BĐ: Trương Thu Thủy



  


     Bạn thiết,
     Hôm trước đứa em trai của em ở xa về, mượn xe của em “trên xe Tư toàn là những đĩa nhạc buồn không à, nghe chán đời quá đi” em nói “không có nhạc vui hay buồn chỉ có nhạc hay hay dở và cũng không có một nguyên tắc nào để đánh gía hay hay dở chỉ có nhạc nào làm mình cảm xúc thì đó là nhạc hay –ít ra là đối với mình.” Bạn có đồng ý với em không? Vì có những bài hát mà khi nghe mình thấy thấp thoáng tâm tư hay một khoãng đời của mình trong đó.
     ... Đôi khi nắng qua mái hiên làm tôi nhớ, đôi khi bỗng nghe bước chân về đâu đó của em…*Em có hơi ngở ngàng khi gặp lại anh, anh thay đổi rất nhiều, nghĩ lại em cũng vậy thôi hơn ba mươi năm đủ dài đễ dấu vết thời gian để lại trên mái tóc, khuôn mặt và vóc dáng của chúng ta những đổi thay nhưng nụ cười của anh vẫn ấm áp như ngày nào, em nói với anh “cho em ngồi xuống nghỉ một chút vì em bồi hồi quá”, em nói, như muốn che dấu cảm xúc của mình “cách đây mấy năm em có đọc một bài thơ của anh trên báo mạng, em biết chắc chắn đó là anh, nghĩ anh vẫn bình yên và em cũng chắc chắn bài thơ đó không hề có hình bóng của em”, rồi em không nói gì được nữa, nỗi bồi hồi và nụ cười ấm áp của anh đã choáng ngộp trái tim em.
     Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu…. , là bài thơ còn hoài trong vở, giữa giờ chơi mang đến lại mang về….Năm lớp 12 nhận một bức thư không có tên người gởi nhưng em nhận ra ngay nét chữ của P., người đã giúp em chép bài mỗi khi em nghỉ học - đọc và bỏ vào ngăn tủ, sau đó cho tới khi mình rời trường, em đùa cợt chọc phá P. nhưng không bao giờ tỏ ra mình đã nhận bức thư đó, em tránh ánh mắt dò hỏi của P.. Một tối sau khi tụi mình đã vào SG làm học trò đại học, P. ghé thăm, vẫn ánh mắt dò hỏi và đưa cánh tay ra, Trời ơi, trên cánh tay P. xâm bốn chữ T - những vần đầu họ tên của em, em không hiễu tại sao lúc đó mình lại có thể đùa dai và ởm ờ như vậy, em nói “tình, tiền, thù, tội hả?” Và cho tới bây giờ em vẫn không quên được ánh mắt đau đáu của P. lúc ấy.
     Bầu trời có lẽ vẫn xanh và trăng đêm đêm vẫn về trên sân thượng ngôi nhà ở Trần quý Cáp SG, nhưng tiếng đàn của anh Ch. và tiếng hát em đã không còn âm vang ở nơi chốn đó…Chiều chủ nhật buồn nằm trong căn gác đìu hiu, tôi xin năm ngón tay em thiên thần trên vùng ăn năn qua cơn hờn dỗi, tôi xin năm ngón tay em đưa vào cô đơn …, anh có thể vẫn đàn và em vẫn thường hát nhưng cõi lòng đã già nua tàn phai theo năm tháng. Một thời hồn nhiên sáng trong xuân sắc đã trôi theo những ngày tháng cũ.
     ….Từ bao giờ dạt trôi đời con sóng, những cuộc tình năm tháng đã tàn phai…sao chiều nay tình chợt dâng đầy…. anh đưa em đi Bình Qưới nơi có khu tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chìều xuống êm đềm trên những mái nhà bên kia sông, anh kể cho em nghe giai thoại nhạc sĩ bỏ đi trong ngày cưới, em nhớ câu trả lời của ông trong một bài phỏng vấn khi được hỏi về Khánh Ly “đó không phải là tình yêu nhưng trên cả tình yêu”, em nghĩ đâu có gì là quan trọng khi phải phân tích đó có phải là tình yêu không, vì cả hai dù ở nơi đâu và mỗi người có mỗi đời sống riêng nhưng mãi vẫn có nhau.
