Bác tôi giận dỗi, "Ai cũng muốn về Sài Gòn, sao bây giờ có lệnh thuyên chuyển, các con lại muốn ở lại?". Cụ đâu có cảm được nét quyến rũ của xứ sương mù, của tình cảm đậm đà, mà tôi đã nhận được.
Pleiku với những cơn mưa dài lê thê, với những cơn gió buốt lạnh, cái lạnh từ phía Lào thổi qua bao dãy núi quanh năm sương phủ. Vậy mà sao tôi vẫn thấy Pleiku của tôi thật nên thơ, Tôi vẫn còn nhớ những đồi trà ngút ngàn, những buôn làng với người dân chân chất, mặt nước Biển Hồ lặng lẽ, với một chiếc thuyền bé nhỏ giữa giòng, Tôi cũng chưa quên những con đường nhỏ lầy lội đất đỏ, những mái nhà nhấp nhô cao thấp. Bối cảnh ấy sẽ không toàn vẹn, nếu chúng ta không nói đến, những chiến sĩ của nhiều binh chủng xuất hiện trên các đường phố. Có lẽ, tình cảm của các em gái hậu phương và anh-trai-tiền -tuyến, chưa nơi nào đậm nét hơn Pleiku. Người dân Pleiku không thể nào không nghĩ đến, những nhọc nhằn đời lính, khi tiếng động cơ của máy bay lên xuống đêm ngày, khi tiếng súng nổ gần xa vang vọng, khi những dãy chiến xa vội vã rời thành phố. Từ các quán ăn, vang vang nhạc lính. Tình cảm cho lính chan hòa khắp nơi, mọi lúc, như phần hồn, không thể thiếu, của người dân Pleiku.
Khi những người lính trở về, sau một trận chiến, hay khi vừa giải tỏa lệnh cấm trại, Pleiku lại rộn rã, quấn quít, những màu áo lính và những tà áo trắng học trò, như đang lại bắt đầu, một cuộc tình, thơ mộng và tha thiết. Họ yêu nhau, không toan tính. Họ yêu nhau, như sợ rằng mai này không còn được yêu nhau. Tình yêu của họ, mặc thế gian đánh giá thế nào, nhưng đó chính là tình yêu đẹp nhất.
Hôm nay, Seattle tuyết vẫn rơi. Trong không gian lạnh lẽo này, tôi cảm nhận được cái ấm áp, khi tâm hồn tôi tràn ngập hình ảnh Pleiku và tình nghĩa của những người Pleiku năm xưa./.
Vũ Thị Bích
Seattle, 27-02-2012