PLEIKU, phố núi


(Vũ Thị Bích)


“Em Pleiku má đỏ môi hồng,
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông.”

Tôi đến với “phố núi cao, phố núi đầy sương” này vào một buổi chiều, nắng đã tắt. Phi cơ đáp xuống phi trường Cù Hanh, chơ vơ trên một dải đất màu gạch đỏ. Quạnh quẽ, với một dãy nhà thấp bé, không cây cối vây quanh. Từ một thành phố lớn đến đây, quả thật, tôi ngơ ngác như vừa lạc vào một thời nào đã xa xưa!

Tôi theo chồng về một nơi, ngược với hướng thành phố, gần đồn điền Sở Trà. Chúng tôi ở trong một túp lều tranh, bên ngoài doanh trại, như những gia đình khác.

Đêm đến, từ những mái nhà nho nhỏ ấy, đèn măng-xông, hay đèn dầu leo lét, được thắp lên trong màn đêm u tịch, nhưng ấm cúng; vì chỉ có yêu nhau họ mới đến với nhau, trong cái hoang sơ và đầy không khí chiến tranh này!

Sáng sớm thức giấc, tôi ra phía sau nhà. Nhìn chung quanh, một thung lũng sâu, đầy cây cỏ. Phía bên kia thung lũng, là dãy núi thấp dần, bát ngát. Sương trắng bay là là trước mặt, gió mát lạnh ẩm ướt, không gian im ắng, chỉ có tiếng chim và tiếng suối reo. Bên cạnh lu nước, là hai cây ớt hiểm, đang đầy quả chín, đỏ tươi. Tôi chợt yêu cảnh núi non hoang vắng này.

Thời gian qua nhanh, ngay hôm say ấy, chồng tôi đã phải ra tiền đồn. Nhìn theo chiếc trực thăng mang chồng đi xa, tôi thấy bơ vơ quá! Tưởng tượng thôi cũng đủ làm trái tim nhói buốt. Chiến tranh!

Anh đi rồi, phải tự nấu cơm thôi. Nấu bếp dầu cũng dễ mà! Khi nào cơm chín, chỉ cần thổi một cái, là bếp tắt ngay. Tôi cảm thấy tự tin, rồi cuộc sống sẽ ổn thôi!

Tôi khởi đầu tài bếp núc từ hôm ấy. Tôi mở nắp nồi cơm, nhiều lần, nếm thử hạt gạo, thấy đã mềm. Tôi yên chí đậy nắp, chờ vài phút, rồi vặn nhỏ lửa, cúi xuống thổi. Ngọn lửa thấp dần, thấp dần, nhưng không chịu tắt hẳn, lại bùng lên. “Chắc tại mình ngồi xa quá”, tôi lẩm bẩm. Cúi xát hơn, tôi thổi một hơi thật mạnh, ngọn lửa như biến mất, thật nhanh. Tôi cảm thấy “tự hào”, “Cuối cùng lửa cũng phải tắt!” Nhưng niềm tự hào không lâu, chỉ tíc tắc, lửa bùng lên giận dữ, tôi chưa kịp lánh xa, cả mặt tôi rát bỏng. Tôi ngã bật về phía sau, ôm mặt đau đớn. Tôi vội vã soi gương. “Ối trời ơi! Không phải là tôi.” Giống như một ai vừa bị tạt acid. Mặt tôi đỏ rực màu máu, lông mày, lông mi cháy rụi, tóc phía trước cũng cháy loăn quăn, khen khét. Tôi chẳng biết làm sao, chạy lại giường sắt nhỏ, quấn chặt chăn, nằm khóc. Bơ vơ quá!

