ĐỆ THẤT 2 (NK 65-66) VÀ TÔI


  LÊ HOÀNG THUỴ VŨ        



(- Tôi là người khi đi học 2 lần bị điểm không (zero) vì bài Tập làm văn bị lạc đề, vì vậy xin quý vị lượng thứ về ngôn từ, câu cú… - Nếu bài viết có đoạn nào làm cho quý vị phật ý, xin được thông cảm bỏ qua. Kính mong quý Thầy Cô đại xá cho. - Có những tên của bạn bè và thầy cô, do lâu ngày quá nên tôi nhớ không chính xác, xin các bạn giúp hiệu chỉnh lại. Xin cảm ơn.)

*
* *

Gia đình tôi đến Pleiku sinh sống từ năm 1961, năm ấy đơn vị của Bố tôi được lệnh thuyên chuyển về nơi này , vì Quân đoàn II đóng ở đây. Do vậy mà tôi học trường Nam Tiểu học từ lớp tư (niên khoá 1960-1961, nay gọi là lớp 2). Đến năm học lớp Nhất (nay là lớp năm ), với tôi , có 2 sự kiện đáng nhớ :

Đang giữa năm học thì thầy Hoan mất (vợ thầy dạy cùng trường) và vì thầy quê ngoài Huế nên toàn thể học trò của trường Tiểu học đã đưa tiễn thầy đến Poste Contrôle (ngã ba Phù Đổng ) mới quay về lớp học ..

Và cũng năm học ấy, Bộ Giáo Dục bỏ thi Tiểu học, nên cuối năm chúng tôi nhận được cái chứng chỉ tạm thay bằng Tiểu học (cái chứng chỉ này gọi là tạm thay nhưng dùng mãi mà chẳng thấy ai đi đổi lấy bằng Tiểu học cả. Chính vì vậy mà tôi rất ngạc nhiên khi mới năm ngoái , năm kia ..ngành giáo dục trong nước còn thảo luận xem có nên bỏ thi tốt nghiệp cấp 1 hay không?)

Cuối năm phải thi vào lớp đệ thất nhưng tôi học nhằm vào cái lớp mà thầy giáo hay bỏ lớp giao cho lớp trưởng đọc bài cho cả lớp chép … nên cái sự học kèm thêm môn Toán với thầy Đặng không giúp cho tôi thi đậu vào trường Trung Học Pleiku và do đó tôi đành phải học lớp Tiếp Liên của thầy Hoàng! (vì thế mà tôi bị trễ 1 năm so với các bạn khác cùng lứa). Lúc đó, Bố tôi vẫn chỉ một mực tín nhiệm trường công lập chứ không hẳn là do gia đình không đủ tiền nộp học phí… suy nghĩ của Bố tôi lúc bấy giờ cũng giống hệt như hiện nay, ở trong nước người ta cân nhắc giữa làm việc cho doanh nghiệp quốc doanh với làm việc cho doanh nghiệp tư nhân vậy… Và vì thế, tôi không có quyền chọn lựa giữa Trung Học Pleiku ( xa gần một giờ đi bộ) và TH Minh Đức (toạ lạc gần nhà tôi ) …

Năm Tiếp Liên ấy, mỗi buổi chiều, chúng tôi gồm : T.X. Đoài , P.Q. Minh, P.Hải, X.Hương, Bạch Quyến… và tôi rủ nhau đến nhà thầy Hoàng học kèm (Thằng Minh và tôi hay đi học sớm vì nó còn phải ghé Chợ Mới đưa cơm trưa cho chị Liễu nó ..).Chị Bạch Quyến lớn tuổi nhất bọn nên được xem như chị lớn của cả nhóm...Đến cuối năm học chị B.Quyến đã tổ chức được 1 buổi tặng quà từ biệt thầy Hoàng để chúng tôi chuẩn bị bước vô trường Trung Học Pleiku .

Kỳ thi vào đệ thất công lập (tức là thi vào trường TH Pleiku ) lần thứ nhì cũng không phải là dễ dàng gì đối với tôi . Cái môn học mà tôi sợ nhất trong thời gian đi học là môn Tập Làm Văn, năm ấy đề thi bắt thí sinh tả một buổi tập thể dục ở trường nhưng tôi lại tả thành một buổi thi đấu thể thao … thế là gần như hết hy vọng. May thay, trong lúc chờ kết quả, tôi tạm học hè ở trường Minh Đức (vì trường tư thục luôn luôn khai giảng trước trường công lập) thì một hôm trong giờ ra chơi, thầy Duy gặp tôi ở sân trường (lúc ấy trường Minh Đức chưa xây dẫy nhà lầu bên kia đường Lê Lợi), Thầy hỏi tôi về bài thi môn Luận văn, sau đó nhờ sự giúp đỡ của thầy Duy mà tôi thi đậu vào Đệ Thất hạng 96/100 !!

