Trương Thu Thủy


      


    Bạn thiết,

    Hơn hai tuần nay tâm hồn em bất định, đầu óc mang mang không tập trung vào công việc thì chiều qua em chợt nhận ra nguyên nhân, tháng này ngày giổ của ba em và năm nay em không về được để cùng mẹ thắp nén nhang trên phần mộ của ba. Em nhớ ba, thương mẹ vò võ quê nhà và nhớ một thời ấu thơ nơi phố núi.
    Ba em, một người mồ côi từ năm 9 tuổi, sống với người anh cùng cha khác mẹ và người chị dâu khắc nghiệt nên năm 14 tuổi bỏ nhà ra đi. Trên bước đường lưu lạc ba đã làm rất nhiều nghề từ giử trâu cho tới lơ xe, có nhiều lúc không có một nơi chốn để dung thân nhưng vẫn cố giử lòng lương thiện, rồi ba bị truy nã vì kháng Pháp nên bỏ trốn lên SG, sau đó lang bạt sang Lào, Nam Vang, Ban Mê Thuộc và cuối cùng dừng chân nơi phố núi. Đi nhiều, lăn lộn nhiều và thú mê đọc sách đã tích lủy cho ba một ít kiến thức - biết tiếng Pháp và khá rành về lịch sữ nước nhà. Mồ côi, xa anh em từ nhỏ do đó suốt thời tuổi trẽ và ngay cả sau này nữa khi ông đã con cái đầy đàn, bạn bè đối với ba là gia đình, là anh em và nhờ đi rất nhiều nơi nên mỗi chốn dừng chân ba đều có bạn, trong trí nhớ tuổi thơ của em có rất nhiều hình ảnh bạn bè của ba, đặc biệt là một người.
    Sau trận cháy nhà ở Ban Mê Thuộc mà tài sản còn lại là chiếc gối (mẹ kể chiều đó cháy ở xóm trên, mẹ lo chuẩn bị di tản thì ba nói còn xa lắm với lại lính chửa lữa gần xong rồi nên mọi người yên tâm đi ngủ, khi lữa cháy cận kề, ba mẹ hoảng hốt dẫn đám nhỏ chạy ra ngoài và khi nhìn lại trên tay ba chỉ có chiếc gối). Một người bạn cưu mang nhường một phần nhà sau cho ở, những người bạn khác thì quần áo, thức ăn, có người nhường cả công việc chở hàng để ba em kiếm thêm lợi nhuận. Ba mẹ em sống nhờ vào tình bạn bè hơn 8 tháng thì dọn lên Pleiku, năm đó em gần 6 tuổi.
    Đôi lúc em tự hỏi tại sao có những ký ức của thời 5 tuổi mà gần 50 năm vẫn còn rõ ràng như vừa mới xãy ra. Em vẫn còn nhớ những ngày ở tạm nhà chú của em, nhớ hôm một người thợ của chú bị ngất xỉu, chú kêu đứa con trai nhỏ của chú đi tiểu vào ly và đưa cho người thợ uống, cũng nhớ chính thằng bé này một trưa mãi chơi đùa nên ngã ngồi vào tô canh nóng. Nhớ ngôi nhà ba mẹ em mướn ở đường Phó Đức Chính có những bậc tam cấp rất cao, mỗi lần đi lên em phải bò, nhớ nhà bác hàng xóm có nguyên một cây đa cổ thụ ngay giữa nhà, nhớ nhà bác y tá kế bên trồng những hoa móng tay, nhớ cả cảm giác buồn buồn những trưa nắng lặng, tiếng rao của người bán hột vịt lộn trong giấc ngủ mơ màng những đêm hè, nhớ hôm ba đi xa về công kênh em trên vai đưa đi mua đôi guốc mới, và thói quen (hay cá tánh?) ngước nhìn lên bầu trời nên một hôm em vừa đi vừa ngước nhìn vấp hố bị gẫy tay.
