Vũ Thị Bích

Nhật Ký 1975:
Chân Mềm Trên Đá (TT)


 


      Vào những ngày, dân Pleiku chúng tôi hoảng hốt, lũ lượt kéo nhau đi. Có lẽ, gia đình chúng tôi là những người đi sau cùng. Khi ấy, thành phố đã thưa thớt, không còn cái xôn xao, kêu réo, của những ngày trước đó.
     Chúng tôi đi trên 4 chiếc xe, 2 xe jeep dân sự, 1 xe chở cây, và 1 xe cưa cây. Anh Thanh là chủ của 3 xe, còn anh Hùng là chủ của một xe jeep. Anh Thanh lúc ấy là người yêu của cô Kha, y-tá của Dân Y Viện PK, sau này, hai vị ấy lấy nhau, và sinh ra các cháu bé. Sau 1975, tôi có lên PK, để lấy giấy tờ. Đêm ấy, tôi đang ở nhà anh chị Căn, anh Căn đã đi vắng. Gần nửa đêm, vợ chồng anh Thanh, đến đón tôi về nhà anh chị ấy, để cùng nhớ về những ngày di-tản. Còn anh Hùng, là người đã chở cô em dâu của tôi và các cháu tôi, lại chính là người, đã nhường cho tôi căn nhà ở Tân Quy, sau này, chính quyền sở tại, yêu cầu tôi trả tiền thuê nhà từ 1975, và mua lại nhà ấy, qua một đợt "hóa giá" nhà cửa.
     Vì tôi và cô em dâu, có con mọn, nên được ngồi trên xe jeep, cha mẹ tôi và cả nhà, ngồi trên hai xe lớn. Anh Thanh lái xe chở cô Kha và mẹ con tôi. Anh Hùng lái xe chở cô em dâu của tôi, còn các xe lớn, tài xế của anh Thanh lái. Trên đường chạy loạn, tôi gặp vợ con anh Tùng, thư ký của trường Minh Đức, tôi mời mẹ con chị ấy lên xe. Đi một đoạn nữa, lại gặp mẹ con của một anh thư ký khác, tôi cũng mời lên xe. Vì thế, 5 mẹ con tôi, ngồi trên một ghế, ớ phía trước. Hai cháu bé, ngồi trên lòng tôi, còn hai cháu lớn, ngồi dưới chân mẹ. Chúng tôi cũng đón gia đình cô Nguyễn Thị Hạnh, cùng lên xe với cha mẹ tôi. Tôi còn nhớ, ở một chỗ phải dừng lại, cha tôi đã dùng nồi nấu phở, để nấu cơm cho cả nhà ăn, vì nhiều gạo quá, lại gió to, thổi bạt lửa, hôm ấy, cả nhà ăn cơm sống! Nhưng sau đó, gia đình cô Hạnh, gặp được xe quen, nên đã ra đi trước. Cho đến bây giờ, tôi và cô Hạnh, vẫn giữ mãi tình thân. Ngày tôi ra đi, cô Hạnh nói, "Chị cứ yên chí, ở nhà, em chăm sóc tụi nhỏ cho." Và thật thế, dù tâm thân còm cõi, hai nhà lại quá xa nhau, nhưng cô Hạnh vẫn đạp xe đến chăm sóc các em tôi.
     Trong những ngày di-tản ấy, tôi vật vờ, ngơ ngác, chỉ biết ôm con khóc. Nhìn cha mẹ già yếu, nhìn đàn con dại, nhìn các em bé bỏng, tôi như kẻ mất hồn. Cũng may, các em tôi trưởng thành hơn tôi tưởng, nên đã dìu dắt gia đình qua cơn khốn khó. Nhưng tôi mất Mẹ giữa đường chạy loạn. Nỗi đau đớn đó, khiến tôi bị liệt nửa người, hai chân không cử động được. Không biết nhờ phép lạ nào, tôi đã đi lại được, sau nhiều ngày ngồi ôm con khóc.
     Vợ anh Tùng và một chị nữa, đã cùng gia đình tôi chia sẻ những ngày đói khát và hãi hùng. Anh chị ấy, hiện đang ở Pleiku. Có lẽ, các chị ấy cũng còn nhớ những kỷ niệm khó quên. Chị Tùng đã đi cùng gia đình tôi, từ lúc rời PK, đến khi các em trai tôi bị bắt đi. Vì không còn thanh niên, để nương tựa, nên mấy chị ấy, quyết định đem con ra đón xe bộ đội, về lại PK. Khi ấy, tôi đã lấy số lương thực ít ỏi còn lại, nhưng vô cùng quý báu, mà các em tôi đã vất vả vác theo, cho các con tôi, gồm có: sữa, bột đậu xanh, mì gói; tôi chia đều làm 3 phần, cho 3 bà mẹ, vì ai cũng có con nhỏ, và các cháu không thể nhịn đói.
