Pleiku Niềm Yêu Dấu  

“Phố núi cao, phố núi đầy sương,

Phố xá không xa nên phố tình thân...”

  Không biêt sao mỗi lần nghe ai cất lên những âm hưởng hay hát những câu hát trên, lòng tôi thấy bồi-hồi, xúc động la. Cả một thời kỷ niệm của những năm tháng thanh xuân, những ngày tươi trẻ hiện về trong tôi. Âm ba đó hầu như réo gọi, nhắc nhỡ về nơi chốn xa xưa, thành phố đã từng cho tôi hạnh phúc và đau buồn. Pleiku được mệnh danh “Phố Núi Cao”, nơi tôi hằng thương nhớ mỗi bận đi xa chưa kịp về. Hôm nay, dù tận bên ni bờ Thái Bình Dương, nơi vùng Bắc Mỹ xa xôi, tôi vẫn nhớ nhung khôn nguôi về nó.

  Pleiku, một phố nhỏ miền cao nguyên Gia-Lai, một vùng đất phía tây đất Việt, dọc biên giới Lào, Kampuchia, quê hương của đồng bào Thượng Jarai, Bana, Seđăng...Pleiku cũng là tên của một làng thượng nằm kề bên thị xã; theo tiếng Jarai “Plei” là đuôi và “ku” là trâu. Tên Pleiku là “đuôi trâu”. Tục lệ người Thượng Jarai, mỗi năm vào mùa thu hoạch lúa rẫy, họ tổ chức lễ cúng Giang ( Giang=trời) để tạ ơn trời đất đã cho họ “cái” lúa , “cái” ngô để ăn nên họ cúng lễ lớn bằng những con trâu. Sau khi tiệc tùng để lưu niệm họ gom bao nhiêu cái đuôi trâu lại và treo lên nhà rông (đình làng). Buổi lễ ấy cũng như buổi lễ “Thanksgiving” của người Mỹ. Làng này đã cúng nhiều trâu hơn các làng khác nên được có cái tên là Pleiku.

  Trước thế kỷ hai mươi, rất ít người kinh từ miền xuôi như Bình Định, Tuy Hòa lên đây làm ăn, buôn bán hay lập nghiệp. Pleiku lúc bấy giờ là nơi sơn lam , chướng khí, núi rừng điệp-điệp, trùng-trùng, đường sá đèo cao suối cả đi lại khó khăn. Những ai từ miền xuôi mạo hiễm lên mạn ngược này, ngày về chắc cũng xa vời như đường lên xứ Lạng ở ngoài Bắc. “ Ai lên xứ Lạng cùng anh, tiếc công cha mẹ sanh thành ra em.” Khoảng cuối thế kỷ thứ mười tám, anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ từ ấp Tây Sơn, Bình Định dưới đèo An Khê, bất bình trước cảnh quân nhà Thanh xâm lược, đã chiêu binh mãi mã, vượt qua thác đèo, núi rừng hiễm trở để lập căn cứ quân sự ở An Khê. Từ đó, dân kinh mới có vài làng mạc định cư ở miền cao nguyên này. Nơi đây đã trở nên đầu cầu để có sự tiếp giao với các buôn bản, bộ lạc người Thượng của người kinh. Tuy An Khê cũng nằm trong lãnh thổ Tây Nguyên, nhưng An Khê vẫn còn cách xa Pleiku cả trăm cây số đường rừng. Vào một thời buổi mà mọi di chuyển chỉ nhờ vào đôi chân, thì Pleiku, An Khê vẫn còn cách xa nhau diệu vợi.

  Qua một vài văn kiện, chiếu chỉ của Triều đình Nhà Nguyễn, Pleiku là một nơi thuộc Hoàng Triều Cương Thổ. Dưới thời Pháp thuộc, các vì vua Nhà Nguyễn đã dành cho người Thượng vùng này một chính sách tự trị rộng rãi hơn bao giờ.