Đến mục chọn sinh ngữ chính, lại một lần nữa tôi không có quyền lựa chọn ... vì Bố tôi nói : ”Phải học tiếng Pháp, ngộ nhỡ có thất nghiệp thì cũng xin được một chân chạy việc ở tiệm bán thuốc Tây” … Đơn giản thế thôi ! Và thế là tôi được xếp vào lớp đệ thất 2- Pháp Văn. (Sau này, năm 1990, công ty nơi tôi làm việc tổ chức kiểm tra để cử 2 người đi Pháp thực tập và dự hội thảo tại Paris, nhờ số vốn liếng tiếng Pháp đó mà dịp may đã đến với tôi, tôi được chọn là một trong 2 người đó và tôi càng thấy việc học không bao giờ thừa…).

TH Pleiku năm đó đã ở gần trường Thánh Phao Lô, vì năm trước chị tôi đã học ở đó năm đầu tiên (trước đó nữa, trường nằm ở đường Lê Lợi, nay là trường Võ Thị Sáu…lúc đó đằng sau trường là cả một đồi chà là –nay không hề thấy ai bán chà là nữa!!!).Ngày khai trừơng năm ấy, thầy Nguyễn Duy Luật đọc huấn thị. Thỉnh thoảng trong giờ ra chơi tôi còn thấy thầy Tính (nguyên Hiệu Trưởng) và thầy Hiupp (lâu quá nên tôi không nhớ tên thầy viết chính xác ra sao, các bạn biết thì sửa giúp) nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp (có lẽ không muốn cho học trò nghe lỏm câu chuyện chăng?).

( Lớp đệ thất 2 niên khoá 1965-1966 gồm một số học sinh như sau:

-Nữ sinh : Nguyễn thị Thái Bình,Trần Thị Ca, Bùi thị Cao,Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Phong Hải (người có thời được xem như một trong những người đẹp của trường), Nguyễn thị Hạnh, Hồ Thị Hạnh(con ông cai điện nhà máy đèn Pleiku), Nguyễn Thị Hân (Đã mất), Nguyễn thị Xuân Hoa, Kim Hoa (lò bánh mì Hương Hoa),NguyễnThị Hoa (thường ghép là Tố Hoa), Nguyễn thị Kỉnh(học lớp trên nhưng ở lại lớp),Nguyễn thị Bạch Lan(nghỉ học sớm), Lê thị Bạch Quyến, Nguyễn Công Tùng Sinh, Đặng thị Thế Thanh(do ở lại lớp),Đặng thị Thìn,Ngô Thị Thuý (?)..

-Nam sinh :Ngô Phước An(mặt mụn), Đặng Xuân Bính(rỗ hoa), Lê văn Bổng (bò tót), Nguyễn Thành Công (trưởng lớp), Nguyễn Văn Dũng(Tây lai), Trần Anh Dũng, Phạm Nhật Duật, Lê Đố, Nguyễn Quang Hiền, Nguyễn Bùi Hiến (em chị Kỉnh), Nguyễn Bá Hiển, Trần văn Hiệp (đã mất, em thầy Thích Trí Thanh), Huỳnh Hùng Hổ,Nguyễn Mạnh Hùng, Phạm Hùng, Cao Triều Huấn, Lê(Nguyễn?) Kiểm, Lê Trung Kiên,Đặng Duy Lành,Châu Đức Lân (laundry cầu Hội Phú), Ngô Phước Long (ở lại lớp do bị tai nạn xe đạp, sau nghỉ học sớm), Thân Trọng Lợi(Lý toét), Nguyễn Gia Lộc ( em Cô Hạnh),Nguyễn Tường Mạnh, Huỳnh Kim Mãnh( Mụn gỗ),Minh Mẫn,Phạm Quang Minh(Minh ròm), Nguyễn Tự Phát, Trần Như Phú, Quốc,Nguyễn Văn Thanh(chân ngắn), Phạm Công Chiến Thắng, Phạm Văn Thìn(Thìn đực) , Lê Văn Thược, Nguyễn Tiếp, Lương Thanh Tố,Nguyễn Khắc Tuấn, Vũ Nhất Tuấn( guitare),Viên Đức Việt(nhà bảo sanh Viên Thị Bảo),Trần Hữu Vinh(Xoáy trâu) và 2 bạn Ksor Math ,Y Tot Mlo bổ sung cuối năm học... )

