Trung Học PLEIKU  
PLEIKU  
 
  Về Trang Chính
 
Lịch Sử Trường Trung Học PLEIKU
1958-1960

Trường Trung Học Pleiku thành lập vào năm 1958 ban đầu chỉ có 2 phòng học cho hai lớp đệ Thất, chia theo sinh ngữ chính Anh Văn và Pháp Văn và nam nữ học chung. Trường tọa lạc trên đường Lê Lợi, trong khu vực trung tâm thành phố, cùng khuôn viên với Ty Thú Y Pleiku, cạnh chợ Nhỏ, đối diện với mặt sau Ty Y Tế và Bệnh Xá Pleiku. Vị Trưởng Ty Tiểu Học Pleiku lúc bấy giờ là ông Nguyễn Thúc Biểu kiêm nhiệm quyền Hiệu trưởng Trung Học Pleiku.
Theo đà phát triển của dân số tỉnh Pleiku, mỗi niên học trường sẽ xây thêm 2 phòng học và mở thêm 2 lớp kế tiếp cho con em quân dân cán chính trong tỉnh theo học.

1960-1962

Vào đầu niên học 60-61, bốn vị giáo sư đầu tiên của Trường Trung Học Pleiku tốt nghiệp đại học Sư Phạm Huế được Bộ Gíao Dục VNCH bổ nhiệm về trường là thầy Lê Bích, thầy Lê đình Tứ, thầy Lê Tất Phùng và thầy Trần đình Đăng. Trường lúc này có được 6 lớp gồm 2 lớp đệ Thất, 2 lớp đệ Lục và 2 lớp đệ Ngũ.
Tháng 12 năm 1960, thầy Lê Bích được chính thức đề cử làm Hiệu trưởng Trường Trung Học Pleiku.
Vào niên khóa 1961-1962, trường hoàn tất bước đầu xây dựng một trường trung học đệ nhất cấp gồm 8 lớp từ đệ Thất đến đệ Tứ với 6 phòng học, một văn phòng cho hiệu trưởng và giáo sư cất theo hình chữ U bao gồm sân chơi và cột cờ chính giữa sân trường. Trong niên học này trường được bổ xung 4, 5 giáo sư vừa tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm hoặc thuyên chuyễn từ các tỉnh miền Trung về như thầy Nguyễn Văn Hòa, thầy Phạm Thế Hùng, thầy Ngô Hiệp, cô Lê Thị Kiều Diệm, thầy Hoàng Văn Lân, thầy Nguyễn văn Vinh (dạy nhạc), thầy và cô Lại, thầy Lê văn Lộc (Lê Uyên Phương, bổ túc từ trường tiểu học, dạy nhạc) …
Cuối năm 1962, thầy Lê Bích bị động viên nhập ngũ. Thầy Nguyễn Văn Hòa ( vừa từ trần tại Việt Nam tháng 3 năm 2007) được chỉ định Xử Lý Thường Vụ Quyền Hiệu trưởng Trung Học Pleiku. Mấy tháng sau khi niên học chưa chấm dứt, thầy Nguyễn Văn Hòa cũng bị động viên phải lên đường tòng chinh.
Tháng 9 năm 1963, thầy Ngô Hiệp được đề cử làm Hiệu trưởng Trường Trung Học Pleiku thay thế thầy Lê Bích.
Nhân viên Văn Phòng nhân viên trường gồm có: thầy Bùi quang Cẩn (Giám thị), Lương Đình Ngoạn, Dương Văn Vơn, Nguyễn Văn Hậu và Bác Quế.


