Bạn thiết,


    Hầu như những chiều thứ bẩy trên đường về nhà từ nơi phố chợ, em đi ngang qua ngôi trường đại học thời giữa thập niên 80 tuổi trẻ và hầu như em luôn có một kỷ niệm kể cho đứa em ngồi bên cạnh để rồi sau đó là những khoảng lặng bùi ngùi.

    Chiều nay cơn mưa cuối mùa của một ngày cuối tháng ba rơi xuống những hàng cây cao, trên mái hiên những lớp học cửa đóng im lìm chiều thứ bẩy, trên bãi đậu xe thênh thang ướt át, em nhìn thấy những hình bóng cũ.

    Building B, phòng 101, Dr. Key, buổi học đầu tiên, nỗi lo càng tăng khi nhìn xung quanh không thấy một mái đầu đen nào, em ngồi xuống góc khuất cuối lớp, cúi gằm mặt, cầu trời cho ông đừng kêu đứng lên để tự giới thiệu về mình vì nhịp tim đang muốn làm vỡ lồng ngực của em đủ làm em ngất đi huống chi là em không nghe và nói được tiếng Anh. Đúng vậy, dù những năm trung học môn Anh Văn là sinh ngữ chính nhưng em giử lại chỉ hai chữ Yes và No (còn bao nhiêu trả cho Thầy hết), qua đây vì muốn đốt giai đoạn nên thay vì đi học Anh Văn em ghi danh thẳng vào đại học cộng đồng. Những ngày sau đó là vật lộn với từ điễn, với bài thi, có lẽ Dr. Key thông cảm khi nhìn mặt mủi ngu ngơ của đứa học trò không nói trôi chảy một câu tiếng Anh nào, nhưng siêng năng gò lưng trên chồng sách vở, ông dành cho em những nâng đỡ đặt biệt, cho mượn courses về đọc trước, cho thêm 15 phút khi nộp bài thi. Và rồi cũng xong, em có thêm nhiều bạn mới.

    Phương, nhỏ nhắn, thông minh, xông xáo, nói tiếng Anh như gió trong khi Kiều em Phương thì ngược lại, đẹp sắc sảo, e dè, ít nói, và đó là hai người bạn đầu tiên của em ngày trở lại làm học trò đại học. Dạo đó ai cũng nghèo, đi học dựa vào tiền trợ cấp sinh viên và công việc bán thời gian trong trường, đi học thường phải đón xe bus, chịu trận với những ngày mưa gió hay những ngày đông lạnh giá, chỉ có Phương là đã sắm xe, Phương có đầu óc kinh doanh, chịu khó lên Los Angeles tìm đến những xưởng may lảnh đồ về may gia công, cuối tuần lại đi rảo, lùng kiếm garage sale mua đồ về bán lại.
    Anh Tư Khôi, cựu giáo sư toán trường Sương Nguyệt Ánh Saigon, không nói ra nhưng hình như ai cũng coi anh như là trưởng nhóm VN của phân khoa business administration , có lẽ vì từng là giáo sư toán nên anh đi học như đi chơi, những ngày thi cả bọn bù đầu với sách vở thì anh ung dung ngồi cafeteria đọc báo, cũng như Cheng, du học sinh Đài Loan, con một vị bác sĩ giải phẩu nỗi tiếng (thông tin này từ Phương), anh đi học nơi đây vì học phí rẻ chứ chương trình học quá dễ so với trình độ của anh, do đó thời gian của hai anh bạn này phần lớn dùng vào việc kèm những người học kém (trong đó có em).

