Năm 1977, chúng tôi bị giam giữ ở Trảng Táo thuộc tỉnh Long Khánh. Địa điểm trại giam là một trảng tranh bị cháy đen từng mảng. Nơi đây cũng là một vùng kinh tế mới mà dân, vì đời sống quá kham khổ, đã đồng lòng đốt cả khu, bỏ về lại thành phố.
    Chúng tôi phải vừa xây dựng trại vừa lo khai quang rừng để trồng mì bắp sinh sống. Mùa hè nắng đổ lửa và nước tắm giặt thì thiếu, đời sống tù trở nên bi thảm.
    Phải làm việc không ngưng nghỉ lại thiếu ăn nên những cơn đói hành hạ chúng tôi từng giờ từng ngày. Một nắm rau rừng, một mụt măng, một con rắn, một con rùa bắt được trong khi đi làm việc đều trở nên những món thực phẩm quý giá cho những người tù.

    Một buổi sáng, nhóm của tôi gồm chín mười người, đang khai quang cây cối ở phía đông một khu rừng thì nghe có tiếng la ó của một nhóm tù nhân khác đang làm việc phía tây, cách đó không xa. Chúng tôi dừng tay lắng nghe.
    - Có nai! Có nai anh em ơi!
    - Chận nó lại! Đừng cho nó chạy thoát!
    Tôi liền dặn dò các bạn của tôi không được la hét ồn ào và mỗi người dùng rựa chặt ngay một cây nhỏ, đường kính bằng ngón chân cái, thẳng và dài khoảng một thước rưỡi, vạt nhọn một đầu để làm lao. Các bạn của tôi hiểu ngay là chúng tôi phải giữ yên lặng để phục kích con nai hay bất cứ con vật gì sẽ chạy về hướng yên tĩnh của chúng tôi khi bị bị rượt đuổi từ bên kia rừng. Tôi chia các bạn tôi đứng núp sau những gốc cây lớn, người nầy cách người kia khoảng 5 thước, hàng ngang, để tránh phóng lao vào nhau khi hỗn lọan. Tôi cũng dặn bạn tôi ưu tiên dùng lao vì lao nhẹ, phóng thẳng về trước mặt khi nai đến gần, phóng hụt lao mới dùng đến rựa vì rựa nặng khó xoay trở. Các bạn tôi ai cũng hăm hở như sẽ sắp hạ sát được chú nai kể kiếm chút thịt tươi mà hai năm chưa được thấy hay nếm mùi.
    - Nó biến mất rồi anh em ơi! Nó chạy nhanh quá tôi theo không kịp!
    - Rượt tiếp đi, đừng để nó thoát!
    Tiếng hò hét nghe gần hơn. Tôi ra dấu cho các bạn tôi chuẩn bị. Vài phút trôi qua. Một con nai lớn đang hốt hoảng phóng nhanh về hướng chúng tôi. Con nai luồn lách vừa chạy vừa nhảy qua những thân cây lớn mà chúng tôi đốn ngã từ trước. Một bạn tôi nôn nóng vừa hét vừa phóng cây lao của anh về phía con nai còn cách anh đến 15 thước. Con nai nghe tiếng hét quay thoắt người chạy qua hướng khác, cây lao của anh bạn tôi bay hụt sau đuôi của nó. Ba bốn cây lao khác lại bay vụt theo con nai dù nó chưa đến gần tầm phóng. Tất cả các cây lao đều phóng hụt. Con nai luồn lách chạy thoát thật nhanh qua khoảng trống giữa hai trong những bạn tôi mà lao của họ đã phóng hụt. Tôi đứng cách xa chú nai khoảng hai mươi thước, biết có phóng cũng chẳng trúng mục tiêu đang di chuyển thật nhanh. Tôi giữ lao hy vọng có chú nai thứ hai chạy gần tôi hơn. Tôi hy vọng con nai không đi lẻ loi.