1962-1963

Đây là năm học đầu tiên trường mở thêm 3 lớp đầu tiên của đệ nhị cấp: đệ Tam Ban A/ B/ C (Ban-A: Khoa Học Thực nghiệm, Ban-B: Toán Lý, và Ban-C: Văn chương và Sử Địa).
Trong khuôn khổ phát triễn văn hóa và giáo dục của Bộ Giáo Dục VNCH lúc bây giờ, nhiều giáo sư đệ nhất cấp và đệ nhị cấp tốt nghiệp từ Đại Học Sư Phạm Huế, Đà Lạt và Sài gòn được bổ nhiệm về trường như thầy Thái Văn Duy, thầy Trần Đình Thành, thầy Trần Đăng Quang, thầy Ngô Trọng Dụng, thầy Lê Thanh Mãn, cô Nguyễn thị Phước Mỹ, … và bổ sung bởi một số giáo sư đệ nhất cấp được tuyển dụng trực tiếp hay từ các trường tư thục trong tỉnh theo chế độ “dạy giờ”. Trường lúc này trực thuộc Ty Học Chánh Pleiku và chịu trách nhiệm với khu học chánh Cao nguyên Trung phần.

1963-1964

Thời gian này dân số tỉnh Pleiku phát triển nhanh song song với việc chuyển đổi gia đình quân nhân tập trung về bộ tư lệnh quân đoàn 2 đóng tại phía bắc thị xã nên ngôi trường Trung Học Pleiku, trên đường Lê Lợi cũ, với diện tích hạn hẹp không đủ phòng ốc cho học sinh ngày một gia tăng. Đầu năm 1963, lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng trường Trung Học Pleiku mới trên đường Hoàng Diệu nối dài (nằm giữa trường Phao Lồ và Tuyên Đức) với sự tham gia của chính quyền các cấp trong tỉnh Pleiku. Ty Kiến Thiết Pleiku chịu trách nhiệm thiết kế và Ty Công Chánh Pleiku chịu trách nhiệm thi công xây dựng trường.
Nhiều giáo sư đệ nhất và nhị cấp tốt nghiệp từ Đại Học Sư phạm Huế, Sài gòn, Đà Lạt được bổ nhiệm về trường như: thầy Trần Văn Tính, thầy Lê Quý Ánh, thầy Nguyễn Hữu Đàm, thầy Tôn Thất Hàn, thầy Võ Duy Thành, cô Lê thị Cúc, cô Huỳnh Thị Thúy Lan, cô Kiệm, thầy Toàn, …
Dù là một tỉnh lỵ cao nguyên mới thành lập xa Saigon nhưng Pleiku giữ một vị trí chiến lược quan trọng để bảo vệ hành lang các tỉnh miền trung và Nam Việt Nam; là bản doanh của công trình xây dựng con đường huyết mạch nối liền Qui Nhơn, Pleiku, Kon Tum và Quảng Ngãi (không thể hoàn thành trước 75). Sinh hoạt học đường của các trường công lập và tư thục tỉnh Pleiku cũng khó tránh khỏi nhiều xáo trộn, bị giật dây bạo động và biến động ngấm mgầm từ những xáo trộn chính trị và quân sự tại miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ.
Đầu năm 1964, thầy Trần Văn Tính từ Đà Lạt được chỉ định giữ chức Hiệu trưởng Trung Học Pleiku thay thế thầy Ngô Hiệp thuyên chuyễn về Đà Lạt. Thời gian này thầy Hồ Đình Hà (bị thảm sát tại Huế trong biến cố Tết Mậu Thân 1968) từ Huế được bổ nhiệm về Pleiku.