    Building B, phòng 104, Giáo sư Hollyway, hút thuốc như một ống khói tàu, điểm danh mỗi buổi học không sót ngày nào, vì vậy chị bạn luôn chờ ông điểm danh xong mới vào lớp. Chị tên Mỹ Ý, vì tiếng Anh không có dấu, khi đọc tên chị âm là my wife (vợ tôi), mỗi lần như vậy cả lớp quay lại nhìn chị cười, chị dấu khuôn mặt đỏ của mình vào đôi tay trả lời nhẹ như cơn gió thoảng yes, rất dễ thương, rất đông phương. Sau này tế nhị khi tới tên chị ông nhìn xuống chổ chị ngồi rồi tự check vào sổ điểm danh. Ông khó tính (bằng chứng là luôn điểm danh và trừ điểm những ngày vắng mặt) nhưng ông rất có lòng, sẳn sàng bỏ ra 2-3 giờ đồng hồ để chỉ giảng đi giảng lại một đề tài cho số ít sinh viên chậm hiễu ( trong đó lại có em).

    Building E, Computer Lab, Mr. Cox, phòng chỉ có 6 PC mà số sinh viên cần dùng lên đến hàng trăm, nhờ Ngọc nên Mr. Cox chịu mở cửa mỗi sáng thứ bẩy dành riêng cho nhóm , ông mê Ngọc như điếu đổ. Nhiều hôm xong bài vở tụi em rủ ông ra trước công viên phía trước trường chơi tạc lon, lần đầu chơi ông thua liên miên, chạy lượm lon phờ người nhưng ông lại rất thích trò chơi này, cũng từ hôm đó tụi em biết thêm về ông một chút, ly dị, không có nhà, sống trong xe. Ông thích Ngọc, vì người Mỹ cởi mở, tự nhiên không che đậy nên lắm lúc làm Ngọc sợ phải lẫn tránh ông.

