AD6 là tên những chiếc khu trục chiến đấu mà thực dân Pháp ở Đông Dương dùng nhiều trong chiến tranh Việt-Pháp 1945-1954. Người dân vùng Liên Khu 5 do Việt Minh chiếm đóng thường gọi loại máy bay một chong chóng nầy là máy bay khu trục. Liên Khu 5 bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, gọi tắt là Nam Ngãi Bình Phú.

      Năm 1945, quân phiệt Nhật tiến chiếm Việt Nam, đảo chánh thực dân Pháp. Thế chiến thứ 2 tăng cường độ ở Đông Dương. Quân Mỹ tấn công quân Nhật bằng không quân, dội bom các thành phố lớn trong đó có Qui Nhơn. Cha mẹ tôi đưa gia đình từ Qui Nhơn về quê nội Bình Khê, nay là quận Tây Sơn, tỉnh Bình Định, tránh bom đạn chiến tranh. Quận Bình Khê, có thị trấn Phú Phong, nằm trên quốc lộ 19, cách Qui Nhơn 40 km về hướng tây, giữa An Khê và Qui Nhơn.

      Năm 1945, quân phiệt Nhật đầu hàng đồng minh sau khi bị thiệt hại nặng nề bởi hai trái bom nguyên tử. Thế chiến thứ 2 kết liễu nhưng thực dân Pháp tiếp tục chiếm đóng Việt Nam, tiếp tục đánh phá vùng Việt Minh kiểm soát.

      Ngày cha mẹ tôi di về quê nội Bình Khê, tôi mới 3 tuổi nhưng cũng phải thường xuyên chạy loạn. Quân Pháp chiếm đóng vùng cao nguyên gồm An Khê, Pleiku, Kontum, Bản Mê Thuột. Từ An Khê, cách Bình Khê 40 km, chúng thường mở những cuộc bố ráp bằng bộ binh và xe tăng xuống đồng bằng, đốt phá, bắn giết rồi rút lui. Lực lượng du kích Việt Minh lúc đầu còn rất yếu không đương cự lại với xe tăng, súng đạn của quân Pháp. Quân Pháp cố tình làm tiêu hao lực lượng Việt Minh và làm đảo lộn đời sống của dân chúng vùng Việt Minh kiếm soát. Tuy vậy, những cuộc bố ráp bằng bộ binh của quân Pháp không phải là những mũi nhọn. Chúng thường xuyên dùng không quân tấn công tàn phá xóm làng và các thị trấn.

      Tôi lớn dần trong khói lửa chiến tranh. Trường sở bị quân Pháp dội bom, đốt phá. Trẻ em thất học. Tôi, lên 7, mới được cắp sách đến trường lần đầu tiên, ban đêm, để tránh bị máy bay Pháp sát hại. Ban ngày trẻ con thường chơi lẩn quẩn bên miệng hầm trú ẩn. Nông dân cố gắng ra đồng lúc sáng sớm hay chiều tối. Chợ búa phải họp ban đêm. Dân chúng buôn bán nhờ ánh trăng hay ánh đèn dầu lờ mờ.

      Nói chung, không quân Pháp đã thực sự gieo kinh hoàng cho dân chúng vùng Việt Minh từ già đến trẻ. Những chiếc khu trục AD6 sơn màu đen hăm dọa, thường bay từng đôi, bay thật thấp trên mặt sông hay trên mặt quốc lộ 19. Phi công Pháp biết rõ du kích Việt Minh không có lấy khẩu súng trường nói chi đến súng phòng không nên họ tự do tung hoành bắn phá như đi vào chỗ không người.
      Có một lần, một đơn vị chính quy Việt Minh, cấp đại đội, di chuyển ngang làng tôi, mang theo một khẩu trung liên với băng đạn nồi nhưng cũng không dám bắn máy bay Pháp bay sát nóc nhà vì Việt Minh thiếu đạn và sợ phi công Pháp trở lại trả thù đốt làng bằng xăng đặc. Những chiếc AD6 có tiếng nổ rền ngực khi bay thấp. Tiếng đạn đại liên bắn ra từ máy bay nghe điếc tai càng kinh hoàng hơn. Dân vùng tôi gọi đạn đại liên máy bay là đạn đum đum vì âm thanh đùm đùm khi rời nòng súng và tiếng nổ chát chúa khi chạm mục tiêu.

