1987. Huyện Krongpa. Cầu Lệ Bắc.
    Tôi đẩy cần số về số 2, thả nhẹ chân ga, chiếc xe be chầm chậm trườn lên cầu.
    Cầu Lệ Bắc. Cây cầu lắp ghép tiền chế tạm thời với trọng tải ba tấn, nằm giữa hai huyện Phú Túc và Phú Bổn thuộc vùng rừng núi phía nam cao nguyên Gia Lai.
    Ba tấn! Chỉ nội cái giàn cần của chiếc Reo10 A1 này cũng đã vượt hơn con số đó rồi.
    Giàn cần Trường Sơn Pleiku mà lỵ. To, chắc chắn, bảo đảm chất trên 15 mét khối gỗ tròn bất chấp kích cỡ như thế nào.
    Chắng có luật lệ gì cả. Ai muốn đi sao thì đi miến là cảm thấy an toàn thì thôi.
    Chữ “an toàn” đây đã được kéo dài và dãn nở ra rất nhiều và rất khác với ý nghĩa do các nhà văn, nhà giáo quy định, khác với tiêu chuẩn do giới thẩm quyền về giao thông đặt ra.
    Vì không muốn rắc rối với nhân viên giao thông gác cầu (mặc dù họ rất ít khi có mặt tại nơi làm việc để quan sát) nên tôi đã thả xuống hai lóng gỗ tròn lớn nhất xuống trước khi qua cái ‘cầu sắt lắc lẻo’ này. Tuy nhiên với ba lóng gỗ còn lại trên xe, ít nhất cũng phải 8 mét khối, cộng thêm trọng lượng của chiếc xe, tổng cộng nếu không nhiều hơn cũng không thể dưới 17 tấn.

    Cầu nhân ba, phà nhân đôi.
    Văn chương truyền khẩu nói như vậy mà(?)
    Lạy trời. Chuyến này phải là cầu nhân 6 mới đúng.

    Sau hơn một tuần chui lủi trong rừng để trung chuyển 300 mét khối gỗ tròn từ bãi Một đến bãi Hai, tôi nóng lòng về với ‘thế giới văn minh’, nơi có ly cà phê đá, có tô bún bò nóng bốc hơi nghi ngút, có những cặp mắt đen liếc trộm thành thử tôi không còn kiên nhẫn để theo đúng quy định mỗi lần qua chỉ được chở tối đa 3m3 trên xe.

    Trong mùa khô mực nước sông Ba rút xuống thấp. Lội ngang sông ngay chỗ chân cầu không có nơi nào lên quá ngực; do đó mà chiều cao từ mặt cầu đến mặt nước khoảng 25 - 30 mét.
    Mặt cầu chỉ rộng vào khoảng ba mét rưỡi. Nghĩa là mỗi bên chỉ còn một khoảng hở gần bằng ba gang tay tính từ vè xe đến thành cầu, vừa đủ cho một người đứng thẳng. Lòng cầu được kê đà gỗ ngang và lát ván dọc, tuy nhiên nhiều chỗ lớp gỗ lót đã mất để lại nhiều lỗ trống, ai không cẩn thận có thể rớt xuống sông dễ dàng.

    Hai bên cầu, người đi bộ đứng nép lại, ép sát vào thành cầu, nhường đường cho xe tôi đi. Họ không có cách lựa chọn nào khác. Thân thể con người làm sao tranh chấp với một khối sắt khổng lồ, xấu xí và gớm ghiếc như là con ‘bò vàng’ mà tôi đang cầm lái.

Cầu Lệ Bắc (cũ) trông như thế này                   Đây là cầu An Tân ở Tam Mỹ Tây.
nhưng dài hơn, cao hơn và rất ‘hiu quạnh’.      Cầu Lệ Bắc (cũ) ngày xưa trông như thế này
                                                                 nhưng cao hơn rất nhiều, tính từ mặt nước sông. (Nếu các bạn muốn thử nổi da gà, chỉ việc tưởng tượng đặt một chiếc xe tải gỗ ở hình trên vào giữa lòng cầu này và tưởng tượng mình đang đi giữa chiếc xe đó và thành cầu!).


    Thoạt đầu các chị em buôn gánh bán bưng, tay xách nách mang cúi gầm mặt xuống, ép sát vào lan can cầu, vật duy nhất giữ cho họ khỏi rớt ra khỏi cầu và rơi xuống lòng sông ngút ngàn dưới chân họ.
    Cây cầu mang quá tải, gấp sáu lần trọng lượng nó được thiết kế để chịu đựng, rung lên bần bật. Các mối ghép nối, các đinh ốc, mối hàn rên lên thảm thiết.

    Qua được một nhịp. Leo lên lưng cọp rồi. Tôi tự nghĩ “Một nhịp chịu được thì các nhịp khác cũng chịu được. Tất cả cùng một thiết kế và được làm bằng cùng một loại vật liệu kia mà. Lùi lại cũng như đi tới mà thôi. Mà mấy ông Công Binh ngày xưa hay thật, làm cái cầu mới trông thì ốm yếu nhưng không đến nỗi quá yếu ốm!”

    Mãi chú tâm vào việc đưa xe qua cầu, tôi không nhận ra là không có một người bộ hành nào đi cùng một nhịp cầu với xe tôi, ngoại trừ hai người phụ lái một trước một sau hướng dẫn cho tôi đi đúng trên lằn gỗ ghép trên mặt cầu. Lý do thật là dễ hiểu. Họ không muốn chết chung với một tên lái xe ngu ngốc và bướng bỉnh.

    Mười sáu nhịp cầu sắt!!!
    Mười sáu lần tim tôi mở cuộc hô lô tô, bầu cua cá cọp, kéo đèn đêm Trung Thu. Đủ hết.
    Qua được bờ bên kia thuộc địa phận xã Ea Sươm, tôi hú vía. Rẽ vào bãi trống để đổ gỗ xuống, tôi tự nhủ sẽ không bao giờ ‘tái ngu’ như thế nữa.

*
*    *


    Sau này, từ hải ngoại tôi được biết là sau năm 2000 cầu Lệ Bắc đã được xây mới. Khang trang, to lớn và mạnh mẽ hơn, có lề cho người đi bộ cả hai bên.

    Từ nửa vòng trái đất, tôi thở phào nhẹ nhõm. Nếu có một tên lái xe nào đó thừa hưởng “sự bướng bỉnh và ngu ngốc” của tôi và đi theo dấu chân tôi ngày xưa thì ít nhất hắn cũng không làm cho ai sợ hãi khi họ đi qua cây cầu đó cả.

Cầu Lệ Bắc ngày nay 2008 (ảnh Google)


    Hỡi những người chị, người cô, những người em run rẩy đi qua cầu Lệ Bắc năm xưa, dù muộn màng, xin các người hãy thứ lỗi cho tôi.


Cựu Kim Sơn – California, tháng Tư 2012                       
Alpha Omega- Cựu H/s PHT-Pleiku