1965-1967

Niên học 65-66,thầy Lưu Văn Nhu và thầy Nguyễn Đức Trung về nhận nhiệm sở tại TH Pleiku. Thầy Nguyễn Duy Luật được chỉ định làm Hiệu trưởng Trung Học Pleiku thay thế thầy Trần Văn Tính thuyên chuyễn về Đà Lạt. Tháng 10 năm 1967, thầy Nguyễn Đức Trung được bổ nhiệm Hiệu Trưởng Trung Học Pleiku, và quyền Hiệu Trưởng Trung Học Pleime trong lúc trường đang xây dựng và niên học 67-68. Thầy Nguyễn Duy Luật thuyên chuyễn về trường Trung Học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị.
Niên học 1966-1967 Trường Trung Học Pleiku được tăng cường thêm một giáo sư người Mỹ, Jim Bigelow thuộc đoàn Thanh Niên Chí Nguyện Hoa Kỳ (I.V.S), và các giáo sư tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Huế, Sài Gòn hay thuyên chuyễn từ các tỉnh miền trung về trường hoặc dạy giờ như thầy Phạm Đổ Khiêm, cô Bùi Mỹ Dương, cô Nguyễn thị Hạnh, thầy Nguyễn Quý Viêm, thầy Lâm Bá Chí, thầy Ngô văn Khiết, cô Vủ thị Bích …
Trong khoảng thời gian này, bởi cường độ chiến tranh Việt Nam ngày càng leo thang, kéo theo sự thuyên chuyễn liên tục của các công chức và quân nhân VNCH thuộc Bộ Tư lệnh Quân Đoàn 2 đồn trú tại Pleiku, nhiều học sinh chỉ học vài tháng rồi theo gia đình đi nơi khác. Vì vậy ngoài kỳ thi tuyển vào lớp đệ Thất được tổ chức hàng năm trước mỗi năm học, trường thường bổ sung thêm học sinh qua các kỳ thi tuyển vào các lớp lớn hơn từ các trường tư thục trong tỉnh.

1967-1968:

Niên học này trường Trung Học Pleiku bắt đầu chuyển đổi thành trường nam trung học vì các nữ sinh trung học đệ nhất cấp được chuyển về trường nữ Trung Học Pleime (bắt đầu khai giảng với các lớp đệ nhất cấp). Các lớp đệ nhị cấp (đệ Tam đến đệ Nhất) vẫn gồm các nam và nữ sinh học chung. Đa số các thầy cô Trung Học Pleiku đều giảng dạy Trung Học Pleime và các trường tư thục trong tỉnh. Trong năm học này trường được bổ túc thêm các giáo sư vừa tốt nghiệp như thầy Trần đình Ngạc, thầy Lê văn Ngọc, cô Nhường, thầy Lê Xuân Định ….

1968-1969:

Thời gian này do việc điều động thuyên chuyển liên tục của các giáo sư mà thời khoá biểu của các lớp thường xuyên thay đổi. Nhiều lớp trong một niên khoá có sự thay đổi giáo sư bộ môn và cả giáo sư hướng dẫn (một môn học có thể từ 2 - 3 thầy cô phụ trách trong một năm).
Thời gian này thầy Nguyễn Quảng Cư (dạy Pháp văn) tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế bổ nhiệm về dạy tại TH Pleiku.

1969-1973:

Trong năm học 69-70, trường được bổ túc các giáo sư vừa tốt nghiệp Đại Học sư phạm Huế như: thầy Nguyễn Đăng Dự, thầy Trần đình Khuôn, thầy Lê ngọc Bưu …
Vào đầu năm 1971, theo Chỉ thị của Bộ Giáo Dục, chương trình giáo dục chuyển sang hệ 12 năm. Bậc tiểu học từ các lớp 1 đến 5, trung học từ lớp 6 đến lớp12 và bỏ hẳn cách gọi tên lớp kiểu cũ.
Niên khoá 1971-1972, học sinh lớp mười (đệ Tam cũ) chỉ còn nam sinh do trường nữ TH Pleime bắt đầu mở các lớp đệ nhị cấp.
Trường lúc này đặt dưói quyền quản trị của Sở Học Chánh Pleiku do giáo sư Thái văn Duy làm Chánh Sở. Sở Học Chánh Pleiku trực thuộc Khu Học Chánh Cao Nguyên Trung Phần tại Nha Trang và bộ Giáo Dục tại Saigon.
Trong khoảng thời gian này, nhiều giáo sư vừa tốt nghiệp Viện Đại Học Đà Lạt, Huế và Sài Gòn hay thuyên chuyễn từ các tỉnh lân cận được bổ nhiệm về trường như: cô Thái Thị Lựu, thầy Lê Mậu Phúc, Cô Hồng Ân, Cô Thũy, thầy Võ Thu Lương, cô Trương thị Ân, cô Phan Thị Lựu, cô Hà thị Mười Một (từ TH Pleime)...
Đầu năm 1973, Bộ Văn Hóa và Giáo Dục VNCH ra quyết định bãi bỏ kỳ thi Tú tài 1 vào cuối năm lớp 11 trên toàn quốc và học sinh tốt nghiệp trung học sẽ thi một kỳ thi tú tài duy nhất sau khi hoàn tất lớp 12.
Đầu năm học 72-73, thầy Lê văn Lập được bổ nhiệm Hiệu Trưởng Trung học Pleiku thay thế thầy Nguyễn Đức Trung chuyễn công tác về Bộ Giáo Dục tại Saigon.