Chiều đến, một người bạn lính của chồng tôi, một người chồng tôi đã gửi gấm tôi, ra thăm. Anh ấy gọi mãi, tôi không dám mở cửa, chỉ lên tiếng là tôi không sao. Nhưng anh ta thắc mắc, vì bình thường tôi vốn là người vui vẻ, thích bạn bè. Đẩy mạnh manh liếp, cột bằng một sợi dây thép, anh ta tông vào. Thấy mặt mũi tôi khiếp quá, anh ấy vội nói, “Để tôi gọi anh về ngay.” Tờ giấy nhắn tin, theo chiếc trực thăng ra tiền đồn. Chồng tôi đang đứng dưới chờ tin, và bất chấp hậu quả, anh leo thang dây lên phi cơ. Đêm ấy, anh tông cửa vào, ôm mặt tôi và bảo, “Thôi từ nay, em đừng nấu nướng gì cả. Anh đặt cơm tháng thôi!”

Năm học bắt đầu, tôi đi dạy học, nên chúng tôi dọn ra ngoài phố. Cuộc sống của tôi bắt đầu một đổi thay. Chồng tôi vẫn thường xa nhà, tôi hằng ngày đến trường, vui cùng học trò. Không còn đơn điệu nữa, mỗi ngày học trò đem lại một sắc thái mới. Có những buổi sáng mờ sương, từ trên lầu cao, tôi chờ đón từng học trò xuất hiện. Như trong chuyện thần tiên, các em bước ra từ đám sương mù, màu sữa. Hớn hở, tươi cười. Lòng tôi rộn rã. Bóng áo đen thấp thoáng đâu đó, nhưng không đủ để làm tối không gian đầy tiếng nói cười và những khuôn mặt trẻ trung, ngập tràn sức sống. Có những buổi tan trường, trên con đường ngoằn ngoèo đất đỏ, tôi lững thững theo sau đám học trò, đang ríu rít. Có những cậu con trai, cười tủm tỉm khi nghe các bạn gái huyên thuyên, lặng lẽ lách mình qua. Tôi yêu tuổi trẻ thánh thiện và tươi mát ấy. Có những đêm lửa trại, không nề hà gió núi sương đêm, chúng tôi quây quần ca hát. Có những buổi cuối năm, chúng tôi liên hoan đón mừng năm mới. Thầy hát, trò hát. Có khi là kể chuyện vui. Không khí Tết thật rộn rã nơi Phố Núi, trừ Tết Mậu Thân !!! Có những ngày tổ chức Đại Nhạc Hội, hội trường Thăng Long tưng bừng. Cho đến bây giờ, âm vang những bài hát ấy còn mãi trong tôi. Tôi vẫn còn nhớ giọng hát ấm mà cao vút, nồng nàn hơn ca sĩ, của em Ksor H’da trong bài “Giòng sông xanh”; em Đông với bài “Đêm Đông” thật ngọt ngào, truyền cảm. Pleiku dần dần đem lại bao nồng nàn cho cuộc sống, nơi gió núi buốt lạnh với sương trắng giăng đầy mỗi khi chiều xuống.

Cuộc sống trên cao nguyên gió lộng, êm đềm, nhưng đầy xao xuyến. Những mối tình giữa hai mầu áo, áo trắng học trò và áo treillis, đã làm không khí Pleiku sôi động. Chen lẫn nồng nàn là những khắc khoải, lo âu, của người hậu phương dành cho tiền tuyến. Tin chiến sự tràn vào thành phố mỗi ngày, những ánh mắt xa xăm, đắm chìm trong tiếng kinh cầu thầm lặng.

“Lấy chồng đời chiến binh,
Mấy người đi trở lại.”

Những xanh xao hao gầy, không chỉ vì kỳ thi sắp đến, mà còn vì tiếng pháo gần xa, những bài ca não ruột của một thời đất nước chiến tranh.

