Số phận ...


  Vũ Thị Bích        



        Lại một lần nữa, chúng tôi đến thăm những người bất hạnh ở làng cùi. Trong cái nắng chan hòa, trên vùng cao nguyên đất đỏ, xúng xính trong các bộ quần áo quá khổ, rực rỡ sắc mầu, những người dân tộc đón mừng chúng tôi.
        Tôi nhớ năm ngoái, trong cái giá lạnh của cơn mưa dài ngày, tôi xót xa khi thấy họ co ro, chờ đợi. Thật may mắn, cháu Diễm Trang, con chị Phú, chị bạn học thân ái ngày xưa, cháu là một trong tứ trụ của công ty NALT, đã cho thật nhiều quần áo. Ngay đợt đầu, nghe đâu chừng 5 thùng, mỗi thùng 50 kilograms ! Và nhiều đợt sau nữa. Cũng như công ty may mặc Hoàn Cầu, của thông gia, đã cố nhét thật đầy xe của cha Nam, để chở quần áo, về che ấm cho những người khốn cùng ấy. Tôi nhận ra rằng, trên đời này, có biết bao người tốt, chỉ tại chúng ta không gõ đúng cửa mà thôi! Từ dạo ấy, lòng tôi ấm áp hơn, vì biết rằng tình người luôn đầy ắp, đó đây.
        Lần này, trở về, gặp lại, tôi còn nhớ mặt nhiều người. Lòng bỗng thấy, như trở lại chốn xưa thân thuộc. Cùng đi với cha Nam và tôi, còn có các em tôi và bạn bè. Dù không còn là, thanh niên sung sức nữa, nhưng các em đã thể hiện một sức sống, đáng khen ngợi. Em Dung, vốn là một hướng đạo, giữa cái nắng ban trưa, mồ hôi nhỏ giọt, vẫn tiếp tục đứng pha trò, và hoàn tất trò chơi rút số, lãnh thưởng. Người dân hồi hộp, nôn nóng, hy vọng, đợi chờ.
        Một soeur thật trẻ và đẹp, làm thông dịch viên. Có lẽ, đây là lần đầu chơi trò này, nên mọi người rất phấn khích. Thật là ái ngại, khi cuối cùng, có những người, chưa một lần trúng giải, ngẩn ngơ, nhìn tấm giấy in những con số! Đến bây giờ, tôi ân hận, và tự trách mình, sao lúc ấy, tôi không lặng lẽ, đổi những tấm giấy lỡ làng ấy, bằng những giấy tiền!
        Rồi những quả bong bóng đủ mầu, do các em đã mang bơm và bong bóng lên xứ này, lất phất khắp nơi, trên tay các em bé. Một cành cây, cắm xuống đất, đầy bong bóng xanh đỏ, làm cho vùng rừng núi hôm ấy, như rộn rã hơn.
        Cuối cùng là những phần quà. Mọi người hớn hở. Nhưng mỗi phần quà quá nặng, họ lại là những người tàn tật, nên cũng có phần lúng túng, khi phân phối và chuyên chở về nhà.
        Nhìn những khuôn mặt hớn hở, trong một ngày vui, tôi ước ao, họ có được nhiều ngày vui như thế nữa. Để nơi rừng núi xa xôi ấy, họ không còn đói lạnh, và có những giây phút thảnh thơi. Dù cuộc đời đã vốn đau thương và không còn chút gì để mong chờ. Số phận đã an bài? Liệu có một cơ hội nào, để cho họ đến với đời thường, của một người dân bé mọn, nhưng không vướng căn bệnh hiểm nghèo ấy. Căn bệnh đã đẩy họ vào chốn rừng sâu với tháng ngày vô vọng!


        Vũ Thị Bích