  Pleiku nằm trên một độ cao khoảng 1000 mét so với mực nước biển, bao quanh bởi núi rừng. Khí hậu Pleiku mát mẻ như Đa-Lạt, chỉ khác đất Pleiku là đất ba-gian, do phún xuất thạch của các thời đại địa chấn trước đây tạo thành một vùng cao nguyên màu mỡ. Thời tiết Pleiku có hai mùa mưa nắng thuận hòa. Khi cả nước hầu như chịu cảnh bão -lụt hoành-hành, cao nguyên Gia-Lai vẫn bình an trong căn nhà sàn ấm cúng bên ngọn lửa bập-bùng với những ghè rượu cần thắm đượm tình quê. Pleiku nối miền duyên hải Qui Nhơn bằng con đường Quốc lộ 19, con đường chạy qua hai đèo An-Khê và Mang-Yang nguy hiễm. Mang-Yang theo tiếng người Thượng có nghĩa là “ Cổng Trời”. Nếu có một lần khách ghé về Pleiku qua đường 19 từ Qui-Nhơn, đèo đầu tiên là đèo thử thách. Con đèo này lên cao chót-vót. Cứ sau vài phút xe chạy qua, nhìn trở lại con đèo, ta thấy dưới kia suối đồi, núi rừng sâu thẳm. Sau khi vượt qua đèo An Khê, mọi người tưởng như đã “hú vía”, không còn gì phải lo âu trứơc mặt; nhưng không, chỉ vài chục cây số nữa khách lại phải đối đầu với những kinh-dị sững-sờ: Mang-Yang trước mặt. Trên chặng đường phía trước “Cổng Trời” con đèo xuất hiện trên cao. Xe bắt đầu giảm vận tốc, gầm-gừ nhả khói. Hành khách và tài xế yên lặng theo dõi từng mét đường đi qua. Ngòai sự sợ hãi, e-dè, không ai không tỏ ra khâm phục tạo hóa vẽ nên cảnh hùng tráng của nước non, càng đi lên, càng sương khói mịt-mù; gió lạnh cao nguyên xua vào làm ai-ai cũng rờn-rợn. Một vùng thiên-la địa võng hiện ra, không biết Tư-Thức ngày xưa lạc vào thiên-thai như thế nào, chứ khách về Pleiku chiều nay trên chuyến xe đò qua đèo Mang-Giang cũng thấy mình đang lạc vào nơi chốn nào vượt xa thế tục. Những ngày tháng chiến-chinh thăm-thảm , tuổi trẻ chúng tôi cứ tiếp nối những cuộc hành quân ngày nọ tháng kia, thui-thủi với núi rừng, suối đồi đèo cao dốc cả. Mỗi bận sáng mai sương khói hay đường chiều mưa đổ u-buồn, kẻ chinh nhân chúng tôi đã từng ngâm lên những vần thơ trác hận:

“Mang-Giang mưa đổ mỗi chiều,

Đoàn xe trổi nhạc về đèo núi xa,

Ta cười, ta khóc riêng ta,

Một vùng thế-kỷ xót xa một mình !!..”

  Pleiku cũng còn có Quốc lộ 14 nối liền Đăc-Lắc để đi Saigon. Hai tuyến đường 14, 19 cho Pleiku nối tình muôn phương bằng các chuyến xe đò sáng-sáng, chiều-chiều xuôi ngược hay những chuyến xe tải hàng hóa đi về. Miền xuôi cho Pleiku cá biển, cá sông, những hàng tươi giá hạ của vùng châu thổ. Pleiku hay Tây nguyên đổi lại bằng thơm, mít, chuối , đu-đủ, khoai sắn, cà-phê, trà, cao-su...những loại gỗ quí như cẩm-lai, hương...là những thổ sản của núi đồi cao nguyên thân thuộc. Nhiều, nhiều lắm, nhất là Pleiku là sản phẩm của yêu thương; người dân nơi đây dù thượng hay kinh luôn hiền hòa, hiếu khách, thành-thật, trung hậu.