      Phi công Pháp bay thấp để tấn công bất ngờ. Khi nạn nhân nghe rõ tiếng động cơ máy bay thì họ đã lọt vào tầm nhìn và tầm bắn của phi công Pháp. Đang bay thấp, thấy mục tiêu muốn bắn, phi công chỉ cần chúc mũi máy bay rồi bấm cò đại liên. Bắn xong mấy loạt họ cho máy bay bốc lên cao. Khi tấn công mục tiêu dưới đất, phi công Pháp luân phiên tấn công. Một chiếc cắm xuống, tiếng máy rú kinh hồn, bắn hay thả bom xong vừa bốc lên thì chiếc sau cắm xuống liền, không để cho nạn nhân kịp trốn chạy hay ẩn nấp kỹ hơn.

      Có một lần tôi đang trèo trên một cây ổi cao sau nhà thì nghe tiếng la thất thanh, “Máy bay, máy bay tới!”. Tôi kinh hoàng định trụt xuống nhưng không kịp nữa. Hai chiếc AD6 vừa trờ tới, sát trên mái nhà và tiếng đạn đại liên nổ chát chúa. Tôi run rẩy giấu mình trên cây ổi rậm rạp nhưng không phải họ bắn tôi mà bắn vào mấy con bò đang gặm cỏ trên bờ ruộng cạnh nhà tôi. Khi hai chiếc AD6 quay vòng lại cắm mũi thanh toán những con bò còn lại, tôi nhìn thấy rõ một viên phi công đội mũ bay trong phòng lái. Khi hai chiếc máy bay bay đi, tôi ôm thân cây ổi trụt nhanh xuống đất trầy cả da bụng và bị má tôi rầy một trận nên thân.

      Tôi và những đứa con trai trang lứa trong làng, tuy rất sợ bị máy bay Pháp bắn nhưng cũng rất tò mò thích ngắm loại máy bay nầy khi phi công bay gần. Một lần, sau khi oanh tạc thị trấn Phú Phong bằng bom và đại liên, phi công Pháp đảo một vòng chụp hình hay chiêm ngưỡng thành tích tàn phá của họ rồi bay thấp trên quốc lộ 19 trở về Nha Trang nơi họ thường xuất phát. Một trong hai phi công, có lẽ đang thích chí nhìn khói lửa ngập trời họ vừa tạo ra, đã bay ngửa chiếc máy bay của anh ta khi bay ngang trước nhà tôi sát quốc lộ 19. Đó lần đầu tiên, tôi, cậu bé quê thấy một chiếc khu trục bay ngửa. Tôi kể cho má tôi và bạn bè tôi nghe chuyện lạ đó nhưng không ai tin tôi. Má tôi chế nhạo tôi, “Con sợ quá, trông gà hoá cuốc phải không?” Chỉ có ba tôi tin tôi. Ông mỉm cười giải thích cho tôi và đám trẻ quê rằng phi công có thể bay ngửa bay nghiêng gì cũng được vì thân thể họ được cột chặc vào máy bay. Họ có thể nhào lộn mà chỉ bị trọng lực tác dụng vừa phải thôi.

      Ngày ấy, khoảng 1951-1952, tôi 9-10 tuổi, nghe ba tôi nói về phi công, tôi đã thầm ao ước được trở thành phi công khi lớn lên. Năm 1963, đậu xong Tú Tài 2, tôi vượt qua dễ dàng cuộc khảo sát sức khỏe của Không Quân VNCH để trở thành phi công phản lực nhưng mưu sự tại nhân thành sự tại thiên, tôi đậu vào Y Khoa và mộng tung mây lướt gió đã thật sự bay bổng.