    Building M, phòng 100, trái tim của phân khoa Khoa Học và Đời Sống, nơi đã có trong em biết bao kỷ niệm. Mùa học thứ hai, tạm quen với trường lớp và bè bạn mới, em tìm việc làm bán thời gian, trong khi chờ người phỏng vấn em ngồi cạnh một chị khá lớn tuổi. Chị Cẩn, lớn hơn em 8 tuổi, cựu giáo sư (chị là người em thương mến nhất như những người bạn thân của em ở PK vậy), có lẽ lớn tuổi và từng là nhà giáo chị nói “cô với tôi giải quyết cái đám hồ lô cố (?) này đi”, chị đi tới bồn chất đống những chai lọ, ống nghiệm của sinh viên , đeo bao tay vào và rửa, chị làm công việc mà những người xin việc đang chờ phỏng vấn không hề muốn dúng tay vào. Một người đàn ông cao lớn, tóc hung, kính cận, áo thun, quần jean thủng hai lổ ở hai bên đùi, hai lổ ngay đầu gối và mùi nước hoa đàn ông sực nức đi ngang qua em kêu lên “mang bao tay vào, có biết là những ống nghiệm dơ này sinh viên đã cấy vi trùng trong đó không?”. Trời, cái ông này là ai mà dám la người ta hoảng vậy, nhìn bộ dạng chắc là nhân viên ở đây thôi, làm gì mà ra oai dữ vậy, bộ tính ma cũ ăn hiếp ma mới hay sao chớ!
    Đúng là ma cũ- ma thâm niên, Dr. Roger Hough, Khoa Trưởng phân khoa Khoa Học và Đời Sống, người phỏng vấn em nửa giờ sau đó. Câu đầu tiên ông nói với em “phải mang bao tay vào khi rửa ống nghiệm nghe chưa” và như vậy em được nhận. Nhưng em không quen mang bao tay, ống nghiệm vào tay em thường là vào thùng rác vì em làm vỡ liên miên. Một hôm đi ngang qua nơi em đang rửa, ông không nói gì mà đi thẳng tới bàn của cô thư ký sếp của em: “Thủy cứng đầu quá, vẫn không chịu mang bao tay, cô kiếm việc khác cho nó làm, đừng cho nó rửa ống nghiệm nữa”.
    Em có phóng đại lắm không khi gọi nơi đây là trái tim của phân khoa Khoa Học và Đời Sống, khi những người khác gọi là Stock Room – phòng chứa đồ. Phòng nằm lọt thỏm ở giữa, có thể đi thẳng vào những lớp học bao quanh. Phòng là nơi tụ họp của giáo sư trong giờ giải lao, phòng là nơi những bài giảng, đề thi được đưa tới những lớp sinh vật, cơ thể học, sức khoẻ và đời sống. Phòng chứa từ những vỏ ốc nhỏ xíu, sợi rong biển mong manh tới những bào thai 3 tuần tới 9 tháng tuổi được ngâm trong những bình formaldehyde sắp thứ tự theo tuổi tác bên cạnh những bộ phận khác của cơ thể con người. Phòng có 37 hộp gỗ lớn đựng đầy đủ 37 bộ xương người được đánh số từ xương sọ đến xương ngón chân (sau khi sinh viên học xong tụi em dựa vào những con số này sắp xếp lại, cho vào hộp gổ, các bạn thường đùa với nhau đừng để xương ông này lộn hộp bà kia). Phòng cũng có hai xác 1 nam 1 nữ cho môn cơ thể học và dọc trên tường là những kệ chứa vô số những chai lọ và ống nghiệm. Phòng nuôi 2 con rắn, vài con cá, môt bầy chuột bạch, 7 con rùa và rất nhiều con nhện. Phòng cũng là nơi làm việc của 10 thư ký phụ tá các giáo sư.
    Công việc của tụi em là chùi rửa những ống nghiệm, sắp xếp những vật thí nghiệm, mỗi thứ sáu lên Green House ở lầu bốn tưới cây (công việc mà ai cũng thích) cùng những việc không tên khác. Làm gần hai tháng thì một hôm Roger hỏi em có biết đánh máy không, em nói đang học, ông nói OK! Ngày mai cô làm thư ký cho tôi vì con nhỏ phụ tá của tôi lấy chồng bỏ việc rồi, cô sẽ được tăng lương. Thích thật, khi không lại được lên lương và lên chức (nói lên chức cho oai chứ cũng chỉ là một người sai vặt cho một ông lớn thôi) nhưng dù sao cũng thoát ra khỏi con chủ thư ký nhỏ hơn mình hách dịch, mặt lúc nào cũng khó đăm đăm, săm soi từng giây phút, và điều thích nhất là vẫn còn làm chung phòng với các bạn. Có như vậy những ngày lảnh lương tiền rủng rỉnh, cả bọn nhét trong chiếc xe cà tàng của Long xuống Downtown ăn canh chua, cá kho tộ hay hẹn nhau tới nhà An đổ bánh xèo rồi trầm trồ tập album dày cộm Phú bạn trai An chụp. Có như vậy những buổi trưa ra dảy bàn trước phòng hành chánh, dưới những tàng cây cao toả bóng êm đềm và bầy chim dạn dĩ bày thức ăn đem theo cùng ăn, kể lể cho nhau chuyện nhà, chuyện học, chuyện tưởng chừng như rất xa xưa nơi quê nhà cách chia nữa vòng trái đất.