     Buổi tối hai đưá lang thang tìm quán nhạc, thành phố hình như không ngủ, Trung Thu - mùa trăng tháng tám, phố xá người người đi trẩy hội nhưng sao em thấy mình vô cùng lạc lỏng, dường như không có một nơi chốn nào cho chúng ta- không, thực ra không có nơi chốn nào cho chính em, thành phố này, chổ ngồi này , màu trăng tháng tám và ngay cả dòng sông đêm trước mặt cũng không dành cho em.
     ….làm sao em biết đời sống buồn tênh… trong trí nhớ những đêm khuya mở cửa ra ban công nhìn xuống đường ở ngôi nhà 83 Hai Bà Trưng để có cảm tưởng mình đang bao quanh bởi một biển sương mù, trong trí nhớ có những tối ngồi với T., KLiên, Thư và Dũng đọc thơ và hát cho nhau nghe và trong trí nhớ lãng đãng già cổi của mình chỉ còn nhớ câu cuối của bài thơ em làm dạo ấy: “Thân tình nào rồi cũng sẽ phôi pha” lấy từ bài Phôi Pha. T. nói : “từ dạo ấy T. không hát Tình Xa và Phôi Pha nửa.” Sao phải hối tiếc cho những điều đổi thay đã đem đến cho T. nhiều hơn là mất?
     Ôi, đổi thay, chiều qua gọi về cho mẹ, kể lể hỏi thăm đủ chuyện, em có thể “tám” hằng giờ với mẹ - loanh quanh câu chuyện dẫn tới một người bà con xa. Kể cho bạn phải bắt đầu từ những dây mơ xa lắc, mà một đứa xa nhà mất gốc như em thú thật em không nhớ bà con xa mà xa như thế nào? chỉ biết em kêu bằng dì Tư, dạo còn nhỏ về SG học chương trình Pháp đã biết dì có một người con trai lớn đang học y khoa (à, tới đây lại dẫn tới một tương quan khác vì anh là bạn thân của ông bác sĩ đã từng chữa bệnh cho ông bạn quản gia của ba em mà em đã kể cho bạn nghe trong thư trước), một cô con gái đang học trường Pháp. Khi nghe nói học y khoa và trường Pháp ai cũng nghĩ là nhà dì có của ăn của để nhưng thực ra dì có một gian hàng bán cơm ngoài chợ Đủi và dượng chồng dì là công chức, lương chỉ đủ café, thuốc lá. Em có đến nhà dì vài lần, gia đình dì sống thanh đạm nhưng vẫn toát ra nét vương giả của nếp sống tây phương. Năm 95 em về có ghé thăm dì và chị con của dì (chị không lấy chồng), anh con trai lớn lấy vợ Pháp và ở Pháp. Dì không còn bán cơm ngoài chợ nhưng đi đâu nếu không có gì thì phải bỏ 2 hòn gạch vào 2 túi mà xách, nếu không dì sẽ mất thăng bằng không đi được, bạn biết sao không? Vì suốt quảng đời tuổi trẻ cho tới ngày hưu đôi vai dì không rời đôi quang gánh.
     Năm 76 em về Bạc Liêu thăm ngôi nhà mới cất thênh thang của mẹ, vì quá lớn nên lạnh lẽo làm sao, mẹ kêu vài người bà con tới ở cho vui trong đó có cháu của dì, kêu dì bằng cô ruột. anh xưng là Dũng “cô đơn” (có phải vì bài hát Người Yêu Cô Đơn gì đó chăng? Nhưng hình như bài này lúc đó chưa có mà), anh là người nửa quê, nửa chợ đang theo đuổi người chị bà con của em (bà con bên mẹ em, nếu em liệt kê ra đây chắc tới mai còn chưa xong), dạo đó buồn chán em thường chui vào giường từ chập tối nằm nghe anh ca vọng cổ trước sân, ngủ mấy giấc rồi vẫn còn văng vẳng anh xuống sáu câu, những ngày mưa cua đồng tràn lên bờ ruộng, em thường theo anh chị đi bắt về nấu bún riêu hay ra phía sau nhà xem anh chị cất vó (người miền nam gọi là cất vó, bạn cứ tưởng tượng đó là một cái vợt khổng lồ, chỉ cần bỏ xuống sông và giở lên, lúc nào cũng có vài con cua hay cá bên trong), những công việc đồng quê này với em lúc đó là những thú vui mới lạ, em không biết nhiều về anh nhưng không quên danh xưng của anh.