*
* *

Giờ học đầu tiên, gây ấn tượng nhất là giờ Pháp văn của cô Cúc (Cô luôn luôn đeo kiếng mát),vì Cô là giáo sư hướng dẫn lớp tôi (nay gọi là giáo viên chủ nhiệm lớp).Việc đầu tiên là Cô bảo chúng tôi lấy giấy ra viết ngay cảm tưởng , suy nghĩ của chúng tôi về Cô. Cô nói : ”Chắc các em đã được nghe nhiều về tôi, hãy viết cảm nghĩ của các em !”

Không biết các bạn cùng lớp tôi viết những gì, nhưng tôi viết đại khái như sau : “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi ”, các thầy cô khó với chúng tôi là cốt để cho chúng tôi học hành tấn tới, đỗ đạt cao... Có vẻ bài viết của tôi được Cô đánh giá cao nên vào giờ học kế tiếp, Cô Cúc gọi tên tôi đứng dậy để Cô xem mặt; thấy tôi thấp bé mà lại ngồi bàn gần cuối lớp, Cô gọi tôi và Ng Gia Lộc lên ngồi bàn đầu ! Với học trò chúng tôi, việc bị lên ngồi bàn đầu như là bị sao “quả tạ “ chiếu vậy, vì không thể nói chuyện riêng hoặc giở trò nghịch ngợm được ...(rất may là nhờ đó mà tôi học khá môn Pháp Văn).

Tiếng là Cô Cúc khó tính, dữ dằn (chúng tôi nhận xét lén như thế) nhưng Cô đã bắt bẻ, xét nét và chỉ bảo chúng tôi những việc mà ngay cả Bố Mẹ chúng tôi cũng không có dịp chỉ bảo, uốn nắn …Cô đã bắt chúng tôi khi ngồi học muốn ngáp vặt phải lấy tay che miệng, lấy giấy làm bài kiểm tra phải mở đinh đóng gáy vở để lấy ra tờ giấy đôi lành lặn không có lỗ rách ở giữa, lên bục trả bài phải đưa tập vở cho Thầy Cô bằng 2 tay, không được ồn ào làm ảnh hưởng lớp bên cạnh .v.v. (nghĩa là toàn những điều có ích cho việc rèn nhân cách cho học sinh ). Không biết các bạn tôi thế nào chứ tôi lại thấy hoàn toàn thoải mái và thích học giờ Cô dạy.

Cũng có khi tôi bướng bỉnh tranh cãi với Cô; Vì Cô Cúc là người Miền Nam nên một hôm Cô giảng :” Le nez là cái lỗ mũi”, tôi dơ tay xin nói không phải vậy. Cô ngạc nhiên hỏi lý do, tôi nói “Le nez là cái mũi, còn narine mới là cái lỗ mũi” !!! Cô gọi tôi đứng dậy lên gần bục giảng – tôi hơi hoảng nhưng lên đến nơi thì Cô dùng tay dính đầy bụi phấn vuốt mũi tôi một cái rồi cười bảo là tôi nói đúng rồi…

Có lần Cô Cúc giao tôi nhiệm vụ đến nhà một bạn cùng lớp (tên là Mẫn, nhà ở khu gia đình binh sĩ Quân Nhu) để hỏi gia đình lý do bạn ấy nghỉ học không đến lớp nữa ,do gia cảnh hay do bạn ấy trốn học đi chơi...Cô đã làm hết chức trách của người Thầy.

Nhưng các Thầy Cô thể hiện tính nghiêm khắc của mình mỗi người mỗi kiểu, không ai giống ai ..