    Nhà dọn lên Chợ Mới, thời đó Chợ Mới còn rất hoang sơ, từ đường Lý Thái Tổ trở lên là rừng có rất nhiều bụi tre, tụi em kháo nhau những bụi tre là nơi ma ở nên em chỉ dám bén mảng tới bìa rừng nhưng đó là nơi ông anh em rất thích tới, anh và những người bạn tới đó để bắt dế, chơi đánh trận, có lần ba anh em bị ba bắt nằm sấp xuống đánh đòn vì mê đi chơi bỏ cả bửa cơm và lần ông anh lớn em dùng dao lam chuốt tre làm diều bị đứt tay phải khâu mấy mủi. Nhà mướn là một nhà 3 phòng – phòng khách, phòng ngủ và một nhà bếp nhỏ, không có phòng vệ sinh nhưng điều này không phải là điều tụi em quan tâm lúc ấy. Điều tụi em quan tâm là hôm nay có bắt được con chuồn chuồn nào để cắn rốn cho biết bơi hay không phải bị bắt đi học ở trường Thầy Đô gần đó. Hình như trường thầy Đô là ngôi trường đầu tiên và duy nhất ở Chợ Mới khi đó, và chỉ có một mình thầy dạy từ mẫu giáo tới lớp nhất, em đi học thường mặc áo đầm, một hôm đứa bạn trai cùng lớp tên Thành bỗng dưng hôn lên má em một cái, rất hồn nhiên và vô tội, em mét với nhỏ em của hắn rồi hai đứa đi mét thầy, thầy bắt hắn quỳ gối. Sau này khi lớn lên, có lần gặp lại ở nhà dì, anh nhắc lại và tụi em có một câu chuyện vui đóng góp với bạn bè.
    Công việc làm ăn khấm khá, ba mẹ mua miếng đất trống ở đường Trần Quang Khải, 4 tháng sau thì mướn thợ cất nhà. Ngày khởi công em theo mẹ đem đồ tới cúng, có rất đông người nhưng chỉ một mình em bị tổ ong chích mà chích ngay vào ngón tay cái. Và đây là căn nhà đầu tiên của ba mẹ em. Em nghĩ trong chúng ta có ít nhất một căn nhà tuổi thơ trong trí nhớ của mình, với em là căn nhà ở 4A Trần Quang Khải này. Trong đầu thập niên 60 ngôi nhà này được coi là khá tiện nghi, có đồng hồ điện, có nước máy. Nơi đây ông anh em đã trồng cây ổi, cây mảng cầu và giàn hoa giấy đầu tiên. Ở được vài tháng thì người dì của em ở SG lên thăm, dì vừa mở trường tiểu học có chương trình Pháp nên muốn ba mẹ đưa em về SG học. Ở với dì được hai năm thì em quay về Pleiku và vào đệ thất.
    Đó là lúc em gặp người bạn của ba và ghi sâu vào trí nhớ của em. Ông lớn hơn ba em những 17 tuổi và là bạn của ba rất lâu trước cả khi ba em cưới má em. Ông là người đại diện cho họ đàng trai và người cậu họ của mẹ em cũng là bạn của ông đại diện cho đàng gái ngày đám cưới ba mẹ em. Vì ông lớn tuổi nên mẹ em gọi ông bằng chú trong khi ba em gọi là anh, tụi em đứa kêu bằng bác, đứa gọi bằng ông chú. Ông sau một lần gẩy đổ thì không cưới vợ nữa, ở một mình trong căn hẽm nhỏ ở chợ cũ, một tối đi làm về bị ăn cướp đánh, ba hay được năn nỉ ông về nhà em ở.