  Vùng đất thành phố Pleiku khu trú là gồm đồi và lũng, nên du khách có thể thấy có lúc các căn phố phô diễn trên đồi cao nhưng cũng có lúc bẽn-lẽn, e-ấp như nàng sơn nữ diễm kiều che khuất mình bên chòm cây khe suối. Con đường từ ngã ba nơi hai con lộ 14, 19 giao nhau, chạy về cầu Hội-Phú là khởi điểm hạnh phúc cho kẻ xa nhà sau bao năm tháng ngược xuôi, giờ đây chờ phút giây trùng-phùng, hội ngộ. Gương mặt kẻ trở về ánh lên niềm rạng rỡ tươi vui, hình ảnh mẹ già ra ngõ đón con về, em gái hân hoan ra xách chiếc va-li mừng anh trở lại, làm cho ai đó sung sướng dâng trào. Những ngày ấy, hoặc trên chuyến xe đò của cuộc đời sinh viên từ Saigon trở về thăm cha mẹ, hoặc trên chiếc xe nhà binh từ trận địa trở lại gia đình, con đường trải nhựa láng tinh, hai bờ đất đỏ nâng cao hai bên vệ đường, mang lại cho tôi một nguồn suối ấm êm sau những tháng ngày cô-đơn, gian nguy, cực nhọc.

Diệp-Kính là khu vực vui nhộn của con phố nhỏ này; nơi đây có rạp chiếu bóng mang tên Diệp Kính và công viên đằng trước làm nơi hẹn hò cho bao trai thanh gái lịch. Thuở còn là một anh học trò nhỏ lớp 6, lớp 7, những chiều rãnh-rỗi tôi cùng một, hai đứa bạn ra đây, ngồi trên ghế đá để lắp ráp những hoài bão, nói chuyện ước mơ về những chuyến đi xa của đời mình, xem những tấm bảng quảng cáo phim mà thèm rỏ-rãi vì không đươc xem, tiền không có một xu dính túi. Chúng tôi cố tìm cách xin người thiếu nữ đẹp như mơ ngồi trong quày vé lồng kính tờ “program” giới thiệu truyện phim, và làm sưu-tập (collection) cho bộ sưu-tập các chuyện phim đó. Sau những biến cố, những di chuyển trong đời, không biết bộ sưu tầm các phim này , phần nhiều là phim Ân-Độ, nay trôi dạt về đâu, nhưng kẻ hâm mộ ngày xưa bây giờ vẫn còn nhớ về, vẫn lâng-lâng với bao kỷ niệm êm-đềm, nên thơ đó. Diệp Kính cũng là nơi có nhiều sinh hoạt của dân chúng thành phố này từ chiều đến khuya sau những sớm mai ngái-ngủ. Nơi đây là khu chợ trời bán đủ thứ máy móc, đồ đạc tối-tân, rồi các áo quần, giày dép, vật liệu quân đội. Khách viễn phương muốn biết mùi vị Pleiku, hãy dùng thử tô phở Bà Tư, hoành thánh mì Nam Viên, hay ăn vài chén lưỡi, gân bò, uống vài cốc bia để sưởi ấm lòng khách viễn xứ. Gío lành-lạnh, và nắng nhè-nhẹ sáng mai, khách chỉ cần một tô phở Bà Tư hay một tô bún bò Quân-Vận Khu, một tách cà phê sửa đá , một điếu thuốc Pall-Mall là ta nghe lòng ấm lại.

  Con đường Trịnh Minh Thế cây cao bóng mát, hai bên đường với những cây hoàng phượng chi-chít đan nhau. Con đường vốn thâm u này đã thêu dệt nên nhiều trang tình sử. Những cô nữ sinh nõn-nà, áo trắng Plei-Me trên con đường này ngày hai buổi đi về đã làm mê-mẩn bao nhiêu chàng trai hào-hoa xa xứ. Những đoá hoa đẹp man-dại của núi đồi đã làm xiêu lòng không biết bao nhiêu kẻ chinh nhân, anh kiệt dừng bước sau các cuộc quân hành , tụ họp về trên con đường Trịnh Minh Thế để chiêm ngắm, tán tỉnh, nói lời yêu đương với những đoá hoa rừng. Nhưng bạn ơi, nếu là một mình cô đơn, đêm về đừng bước chân lên con đường ấy làm chi, Pleiku vốn lạnh lẽo, u buồn, những đêm đen núi rừng càng làm cho khách viễn phương u buồn hơn vì đơn lẽ. Bởi thế đã có nhiều người cũng mệnh danh cho nó là “Đại lộ Cô Đơn”.