      Một lần khác, phi cơ Pháp tấn công thình lình thị trấn Phú Phong cách nhà tôi 1 km vào buổi xế, lúc mà dân chúng nghĩ rằng phi công Pháp đã trở lại căn cứ xuất phát. Khi bom rơi, chỉ một vài người chạy được ra hầm trú ẩn. Khi đêm xuống tôi chạy đến hiện trường xem thiệt hại ra sao. Cả gia đình một bạn thân tôi bị tàn sát trừ một em bé còn bú mẹ. Ngôi nhà gạch nho nhỏ chỉ còn trơ mấy tấm vách đổ nát và máu thịt vương vãi khắp nơi. Người cha của bạn tôi nằm thở phì phò vì lủng thanh quản. Ông mất vài tiếng sau vì không có phương tiện cứu chữa. Tôi nhắm mắt không dám nhìn xác bạn tôi. Tổn thất nhân mạng và tài sản lần tấn công thình lình của phi công Pháp thật lớn. Những lần đi chợ đêm ngang qua nhà bạn tôi, tôi như vẫn còn nghe mùi tử khí và xương sống tôi cứ ớn lạnh từng hồi.
      Phi công Pháp dùng bom nặng cân nên những hầm trú ẩn gần nơi bom nổ đều bị sập và nhiều nạn nhân chết ngộp.

      AD6 tấn công chớp nhoáng thật nguy hiểm nhưng dân chúng vùng tôi lại sợ những chiếc máy bay Dakota mà họ gọi là “máy bay bà già” hơn. Những chiếc máy bay bà già không bắn nhưng bay cao, thả những thùng xăng đặc gây ra những đám cháy lớn tiêu hủy cả xóm làng mà không có cách gì cứu chữa. Người bị phỏng chỉ có chờ chết.

      Một lần khác, tôi vừa ra khỏi lớp lúc khoảng 9-10 giờ sáng thì máy bay khu trục Pháp đến tấn công một đàn bò và đám trẻ chăn bò trên đồng cách tôi khoảng năm ba trăm thước. Những con bò bị đạn đại liên bắn quỵ nằm la rống thảm thiết, những con khác ù chạy tán loạn. Đám trẻ chăn bò và tôi đều kinh hoàng, nằm dán sát vào bờ ruộng tránh đạn. Trước đó ba tôi có dặn nếu thấy mũi máy bay chúc xuống về phía mình thì đó là lúc phi công muốn bắn phải lăn người qua bên kia bờ ruộng mà tránh đạn. Tôi biết vậy nhưng tiếng đạn đại liên nổ từng hồi và tiếng gầm thét vô cùng đe doạ của khu trục đã làm đám trẻ chúng tôi chết cứng hay run lên cầm cập không cử động được. Đạn đại liên từng loạt cày nước ruộng mà đám trẻ chúng tôi không đứa nào lăn được qua bên kia bờ ruộng. May thay, không đứa nào bị đạn. Khi hai chiếc khu trục bỏ đi, chúng tôi lồm cồm bò dậy, mình mẩy như tắm bùn. Chủ nhân những con bò bị sát hại khóc than như ri. Bò là nguồn sống của nông dân, bò chết lấy ai giúp đỡ cày ruộng.