    Ông là một người nghiêm khắc và khó tính nhưng rất dễ thương. Ông về nhà em ở coi sóc những việc trong nhà như một người quản gia. Những người làm việc cho ba mẹ và ngay cả tụi em rất ngán ông. Từ ngày ông về khuôn khổ, nề nếp đâu ra đó. Với ông là “con gái phải thực như miêu”, là “không được vừa nói vừa cười”, là “ nè, ngồi thẳng lưng lên, ăn cơm không được chống đủa, nhai từ từ thôi, nhai phải ngậm miệng”, là “đi đứng, nói năng phải từ tốn, bây bộ đi giựt vàng sao mà vừa đi vừa chạy vậy?” là “con gái phải cười ngậm kim” nghĩa là khi cười phải tưởng tượng mình đang ngậm cây kim trong miệng, là “dậy! kiếm việc mà làm có biết là ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt không? Sau này còn có chồng, có con, về làm dâu để bà gìa chồng gõ đủa bếp lên đầu hay sao?” hay “Con gái phải kim chỉ, vá may, phải nhanh lẹ, chậm chạp như bây sau này có con, con khóc lòi rún tám sãi vẫn chưa có chai sữa bú”. Đi học, ăn ngủ phải có giờ giấc. Bạn bè em, gái cũng như trai mỗi lần tới nhà là ông hỏi như hỏi cung. Nhà có em và cô em gái cùng hai người chị bà con lên phụ việc, em nhớ nhất mỗi lần ông chỉ dạy điều gì luôn chấm dứt bằng cái chật lưỡi và câu “có con gái trong nhà như hủ mắm trên đầu giường, sơ sẩy là thúi um cả nhà” và “có con gái trong nhà như cái quần vắt trên vai, gặp khi gió lớn cái đáy nó bay lên cái đầu”. Lâu ngày, cái điệp khúc “có con gái trong nhà..” tụi em thuộc nằm lòng, mỗi lần biết ông sắp nói là tụi em nói trước lời “kinh nhật tụng” này. Ai cũng bị ông la rầy nhưng chỉ có nhỏ em kế em thì không bao giờ, ông rất thương cô em này vì mẹ kể năm cháy nhà ở Ban Mê Thuộc, ở nhờ nhà của bạn, ông ở kề bên, ba phải đi làm xa, mẹ sinh em bé trong bệnh viện, ông ở nhà chăm sóc cô em này nên thương em lắm. Năm em học đệ ngũ nhận bức thư tình đầu tiên mà em không biết là ai vì không ký tên chỉ biết là của ông em của ông Vĩnh Thạnh nơi em đang học đánh máy, em đọc xong tiện tay bỏ vào tủ chén, ông thấy và đưa cho ba mẹ em và em bị chất vấn mấy ngày trời thật là oan ức. Ba mẹ em cho tiền, ông để dành sắm vàng hết, có lẽ ông không con cái nên lo xa chăng?
    Một sáng ông thức dậy thấy đau ở sau lưng khoảng dưới vai, nghĩ là do cái hậu của lần bị ăn cướp đánh nhưng mỗi ngày đau nhiều hơn, mỗi lần đau ông kêu ông anh họ của em đấm mạnh vào chổ đau nhưng dùng sức cỡ nào ông cũng kêu là nhẹ quá. Bác sĩ chuẩn đoán ông bị ung thư gan, ông đón nhận tin này với một thái độ an nhiên tựa như người bị chứng bệnh nan y này là một người xa lạ nào chứ không phải là ông. Và ông bình tỉnh sắp đặt cho chuyến đi về cõi khác của mình “cái đồng hồ Rolex cho thằng Tuyên (ông anh họ của em), chiếc nhẫn 5 chỉ cho thằng Bu (một ông anh họ khác của em), sợi dây chuyền 1 luợng cho con Tuyết (nhỏ em gái em) làm của hồi môn khi nó lấy chồng, cái lắc 2 lượng bây (ông hay gọi ba mẹ em bằng bây) bán lo cho tang lễ của tao”, đặt một bộ quần áo màu đỏ cho ngày khâm liệm, ông sắp xếp như chuẩn bị cho chuyến đi chơi và thỉnh thoảng ông còn đùa “tao chết rồi thế nào tao cũng về nhát tụi bây chỉ trừ con Tuyết thôi”. Lúc ông mới bị bệnh, ba nhờ một vị bác sĩ chăm sóc cho ông, vị bác sĩ này còn rất trẻ và phục vụ trong quân y viện nên thường tới thăm bệnh ông vào buổi chiều sau giờ làm việc, có một cái tên rất đẹp Lê Thành Ý, quen biết thân rồi, có lúc anh trêu ghẹo em “ăn nhiều chóng lớn để anh cưới làm vợ”. Những tháng ngày sau đó ông vô ra bệnh viện như cơm bửa, ở bệnh viện nhớ nhà ông nhắn kêu người đón ông về nhà chơi đôi ngày, hai ông anh họ của em thay phiên nhau vào ngủ mỗi tối với ông vậy mà buổi tối ông mất, ông anh họ của em đi về nhà lấy thuốc khi trở vào thì ông đã ra đi, những người nằm cạnh nói lại trước khi mất ông gọi tên mọi người trong nhà. Năm đó em đang học lớp 9.
