THƯ GỞI BẠN XƯA 20
Trương Thu Thủy
Bạn thiết,
Gần đây em thường nhớ về những ngày tháng cũ, hình như tuổi tác đi theo thời gian nhưng tâm hồn thì đi ngược lại, có lẽ đúng khi ai đó nói người già sống với kỹ niệm.
74 vào SG học đại học có rất nhiều bạn bè của mình nhưng mỗi đứa học khác nghành, khác trường nên kể như là tan đàn, và mình có bạn mới. Em gặp anh lần đầu (dù ba em và ba của anh là bạn) khi anh tới nhà ở SG tìm gặp chị anh, thấy chiếc xe đạp mini em đem từ PK xuống anh ráp giùm (chiếc xe đạp này em đèo bạn đi học vài lần nhưng vì em nhát, mỗi lần tới ngã tư là xuống xe dắt bộ, có nhớ lần em chở bạn tới Vạn Hạnh thăm thầy Hiệu Trưởng khi về mình phải kêu xích lô chở mình và xe về?) rồi mình học cùng trường với anh, những hôm giãng đường đông quá mình bỏ về để rồi sau đó mượn bài của anh chép lại. Một hôm bạn bệnh không tới lớp chỉ mình em đi học, tiện đường em ghé trả sách cho anh, lên tới cầu thang gần phòng anh trọ thì em nghe tiếng hát của anh vọng ra, anh hát Tôi đi Giữa Hoàng Hôn, cho tới bây giờ em vẫn không hiễu tại sao em lại quay xuống nhờ bà chủ nhà chuyễn lại cho anh. Có những ngày cuối tháng túi tiền rỗng anh hỏi mượn tiền em để đãi mình uống café (em chỉ nhớ món nợ nhỏ này thôi trong khi hôm về anh nhắc anh còn thiếu em món nợ lớn hơn nếu bây giờ em đòi cả vốn lẫn lời anh bán hết tài sản cũng không đủ), nhớ tụi mình bỏ cả buổi sáng nấu chè đãi chị TS, anh và anh A., anh A. ăn xong phán một câu “anh thích ăn chè đậu xanh đánh hơn” rất ư là tự nhiên và thẳng thắn, anh làm lòng em chùng xuống rưng rưng cảm động khi hôm gặp lại anh nói “ước gì được ăn chè của em và MH nấu”.
Dạo đó mình có lớp tối ở trường nên thường đi chuyến buýt cuối ngày về nhà, vừa đói vừa mệt nhưng hể thấy xe của anh Nhã (cái đuôi đi theo em) dựng trước nhà là em bắt bạn đi lòng vòng cho tới khi nào anh bỏ về mới thôi, thật là con nít , có nhớ anh đã năn nĩ mình suốt 2 tiếng đồng hồ để đi dự tiệc Giáng Sinh với anh, mình viện cớ không có dì ở nhà để cuối cùng anh lủi thủi đi về. Nhiều năm sau đó trước khi em ra đi, có một tối em vừa về tới trước cửa nhà ở SG, chợt thấy có người vừa mới rời khỏi, lần đó anh tới thăm em nhưng không gặp và đó là lần sau cùng em gặp anh. Nghe nói anh bây giờ đang ở Canada, mở phòng mạch trở về nghề cũ.
Những ngày đầu tháng tư chiến trận leo thang, ngày nào mình cũng bươn chải đi hỏi thăm tin tức người thân ở PK, ai nói thầy bói, cô đồng nào mình cũng tìm tới đễ rồi vừa hoang mang vừa hy vọng. Cuối tháng tư, má may cho mọi người một cái “ruột ngựa” bỏ vào 2 lượng vàng bắt tụi mình phải đeo ngang bụng - vật bất ly thân - để lỡ có chạy loạn thất lạc có chút của cải phòng thân. Một tối Châu bạn gái của Dũng tới nói lời chia tay để ra đi, Dũng, anh Ngh. và tụi mình băn khoăn không biết nên đi hay ở vì cả bốn đứa đều còn người thân kẹt lại PK. Và rồi không ai đi cả ngay cả Châu - bạn Dũng.
Tháng 5 năm đó về lại PK, thành phố vắng tanh, điêu tàn, dân chúng chạy loạn chưa về, buổi tối em thường bắt ghế ra ngồi trước cửa chỉ để nhìn lên bầu trời, buâng khuâng không biết ngôi sao cuộc đời của mình ở đâu trên khoãng trời mênh mông đó, hôm nào buồn quá rủ chị Bãnh người chị bà con và mấy đứa em đi xem phim Liên Xô ở rạp Diên Hồng chạy bằng máy phát điện riêng vì dạo đó PK chưa có điện lại, tan rạp cả bọn mò mẫm đi trong bóng đêm cố ý nói chuyện thật to đễ có thể nghe vọng lại tiếng nói của mình và cũng để bớt sợ.
