tạp bút: Cao Thoại Châu


 

      Truyện Tầu có ảnh hưởng trên diện rộng đối với người đọc VN. Nó không chỉ có giá trị giải trí mà còn bổ sung cho ta có thêm suy nghĩ về tình đời về tình người và cả lẽ hưng phế. Truyện Tầu vốn là truyện bộ với nhiều nhân vật và những tình tiết chồng chéo diễn biến theo dòng lịch sử của thời lỳ lịch sử nước này vào những thiên niên kỷ đầu ( với những bộ là cuộc tương tranh). Hấp dẫn bởi những nhân vật trong truyện đều có nguyên mẫu trong chính sử nên thấy gần gũi, và bởi nhân vật nào cũng một tính cách riêng, một thân phận riêng...Hôm nay nói về Hàn Tín...
     Hàn Tín là nhân vật cực quan trọng trong truyện Hán Sở tranh hùng, giai đoạn lịch sử cổ đại Trung Hoa cách nay trên 2 ngàn năm, lúc mà nước Tầu sau ít năm được thống nhất do Tần Thuỷ Hoàng đã xảy ra cuộc tranh hùng giữa Lưu Bang ( Hán) và Hạng Võ ( Sở).
     Có nguồn gốc xuất thân tầm thường, không huyền thoại mà cũng không ly kỳ, cuộc đời Hàn Tín là một xâu chuỗi những bi kịch bản thân mà đến nay không ít người đọc vẫn còn băn khoăn chưa giải mã hết, và sẽ không giải mã được nếu không công nhận bi kịch bản thân là nét độc đáo của Hàn Tín.
     Thuở nhỏ sớm mồ côi cha mẹ, một bi kịch đầu đời nó phân biệt con người này với những nhân vật khác trong truyện. Nhà nghèo nhưng không có chí làm ăn, lấy việc xách cần đi câu cá làm nghề mưu sinh, nhưng cần câu khắc nghiệt hoặc là cá ít có con nào khờ hay chán sống, cũng có thể do chí bình sinh không nằm trong cái cần câu nên nghề khổ đến độ cơm không đủ ăn. Trai trẻ không biết buôn bán, không muốn làm ruộng, nhà không có tài sản gì, sống bần cùng bữa đói bữa no và bị kỳ thị. Hàn Tín quen biết một quan nhỏ địa phương, thường đến nhà quan chức này ăn chực, thấy vậy, vợ viên quan cố tình ăn cơm sớm cốt xua đuổi chàng..
     Một lần nọ, thấy Hàn Tín đeo gươm, gã hàng thịt ngăn chàng giữa giữa chợ nói “Nếu mày gan dạ, thì dùng gươm đâm tao; nếu mày hèn nhát, thì chui qua háng tao.” Mọi người xung quanh đều biết gã đồ tể đó cố tình tìm cớ làm nhục và không biết Hàn Tín sẽ phản ứng lại thế nào. Nghĩ một lát, không nói gì, chàng chui qua háng tay hàng thịt đó. Từ đó, câu chuyện “ Hàn Tín lòn trôn” lưu truyền đến đời sau như một thành ngữ chỉ kẻ yếu hèn không còn liêm sỉ. Hành vi này thật khó lý giải cho thoả đáng. Có người nói chàng mai danh ẩn tích sợ triều đình nhà Tần phát hiện và thủ tiêu, nhưng mai danh sao còn nghênh ngang đeo gươm nơi phố chợ? Dù sao đó cũng là bi kịch thứ 2 của con người này. Lần khác, trong cơn đói rét phải xin bát cơm bà phiếu mẫu, được cho cơm Hàn Tín nói " Mai sau làm nên công danh, sẽ không quên ơn bà". Lập tức một gáo nước lạnh trút lên đầu chàng "Cái thân nam nhi cơm không có mà ăn còn bày đặt nói này nói nọ..", bà phiếu mẫu nói trong khinh bỉ!
     Khi theo Hạng Võ dù hiến kế bao lần nhưng Hàn Tín vẫn bị coi thường vì cái án "lòn trôn" chỉ được làm Chấp kích lang, một tên quân cầm kích đứng hầu. Khi đó Lưu Bang còn núp ở vùng hiểm trở núi non Bao Trung, giao Trương Lương đi khắp thiên hạ tìm lấy một người làm Đại Nguyên soái để đánh Hạng Võ. Trương Lương tìm được Hàn Tín, biết là người có thể đương nổi chức ấy, mới lập kế bán gươm mà thuyết được Hàn Tín bỏ Sở quy Hán. Lúc chia tay, Trương Lương giao cho chàng một lá thư giống như cái visa để vào Bao Trung. Đường vào Bao Trung núi non chồng chất hiểm trở, Hàn Tín một người một ngựa, lội suối trèo non, phần sợ quân Hạng Võ đuổi theo bắt kẻ đào ngũ về, phần không thuộc đường. Giữa rừng được một người tiều phu chỉ lối cho đi. Đi một quãng, Hàn nghĩ cần phải tuyệt đối giữ bí mật với quan quân truy đuổi, bèn quay lại chém ân nhân chết tươi! Cái lòng ác hay cái trí của người làm lớn? Người đọc khó mà tự dàn xếp được với chính mình!
