Từ ngữ “Vùng sâu vùng xa” được nghe nói tới nhiều nhưng cụ thể nó như thế nào thì tôi chưa hề được xem thấy tận mắt. Thật may mắn, cách đây vài tuần, tôi được mời đi thăm một trại nuôi bò cách Pleiku khoảng 70km, thuộc một huyện phiá Đông thành phố Pleiku và được chứng kiến vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Nguyên. Quả là hùng vĩ!
Hôm ấy là ngày chủ nhật. Sau khi ăn sáng và cà phê cà pháo đôi chút, chúng tôi lên chiếc xe loại 7 chỗ ngồi hiệu Ford hai cầu với cái gầm xe khá cao, đủ để chạy cho những con đường mòn xuyên rừng. Trên xe gồm có chủ trại nuôi bò kiêm luôn tài xế, anh V hiện là một công chức trong ngành xây dựng, anh T là kỹ sư xây dựng ( và cũng là học sinh cũ của tôi cách đây khoảng 20 năm), một vài người nữa từ Saigon ra và tôi.
Trời đẹp. Xe chạy bon bon trên quốc lộ. Mọi người nói chuyện râm ran trong xe. Thôi thì đủ mọi chuyện trên trời dưới đất. Lâu lâu gặp nhau ai cũng cảm thấy vui mừng. Xe đi khoảng nửa giờ thì bắt đầu rẽ phải vào những làng xã ven quốc lộ. Hàng hàng lớp lớp những căn nhà mới làm hiện ra dọc theo hai bên đường. Đường đi vẫn là đường nhựa, có điện. Mái nhà nào cũng có một cần ăng ten ti vi nhô cao. Thấp thoáng những trường học và bệnh xá mới được xây dựng. Tuy nhiên vì là ngày chủ nhật, sân trường vắng lặng. Chỉ có những cây phượng mới trồng đang phất phơ trong làn gió nhẹ.
Tôi hỏi chủ trại nuôi bò:
- Vùng sâu vùng xa chưa?
- Chưa. Chạy khoảng một giờ nữa mới tới.
Thì ra đây mới chỉ là những vùng chưa xa quốc lộ lắm và mới được khai hoang. Phần nhiều dân ở đây là từ vùng đồng bằng lên và từ Bắc vào lập nghiệp. Nhà nào cũng trông ra đường nhựa, sau nhà là những vườn tiêu xanh tốt. Đất đỏ ba dan màu mỡ thừa sức nuôi dưỡng những cây tiêu đang mọc lên tươi tốt. Cũng có những vườn cà phê xa xa phiá sau nhưng chưa thấy vườn cây cao su nào.
- Sao ở đây người ta không trồng cao su ?
- Cây cao su đòi hỏi phải nhiều vốn liếng vì phải trồng hàng chục hec ta trở lên mới có “tương lai”. Trồng ít không ăn thua!
- Vậy vốn ít thì là gì?
- Trước hết là chăn nuôi rồi lấy phân trồng tiêu. Nhân gốc tiêu từ từ. Có tiền tới đâu làm tới đó. Đầu tiên chỉ một hai trăm gốc. Từ từ nhân lên thành hàng ngàn gốc.
- Thế còn giá tiêu thế nào?
- Giá thấp nhất cũng đủ sống. Giá cao thì trúng lớn.
Tôi nhớ lại cách đây hai năm, một thày giáo về hưu lao vào trồng tiêu. Ai cũng cho là ông ta sai vì đã về hưu mà còn làm ăn vất vả. Mà vất vả thật. Trông ông trước khi về hưu vẫn còn phong độ nhưng chỉ sau vài năm chịu đựng nắng mưa cùng vườn tiêu thì trông ông khác hẳn. Người gầy đen, già nhanh thấy rõ. Thế nhưng đổi lại, ông đã trúng đậm. Có năm ông thu hoạch được 1,5 tỷ đồng, mua cả ô tô nữa đấy. Bây giờ thì ai cũng khen ông là “có tầm nhìn” bởi lẽ cả đời làm nhà giáo cũng không bao giờ có một số tiền lớn đến như thế. Trồng tiêu, thế mà hay!
Nói chuyện thêm được chừng một tiếng đồng hồ nữa thì xe cũng chạy hết đường nhựa và tiếp tục chạy vào con đường đất ngoằn ngoèo trên đất ba dan đỏ cạch. Đường không còn bằng phẳng nữa mà thường có những ổ gà ổ trâu rất khó đi.
Chủ trại nuôi bò nói với tôi:
- Sáng nay thày đòi chạy với chiếc xe con của thày, bây giờ thấy thế nào?
- Đúng là không thể chạy được!
- Xe của tôi gầm cao, lại hai cầu nên mới chạy được. Còn chiếc xe mini của thày thì
…
- Xe của tôi chỉ chạy trong thành phố, chở vợ đi siêu thị chẳng hạn!
