Sapa


  Vũ Thị Bích        


        Ruộng bậc thang. Vâng, có lẽ Sapa còn nhiều thắng cảnh đáng nói hơn, như Thác Bạc, Hàm Rồng, ngọn Phăng Xi Păng, vườn hồng, khu Đá Cổ..., nhưng với tôi, ruộng bậc thang lại gây nhiều ấn tượng nhất. Những mảnh ruộng, không bờ, không ngay hàng thẳng lối, nối tiếp nhau, lên cao, lên cao mãi, theo hình thế của mảnh đất. Xanh ngát và mênh mông, giữa không gian bao la!

        Đường đi Sapa, từ Hà Nội cao dần, ngoằn ngoèo, theo từng ngọn núi. Trước đó mấy hôm, mưa lớn, làm sạt lở nhiều nơi. Thành ra, con đường chỉ có hai lanes, ngược xuôi; bây giờ, bị chắn lại ở hướng đi lên, nên phải chờ đợi lẫn nhau. Nhưng phải nói là, con đường rất đẹp, có vẻ gì đó của Đà Lạt, của tiểu bang Washington, với những rặng thông xanh chạy dài theo lối đi.

        Nhớ lại bài viết của Yên Cơ khi đi Sapa năm nào, tôi cố tìm những ráng trời tim tím, nhưng chỉ một lần, đang lái xe trên đường đèo, tôi thấy từ xa, phía bên trái, những ngọn núi gần xa, đậm nhạt khác nhau. Vâng, từ thật xa, không phải màu tim tím, mà một dãy núi xanh biếc, thật sáng. Khung cảnh lúc ấy, thật đẹp và hùng vĩ !

        Chúng tôi đi qua Thác Bạc, không dừng lại, để leo lên. Trông xa, tôi chỉ thấy, một cái thác, hẹp mà cao. So với thác ở Oregon, thì bé và thấp hơn nhiều. Nhưng đám con cháu tôi, leo lên chụp ảnh, thì Thác Bạc, gần giống thác Pongua của Đức Trọng, Lâm Đồng. Người ta có thể chơi trốn tìm, qua làn nước đổ, cũng thơ mộng và dễ thương lắm!

        Nói đến Hàm Rồng, chỉ nhìn hàng trăm bậc thang, thật rộng, và dài ngun ngút, lên tận "trời xanh", tôi đã chùn bước. Bậc thang thoai thoải thôi, nhưng nghe nói, đi đến hai tiếng đồng hồ, mới lên đến đỉnh, tôi cảm thấy ngại ngùng làm sao! Nhưng tôi nghĩ, nếu ai đó, đi hai mình, thì chắc là thú vị lắm đấy!

        Người thợ ảnh, dẫn chúng tôi đến thăm vườn hồng. Khung cảnh trữ tình lắm. Phía bên kia, là thung lũng, rồi nối tiếp, là núi với non! Bên này, những căn nhà sàn, đẹp và sạch, hoa và cây cảnh, rồi xuống thấp hơn, là vườn hống. Vườn hồng, không khoe sắc, vì đó đây, là những chụp giấy hình chóp, phủ kín những nụ hoa! Có lẽ, họ trồng hoa để bán, chứ không phải dành cho du khách thưởng thức!

        Đi xa hơn nữa, là vùng Đá Cổ. Cổ đến thế nào, thì tôi chẳng biết! Đó là những hòn đá to, đã được vây kín bằng hàng rào. Trên đá, những giòng chữ ngoằn ngoèo, tôi không hiểu chi cả. Cũng chẳng có ai giải thích. Nghe đâu, chúng ta có thể tìm hiểu nguồn gốc những hòn đá cổ này, trong thư khố, bên kia đường. Nhưng hôm ấy, họ đóng cửa!

        Chúng tôi cố tìm cách ngắm ngọn núi Phăng Xi Păng. Phải lái xe đi xa lắm, ven theo núi, lên cao mãi. Đến một đỉnh núi, ngăn cách với ngọn Phăng Xi Păng, bằng một thung lũng rất sâu và rộng. Nhìn qua đám mây, mầu trắng đục, tầng tầng, lớp lớp, tôi thấy ngọn núi cao nhất Việt Nam, mờ ần, thật cao và thật xa. Nghe đâu, đã có nhiều nhà thám hiểm bỏ mình, nếu không được dân địa phương hướng dẫn! Rất nhiều du khách nước ngoài, cũng theo cách chúng tôi, mà ngắm Phăng Xi Păng, từ xa.