  Vào những năm 1960, Pleiku đã đón chào mấy chục ngàn người từ nhiều nơi tới. Họ là những người đã sinh trưởng từ Bắc, Trung, Nam...Họ là những văn sĩ, những thi nhân, là sĩ quan, công chức, những quân nhân về đây tụ hội. Họ là những thanh niên mang nhiều sức sống cho đời, là “ nai tơ nhóm hội nẽo đường biên khu” nói theo Nhất Tuấn. Sở dĩ người ta về đây nhiều vì Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II của Quân-Lực Việt-Nam Cọng-Hòa trú đóng ở đây. Miền Nam lúc đó có bốn quân đoàn, Quân Đoàn I đóng tại Đà Nẳng, Quân Đoàn II tại Pleiku, Quân Đoàn III tại Biên Hoà, Quân Đoàn IV tại Cần Thơ. Là một nước triền miên trong tình trạng chiến tranh, ngoài Saigon là thủ-đô chính trị, là nơi lớn nhất về mọi mặt, các thành phố có Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn đóng quân đã có tầm cỡ về chính trị, kinh tế, văn hoá.... Từ đó, Pleiku được nâng cấp kể từ khi Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn di về đóng ở đó. Từ một cậu thiếu niên, học vài năm trung học ở đây, tôi cũng lớn lên theo Pleiku với thời gian, với cảnh tình, cuộc đời ở đó. Rồi mỗi bận đi xa, tôi vẫn đi-đi, về-về Saigon- Pleiku và phố nhỏ miền cao này là nơi tôi hằng thương mến. Những quán càphê Băng, Văn, những quán nhạc, tiệm sách...những tấc đất, từng góc phố Pleiku đầy ắp kỷ niệm với tôi trong cuộc đời. Nơi đây cũng là nơi đâm chồi, nảy lộc cho tôi những tình yêu tuổi trẻ, nụ hôn đầu đời, cho tôi những mộng mơ và đau khổ, để biết đọc, biết ngâm “áo nàng vàng anh về thêu hoa cúc, áo nàng xanh anh mến lá sân trường...” Và cho tôi những kỷ niệm đau thương mất mát, những buổi sáng thẩn thờ bên ly caphê sửa đá ở Qúan Caphê Dinh Điền để điểm danh và nhận tin bạn bè đứa nào còn, đứa nào mất, đứa nào bỏ xác đêm qua.......

  Thành phố Pleiku với những con đường ngập đầy hoàng phượng, màu phượng vàng quí phái hòa với lá xanh thẩm gợn buồn. Pleiku cho tôi mơ mộng, cho tôi hoài bão ngông cuồng tuổi trẻ ước mong bẻ nạng chống trời, lấy sức trai bình sinh thiên hạ. Nhưng hỡi ơi, đó chỉ là một giấc mơ, một cơn mộng mị mà thôi!

  Pleiku , gia tài kỷ niệm mà gần một đời tuổi trẻ tôi bồi đắp, đã bị tàn phá sau 1975 khi giặc Cộng tràn về con phố. Tôi cùng bao nhiêu người trai khác đã rơi vào cảnh gông cùm. Làng xóm, quê hương người-người tủi hận. Các phố xá Pleiku đã hoang tàn, những con đường xưa cũng trở nên sầu muộn. Sau khi chịu mấy năm tù, tôi trở về với mẹ cha già, vợ con yêu dấu ở Pleiku. Nắng bây giờ không còn hanh vàng, bướm và hoa ngày xưa không còn nữa. Những căn nhà đã thay ngôi đổi chủ. Tôi đứng bơ-vơ, mắt ngậm ngùi ứa lệ hình dung cảnh cũ người xưa . Tâm trạng Bà Huyện Thanh Quan “Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” đau xót hiện về, tôi lảo-đảo bước đi như người mất trí.

