Chuyện phiếm: Giật Gấu Vá Vai


  VũThịBích – 2009        



Trong văn chương Việt Nam, mỗi khi đọc thơ của Trần Tế Xương, tôi đều cảm thấy lòng xao xuyến làm sao. Ông là một thi sĩ, với cảnh sống bần hàn, nhưng vẫn có một tâm hồn hài hước. Tuy có châm biếm đắng cay, nhưng ông vẫn luôn luôn lạc quan. Chẳng thế mà, ông đã lều chõng đi thi, suốt 24 năm ròng rã ( Tám khoa chưa khỏi phạm trường qui.) Vâng, ông dự tất cả 8 khoa, mà hai khoa cách nhau những 3 năm cơ đấy (Nhà nước ba năm, mở một khoa.)

Trong bài "Đi Thi", ông đã hài hước, che dấu cảm xúc của mình:

"Tấp tểnh người đi, tớ cũng đi
Cũng lều, cũng chõng, cũng vào thi."

Thế nhưng "vận mạt", cứ đeo đuổi ông mãi:

"Rõ thực nôm hay, mà chữ dốt
Tám khoa chưa khỏi phạm trường qui."

Nỗi đau thi rớt, khiến ông không còn tự tin ở mình:

"Bụng buồn, còn muốn nói năng chi?
Đệ nhất buồn, là cái hỏng thi.
Một việc, văn chương thôi, cũng nhảm
Trăm năm thân thế, có ra gì!"

May thay, cuối cùng ông cũng thoát được cành lều trõng:

"Phúc nhà may được sạch trường qui"

Đã có lúc, ông tưởng bóng đen, sắp phủ kín gia đình ông:

"Khách hỏi nhà ông đến
Nhà ông đã bán rồi!
Vợ lăm le ở vú
Con tấp tểnh đi bồi!"

Đả có lúc, ông châm biếm cảnh giàu sang của người khác:

"Lẳng lặng mà nghe, nó chúc nhau
Chúc nhau trăm tuổi, bạc đầu râu."

"Lẳng lặng mà nghe, nó chúc giàu
Trăm nghìn, vạn mớ, để vào đâu?"

"Lẳng lặng mà nghe, nó chúc sang
Đứa thì mua tước, đứa mua quan."

Nhưng cũng có lúc, ông để tâm hồn lắng xuống, tràn ngập tình cảm với bạn bè:

"Ta nhớ người xa cách núi sông,
Người xa xa lắm, nhớ ta không?"

"Tương tư lọ phải là mưa gió
Một ngọn đèn xanh, trống điểm thùng."

Một lần đi xem bảng đỗ, ông đã nghĩ là "phải đậu thôi", còn nếu không, thì:

"Mai không tên tớ, tớ đi ngay
Giỗ Tết từ đây, nhớ lấy ngày."

Ông khắc khoải, vì số kiếp lao đao của mình:

"Học đã sôi cơm, nhưng chửa chín
Thi không ăn ớt, thế mà cay."

Vì không đậu đạt, nên gia cảnh của ông càng luẩn quẩn trong vòng túng quẫn, ông thương xót người vợ tần tảo của mình:

"Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò, khi quãng vắng
Eo xèo mặt nước, bưổi đò đông."

Cảnh nghèo khó của Trần Tế Xương là cảnh sống của "dân đen" dưới thời Pháp thuộc. Ngày nay, thế giới đã đổi thay. Hầu hết các quốc gia đã độc lập. Khoa học đã tiến bộ vượt bực. Nhiều nước đã đưa người lên Mặt Trăng và các hành tinh khác.

Tôi cứ tưởng, cái thời nghèo khó ấy, không còn nữa. Ít nhất, cũng không thể có mặt, trên cái đất nước giàu có (?) này. Thế nhưng, sự thật có phải như vậy không? Tôi đã nghe, có người dùng tiền của một credit này, để trả một món nợ khác. Nợ nần chồng chất. Cảnh ấy, có phải là "giật gấu vá vai" không? Ở đây, tôi không nói đến, những người thích tiêu xài, mà chỉ muốn chia sẻ sự lo âu, của những gia đình khốn khó. Có người bảo tôi, "Ở đất nước này, ai mà chẳng nợ nần. Nếu nói không nợ nần, thì chắc chắn, người ấy chưa sống ở Mỹ." Mọi người đều như nhau, đều nợ Ngân Hàng để có nhà ở, có xe đi. Vì thế, không ai có mặc cảm tự ti, lòng cứ phơi phới, tay cứ thoăn thoắt điền vào application cho một credit card. Tương lai tự nó giải quyết.

Tôi vẫn chưa quen nếp sống của xứ người, nên vẫn chỉ cầm tiền mặt, đi mua bán mà thôi. Có người bảo, nếu tôi cứ "cụ lý" như thế, thì bao giờ mới tạo được "credit" để mua nhà, mua xe. Nhiều lúc, tôi cũng muốn liều, apply đại, một cái credit card nào đó. Họ gửi đến "mời mọc" hoài đấy chứ! Nhưng tôi không dám "dùng", vì sợ mai này không đương đầu nổi với một lãi xuất chóng mặt, khi mà mình “chưa kịp” hoàn trả. Nhưng hình như,…( chả là, kiến thức của tôi, về cuộc sống nơi này, rất mù mờ), ...hình như, trong gia đình, cũng phải có người dám "nhập cuộc chơi", thì mới vay được tiền Ngân Hàng, phải thế không? Mới hy vọng, có một "mái nhà tranh", để ấp ủ những "quả tim vàng". Chứ ở nhà thuê mãi, hơi một tí, là họ trừ ngay, tiền deposit, và sau cả chặng đường dài, chúng ta lại ra tay không, thì cũng thấy đời mênh mông quá. Nói thì nói thế, chứ mua nhà, mà gặp "cơn hoạn nạn của cả nước" như thế này, thì viễn ảnh bị "foreclosure" cũng đau thương lắm. Có ai hiểu cảnh "giật gấu vá vai" của đoàn người, thuộc giai cấp vô sản, như chúng tôi, ở cái đất nước, mang danh hiệu "đại cường" này không?

Trong cơn lốc khủng hoảng toàn cầu, như hôm nay. Trong nỗi lo cho ngày mai, đầy bấp bênh, đen tối. Trong cái quay cuồng của bao biến động trên thế giới. Mọi người như được "bình đẳng" hơn. Hình như mọi người đều chung một số phận, không biết tương lai mình sẽ đi về đâu!

Riêng tôi, hôm nay, tôi thấm thía cái vô thường và chợt cảm thấy chênh vênh và lòng nhiều lo lắng, cho tương lai của đàn con trẻ. Tôi muốn mượn 4 câu thơ của Trần Trung Đạo, trong bài "Bao Lần Tự Dối Lòng", để kết thúc bài này:

"Mười năm trên đất khách
Mười năm dài long đong
Ngày đi hai tay trắng
Bây giờ hai tay không."



Vũ Thị Bích - Seattle-2009




 

 

Global View of khng and concerning ngi
The Fastest FTPS on the planet Go FTP FREE Software