     Và bây giờ em bắt đầu câu chuyện đây: em hỏi “con quên hỏi má, hai lần về VN sao con không nghe nhắc tới anh Dũng cô đơn vậy?” “Thằng Dũng bị tù chung thân rồi con không biết sao? Nó bị quỷ ám hay sao mà lên nhà dì Tư chợ Đủi đánh dì Tư bể đầu cướp tiền, dì Tư xém chút nửa là chết rồi”. Em gác điện thoại rồi vẫn còn bần thần, rồi suy nghĩ, rồi phân tích, không thể đổ thừa cho bần cùng vì nói cho cùng anh vẫn có những chọn lựa khác và đâu là ranh giới giữa thiện và ác? Nhưng tại sao lại là những người em quen biết và có lúc nghĩ rằng đó là một người tốt chứ?... Đời đã cho tôi một ngày nhìn thấy gian manh loài người, từ đó tôi hằng biếng vui chơi…
     Em hỏi bạn “anh về hưu và chị nghỉ hè vui không?” “nóng muốn đổ lữa không muốn ra khỏi nhà, đi vô đi ra gặp mặt đấu khẩu chớ vui gì mà vui” nhưng sao hai từ đấu khẩu trong giọng nói của bạn không có chút gì bực dọc cả, em đoán ra chắc khắc khẩu chứ không đến nỗi nào có phải, như vậy cũng là một là một điều hạnh phúc đó bạn ạ (nhưng đừng dài dài nghe), vì khi hai người không còn gì để nói, “dị mộng” mới thực sự là đáng sợ.
     Có lẽ tất bật đôi khi là một điều tốt vì chúng ta không có thời gian và sức lực để suy nghĩ những chuyện vu vơ nhưng rất đời thường – như em hôm nay một sáng thứ bảy, một mình, căn nhà vắng, nắng rực rỡ ngoài kia nhưng vương vất một niềm trống vắng, buồn buồn. Ước chi bây giờ được ngồi với tất cả các bạn như hôm nào tụi mình chờ hoàng hôn xuống ở Thiên Trúc, hay ở một quán bên đường ở SG (café toàn là mùi đậu khét không à) với ông bạn lớn, KNgọc, TTrinh và Hoan - “mộng bình thường” …ngày hôm qua mình đã mơ ước, một mơ ước thật bình thường, ngồi bên em nhìn hoàng hôn đâu đó rụng rơi…., cũng đừng cười em viết cho bạn mà trích thơ, nhạc lung tung. Bạn bè, thơ nhạc, kỷ niệm đều là Tình Yêu Lớn của em, có tham lam quá không? Sống theo ông bạn lớn đó mà vì anh luôn nói sống trong đời sống cần có một tấm lòng…
     Nhiều rất nhiều năm về trước, tình cờ em đọc mục nhắn tin trên báo: “người họ Trương ở Pleiku nếu đọc được lời nhắn tin này gọi lại số…”, không có tên người nhắn tin, lòng tự phụ em tự cho người họ Trương đó là mình, dĩ nhiên em không gọi lại nhưng sau đó em ôm nỗi ray rứt trong lòng.
     P. bây giờ nơi đâu? Em nợ P. một câu trà lời và một lời xin lỗi.
     Còn anh?

Trương Thu Thủy            
Long Beach, Bảy2ngàn11        

*Nhũng chữ in nghiêng là những đoạn nhạc trích trong những bản nhạc của các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phú Quang, Việt Anh riêng bài Phượng Hồng chỉ nhớ phổ từ thơ của thi sĩ Đỗ Trung Quân nhưng không nhớ nhạc sĩ là ai, thật là thất lễ.