Tôi lại nhớ cách đây vài tháng, tôi phải về Đà Lạt ăn cưới một người bà con. Mới mua xe nên cũng háo hức chạy thử một chuyến đường dài cho biết. Tôi cẩn thận mở bản đồ xem Pleiku – Đà Lạt chạy theo quốc lộ nào và tính toán lộ trình nên dừng lại nơi đâu để nghỉ ngơi. Bước vào tuổi 60 mà lái xe đường trường kể ra cũng “liều”. Song không thể về Đà Lạt mà lại không có phương tiện đi lại, nhất là chuyến đi này lại gặp lại người em ruột của tôi mới từ nước ngoài về cùng với vợ con của nó. Phải có xe chạy mới “hoành tráng”. Cả chuyến đi và chuyến về, tôi đều dừng lại tại Buôn Ma Thuột để qua đêm chứ không chạy suốt. Chạy suốt thì mệt quá. Đúng là những tính toán có lý vì nó rất phù hợp với sức khoẻ của tôi. Lộ trình tôi chạy là Quốc lộ 14 từ Pleiku đi Buôn Ma Thuột. Sau khi nghỉ qua đêm tại khách sạn, tôi đi theo quốc lộ 27 từ Buôn Ma Thuột đi Đà Lạt vào sáng hôm sau. Quốc lộ này nối hai tỉnh Đăk Lak và Lâm Đồng. Phần đường trong tỉnh Đăk Lak rất tốt nhưng phần đường phiá tỉnh Lâm Đồng có một đoạn xấu, thậm chí rất xấu. Từ ranh giới hai tỉnh là một con sông có một cái cầu bắc ngang, gọi là cầu Krông Nô, đi ngang qua một thị trấn mất khoảng vài cây số rất khó chạy. Tôi chưa có kinh nghiệm chạy đường xấu nên thỉnh thoảng cái “sống trâu” giữa đường lại cà vào cái gầm xe. Tất nhiên cũng đi đến nơi nhưng rất vất vả. Tôi tự hỏi vì sao lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lại chưa cho tu sửa con đường “huyết mạch” này để thu hút khách du lịch từ những tỉnh phiá Bắc Tây Nguyên ? Theo tôi, khách du lịch từ những tỉnh Bắc Tây Nguyên không phải ít. Ngoài ra còn phục vụ cho những hành khách khác như nhưng sinh viên từ Kontum, Pleiku và Đăk Lăk có nhu cầu học tập tại trường Đại học Đà Lạt chẳng hạn. Chuyến đi cũng để lại trong tôi những sự cố nho nhỏ, nghĩ lại cũng thấy vui. Trước hết là sự cố “vượt xe tải”. Xe của tôi là xe cỡ nhỏ, chỉ là 1.0. Ấy thế mà có lần tôi dám vượt chiếc xe tải đi cùng chiều. Tôi nhấn ga hết cỡ củng không sao vượt được mà tối đa chỉ là chạy song song với nó. Vừa lúc chạy song song thì bất ngờ có một chiếc xe khác đi ngược chiều xuất hiện. Tôi quýnh qua không biết làm thế nào bèn dừng lại bên trái đường. Chiếc xe Ford vội vàng thắng gấp và xe cuả tôi và xe anh ta chỉ còn cách nhau vài mét! Hú hồn! Tất nhiên lỗi về phần tôi. Lại nữa, khi tôi đến ngã ba Finôm để dừng lại đổ xăng thì trước mặt tôi là một bao xi măng nằm chình ình trước mũi xe. Tôi “nắn nót” chạy tới sao cho bao xi măng nằm giữa hai bánh xe cho an toàn. Ấy thế mà vẫn làm rách bao xi măng của người ta! Lý do: gầm quá thấp! Rất may chủ bao xi măng không có ở đó nên tôi thoát nạn không phải bồi thường. Cuối cùng, một sự cố nữa xảy ra khi chuyến về tôi đi vào đường “cao tốc” dẫn vào thành phố Buôn Ma Thuột. Đang ngon trớn tăng tốc đến 80km/h thì một con chó nhỏ ( chắc là chó kiểng Nhật bản) chạy từ giải phân cách có trồng hoa ở giữa đường chạy ra. Tôi không còn cách nào khác là cho xe lao tới. Thắng lại là cực kỳ nguy hiểm cho xe chạy sau và choxe ch cả xe của tôi. Tôi chỉ còn thấy con chó lao vào giữa những bánh xe của tôi và kêu ăng ẳng! Tôi cứ chạy thẳng và số phận của nó ra sao tôi không cần biết.
- Sắp tới trại nuôi bò chưa anh? Tôi hỏi chủ trại bò.
- Dạ gần tới, chừng vài cây số nữa.
Tôi nhìn ra ngoài thấy cảnh núi non hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên. Đẹp như trong tranh. Hai bên đường là những khu rừng “khộp” ( cây thấp, không phải rừng nguyên sinh) nhưng xa xa là những dãy núi xanh lam nổi lên trên bầu trời trong xanh trông rất đẹp mắt. Trại nuôi bò nằm ngay bên đường đất, rộng vài hecta. Một dãy nhà tôn thấp là chuồng bò. Anh cho biết hiện anh nuôi khoảng 400 con. Số lượng phân bò mỗi ngày đủ để bán ra lấy tiền trả công cho người chăn bò. Cứ 100 con bò cần ba người trông coi. Nhiệm vụ của anh là quản lý trang trại, kiêm luôn cả việc tiếp tế đồ ăn đồ uống cho công nhân. Nước dùng cho nông trại được lấy từ trên núi về. Ống dẫn nước có khi dài đến hàng cây số nhưng chi to bằng ngón tay trỏ chảy tự nhiên suốt ngày đêm vào một bồn chứa. Xài thoải mái mà không hết.
Sau khi tham quan trại nuôi bò, chúng tôi lại lên xe đi tiếp. Đi đường khác để về Pleiku. Chính vì đi tiếp nên tôi chứng kiến những làng của anh em dân tộc thiểu số. hàng dãy nhà sàn lợp tranh hoặc lợp tôn nhỏ hiện ra trước mắt. Rất ngạc nhiên là nhà nào cũng có một ăng ten ti vi trên mái nhà. Những đồn điền cao su mới trồng đang mọc lên. Những trại chăn nuôi đang đi vào hoạt động. Triển vọng nông nghiệp vẫn còn rất lớn. Tây Nguyên hùng vĩ vẫn tràn đầy sức sống
Pleiku, 6.2009
Thầy Nguyễn Văn Hào