‘Em hỏi anh, em hỏi anh,
Bao giờ trở lại?
Anh trả lời, anh trả lời,
Mai mốt anh về.
Anh trở về,
Có thể bằng chiến thắng…
……… Anh trở về, đồi cây nghiêng ngả
Anh trở về, vì đã cụt chân
Em ngại ngùng, dạo phố mừng xuân
Bên người yêu, tật nguyền chai đá
Em hỏi anh, em hỏi anh,
Bao giờ trở lại?
Anh trả lời, anh trả lời,
Mai mốt anh về.
Anh trở về,
Bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng, sơn màu tang trắng…”

Làm sao người con gái bé bỏng không run rẫy khi nghe tin chận chiến đang khốc liệt, mà nơi ấy “chàng” đang cùng chiến hữu bảo vệ tuyến đầu!

Tôi còn nhớ, khi tôi đang học đệ nhị cấp, có nghe những câu hát như:

“Như cánh hoa trong thời loạn ly,
Ai đem giông tố bao trùm thế hệ!”

Bây giờ, tôi làm cô giáo, học trò tôi vẫn tiếp tục số phận thảm khốc ấy.

Mỗi khi chiều xuống, tôi chờ đợi chồng về. Đứng dựa cửa, khoanh tay, đếm từng chiếc xe qua. Từng chiếc, lại từng chiếc, xe cứ vụt qua, rồi mất hút ở cuối đường. Cứ thế, trời tối dần. Nhưng có những ngày anh không về; và có khi, đêm đã thật khuya, anh trở về vội vã, rồi lại hấp tấp ra đi. Có khi chiến trận trở nên khốc liệt, lệnh giới nghiêm được ban hành, từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng, không ai được ra đường. Có hôm, con trai tôi đột nhiên lên cơn sốt, uống thuốc rồi, tưởng đã yên, nhưng đêm ấy cơn sốt vẫn trở lại, con tôi nóng thật là nóng! Tôi ôm con khổ sở, áp chặt con vào lòng, mong cái nóng truyền qua cơ thể, cho thân nhiệt của con giảm xuống. Khắc khoải đợi chờ, kim đồng hồ vẫn chẳng chịu chạy mau, thủng thẳng gõ từng 15 phút một! Tôi se sắt nguyện cầu, tôi ước ao có chồng bên cạnh, tôi oán hận chiến tranh. Khi đồng hồ vừa gõ 4 tiếng, tôi ẵm con tông ra đường, chạy đến đập cửa nhà bác sĩ! Có ở vùng chiến sự, mới chia sẻ được cái khắc khoải, bi thương của người mẹ lúc ấy.

Nhưng cũng có khi thành phố như mở hội, cấm trại đã xả rồi! Áo treillis đủ mọi binh chủng tràn ngập thành phố nhỏ. Các thiếu nữ âu yếm đi bên cạnh người yêu, như nép vào nhờ che chở. Các quán cà phê mở khuya hơn. Tiếng nhạc vang nhè nhẹ, trong ánh đèn mờ, ấm cúng. Đâu đâu cũng nghe tiếng thì thầm của những kẻ yêu nhau. Và những buổi tan trường lại rộn rã, hàng xe jeep nối dài làm thành một bức tường xanh xám, các tà áo trắng vội vã biến mất, xe từng chiếc rời trường. Tôi thấy cuộc sống thật đáng yêu, mọi người đều đáng yêu.