        Sapa, cũng giống như Đà Lạt, hay đường phố Paris, lúc leo dốc, lúc xuống đồi! Đôi chân phải khỏe, mới thăm hết được chốn vui chơi này. Tôi không biết gọi Sapa, là thành phố, có được không? Nhưng quả thật Sapa cũng không lớn lắm. Quán xá tập trung gần khu nhà thờ, khách sạn và nhà nghỉ, cò vẻ nhiều bằng nhà dân! Nhiều quán trông rất Parisien, tiếp đãi niềm nở. Có lần, chúng tôi muốn ăn cá bông lau, nấu chua, nhà hàng sẵn sàng, chạy đi đâu đó, chỉ vài phút là có ngay. Thức ăn khá ngon và tươi. Trong quán, thường có bán, các loại cây cỏ, để nấu uống, cho bổ! Có rất nhiều loại rượu, với tên gọi rất lạ.

        Nhiều khách sạn, ngay khu buôn bán, thì rất ồn ào, có nhiều thanh niên, chạy theo xe, để mời chào. Chúng tôi ở nhà nghỉ của Công Đoàn, phía sau Nhà Thờ. Nơi ấy có vườn hoa, có chỗ họp mặt chuyện trò. Có ăn sáng, ở một căng tin, của Công Đoàn, theo kiểu "All you can eat". Cây cối chung quanh, trồng khá đẹp mắt.

        Phía trước Nhà Thờ, vốn là Chợ Tình. Tôi đã nghe nói về Chợ Tình, và thực lòng muốn biết nó ra sao. Nhưng hôm ấy, không phải là Thứ Bẩy, vả lại, bây giờ, cuộc vui không còn như ngày xưa, mà đã bị "thương mại hóa". Mỗi thứ bẩy, một số người dân tộc, với sắc phục đặc trưng của họ, đến đây với các dụng cụ âm nhạc của họ. Họ chơi nhạc, và rồi cũng có những đám thanh niên tranh dành các cô gái đẹp, để lấy làm vợ. Có khi, các cô bị lôi kéo, đến chảy cả máu! Mọi người vây quanh, xem họ diễn, và cho tiền. Nghe đâu, ngày xưa, những người muốn tìm tri kỷ, họ đến đây, tìm người hợp ý, vui chơi cùng nhau. Có thể, lên duyên vợ chồng ngay buổi chợ ấy; hoặc họ hẹn hò nhau, buổi chợ lần sau, gặp lại. Có khi, người kia lỡ hẹn, thì người này, vẫn đến, vẫn chờ! Đối với họ, chờ đợi phiên chợ, mới mỏi mòn làm sao!

        Gần chợ tình, có một cái hồ, khá rộng và dài, nhưng chưa được khai thác, tu bổ, sao cho hấp dẫn dân chúng và du khách. Chưa có những sinh hoạt tập thể, như du thuyền hay thuyền con ngỗng, con vịt, ...cho trẻ con có chỗ vui chơi.

        Sapa, đẹp hiền hòa, mát mẻ, của núi rừng cao nguyên. Nhưng Sapa, thiếu hướng dẫn viên du lich, ngành du lịch ở Sapa chưa thật sự hoạt động, vì chẳng thấy bán bản đồ hay sách hướng dẫn, cũng như giới thiệu cảnh đẹp nơi đây. Du khách tự tìm lối đi, hoặc giả, được các người dân tộc lôi kéo, từng đoàn, chẳng biết sẽ đi đâu! Người dân tộc rất dễ thương, cũng tập ăn nói cho vui lòng khách, như "cô đẹp lắm", "cô có mấy người con?". Nhưng đã mời mua gì, là mời đến cùng! Nhiều anh thanh niên nước ngoài, bị đám trẻ con lôi kéo, cứ vừa đi vừa cười!

        Hy vọng trong tương lai, Sapa sẽ phát triển hơn, xinh đẹp hơn, cũng như ngành du lịch sẽ tốt hơn, để hướng dẫn chúng ta, đến gần gũi Sapa hơn. Nhưng nếu vẫn giữ được "cái đẹp xưa" thì tốt biết bao!


        Cô Vũ Thị Bích