     Vào tới Bao Trung, cái án "lòn trôn giữa chợ" ngày nào là một cản trở lớn cho chàng vì Lưu Bang vẫn khinh thị một kẻ tầm thường như vậy! Chỗ này có một cái đáng yêu dành cho kẻ đi tìm công danh. Có trong tay thư giới thiệu của Trương Lương nhưng chàng không muốn đưa ra từ đầu dù cái visa đó vô cùng hiệu nghiệm.Chức Đại nguyên soái phá Sở cuối cùng đã về tay chàng trước không ít thị phi của một đám quan coi khinh xuất thân của gã luồn qua háng người khác.
     Mang đại quân ra khỏi Bao Trung, Hàn Tín làm nên bao nhiêu công trạng đưa Lưu Bang thành vua cao tổ nhà Hán và đẩy Hạng Võ từ có tới không, từ thân Sở Bá vương xô nghiêng thiên hạ đến chỗ thành kẻ bại vong cô độc chết thảm bên bờ sông Ô.
     Những diễn biến sau đó sẽ cho người đọc thấy Hàn Tín chỉ được Lưu Bang tin vào tài năng xuất chúng chứ không tin con người coi như khai quốc công thần của chàng. Một con người thật đáng thương khi không được người khác đặt niềm tin dù Hàn Tín cũng là người chung thuỷ với người mà mình phò tá.
     Ngày nọ, sau khi nhà Hán ra đời, Hàn Tín được Hán vương phong Hoài Âm hầu, một chức chư hầu ở ngoài triều đình vốn dành cho người có công nhưng cần "đày" đi xa vua cho yên bề hậu hoạ. Phong hầu, cắt đất cho nhưng Hán vương vẫn có ý e ngại hẳn là vì vua ý thức được mình có chân mạng đế vương nhưng tài ba thuộc về Hán Tín. Một hôm Hán vương thiết tiệc, hỏi Hàn Tín:" Như trẫm có thể cầm được bao nhiêu quân?", Hàn đáp: " Bệ hạ bất quá chỉ cầm được mươi vạn quân thôi". Hán vương lại hỏi: "Trẫm so với tướng quân thì thế nào?", đáp "Như hạ thần thì càng nhiều càng tốt". Vua cười lớn nói :" Càng nhiều càng tốt cớ sao còn bị trẫm bắt?". Tín đáp: "Bệ hạ có trời giúp, không phải sức người mà làm nên như thế này được". Nghe Hàn Tín giãi bày, lòng Hán đế càng nghi kỵ thêm và từ đấy nỗi buồn quanh quẩn mãi trong lòng Hàn Tín không nguôi...
     Cuối cùng, người một thời ngang dọc làm nên bao chiến công khai quốc công thần đành phải chết một cách tẻ nhạt dưới tay Lữ hậu, vợ Hán đế! Trước đó, trong tình cảnh thân mình bất an sau cuộc chiến, có lúc Hàn Tín đã nói: "Ôi! Lời thiên hạ thường nói, chim cao hết cung tốt phải xếp xó, thỏ cáo hết chó săn bị làm thịt, địch quốc vỡ mưu thần phải bị tiêu diệt" kể cũng đúng vậy!"
     Biết lẽ ấy nhưng biết quá muộn màng và cũng không đủ sức cứu mình ra khỏi cái vòng công danh lẩn quẩn, Hàn Tín chỉ có khối óc của con nhà tướng mà không có được lý trí nhạy cảm của chính khách. Phạm Tăng quân sư của Hạng Võ đã bỏ vua ra đi sớm; Trương Lương cũng bỏ Hán đế đi khi còn chưa muộn; Phạm Lãi thì nhận ra Câu Tiễn chỉ là người gian khổ có nhau chứ không thể cùng chung hưởng khi nghiệp lớn đã thành vì vậy Phạm cũng tự ý trốn khỏi ông vua mà mình đã hết lòng phò tá trong 20 năm nằm gai nếm mật cùng nhau.
     Bi kịch lớn của Hàn Tín không chắc đã là gặp phải Lưu Bang, con người bề ngoài xuề xoà chiêu hiền đãi sĩ mà trong lòng thì xảo quyệt thủ đoạn tráo trở đến bất nhân. Biết đâu chừng, bi kịch nằm trong tính cách của chính Hàn Tín? Không có cái cực xấu của người làm lớn nhưng lại cũng thiếu cái cực tốt của con nhà tướng, đó là Hàn Tín chăng?


Cao Thoại Châu                      
TA, 08-2011