Vài tháng sau dân chúng từ từ trở về, thành phố cũng có thêm những người mới, rồi họp hành, rồi văn nghệ phố, phường, em lười thường đùn những việc này cho nhỏ em, khép kín ở nhà, hàng xóm tưởng em còn ở SG. Một khuya đang ngủ cả nhà choàng dậy vì tiếng khóc của bác Luân hàng xóm - chị Gái con của bác vừa mất vì sốt rét cấp tính chỉ sau hai ngày phát bệnh. Sáng hôm sau ba quyết định đưa tụi em vê SG thì tối đó em và đứa em trai bệnh. Bạn ạ, sao lúc đó em không sợ chết mà em chỉ sợ đứa em của em chết thôi, nhưng rồi 2 chị em không sao, mẹ đưa tất cả vào SG đi học chỉ mình em ở lại, luẩn quẩn, xuống lên, ăn không ngồi rồi, sống buông xuôi, vô vị. Bạn bè không ai liên lạc với ai dù chỉ cách một khoãng đường, thi thoãng em thoáng thấy anh chạy xe ngang nhà và đôi khi anh A. đi với cô em út bên kia đường, không nhìn vào, không cười, xa lạ.
Rồi má vào SG chữa bệnh, em ở nhà phụ ba buôn bán, những lúc như vậy thường là lỗ lã vì ba là đàn ông không giỏi tính toán lại hay bán chịu cho người quen lẫn người không quen nên vừa mất tiền vừa mất khách vì người mua chịu một đi là không trở lại. Đôi lúc ba đi SG với má, buổi tối em thường nấu chè cùng với T., Q., Dũng, KLiên và Thư đọc thơ, hát nhạc vàng. Có khi chị Bãnh rũ T., Tuyết và em cầu cơ, 4 đứa thức tới 12 giờ khuya vì nghe người ta nói giờ đó mới linh nhưng thường là em và Tuyết bỏ cuộc vì buồn ngủ.
Đi học sư phạm em có thêm nhiều bạn mới ngoài T. và Hạnh, XH em vừa liên lạc lại. Đi học thường đi với T., vào trường chơi với Minh - giọng hát nỗi tiếng của MĐ - Ngọc Lan, Thạch, Hưng, khi về đi với Hạnh, XH ngược xuống Hoàng Diệu qua Dinh Điền để vòng lên HBT về nhà. Những lúc họp tổ thảo luận, em mắc cở bắt mọi người phải quay lưng hoặc là em quay lưng, sau cùng anh Châu tổ trưởng thông cảm tới phiên em là anh cho qua. Vẫn còn nhớ câu trong lá số tử vi anh Thạch viết cho em “người đa cảm, thương người và thích người thương”. Tới giờ giải lao em thường đi tìm Hạnh, XH vì em học khác lớp, Hạnh và em thường nói nhỏ với nhau “ăn cơm tập thể phải trở đầu đũa nhưng cả trăm người uống chung một cái gáo nước” rồi cười khúc khích, tuy nói vậy nhưng hai đứa rất thích uống vại nước mưa nơi ấy. Gần cuối khóa anh Thạch và Minh, anh Hưng và NLan thành hai đôi tương xứng. Những khi có tiền rũng rĩnh cả bọn kéo nhau đi ăn da ua. Nhớ đêm văn nghệ mãn khóa, bọn em ở lại rất khuya bịn rịn không nỡ chia tay.
Bỗng nhiên anh và anh A. liên lạc lại với em, buổi tối anh hay lên trường sư phạm đón em hoặc đến nhà uống trà, chừng nửa giờ thì về nhưng rất thường xuyên. Một dạo anh không đến nhà nữa, anh A. ra trường đi An Khê dạy. Bạn ra trường về dạy ở PK thì Hạnh và T. đi vào buôn làng. Dũng vào SG, rồi tới phiên Q., Minh theo anh Thạch vào tận Tây Ninh. Chị Bãnh cũng vậy theo chồng về miền tây nam bộ. Cơm áo đưa đẩy mỗi người trong chúng ta mỗi lúc một cách xa. Rồi anh cưới vợ; em, Tuyết và bạn đến dự đám cưới, không phải vì anh mà vì tò mò muốn biết mặt tân nhân. Và em rời phố núi. Đầu năm 77 em trở lại dự đám cưới của Dũng Châu có anh Ng. làm rễ phụ, ngồi cùng bàn với anh Ch. (hôm nhận được tấm hình cũ chụp em và anh Ch. hôm đám cưới Dũng bạn gởi qua, em bồi hồi khôn xiết) và nghe anh D. ôm đàn hát Chiếc Lá Cuối Cùng.
Đêm sau mình xuống phố, gặp anh đi ngược lại ở bên kia đường, không biết anh có thấy mình hay không vì anh đi thẳng, sau anh A. cho mình biết anh sắp làm cha.