Phố núi Pleiku nhỏ bé, nhưng tình nghĩa mặn nồng. Có những khi, đang ngồi uống trong một quán cà phê, chợt một cô bé mang đến cho một đĩa hoa ngọc lan thơm ngát. Nhìn chung quanh, toàn những khôn mặt thân quen. Không thể nào quên được những chiếc áo len của mấy bà chị đã đan cho con tôi. Tôi cũng vẫn nhớ mỗi chiều, chở xu xu đến từng nhà bạn bè để ‘nhờ ăn hộ’. Xu xu chĩu trái trên giàn, ngày nào tôi cũng thích thú, cầm rổ và kéo đi cắt xu xu, hằng trăm trái hái đi, hôm sau lại trĩu nặng những trái thật to, thật bóng, xanh mướt. Bố tôi đã trồng một giàn xu xu, và xu hào, xà lách, cà rốt, cà chua, mỗi thứ mấy luống. Phía sau nhà cây xanh trĩu trái, phía trước nhà vườn hồng đua sắc. Dãy xích đu ở góc vườn để khách dừng chân. Đôi khi ông hàng xóm ở thung lũng sau nhà, lại mang lên những trái mãng cầu chín, những cây mía ngọt. Ba cô bé học trò, trên con đường về nhà, thường mang đến cho cô giáo những trái mít dai, giòn và ngọt. Con cái đau ốm, bạn bè săn sóc. Vui chơi đã có bạn bè gần xa. Những buổi họp mặt rộn rã tiếng nói cười. Mọi người thật cởi mở, thân ái. Nếu muốn tìm nơi yên tĩnh, đã có Biển Hồ, Sở Trà, và các buôn Thượng, với người dân rất thật thà, chất phác, và hiếu khách.

Có những tối, gió đêm lạnh buốt, chúng tôi vẫn co ro trong mũ áo, cùng nhau đến quán cà phê, để cùng chia sẻ cái lạnh trong không khí ấm cúng ấy. Vì chỉ có mình chúng tôi có cặp, có đôi; nên chúng tôi luôn luôn phải xát cánh với bạn bè, để các bạn tôi không cảm thấy trống vắng. Chúng tôi tổ chức họp mặt, vui chơi cùng nhau, sau đó vợ chồng tôi đưa từng cô giáo trẻ về nhà. Còn các đấng nam nhi, thì ra về với nhiều lưu luyến. Cuộc sống thật mặn nồng, dễ thương làm sao!

Tôi nhớ những lần đón học trò, ở cổng trường thi. Cùng với cha Hiệu Trưởng và các bạn, tôi cũng nôn nao và bồn chồn, chờ đợi các em ra. Nếu thấy em nào ló mặt tươi cười, tôi chạy lại ôm lấy nó sung sướng. Nếu em nào mặt mũi tiu nghỉu, lòng tôi cũng xót xa. Quàng vai em, tôi bảo, “Không sao đâu, biết đâu em nghĩ sai, vả lại còn nhiều môn khác, cố lên!” Vui nhất là ngày thi cuối, chẳng cần biết kết quả sẽ ra sao, cả đoàn chúng tôi theo cha Hiệu Trưởng đi ăn, đi uống. Cha hăng hái bảo, “Cứ ăn đi con!” Nhìn các em tươi tắn, nét lo âu đã tan biến trên những khuôn mặt còn thơ dại, vừa thấy thương, vừa thấy đáng yêu.

Rồi hè đến, phượng bắt đầu nở, đỏ cả sân trường. Lưu bút chuyền tay, những lời ân tình trìu mến, những luyến lưu hò hẹn. Có kẻ sẽ bỏ đàn mà đi. Tất cả đều là vợ con lính mà! Có kẻ sẽ trở về thành đô. Rồi mai này, những người mới lại đến. Gia đình Pleiku cứ thế lớn dần và đông đúc như truyền thuyết Âu Cơ. Pleiku vốn là nơi tập trung từ mọi miền đất nước, nên khi tiếng ve vang rền khắp chốn, Người người vội vã “về quê”, Pleiku vắng bóng học trò, vắng lặng và cô quạnh! Chỉ còn nơi đây những người con đất nước, luôn phải dãi dầu mưa nắng, để làm tròn nghĩa vụ của mình!

Pleiku phố núi với 10 năm tình nghĩa, đã khắc ghi trong tôi những kỷ niệm khó quên, những ân tình mãi nặng, những hình bóng mãi in sâu. Pleiku ơi, pleiku gió núi, mưa bùn ơi!



15 Tháng 1 Năm 2008 - Vũ Thị Bích



 

Global View of nhng and further information concerning chng
Site copied by FREE Go FTP