BĐ: Trương Thu Thủy
Thư gởi Bạn Xưa 22
Bạn thiết,
Đó là một ngày của cuối tháng chín, đầu mùa thu nhưng nắng thênh thang trên những mái nhà, chảy xuống mặt đường một màu chói chang nhức mắt, từ tấng sáu của khu bệnh viện một trưa thứ bảy, qua khung kính phòng bệnh của dì nhìn xuống, không gian vắng ngắt, tỉnh lặng làm mình cảm thấy bất an. Dì - người bạn thân của mẹ em, nằm thiêm thiếp, mới tuần vừa qua đây thôi, khi có công việc đi ngang khu phố dì ở, em nói với đứa em gái của mình “đời sống tất bật, máy móc nơi đây khiến mình trở thành một người vô tình lúc nào không hay, gần hai tháng rồi chị không ghé thăm dì Bảy, nhất định thứ tư này lấy một ngày nghỉ để tới thăm dì”, khi nói với nhỏ em câu này, em không biết là dì đã vào bệnh viện.
Dì- ngưòi bạn thân - người bạn đi chùa của mẹ em là một người đàn bà góa, không con cái, thân nhân thì ở rất xa, dì sống trọ trong một căn phòng kề garage đậu xe của một gia đình Việt Nam mà chủ nhà hầu như quanh năm đi vắng. Cuộc sống của dì nhìn vào có vẻ cô quạnh, nhưng dì là một người rất lạc quan, vui tính, nơi nào có dì luôn có những trận cười nhờ tài pha trò của dì và dì rất sùng đạo, lớn tuổi, đi đứng khó khăn nhưng đi chùa ít khi nào vắng mặt dì.
Khi em vào, đã có vài người bạn của dì nơi đó, có ngưòi dì không nhận ra, dì không còn tỉnh táo nữa, khi bác sĩ hỏi dì tên gì và có biết mình đang ở bệnh viện, dì không còn chút ý thức, đôi mắt thất thần nhìn mọi người. Nhỏ em hỏi “dì có nhận ra con không?” lắc đầu, người bạn của dì hỏi “Huệ đây! Thư ký của chùa, dì nhớ không?” lắc đầu, em hỏi “con Thủy nè, dì nhớ không?” gật đầu, sự kềm giử của em vỡ ra, em khóc, lòng tràn ngập một niềm hối tiếc, hối tiếc cho ngày tháng vừa qua không tới thăm viếng dì thường xuyên, hối tiếc sao không làm những điều tốt hơn cho dì, hối tiếc vì mơ hồ cảm nhận mình sắp mất mác một tình thân, và thắm thía vô cùng câu “nếu người có yêu ta, hãy yêu khi ta còn đang sống, đừng đợi đến khi ta đã ra đi rồi khắc những lời yêu thương lên bia đá lạnh căm”. Xót xa nắm lấy tay dì em hỏi “dì nhớ Lợi em của con không? Hôm nay nó phải đi làm, ngày mai nó mới đến thăm dì được.” đột nhiên dì bật nói “thằng Lợi làm sao không nhớ”, em kêu lên dì ơi rồi bật khóc.
Mà sao không nhớ được, những năm về trước, những ngày hè, mỗi buổi chiều vợ chồng Lợi đưa mẹ qua đón dì đi biển và mới năm ngoái đây, mỗi thứ bảy, em và Lợi đưa mẹ và dì xuống khu Việt Nam đi ăn, đi mua sắm, khi đó dì vừa chớm bệnh nhưng còn khoẻ không như bây giờ nằm đó yếu ớt, héo khô. Biết là dì khó mà qua khỏi, biết là dì đã sẳn sàng như có lần nghe dì nói “sống tới từng tuổi này đã đủ lắm rồi”, biết là đôi khi cái chết là một sự giải thoát nhưng sao lòng em vẫn cảm thấy buồn bả vì sinh ly tử biệt?
Đó là một ngày đầu thu, nắng vẫn còn thênh thang trên những hàng cây dẫn vào nhà quàn ngày em đến thăm dì lần cuối. Khi em đến và như em đoán trước đã có rất đông bạn đạo của dì và mẹ em nơi đó. Dì nằm như ngủ, ai đó đã đặt trên ngực dì mảnh giấy “Passport to the Pureland”, phải dịch làm sao cho sát nghĩa hả bạn? Không khí như một buổi họp mặt, thỉnh thoảng những người bạn của dì lại gần nói đùa với dì hoặc kể lể một chuyện vừa xãy ra, hình như mọi người hiễu cái lẽ vô thường của cuộc đời và sự tạm bợ của thế gian này. Những người bạn của dì, có người “thất thập cỗ lai hy” nhưng cũng có những người còn rất trẻ, nhưng dù già hay trẻ , ai ai cũng lo lắng chu toàn hậu sự cho dì, câu nói để an ủi dì ngày nào “dì đừng buồn vì cô độc, dì còn bạn bè”, hôm nay em nhìn thấy rất rõ ràng – khi mà đời sống, mọi giá trị hình như được đánh giá trên vật chất và sự hào nhoáng bên ngoài thì vẫn còn tình bạn thấm thiết nơi đây.