    Công việc của em quả thật là nhàn nhả, đánh máy những bài giảng hay đề thi rồi photocopy thành nhiều bản, chấm điểm qua máy chấm trắc nghiệm sau đó ghi vào sổ điểm, thỉnh thoảng đánh máy những thư hay memo cho ông gởi lên Viện trưởng. Thường em chỉ làm chừng 2 tiếng là xong nhưng Roger vẫn trả em giờ tối đa mà phòng lương cho phép. Vậy đó mà khả năng nghe và nói tiếng Anh của em vẫn không khá lên gì mấy, biết vậy nên ông thường giao việc cho em bằng cách viết xuống theo thứ tự những việc cần làm trước để trên bàn làm việc của em, và làm riêng cho em chìa khóa văn phòng của ông, hôm nào giao quá nhiều việc ông ghi thêm câu xin lỗi kèm theo hình vẽ một khuôn mặt bí xị có thêm hai giọt nước mắt, hôm nào muốn khen em làm việc chu đáo thì ông cám ơn kèm thêm bên cạnh một khuôn mặt tròn vo cùng nét cười toe toét. Một hôm em đang ngồi đánh máy, ông đi tới hỏi “Thủy, cô có lấy cuốn sách của tôi để trong văn phòng không?”, em trả lời yes không suy nghĩ dù không hiểu ông nói gì, nhưng khi nhìn nét mặt của các bạn và ngay cả ông, em hoảng hốt no! no! tôi không có (đã nói là những gì thầy dạy em chỉ có giử lại hai chữ yes và no thôi mà), ông cười lớn, vổ nhẹ vào đầu em “đừng lo, tôi chỉ hỏi vậy thôi”. Ông đi rồi chị Cẩn nói “cẩn thận khi nói yes nghe cô, có anh chàng nào tới hỏi cô có muốn làm vợ tôi không, yes là ổng dắt vô nhà thờ”, rồi chị thấp giọng “cô có biết những người đưa ra câu hỏi phần đông là muốn câu trả lời yes hay không?” Làm cho ông hai năm em chuẩn bị chuyển trường học tiếp chứng chỉ cữ nhân và theo thông lệ em phải nghỉ việc nhưng ông giử em lại làm thêm cho ông hơn hai năm nữa.

    Trường mới đẹp, rộng lớn nhưng xa lạ, các bạn có ngưòi đi nơi khác, có người chuyển cùng trường nhưng khác phân khoa, cùng phân khoa lại không cùng lớp, gặp nhau vội vả trên đường đến lớp chỉ đủ cười với nhau một nụ cười mệt mỏi. Trường không có dảy bàn trước phòng hành chánh dưới tàng cây cao toả bóng êm đềm, không có bầy chim dạn dĩ như hôm nào tặng chị Tâm một bãi trên đầu, cho các bạn một trận cười và chị Tâm một kỷ niệm khó quên, không có đàn thỏ nhởn nhơ trên bãi cỏ trước sân trường để tụi em những lúc nỗi tính trẻ thơ, ùa nhau rượt đuổi.
    Trường mới có khu đậu xe xa rộng chỉ làm khổ đôi chân và thời giờ nên thường các bạn chọn xe bus vừa tiết kiệm thời giờ và tiền bạc nhưng cũng gây ra vài chuyện nực cười như chị Hải, bửa dậy muộn không kịp giờ đón bus nên chị lái xe đến trường, tan lớp theo thói quen chị nhảy lên bus về nhà, cơm nưóc, lên giường chồng hỏi em đậu xe ở đâu sao anh không thấy, chị mới chực nhớ mình bỏ quên xe.
    Chuyển trường, em có thêm công việc bán thời gian nơi trường mới, học và làm ở trường buổi sáng, trưa nhảy lên xe bus về nhà dọn dẹp, nấu ăn, chiều tối làm việc ở trường cũ, quay cuồng như con thoi giửa ba nơi.
    Buổi tối ít lớp nên rất vắng, em Stock Room, Tom của phòng Study dành cho sinh viên mượn tài liệu hay hỏi bài, Ron phòng lab và vài giáo sư. Phòng vắng em có thể nghe được hơi thở của mình và sau lưng em cách chừng mười bước là nơi chứa hai người hiến xác thân cho khoa học.