1973-1974:

Đầu niên học 73-74, Bộ Giáo Dục ra chỉ thị cải tổ giáo dục: đổi kỳ thi viết Tú tài bằng kỳ thi trắc nghiệm (thường được gọi là Tú Tài IBM). Năm này giáo sư Phan Mỹ Thọ về dạy Triết lớp 12 của trường…


1974-1975:

Chiến cuộc leo thang tại miền nam Việt Nam tiếp theo những biến động chính trị, quân sự và trường Trung Học Pleiku đóng cửa vào khoảng giữa tháng 3 năm 1975 khi niên học chưa kết thúc.
Thầy Lê văn Lập là vị Hiệu trưởng sau cùng của ngôi trường thân yêu chúng ta trước 1975. Trong 17 năm lịch sử trường Trung Học Pleiku đã đào tạo biết bao học sinh ưu tú, công dân gương mẫu sau này trở thành những giáo chức, cán bộ khoa học kỹ thuật nồng cốt và những quân nhân kiêu hùng cho miền Nam Việt Nam.
Sau biến cố 30/4/1975 tên trường Trung Học Pleiku đi vào dĩ vãng và một trang sử đã khép lại.
Từ 1975 trở đi Trường Trung Học Pleiku trãi qua nhiều thay đổi như sáp nhập với trường Thánh Phao Lồ trở thành Trường Phổ Thông Cơ sở (cấp 1-3), và chính thức mang tên Trường Trung Học Nguyễn Du sau khi xây dựng thêm năm 2005. Hiện nay ngôi trường 2 tầng cũ được thay thế bằng 3 dãy lầu hình chữ U thuộc Phường Diên Hồng, thị xã Pleiku, tỉnh Gia Lai.

California tháng 6 năm 2008
Nguyễn Cửu Dũng, Cựu h/s Trung Học Pleiku
lớp đệ Thất nk: 64-65 và đệ Nhị B1 nk: 69-70.


*** Lời BBT:
- Chân thành cám ơn thầy Thái Văn Duy (Florida, USA), thầy Lê Văn Lập (Boston, MA), thầy Trần đình Thành (Milpitas,CA), thầy Trần đình Đăng (Dallas, Texas), thầy Nguyễn Quảng Cư (Ontario, CA), cô Nguyễn Phước Mỹ (Victoria, Australia), cô Thái Thị Lựu (Ontario, CA), và anh Lê tấn Hà (lớp đệ Thất nk: 63-64, Trung Học Pleiku, Garden Grove, CA)… đã đóng góp và bổ túc nhiều dữ kiện của bài viết này.
- Bài viết có thể thiếu sót tên tuổi nhiều thầy cô đã từng giảng dạy tại trường Trung Học Pleiku, những sự kiện liên hệ trực tiếp đến trường và chắc chắn các mốc thời gian không thể chính xác như mong muốn. Kính mong quí thầy cô và các bạn bổ túc, góp ý. Xin gửi về lientruongpleiku@gmail <mailto:lientruongpleiku@gmail.com. Đa tạ.

   
   
2009 www.ltpleiku.com
   

 

What the world says about trng and concerning thy
Secure FTPS (SSL) anywhere, Go FTP FREE Software