Khi về, nắng vẫn thênh thang, em ngước nhìn lên, bầu trời xanh quá, có con chim nào hót rộn rã trên cao, không gian tỉnh mịch, yên bình quá, âm thanh tiếng xe chạy bên ngoài vọng lại như từ một cõi xa xôi, lòng bỗng dưng nhẹ tênh, em nói thầm vĩnh biệt dì.
*****************
************
******
Cách đây hai tuần em đi dự đám cưới con của người bạn – H. người bạn cũng là người đẹp một thời của Pleiku Phố Núi, người mà sau này qua những chằng chịt dây mơ rễ má suôi gia, trở thành bà con của em (bà con nhưng không liên hệ huyết thống). H. ngày xưa là nguời đẹp, bây giờ vẫn đẹp, ngày xưa đẹp như một bức tượng điêu khắc khiến bao chàng ngơ ngẩn, bây giờ là một phụ nữ đẹp cũng khiến nhiều người ngưỡng mộ. Đẹp và hạnh phúc (em có thể nhận thấy qua ánh mắt và nụ cười rạng rỡ của bạn). Khi em đến - nghĩ mình đã trể vì lạc đường nhưng khách mời chỉ có vài người đến, em được xếp ngồi chung với một đôi vợ chồng khá lớn tuổi mà khi chào em có cảm tưởng đã gặp ở đâu rồi, bạn có biết đó là thầy Cầm, thầy dạy của mình 40 năm về trước. Em nói với thầy “chắc thầy không nhớ em đâu”, thầy nói “thầy có rất nhiều học trò, làm sao nhớ được, thầy chỉ nhớ những đứa phá phách thôi như bây giờ thầy vẫn còn nhớ cả tên lẫn họ của vài em phá phách”, rồi thầy kể chuyện nghịch phá của những cô cậu học trò của thầy ngày xưa. Cô ân cần hỏi han tựa như lâu ngày gặp lại người thân, em thấy mình như trở lại thời còn là cô học trò nhỏ nơi thành phố sương mù ấy. Khi ra về cô bạn tiễn ra tận cửa, ôm vai em nhắc nhở “năm tới là tới thằng lớn của mình, phải đến đó nghe”, chợt nhận ra hơn 30 năm trôi qua như giấc mộng, bóng dáng của quá khứ vẫn chập chờn tựa mới hôm qua, nhìn lại ai cũng đã hoặc đang sắp là ông bà nội ngoại. Trên đường về đi qua những dãy phố im lìm cửa đóng, hiu hắt đèn vàng, cảm giác của hôm tối hôm nào của lần đầu trở lại Pleiku ùa về – cái cảm giác ngậm ngùi trộn lẫn niềm vui tái ngộ.
Bạn thiết,
Khi bạn đọc những dòng này, mùa thu đã đi qua một nữa. Hơn tuần nay nhiệt độ xuống thấp, trời lạnh gắt và gió đem về đám lá tơi tả trước sân. Nơi đây lại sửa soạn cho một mùa lể hội, những ngôi nhà bắt đầu giăng đèn, kết hoa và thiên hạ đua nhau mua sắm quà lể cho mùa giáng sinh sẽ tới. Tối hôm qua em cùng mấy đứa em đi nghe nhạc, live show của một nam ca sĩ mà cả nhà cùng yêu thích, hình ảnh người cha hát trên sân khấu và đứa con trai chưa đầy 3 tuổi ngồi với người vú dưới hàng ghế khán giả làm lòng vô cùng thương cảm, và câu “hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người, còn cuộc đời ta cứ vui” của bài Để Gió Cuốn Đi làm lòng chùng xuống. Nghĩ cho cùng, mọi thứ đều cũng đi qua - tuổi trẻ, ước mơ, mộng tưởng, cuộc đời – trong khi chúng ta đang đi tới điểm kết – the finish line. Có còn chăng là sự lãng quên.
Nhưng sao lẫn khuất trong góc của sự lãng quên vẫn còn một nỗi nhớ không tên?
Như vậy sẽ còn lại gì sau điểm kết?
Long Beach, 11/2010- Mùa Thanksgiving
BĐ: Trương Thu Thủy