    Một tối có người đi vào xưng là Mark, giáo sư mới, nhờ em đưa tới phòng tài liệu. Và như vậy suốt hai mùa học, ông đi ngang bàn em làm việc, gỏ vào bàn ba tiếng ,để lại một cây kẹo rồi đi vào lớp. Em không ăn, bỏ cây kẹo vào ngăn kéo. Ngày em bỏ học, bỏ việc làm để theo đuổi một hướng đi khác (quyết định này đã làm em hối tiếc khôn nguôi), dọn dẹp bàn làm việc, những cây kẹo đã đầy ắp hai ngăn kéo, em đem về bỏ vào bình thủy tinh lớn đặt cạnh những món quà của Roger cho em những ngày sinh nhật và lễ giáng sinh, giử lại như một kỷ niệm đẹp. Buổi tối ngày em rời khỏi, tiếng gỏ bên chiếc bàn thiếu vắng một dáng ngồi hẳn là lạc lỏng và cây kẹo trong bàn tay ngơ ngác hẳn là buồn bả biết bao.
    Và cho tới ngày rời khỏi nơi chốn ấy, Mark vẫn chưa biết tên em.

    Và dòng đời đẩy mỗi người mỗi cách xa.

    Phương bỏ học, chọn kinh doanh và trở thành một trong vài doanh gia đầu tiên thành công trong cộng đồng, kết hôn với người bạn trai thời nghèo khó. Kiều cũng vậy, kết hôn với người bạn trai đầu đời nhưng không hạnh phúc, ly dị và tái hôn. Cheng cắt đứt liên lạc, biến mất như sợi khói từ ngày Phương bỏ học, bạn bè đồn anh thất tình đi bụi đời nhưng em không tin vì em tin Cheng là một người mạnh mẽ. Anh Tư Khôi mất năm ngoái sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật. An kết hôn với Phú sau bốn năm quen biết, vượt qua những chống đối của gia đình nhưng rồi lại ly dị một năm sau đó. Năm 92 tình cờ gặp Nhàn trong tiệm cắt tóc, mới biết An tái hôn với ngưòi bạn hàng xóm cũ nhân chuyến đi về VN và đã có con. Từ Nhàn em biết thêm tin tức của Long, Long không kết hôn với Hiếu người bạn trai gắn bó thời đại học mà là một người bạn thân của Hiếu.
    Dr. Key kết hôn với người học trò của mình và là một người Việt Nam. Giáo sư Hollyway bị nhồi máu cơ tim trong văn phòng ông làm việc, 2 giờ sau mới phát hiện. Người ta tìm thấy Mr. Cox trong chiếc xe của ông đậu trước công viên (công viên mà ông và tụi em chơi trò tạc lon ngày nào), ông tự tử.
    Chị Cẩn, người bạn mà em thương mến, người đã khuyến khích, cho em những lời khuyên giúp em vượt qua những khi tinh thần xuống thấp gần như tận cùng, chị Cẩn, bà mẹ của ba vị bác sĩ bây giờ nơi đâu? Có một lúc muộn phiền đã khiến em buông xuôi, buông xuôi cả những số điện thoại thân tình.
    Năm ngoái em về trường cũ ghi danh học, đi qua những nơi chốn ngày xưa, dãy bàn trước phòng hành chánh đã thay mới, hàng cây vẫn tỏa bóng êm đềm, bầy chim ngày cũ có lẽ đã hóa thân nơi phương trời mới và những hình bóng đám bạn ngày nào bây giờ chỉ còn trong trí tưởng.
    Em tần ngần đứng trưóc cửa phòng 100 building M, vuốt nhẹ tay nắm cửa, bồi hồi nuốt những giọt lệ chực trào hai khoé mắt. Trên tấm bảng directory tên vị khoa trưởng không còn là Roger Hough và trong danh sách những giáo sư không có ai tên là Mark cả. Em tựa vào cánh cửa văn phòng của vị khoa trưởng ngày nào, nhắm mắt thấy hiện ra khuôn mặt tròn vo cùng nét cưòi toe toét, và âm vang trong đầu tiếng gỏ nhẹ vào thành bàn của những buổi tối năm xưa.
    Ôi, chỉ có một thời trong một đời, thời của những khung cửa lớp.


Thu Thủy                       
04-2012