    Các bạn tôi có người vò đầu tiếc rẻ. Có người chưa kịp thu hồi cây lao phóng hụt thì một con nai nhỏ xuất hiện. Con nai con chạy chậm hơn con nai vừa vượt thoát nhưng nhảy cao từng chặp qua các thân cây. Một bạn tôi phóng lao. Hụt, vì con nai con nhỏ xác và nhảy chập chờn. Tôi xuất hiện chận đường con nai con. Thay vì phóng lao tôi dùng lao như trường côn tiến tới tấn công con nai nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn. Con nai con kinh hoàng, nhảy trái nhảy phải né tránh nhưng không may bị tôi quất trúng cổ ngã nhào xuống đất. Các bạn tôi vỗ tay reo hò và xúm lại nhìn con nai đang dãy dụa. Tôi cũng liếc nhìn con nai. Hai mắt nó mở trừng trừng ướt át trong khi hai chân còn giật nhẹ trước khi ngưng thở.
    Đôi mắt con nai con mở trừng tức tưởi làm tim tôi chợt co thắt. Tôi chợt hối hận đã quá tàn ác với một sinh vật nhỏ nhoi, xinh đẹp và hiền từ. Lúc chuẩn bị đón bắt nai, tôi hăm hở bao nhiêu thì giờ này khi con nai con đã gục ngã bỡi tay tôi, lòng tôi bỗng nặng bấy nhiêu. Chẳng hiểu sao tôi lại nghĩ ngay đến những đôi mắt thơ ngây, xinh đẹp của ba đứa con tôi ở nhà. Thấy tôi chợt buồn, các bạn tôi ngưng ồn ào. Một thiếu uý trẻ lại gần tôi nói:
    - Thôi anh, lỡ rồi! Mình không hại nó thì cũng có người chờ ở bìa rừng giết nó thôi. Số nó ngắn. Mình cũng vì mưu sinh nên mới ra nông nỗi.
    Tôi im lặng suy tư. Anh bạn trẻ nhặt con nai bỏ vào bao cát và treo khuất sau một thân cây. Bữa trưa hôm ấy, chúng tôi ngồi quanh dưới một tàn cây, nhai chén bắp luộc. Một bạn trẻ khác vẫn còn tiếc rẻ đã vội vã phóng hụt lao nên con nai lớn chạy thoát. Anh hỏi tôi:
    - Nếu con nai lớn chạy gần anh thì anh phóng lao hay anh đi mấy đường côn như lúc anh đánh hạ con nai con?
    Tôi đang buồn không muốn trả lời thì một anh bạn khác trả lời thay tôi:
    - Ảnh đã dặn dùng lao để phóng, phóng hụt mới dùng rựa mà chú mầy quên sao?
    - Nai phóng nhanh như vậy mà rựa nặng thì làm sao ảnh vung nhanh cho được?
    Anh bạn trẻ hỏi lại.
    - Rựa và đoãn đao cũng nặng tương đương nhau thôi. Ảnh là dân Tây Sơn mà!
    Anh bạn nói xong nhìn tôi cười cầu hòa. Bốn chữ “dân Tây Sơn mà” làm tôi nhột ruột dù tôi biết các bạn trẻ của tôi đang cố làm tôi bớt ray rứt.
    Tôi đành lên tiếng:
    - Cảm ơn các bạn. Tôi là dân Tây Sơn thiệt nhưng từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ học sử dụng đoãn đao là gì đâu, xin các bạn đừng thổi tôi lên mây. Trường côn, đoãn côn thì trai tráng làng tôi ai cũng biết múa may chút đỉnh, không khó lắm. Trong quân đội tôi cũng phải học võ Đại Hàn như các bạn thôi.
