Vũ Thị Bích – 2008        



Seattle hôm nay mới ướt át làm sao! Mưa! Mưa rả rích từ trong đêm. Những giọt mưa giá buốt, ngấm dần. Tôi run lên vì lạnh. Chợt nhớ, một bài hát ngày xưa.

Em đến thăm anh, mưa vẫn còn nhẹ rơi
Muốn nói đôi câu nhưng thẹn thùng nhìn nhau
Vì rằng yêu nhau, nên nói không lên lời
Vì yêu, nên tôi viết cung đàn vui.

Mưa thường khiến người ta nghĩ đến nhau. Mưa lạnh quá, nên ai cũng muốn tìm một chút ấm áp. Nhưng, sao trong thơ văn, chỉ thấy “em đến thăm anh” lúc trời đổ mưa? Có lẽ, trời mưa, “các anh” thích vùi trong chăn ấm hơn? Nhưng, cũng trong văn chương, đôi khi, chợt nhớ, chàng đã chạy bay đến nhà nàng, dù đang nửa đêm, sương lạnh phủ đầy! Chỉ để đứng trước nhà, nhìn lên cửa sổ, đợi chờ một điều gì đó, chẳng biết có đến không?

Tuy nhiên, mưa vẫn luôn làm mềm lòng chúng ta, mưa như ngăn lại sự quay cuồng trong cuộc sống hiện tại, đưa ta về một khoảnh khắc nào đó của quá khứ, trong một không gian nào đó của ngày xưa.

Tôi nhớ, ngày xưa còn bé. Theo cha, giã từ Võ Tánh, Nha Trang; để ra học ở Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Cha mẹ tôi mua nhà ở Phước Tường, vùng ngoại ô Đà Nẵng. Mỗi ngày, cùng anh em và bạn bè, đạp xe đến trường. Không kịp ăn sáng, chúng tôi mỗi đứa “ôm” một ổ bánh mì, chạy vội. Nhà xa trường, nên không thể “ù ơ ví dầu”mãi được. Đi học trễ, mà gặp thầy Tổng-Giám-Thị, cao như Từ Hải, đứng chắn ngay đầu hành lang, thì….Chỉ nghĩ đến thế thôi, đã lạnh cả sống lưng rồi!

Đà Nẵng cũng hay mưa, không “thối đất, thối cát”, nhưng cơn mưa đến vội, mạnh mẽ và phũ phàng. Đám học trò chúng tôi, vẫn còn bé bỏng, thật đáng thương, khi lóp ngóp trong cơn mưa, còng lưng đạp vội đến trường, trên quãng đường xa, như dài vô tận! Có một điều lý thú, mà tôi vẫn nhớ, là, bánh mì ngấm nước mưa, bỗng trở nên ngọt lạ lung! Vừa ăn, vừa đạp xe, tôi hát lên, cho quên giá buốt:

Đồng bào ơi, ôm lấy tôi,
Đến khi nào, tôi hết rét, thì thôi!

Hai hàm răng run lập cập, khiến âm thanh như được cộng hưởng, nghe ấm áp và tha thiết làm sao!

Rồi những cảm nhận về mưa cũng thay đổi theo thời gian. Đôi khi, được nghỉ học, ngồi trong căn nhà ấm áp, nhìn những giọt mưa, trôi dọc theo từng cánh lá dừa, tí tách nhỏ xuống sân, khi cơn mưa vừa tạnh. Chợt thấy mình mơ màng, nghĩ đến ai. Nhớ đến một buổi tan trường. Vừa giắt xe ra đến cổng, trời đang mưa, chợt thấy ai đứng đợi bên đường. Vội kéo nghiêng vành nón, cố tránh ánh mắt ai kia. Nhưng sao đôi má vẫn bừng bừng, dù ngoài trời mưa đang làm ướt lạnh cả không gian.

Mưa cũng đưa tôi về những buổi sáng “vũ bão”. Đón taxi đen ở Đà Nẵng, từ 4 giờ sáng, gật gù trong cái chật chội, giữa đám sinh viên, phải sống xa nhà. Chúng tôi đến Huế, vừa kịp giờ vào lớp. Mưa ở Huế còn hãi hùng hơn. Xe đỗ ở bên hông chợ Đông Ba. Không thể trù trừ, chúng tôi khoác vội áo mưa, chạy như đang dự thi 100 mét, trên cầu Tràng Tiền đông đúc, giờ cao điểm của lũ học trò chúng tôi và các nhân viên công sở. Chúng tôi vừa chen chúc, vừa chạy, đầu cúi gầm, để tránh những giọt mưa phũ phàng, đập vào mặt mũi. Dưới gầm cầu, mưa làm nước sông Hương nổi bong bóng, vỡ vụn vội vàng! Mưa hất tung mũ, mưa len lỏi qua cổ, chảy dài xuống thân thể. Gió lồng lộng, làm hai vạt áo tung bay, tha hồ cho mưa phũ phàng tạt những giọt nước lạnh buốt trên tấm thân gầy gò của kiếp học trò! Bước vào trường, bên kia cầu Tràng Tiền, tôi ướt sũng!