     Em Thủy viết lên những giòng Nhật Ký này, với tình cảm vẫn còn tha thiết với gia đình tôi, đã làm tôi khóc, suốt một buổi, đọc không ngừng. Khóc theo từng đoạn đường cay đắng, đớn đau. Những mất mát, không thể bù đắp. Nhưng vì thời gian trôi qua đã quá lâu, gần hết cả một đời người, nên dù Nhật Ký em ghi lại, vẫn có nhiều điều không chính xác. Nhưng làm sao chính xác được, khi em đã phải chăm lo cho 5 người con, đến khi các cháu trưởng thành tốt đẹp và mỗi cháu có một mái ấm gia đình, trong một giai đoạn chuyển tiếp đầy gai góc của đất nước.
     Vì thế, có những điều em nói đến, thật sự không xảy ra. Thí dụ như, tôi hét em, không được đón nhận một cháu bé, khi mẹ cháu đã mất, vì tôi không có sữa, để chia sẻ. Chuyện ấy không hề có, tôi không gặp một cháu bé nào nằm trên bụng mẹ, chỉ cò bé Lan, mà tôi đã đón cháu vào lều, khi cháu đang khóc mếu và ngơ ngác đi tìm mẹ. Cũng như, khi đến Nha Trang, chúng tôi vào nhà em Thủy, gia đình em đã ra đi. Tôi không biết giá phải trả cho chủ tàu, nhưng tôi đã đưa cho hai cô em, Thủy và Hằng, tất cả số vàng tôi có, chỉ giữ lại, mấy tấm plaque bằng vàng tây, có khắc tên của các con tôi. Và khi tàu đỗ bến Vũng Tàu, tôi thấy một người lính pháo binh, vùng I. Tôi vội hỏi thăm về anh cả của tôi, người ấy nói, anh ta thấy anh tôi bị bắn vào chân, đang lê lết trên đường, và mọi người dẫm đạp lên anh tôi, anh ta nghĩ là, anh cả tôi đã chết. Lúc ấy, tôi như muốn ngất xỉu, tang Mẹ chưa nguôi, giờ lại đến anh! Với tâm trạng ấy, thì làm sao, tôi chỉ lo giữ lại anh em của cháu Tuấn nào, để chờ thử xem, vàng thật hay giả! Tôi hoàn toàn không có một ý niệm nào, về những người ở quanh tôi khi ấy. Tôi như một người không còn sinh khí, chỉ biết đi theo thôi.
     Vì Thủy nêu đích danh tôi, và từng người trong gia đình tôi, nên tôi thấy cần minh bạch mọi chuyện. Kể cả, 3 người bộ đội, mà khi chia tay, tôi đã tặng quà, để tỏ lòng biết ơn. Họ cũng đã tìm gặp gia đình tôi ở SG, trước khi về Bắc. Tôi cũng đã đến Hải Dương, để thăm gia đình Chính, nhưng không gặp, người ta bảo rằng, sau khi phục viên (giải ngũ), Chính về quê, mà không có ruộng để cày, nên đã ra Hà Nội kiếm sống.
     Tôi tin rằng, ở mỗi con người, đều có thiện tâm. Môi trường sống đã làm thay đổi cách cư xử của họ, nhưng cái thiện vẫn ẩn tàng đâu đó, nếu có cơ hội, thì nó sẽ bộc phát.
     Trong những chuyện thương tâm và tang tác ngày xưa ấy, có lẽ chuyện Bé Lan là một trong những niềm hạnh phúc nhất cho chúng mình. Trong một chuyến về thăm quê nhà tôi cùng gia đình đã tìm lại nơi gia đình người dân tộc mà chúng tôi đã tạm gửi Bé Lan với các lễ vật như rượu cần, thịt trâu và gà... Trước là đễ cám ơn những ân tình, gíup đở qúy báu của những gia đình người dân tộc nghèo cho chúng tôi, sau là thăm Bé Lan. Hạnh phúc và sung sướng biết bao khi được biết chỉ mấy tháng sau ngày chạy loạn, Bố Mẹ bé Lan đã tìm đước cháu và đưa cháu về lại Pleiku.
     Tôi viết những giòng này, mong BBT của LT PLeiku, post lên, ngay sau bài của cô Thủy, đồng thời gửi email đến cô Thủy hộ tôi.
     Cám ơn BBT, và cám ơn em Thủy, dù thời gian đã qua lâu, nhưng tình nghĩa của em với gia đình chưa phôi pha. Tôi rất mong, chóng đến ngày gặp lại, cô em răng khểnh ngày nào.

Vũ Thị Bích                      
Seattle,WA 05-2011