    Tôi đổi đề tài kể cho các bạn tôi nghe chuyện thời thơ ấu tôi theo các chú bác tôi và trai tráng trong làng dẫn bầy chó săn vào rừng săn nai, săn thỏ. Tôi kể cho bạn tôi nghe cách giăng lưới, cách đuổi nai, cách tập ném lao vào hình nộm bằng rạ đong đưa như thú rừng đang chạy…và ngay cả cách chia phần chiến lợi phẩm theo công lao của người đi săn. Ngọn lao phóng trúng nai đầu tiên được gọi là “giáo tiên”, người phóng lao được trọng thưởng. Những con chó săn giỏi cũng được chia phần.
    Các bạn tôi hầu hết là dân thành phố, say sưa ngồi nghe tôi kể chuyện đi săn. Họ là những sĩ quan trẻ cấp bậc trung úy, thiếu úy và hạ sĩ quan. Tôi cấp đại úy, dù là đại úy bác sĩ quân y, cũng bị quản giáo buộc phải làm tổ trưởng, đội trưởng.
    Nói chuyện với những bạn trẻ một hồi tôi cũng nguôi ngoai, cố quên hình ảnh đôi mắt trợn trừng tức tưởi của con nai con lông vàng hoe có điểm đốm nâu, xinh đẹp, bé bỏng.
    Bữa cơm chiều đến, thấy tôi ngồi bên đống lửa một mình nhai chén bắp luộc, anh bạn trẻ khi sáng đã vỗ về tôi lại gần:
    - Em biết có mời anh miếng thịt nai anh cũng không ăn nên chúng em đã mạn phép anh chia nhau mỗi người một miếng.
    Tôi gục đầu nói cảm ơn. Anh bạn ngồi nói chuyện với tôi năm ba phút rồi từ giã về trại riêng. Anh thì thầm:
    - Tội nghiệp con nai con, bao tử nó còn toàn sữa mẹ. Nhưng thôi, nó đi cho chúng ta hy vọng tồn tại và anh cũng vì mưu sinh chứ không cố ý giết nó.
    Câu nói của anh làm lòng tôi mềm nhũn. Đêm ấy tôi nhớ ba đứa con tôi quay quắc. Đứa nào cũng thích hươu nai trong sở thú. Tôi thiếp đi sau một ngày làm việc mệt nhọc và lòng nặng chuyện buồn.
    Sáng sớm hôm sau, trời còn mờ sương, tôi giật mình nghe tiếng ồn ào ngoài trại.
    - Nai, nai! Bắt nó! Bắt nó!
    Tôi nhảy xuống giường chạy ra sân. Một đám người với gậy gộc trên tay đang vây chặc một con nai lớn. Tôi kinh hoàng nhận ra con nai mẹ chạy thoát chúng tôi trong rừng hôm qua. Quả thật, tôi không ngờ đêm qua con nai mẹ thoát chết đã theo mùi của con nó mà đang đêm dò dẫm đi tìm con, đến đúng ngay căn trại của tôi đang ở giữa các căn trại khác, cách khu rừng khoảng ba bốn trăm thước.
    Tôi bước nhanh vào trại không dám nhìn giây phút chót thảm thương của con nai mẹ đi tìm con.

    Ôi tình mẫu tử thiêng liêng của loài vật. Tôi nặng lòng hơn vì hối hận đã gây ra cái chết tức tưởi của hai mẹ con con nai hiền từ.

    Ba tháng sau, vợ và ba con tôi từ Sài Gòn lên Trảng Táo thăm tôi. Tôi ôm các con tôi vào lòng mà trí vẫn nhớ về cái chết của hai mẹ con con nai. Những năm tháng tù dài dằng dặc sau đó tôi luôn cầu nguyện cho các con tôi được sống bình yên và tôi cố gắng không giết hại bất cứ sinh vật nào tôi gặp trên đường lao lý dù chúng tôi có đói khổ triền miên trong rừng sâu núi thẳm.

Nguyễn Trác Hiếu                              
Washington DC, đêm 27 tháng 11 năm 2011