Sợ thầy và bạn chú ý, tôi leo từng bậc tam cấp, bên ngoài giảng đường, để lên bậc ngồi cao nhất, cốt sao cho, tránh được sự quan sát của mọi người. Nhưng, chỉ một lúc sau, khi thầy đang giảng bài, hầu như tất cả các bạn, hai bên đầu dãy ghế, cả thầy giáo nữa, đều nhìn lên tôi. Thật ra, họ muốn tìm hiểu xem, giòng nước đang chảy thẳng đến bục giảng, từ đâu? Từ áo mưa và quần áo của tôi, đang đẫm nước! Ôi, xấu hổ làm sao! Kỷ niệm ấy, tôi còn nhớ mãi.

Theo chồng lên Pleiku đất đỏ. Mưa lại cũng đi theo. Mưa lầy lội. Nhưng mưa khiến chúng tôi gần gũi nhau hơn. Có những buổi tối giá lạnh, trời còn mưa, chúng tôi ngồi lâu hơn, trong những quán cà phê nho nhỏ, ấm cúng. Chẳng hiểu sao, nơi xứ cao nguyên này, nhớ lại, tôi thấy mình được sống trong một môi trường chân chất và thật thà làm sao! Hình như, chúng tôi không phải “đối đầu” với ai. Thân mật và thẳng thắn. Có lẽ thế, vì người dân tộc, chẳng đã giản đơn và mộc mạc đó sao? Hay cái gần gũi, giữa sự sống và cái chết, đã khiến chúng tôi, không nỡ làm khổ nhau? Ôi, mưa Pleiku, mưa nơi phố núi của một thời tuổi trẻ, mộng mơ, thanh bình trong xao động của không khí chiến trường!

Mưa Sàigòn, với nước dâng ngập lối. Mưa khiến tôi hì hục đẩy xe. Mưa khiến rác rưởi tràn sông, bập bềnh trong làn nước đục, vướng bước chân người. Nếu mưa chỉ rơi nhẹ thôi, sẽ làm đậm thêm màu đen của thân cây xù xì, để lá me như xanh biếc hơn, trong không gian trống vắng. Nét đẹp ấy mới dễ thương làm sao! Nhưng mưa Sàigòn đến nhanh, và cũng tạnh mau. Sau cơn mưa, từng đoàn người núp vội, túa ra đường. Saigòn lại tưng bừng nhịp sống. Các nữ sinh áo trắng, lại tung tăng trong nắng, ríu rít tiếng nói cười.

Mưa Hà Nội, về mùa hè, hơi lạ. Chợt đến, chợt đi. Mưa ào ào, khiến ta vội tìm nơi ẩn núp. Chưa kịp yên chỗ, mưa như tạnh hẳn, chỉ còn những con đường loang loáng ướt!

Mưa Seattle thì khác hẳn. Mưa rả rích, từ ngày này qua ngày khác. Mỗi ngày, mưa rồi tạnh, tạnh rồi lại mưa! Mưa làm xanh cây cỏ. Mưa đem lại sự tươi mát. Nhưng nhiều lúc, mưa đem theo cả giá buốt, khiến chúng ta như co lại. Cái co ro trong giá rét, như nhắc ta một hiện thực, cảm nhận được cái lạnh lẽo và cô đơn biết bao! Đây không phải là mưa Đà Nẵng, mưa Pleiku, mưa Sàigòn, hay mưa Hà Nội, của một quê hương đầy nắng ấm. Đây là mưa vùng Tây Bắc nước Mỹ, giáp giới với Canada, xứ sở tiếp cận vùng Bắc Cực. Mưa nơi này, trong cái giá lạnh, nhắc ta về “một thời nắng ấm hoa môi” (LLL) với bao nuối tiếc!



Vũ Thị Bích – Seattle, 12/2008


BBT LTPK: Chúng em kính tặng Cô bài: Ướt Mi ("Ngoài hiên mưa rơi rơi... Lòng ta như chơi vơi. Buồn ơi nước mắt hoen Mi rồi...."), đễ nhớ những cơn mưa dai dẵng không bao giờ dứt của Phố núi Pleiku, của Seattle-WA, và đễ nhớ nhung những ... riêng tư... cũa chúng em nữa....Cám ơn Cô!




More on: nhng and chng
Site Powered by FREE GoFTP Client