    Tang lễ của ông bạn bè của ông hầu như đủ mặt, có những người tận SG và Ban Mê Thuộc cũng đến, và tang lễ của ông rất ấm cúng, không nhuốm màu bi thương (em nghĩ ông cũng muốn như vậy). Tối đó có những người bạn của ông thức suốt đêm ca hát, em còn nhớ chú Năm Tài hát cải lương cương một câu “anh Mùi ơi, anh đi để lại cho tui nỗi lòng thương tiếc nhưng sao anh không để lại cho tui một chỉ vàng nào”. Vì ông không con cái và lúc sinh thời rất thương Tuyết nên mẹ em và Tuyết để tang cho ông, do đó có nhiều người tưởng là ông ngoại của em. Đám tang của ông rất nhiều người đưa tiễn, vậy mà có một bức hình một mình em - chỉ một mình em- đứng bên cạnh mộ ôm mặt khóc. Bạn có tin không? Hay là tự kỹ ám thị? Ba ngày sau khi mở cữa mả, tối đó bọn em (vợ chồng người anh họ, hai người chị bà con, em, Tuyết và một cô em họ) 7 người đang nói chuyện thì nghe một tiếng tằng hắng lớn - lớn đủ để tụi em chắc chắn là mình không nghe lầm - từ nơi góc phòng phía sau cánh cửa phòng của ông, rõ ràng là tiếng tằng hắng của ông, tất cả tụi em đều nghe, trừ Tuyết. Và một chuyện nữa, mẹ em không bán cái lắc để lo tang lễ như lời ông dặn mà giử lại làm kỹ niệm, bỏ trong tủ khóa và quên đi. Tiết thanh minh mẹ em đi về Bạc liêu tảo mộ ông bà, tối đó nằm mơ thấy ông về nói “Tư ơi, cái lắc của tao bị mất rồi” và đúng như vậy, tuần sau trở về nhà thì cái lắc không còn nữa. Lâu, lâu lắm sau này tình cờ bà mẹ của một người giúp việc của ba mẹ em khoe “thằng con tôi mua cho tôi cái lắc 2 lượng” nhà đoán ra người nào ăn cắp.
    Ba mẹ mỗi năm đều giổ chạp cho ông, khi Tuyết có chồng thì ba giao trọng trách này cho em. Ngày chú em báo tin nghĩa trang nơi chôn cất ông sắp giải tỏa, mẹ em lên bốc mộ và đem tro cốt ông vào chùa. Bạn thiết, có những người không thân thuộc nhưng thương nhau như ruột thịt, đó là tình bạn của ba em.
    Ba em còn rất nhiều người bạn nữa, phần nhiều là những người bạn tốt, những người bạn mà khi sa cơ, hoạn nạn vẫn không quay lưng với mình, những người bạn lận lội từ PK thời khốn khó về tận Bạc Liêu đem cho ba em bó thuốc lá, gói café, những người bạn khi gặp lại ôm chầm lấy nhau oà khóc như trẻ thơ, những người bạn khi hay tin ba em mất, đứng khóc ngay giữa chợ. Ôi !“Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bây giờ?”.
    Và vì sao em yêu mến ngôi nhà tuổi nhỏ ấy. Đôi khi em tự hỏi, khung cửa hình mặt nguyệt có còn trong ngôi nhà đó, và bức tường rêu phía hông nhà những ngày xưa cũ mỗi lần giận mẹ em ra ngồi hằng giờ ngắm lủ kiến châu đầu vào nhau trò chuyện có còn nguyên vẹn?

    Bạn có biết, trong hai chuyến trở về, em chưa hề đi ngang ngôi nhà thời thơ ấu ấy.

    Và có còn không những “hồn muôn năm cũ”?

     Trương Thu Thủy/ Cựu Hs Bồ Đề-PK
     Chín2ngàn10