Nguyễn Đăng Dự
Tôi nhận chức vụ Hiệu-Trưởng trường trung-học Phạm Hồng Thái Pleiku vào đầu tháng 3 năm 73, hồi đó trường còn mang tên là Trường Trung học tỉnh hạt Pleiku,
Ngôi trường nằm trên một ngọn đồi thoai thoải trên con đường Lê Lợi nối dài đi về hướng phi-trường Cù -Hanh.
Bước qua cổng trường, phía bên tay phải là một dẫy phòng , phòng đầu tiên là phòng Tổng Giám Thị và Phòng Học-Vụ nối tiếp là các phòng học được nối với nhau bằng vài bực tam cấp, bên tay trái là một dẫy phòng học mà bốn mùa đón nhận những cơn gió từ phi-trường Cù-Hanh thổi về cũng như tiếng động từ bãi đáp trực thăng gần đó vọng lại !
Đối diện với cổng trường là một dẫy phòng học và văn phòng tôi chiếm một đầu bên tay phải.
Sân trường rộng mênh mông với cây cột cờ ở giữa và với loại đất đỏ đặc biệt của Pleiku, bụi mù khi trời nắng và dẻo quẹo dính cứng vào giầy dép khi trời mưa !
Buổi làm việc đầu tiên trong văn phòng tôi vặn chiếc nút điều khiển cho chiếc quạt trần chạy hết tốc lực để xua đuổi đi phần nào cái không khí nóng hừng hực đang như muốn đốt cháy làn da .
Tiếng trống trường chợt vang lên, tôi đưa mắt nhìn ra ngoài sân ,trước mỗi phòng học các em học sinh đang tíu tít chen nhau xếp hàng để vào lớp, có những em nữ sinh đã cầm đưa tà áo dài lên để che đầu, có nhiều em thì che nắng bằng những chiếc cặp da hay bằng những cuốn vở. Cả một sân trường không một bóng cây !
Ngày hôm sau một buổi họp Hội đồng Giáo sư đã được cấp tốc diễn ra và đi đến quyết định là những cây phượng sẽ được trồng trong sân trường để đem lại bóng mát cho các em học sinh trong vài năm tới và biện pháp giải quyết tạm thời là các Giáo sư sẽ cho các em học sinh vào lớp một cách mau chóng !
Tin tức về dự án đem hoa phượng đỏ về sân trường phổ biến tại từng lớp do các Giáo-sư chủ nhiệm đã được sự tán thành nồng nhiệt của các học-sinh. Mặc dù cây con cung cấp miễn phí bởi Ty Thủy Lâm chưa được chở về nhưng các Toán trồng cây, Toán tưới cây đã được mau chóng thành lập với sự tham dự nồng nhiệt của các em học sinh.
Hai tuần sau đó, vào một buổi sáng hơn 50 cây phượng con xanh mướt đã được chở tới sân trường do sự giúp đỡ của Trưởng ban Diệt trừ sốt rét Nguyễn thanh Huy với chiếc xe Landrover. Tôi được biết anh Huy cho tới giờ này đang sống tại Cali và vẫn còn đang tiếp tay với các em cựu học-sinh Pleiku nơi đó. Xin được gửi tới anh lời cám ơn.
Tiếng đào đất, tiếng cười đùa, tiếng ơi ới gọi nhau của các em học sinh vang lên khắp mọi nơi và chỉ không đầy 2 tiếng sau các cây phượng con đã được trồng rải rác khắp sân trường với những hàng rào nho nhỏ xinh xinh chung quanh mỗi cây.
Tôi không thể nào quên được những khuôn mặt mướt mồ hôi dính đầy bụi đỏ với những nụ cười rạng rỡ đứng chống xẻng nhìn chăm chú những cây phượng vừa được trồng
xong !
Rồi những ngày sau đó giếng nước sau trường hầu như lúc nào cũng vang lên tiếng cười đùa của các học sinh trai cũng như gái kéo nước tưới cây.
Những cây phượng con với sự chăm sóc nâng niu của các em học sinh nên đã lớn mau như thổi, có những ngày Chủ nhật tôi đã thật cảm động khi thấy có những em đã ghé vào trường để chăm chút tưới từng gáo nước cho từng gốc cây. Tháng ngày đã trôi, mái tóc tôi nay đã điểm sương để không còn nhớ được tên các em, các em đã có trở về để thăm lại những cây phượng ngày xưa hay cũng như tôi vì lưu lạc xứ người hay vì cơm áo nên chưa một lần về thăm !?
Mùa hè năm đó, sân trường vắng bóng học sinh, bác Thảo người lao-công già nua độc nhất của trường đã lầm lũi sáng cũng như chiều đi từng gốc cây một để tưới từng gáo nước, sửa sang lại những hàng rào xiêu vẹo.
Tôi rời Pleiku vào buổi chiều ngày 16 tháng 3 năm 75 khi nắng vàng còn le lói trên đầu những cây phượng hồi đó đã cao bằng đầu người, sân trường vắng hoe, đoàn người di tản đông nghẹt xôn xao trên con đường trước cổng trường. Tôi đã đi tới từng cây phượng dể nhìn như một lời từ giã, con chó Kiki thân yêu theo tôi từng bưóc chân cho tới cổng trường., tôi đưa tay vỗ vỗ trên đầu nó, miệng dặn dò ở lại ngoan rồi vội vàng quay đi khi chạm vào ánh mắt an phận và hình như mang đầy nước mắt. Mắt tôi cũng đã cay cay, khói đã lên cao tại phi trường Cù-Hanh, tôi quay lại nhìn bao quát ngôi trường với những cây phượng lần cuối, lòng thắt lại như biết từ đây sẽ là vĩnh biệt !