      Tôi muốn kể lại cái lần mà một buổi sáng tôi và mẹ tôi đang gồng gánh chuẩn bị lội sông đến chợ xa ở Kiên Luông được nhóm vào buổi chiều tối. Chúng tôi mặc đồ đen, đội nón sơn nâu, đang băng qua bãi cát trắng thì hai chiếc khu trục bay thấp dọc sông Côn xuất hiện xa xa. Kinh hoàng trước tử thần đến thình lình, chúng tôi vứt nón và đồ đạc ra xa, cố dụi người xuống cát để che giấu bộ đồ màu đen nổi bật trên cát trắng. Tuy sợ hãi tột độ nhưng tôi nằm ngửa hai tay cố cào cát trắng phủ lên người nhưng đã quá muộn. Má tôi chồm lên người tôi, lấy thân bà che đạn cho tôi và miệng liên tục cầu nguyện. Tôi biết lúc ấy phi công Pháp thấy rõ chúng tôi nằm lồ lộ chờ chết. Khi chiếc khu trục bay đầu chúc mũi về hướng chúng tôi, tôi nghĩ nhanh mình sắp chết. Lạ thay, viên phi công không bấm cò mà đưa máy bay vào tư thế bình phi. Chiếc thứ hai thấy vậy cũng bay tạt ngang mà không bắn. Tiếng nổ lớn của động cơ hai chiếc khu trục tôi mơ hồ tưởng như sấm sét đang nổ trên đầu. Khi hai chiếc khu trục bay xa chúng tôi chừng khoảng một cây số thì tôi tiếng đạn đại liên nổ dòn. Họ tấn công một mục tiêu nào đó mà họ bắt gặp trên đường bay đi hủy diệt. Hai mẹ con tôi cuống cuồng chạy nhào ra trầm mình trong mé nước một hồi lâu. Khi hoàn hồn, mẹ tôi quý trên cát lạy tạ Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Tôi lạy theo.

      Phi công Pháp sát hại tùy hứng. Họ thường bay thấp và bắn rất chính xác. Có lúc bắn trâu bò, không gặp trâu bò hay người thì rượt bắn một con chó đang kinh hoàng chạy trốn cho đến chết. Nhiều lúc họ bắn vào trường học hay nhà dân. Khi nào họ mang bom thì chắc chắn lần ấy có thiệt về hại sinh mạng, nhà cửa, cầu đường hay ghe thuyền…

      Nhà tôi, nhà ngói đỏ, lớn hơn những nhà trong xóm, gần quốc lộ làm cho dân trong làng lo âu. Dân làng khuyên ba tôi trét bùn lên mái ngói nhưng ông không làm. Ông cười nói, “Chúng nó bay thấp trên đọt cây, cây kim dưới đất chúng cũng thấy, làm sao che giấu được một căn nhà. Khi nào chúng vui thì chúng để yên, khi chúng buồn thì chúng bắn phá thôi…”

      Phi công Pháp cũng đùa nghịch? Có lần đi oanh tạc thị trấn Phú Phong về, hai phi công khu trục bay ngang trên nóc nhà tôi, xả hết nguyên thùng vỏ đạn đại liên lên mái ngói nghe rổn rảng. Lần ấy nhà tôi trúng mối, nhặt được cả rổ vỏ đạn đại liên bằng đồng bóng loáng làm cán dao và bán đồng cho thợ rèn. Tôi, tuổi thơ, thầm mong chuyện đó xảy ra lần thứ hai nhưng tôi đã thất vọng.

      Năm 1954, hiệp định Genève được ký kết, Pháp rút quân khỏi cao nguyên, từng đoàn máy bay Pháp đủ loại bay đi bay về ngang nhà tôi chuyển vận quân trang quân dụng về Nha Trang. Lúc đó đám trẻ quê chúng tôi mới hết sợ, ra đứng ngắm và đếm số lượng máy bay. Một ông anh họ của tôi đi học xa về, trước khi đi tập kết ra Bắc, dạy cho chúng tôi mấy bài hát kháng chiến mà tôi vẫn còn nhớ lõm bõm mấy câu:

            Loài giặc Pháp, giống dã man
            Cho bay về bên da trắng nuí non vàng…
hay

            Màn trời vén, ánh nắng chiếu trùng muôn cõi
            Á Châu dân nô lệ đứng lên phục thù…


      Đêm nay, tôi gắng ghi lại những chi tiết mà tôi còn nhớ được về tuổi thơ của mình với hy vọng một ngày nào đó đẹp trời các con cháu tôi tìm đọc về một thời chiến chinh của đất nước mà cha ông đã trải qua.

Nguyễn Trác Hiếu                                          
Hoa Thịnh Đốn, đêm 28 tháng 11 năm 2011