Về SG sống loài chùm gởi, ba mẹ phải bán dần nữ trang vì cả bầy con toàn là những công tử, tiểu thư. Những khi buồn phiền em tới nhà Hoan, cả nhà Hoan sống nhờ trên tầng thượng của nhà người bà con trên đường Minh Mạng, nhiều khi đi bộ cả đoạn đường dài chỉ để nói với nhau vài câu. Gia đình Hoan cũng không hơn gì gia đình em, mỗi ngày nhìn của cải đội nón ra đi. Rồi có người mách bà dì buôn gạo, dì ra vốn, em và Hoan ra sức. Mỗi sáng thức dậy từ 5 giờ sáng đón chuyến xe buýt đầu ngày ra Xa Cảng Miền Tây chờ những chuyến xe của những bạn hàng đem gạo từ miền tây lên mua lại và bán lại cho những người bán lẻ, dì mướn thêm một anh phụ việc khuân vác, những ngày đầu em nghĩ mình không kham nỗi nhưng rồi cũng qua. Một hôm những chuyến xe tới trễ vì bị chặn xét dọc đường, quá mệt mõi em dựa lưng vào ghế ngủ, chỉ chợp mắt chừng năm phút thôi, tỉnh dậy thì túi tiền không cánh mà bay, em ngại không nói với dì nên đem chiếc nhẫn của mình đi bán để đền. Rồi có hôm lại bị móc túi trên xe buýt không hay, 11 giờ khuya em chạy lại nhà Hoan báo tin mình bị móc túi, cố gắng dấu những giọt nước mắt vào trong lòng, lần này thì bán chiếc đồng hồ. Và tiếp theo là chiếc nhẫn thứ hai, bán cho người quen nên tin cậy chỉ lấy trước một nữa, nửa còn lại kể như là mất vì có lần em tới đòi tiền, trong khi chờ bác ấy về em ngồi nói chuyện với con gái bác ấy, không nỡ tới đòi tiền nữa.
Trống rỗng quá em chạy về quê với ba mẹ, dạo đó đi lại rất khó khăn, khởi hành từ 2 gìờ sáng mà nhiều khi tới nhà vào lúc nửa đêm dù chỉ khoãng 300 cây số, có lần em vừa bước vào nhà là ngã xuống, cả nhà cạo gió, cắt lễ mới tỉnh lại. Về quê để xót xa thấy ba mẹ cơ cực đời ruộng rẫy. Những buổi chiều mưa nhìn ra cánh đồng trước mặt mịt mờ như tương lai của mình, hay những đêm nằm nghe tiếng chuột rúc ở góc nhà, nhớ về ngôi nhà cũ nơi phố núi, ngôi nhà có bậc thang thứ ba từ dưới lên có miếng gổ bị long đinh quen thuộc nhắm mắt em cũng có thể bước nhẩy qua, nhớ quắt quay quãng đời vừa qua mà rơi nước mắt.
Hơn 30 năm, biết bao đổi thay, dâu biễn. Anh Ng. mất vì tai nạn, chị Bãnh cũng ra đi sau khi sinh em bé. Anh trở thành đại gia (lời anh nói bán cả hảng xưỡng trả nợ cho em vẫn không đủ thực ra chỉ là lời nói đùa thôi) trong khi anh A. vẫn lông bông và hầu hết những bạn bè của mình có một mái ấm gia đình, an phận. Anh Hưng và NLan vậy mà không đến được với nhau như bao nhiêu đôi lứa khác nữa? Em không có tin gì của anh Thạch và Minh. Anh Châu tổ trưởng thời sư phạm giờ nơi nao? Mỗi lần nghe Chiếc Lá Cuối Cùng là trong đầu hiên ra hình ảnh anh D. ôm đàn hát đêm nào ở đám cưới Dũng Châu. Ôi, kỹ niệm vẫn ăm ắp trong đời.
Bạn thiết,
Đã qua rồi tháng sáu, người Mỹ gọi là June Gloom – tháng sáu u sầu (ai nói người Mỹ không lãng mạn hả bạn) nhưng sao bầu trời vẫn ảm đạm làm sao, tháng này năm ngoái là nôn nao, chuẩn bị cho một chuyến trở về, nhưng năm nay ngày về sao xa vời quá. Nhớ quá bờ vai ấm áp của mẹ, tô canh nhà bạn, tách trà nhà bạn lớn, giọng cười của Hạnh, món cháo trắng ăn với cá kho của XH, tô bún bò của chị Nhung, cái dáng ốm nhom của KN, TTrinh, món hủ tíu bò kho của anh chị KThanh, tô bún riêu ở nhà chị Thảo và nhiều nhiều nữa.
Bạn có đợi em không?
Trương Thu Thủy
07/10