  Bây giờ, mười mấy năm trời thêm nữa nối tiếp với đoạn đời xa khuất đã lâu. Không biết Pleiku thân yêu ngày xưa bây giờ ra sao(?) Đã lâu rồi tôi không trở lại, tôi chỉ giấu kín những kỷ niệm và nỗi niềm thương nhớ Pleiku trong lòng. Thỉnh thoảng, vào những đêm u buồn sâu lắng, trong giấc mơ khuya, âm thanh những tiếng cồng từ buôn-bản xa vọng lại, thân yêu, trầm ấm, dìu dặt lúc nhặt lúc khoan theo gió kéo dài vô tận. Trong đêm chợt thức giấc, tôi nghe như tiếng núi rừng, tiếng thân yêu quê hương đang réo gọi. Tôi thấy thương nhớ quê hương, thương nhớ Pleiku, thương nhớ đồng bào tôi vô-vàn.

  Những hạnh phúc ngày cũ và những hoang tàn sau 1975 đã mang đến cho tôi những nuối tiếc khôn nguôi. Thôi, ta chỉ biết gọi tên Em : Pleiku ơi, những ngày xưa yêu dấu.

  Thân mến kính gởi về những Thầy Lê Bích, Ngô Hiệp, Trần Đình Đăng, Lê Tất Phùng, Hoàng văn Lân, Trần Đình Thành, Thái văn Duy, Lê Thanh Mãn, Nguyễn văn Thành, Nguyễn Hoà, Phạm văn Hùng, các Cô Nguyễn thị Phước-Mỹ, Lê thị Kiều Diệm, Bùi thị Thanh-Kiệm, Nguyễn thị Thúy Lan, thầy Gíam thị Ngoạn và Bác Vơn và các Thầy cô giáo khác lâu ngày quá –trên bốn mươi năm rồi nên không còn nhớ tên...Và các bạn học lớp Đệ Thất A niên khoá 1960-1961 của Truờng Trung Học Pleiku : Tôn Thất Anh, Trần Bá Vinh, Nguyễn văn Thọ, Nguyễn Tấn Thời, Phạm Xuân Quý, Nguyễn Đăng Sơn, Nguyễn Thanh Sơn ( Sơn Ca sĩ), Nguyễn Tại, Nguyễn văn Tý, Vỏ Xuân Trọng, Trần văn Thúc, Cao Khả Phước, Nguyễn văn Cư, Đinh văn Tư, Tô Hữu Thắng, Nguyễn Đình Thông, Nguyễn Thanh Kỳ, Nguyễn thị Mai Hồng, Hoàng thị Tố Tâm, Hoàng thị Ngọc Quý, Nguyễn thị Thiện, Nguyễn thị Phước, Đinh thị Bạch Lựu, Vũ thị Phượng, Nguyễn thị Lữ, Nguyễn thị Kim Nhung, Nguyễn thị Tuyết Nhung, Nguyễn thị Hương, Nguyễn thị Bích Liên, Đinh thị Mậu, Phạm thị Mau, Trần thị Song, Phạm thị Ngọc Hà, Lê thị Hạ, Nguyễn thị Thanh Nhàn, Tôn Nữ thị Quyên, Nguyễn thị Bướm, Bùi thị Tường An, Đinh thị Hạnh, Nguyễn thị Hạnh ( nhà ở đường Nguyễn Thái Học, đối diện rạp Thăng Long), Nguyễn thị Đường ( Người ca-sĩ của bài ca có gịong hát trầm buồn : Chiều nao tiễn anh đi khi bóng ngã xế tà...làm cho kẻ ra đi không bao giờ quên được), và một số bạn bè nữa ai nhớ xin nhắc dùm để mình cùng ôn lại những kỷ niệm vui buồn ngày xưa bên nhau....

  Có thể chúng ta se lập lại một danh sách toàn trường gồm lớp nào theo lớp đó. Tôi kêu gọi các bạn hãy lập danh sách của riêng lớp mình , từ đó chúng ta sẽ bổ sung vào cùng nhau.

  Thân mến kính chào các Thầy, Cô và các bạn.

Lê Quý

Cựu Học sinh Trung Hoc Pleiku

Lớp đệ Thất A, nk: 60-61

 

 

 
 
   
         

 

Global View of nhng and further information concerning pleiku
Secure FTPS (SSL) on the planet Go FTP FREE Client