Ngày 9 tháng 4 năm 75 sau mười ngày lênh đênh trên biển chiếc tầu tới được Subic Bay tại Phi Luật Tân nơi có trại tỵ nạn Mỹ. Nhìn lá cờ Việt Nam được hạ xuồng tôi xót xa và hiểu là mình đã chính thức bắt đầu mang thân phận của người dân mất nước !
Cùng với gia đình đặt chân lên đất liền tôi đưa mắt nhìn ngay vào những cây cối trong trại để xem có cây phượng nào hay không ! Với tôi những cây phượng của trường Phạm Hồng Thái như đã là biểu tượng cho ngôi trường, biểu tượng cho các em học sinh yêu dấu mà tôi muốn được nhìn thấy lớn lên vững mạnh và đem bóng mát cho đời, cho những người chung quanh.
Vài ngày sau đó tôi và gia-đình được chở qua trại tỵ nạn chuyển tiếp ở đảo Guam trước khi vào lục địa. Những lần chuyển trại ở đây từ trại lều Orote Point đến trại Asan với những dẫy nhà bằng gỗ mắt tôi vẫn đi kiếm những cây hoa phượng nhưng không bao giờ được thấy !
Đời sống trong trại tị nạn là những ngày dài với 3 buổi xếp hàng thật lâu cho 3 bữa ăn sáng, trưa, chiều.. Nỗi nhớ quê hương, niềm lo lắng cho người thân và tương lai là những cái gì mù mịt trước mặt làm người ta cãi nhau vì một chỗ đứng trước sau.!
Tôi đã tìm nguồn vui trong lúc xếp hàng bằng cách thả hồn về những cây phượng , về ngôi trường Phạm Hồng Thái, về ngôi trường Minh-Đức, về ngôi trường Pleiku nơi đã cho tôi muôn vàn kỷ-niêm ấm êm của thuở đầu đời đi dậy.
Sân trường Trung-học Pleiku, con dốc nhỏ trên đường Hoàng-Diệu, rãnh nước với những đám cỏ dại bên đường nơi tôi đã qua lại không biết bao nhiêu lần trong một ngày….con đường yêu dấu nối liền Minh-Đức và Trung-học Pleiku. ! Con đường mà các em đã tung tăng tới trường hồn nhiên vui tươi như những đàn chim nhỏ, những tà áo trắng đã tung bay, những bộ đồng phục quần xanh áo trắng đã rộn ràng làm vui đường phố những buổi ban mai lành lạnh của vùng phố núi.
Cuối tháng 7 năm 75 con gái út của tôi được sinh ra trong trại tỵ nạn Fort Indiana Town Gap tại tiểu bang Pennsylvania, Hoa-Kỳ. Giấy khai-sinh mang quốc tịch Mỹ nhưng tôi đã đặt tên cho cháu hoàn toàn tiếng Việt là Nguyễn thị Hải-Miên để ghi dấu lại cái cô đơn giữa biển cả của một người đã mất quê hương !
Mùa hè đã về trong trại ty nạn, cái nóng nung người càng làm tôi nhớ tới những cây hoa phượng , tới phấn trắng tới bảng đen. Khuôn mặt các em trong từng lớp học cũng đã hiện về trong những đêm dài thao thức.
Tôi chán ghét chiến tranh, tôi chán ghét nhìn những cảnh bom đạn rơi trên quê hương được chiếu thường xuyên trên tivi thời đó nên đã xin qua Canada.
Nơi tôi ở bốn mùa thay đổi, mùa xuân là những cánh rừng trắng bạt ngàn với loài hoa mai xứ lạnh, những cánh đồng vàng ới hoa bồ công anh chạy dài đến tận chân trời , mùa hè là những con đường hai hàng cây xanh mướt, mùa thu là những cánh rừng phong muôn vạn sắc mầu và mùa đông là những cây thông xanh phủ tuyết trên cành như những chùm hoa trắng đang rộ nở, tuy nhiên tôi vẫn đã mơ về những cây phượng của con đường Quang-Trung, của con đường Trịnh Minh Thế, cây phượng bên cạnh trường Minh-Đức và nhất là những cây phượng bé bỏng mà các em học trò Phạm Hồng Thái ngày xưa đã hàng ngày săn sóc , tôi thèm muốn được nhìn những cây phượng ngày xưa !
Đầu năm 83 tôi nhận được tấm hình đầu tiên của ngôi trường cũ, tường vôi đã rêu phong, mái trường đã rỉ sét nhưng những cây phượng bé bỏng ngày nào tàng cây đã phủ kín sân trường. Những hàng cây đã đem lại bóng mát như ngày nào chúng ta đã hằng mong ước ! Tôi đã nhìn lại được bóng dáng các em qua những hàng cây phượng.!
Mới đây nhờ internet các em trong nước đã tới tấp gửi về cho tôi những tấm hình mới của trường, ngôi trướng cũ đã hoàn toàn biến mất nhường chỗ cho một ngôi trường mới khang trang hơn nhưng những cây phượng thân yêu của các em, của chúng ta vẫn còn đó.
Ba mươi lăm năm đã trôi qua, tôi cũng như các em mái tóc nay đã nhuốm mầu thời gian, giũa chúng ta đã kẻ còn người mất nhưng tôi mong các em học sinh và giáo chức của trường Phạm Hồng Thái trước 75 hãy hãnh diện là mỗi người trong chúng ta ít nhất đã làm được một điều có ích, những cây phượng vẫn còn đó để mang lại bóng mát cho thế hệ thứ hai của ngôi trường yêu dấu .
.
Nguyễn đăng Dự
Cựu G/s Phạm Hồng Thái 73-75
|