Cái giờ học đầu tiên của lớp tôi với Thầy dậy Toán năm lớp đệ thất cực kỳ căng thẳng (bây giờ họ gọi là khủng bố tinh thần !!), nguyên do là vào giờ ra chơi, các bạn lớp tôi lên bảng vẽ, đứa vẽ hình người, đứa vẽ cái đầu với cái miệng rộng hoác (có lẽ định vẽ thằng Thìn, to mồm và hay nói) … tôi cũng ngứa tay lên bảng đề phụ chú “cái miệng”. Đến khi Thầy dạy Toán bước vào lớp (hơi trễ một chút ) nên cả lớp đang trong không khí ồn ào, đùa giỡn; Thầy nghiêm mặt hỏi :”Ai vẽ bậy trên bảng?”, không ai dám đứng dậy nhận (tôi nghĩ mình chỉ viết chứ không vẽ nên cũng không nhận), mãi sau mới có 2 bạn khai ra là 2 đứa nó vẽ và nó khai thêm tôi nữa!, thế là Thầy đuổi nó 1 tuần giờ Toán (tức 6 tiết học), còn tôi không tự giác nhận nên bị đuổi 2 tuần giờ Toán. Hai tuần lễ bị cấm học giờ Toán thật là một cực hình đối với tôi , vì chị tôi học cùng trường và trên tôi 1 lớp nên rất dễ phát hiện, nếu bà ấy biết mà mách với Bố tôi thì việc tôi ăn một trận đòn bằng thắt lưng da nhà binh sẽ là điều chắc chắn xảy ra!!! Do đó ,những buổi ấy tôi phải núp ở quán của ông Cai trường, có một lần thấy lớp của chị tôi nghỉ sớm đi qua, tôi phải vội vào núp trong bếp nhà ông Cai có cái chảo gang rõ to để trốn..

Thầy có quyền phạt chúng tôi nhưng tôi nghĩ giá như Thầy có ra quy định trước là đến khi vào giờ học thì bảng phải sạch, ai vẽ và viết bậy hoặc còn để bảng bẩn thì sẽ bị phạt cấm học 1 tuần.v.v, đằng này lần đầu tiên gặp Thầy thì chúng tôi bị trừng phạt luôn. Vả lại, liệu cái kiểu phạt học sinh bằng cách cấm không cho học giờ mình dạy là “đúng sư phạm” không?-- Theo tôi , việc cấm chúng tôi học giờ Toán như vậy không hề giúp chúng tôi trở nên lễ phép hơn, kỷ luật hơn, trung thực hơn, dũng cảm hơn.v.v. mà chỉ làm cho chúng tôi chán học và sợ học giờ Toán của Thầy mà thôi!

(Giờ đây các học trò của quý Thầy Cô cũng đã có nhiều người trên 50 tuổi , có người là cô giáo đến tuổi nghỉ hưu. Thầy dạy Toán mà tôi vừa nói trên cũng đã nghỉ hưu từ lâu, việc tranh luận đúng sai là không cần thiết nhưng tôi kể lại chuyện này ở đây để muốn nói một điều: Quý Thầy Cô không chỉ là người đưa đò thông thường, mà không ít trường hợp quý Thầy Cô góp phần quyết định tương lai của một con người!! Đôi khi quyết định của quý Thầy Cô tạo ra một ngã rẽ trên con đường đời của học sinh-- Mặt khác, tôi thấy câu ngạn ngữ của người Anh : Đôi khi con đường dẫn xuống địa ngục lại được xây dựng bằng những ý tưởng tốt đẹp “Way to the Hell paved by good intentions!”quá đúng). Dạy chúng tôi môn Việt văn năm ấy là cô Mỹ (N.T.Phước-Mỹ),Cô thật hiền lành và dễ gần gũi,phải chăng vì vốn tánh tình Cô hiền lành hoặc vì các em của Cô như : chị Nghị ,anh Tri Tân,hai bạn Tri Ân và Tri Tâm …đều ở vào lứa tuổi đi học như chúng tôi?

Có lần Cô bị đau không đi dạy được, cả lớp tôi được cô Cúc cho cùng đi đến nhà Cô Mỹ ở đường Hai Bà Trưng để thăm Cô...chúng tôi học được ở quý Cô nhiều điều về tình bạn và tình đồng nghiệp, vả lại chúng tôi còn được thoát khỏi khung cảnh gò bó của lớp học (bây giờ họ gọi là giảm stress ...).

Giọng Cô Mỹ người Huế nên khi đọc chính tả, dấu hỏi và dấu ngã khó phân biệt, mọi khi tôi vẫn được điểm tối đa môn chính tả, nhưng có một lần tôi bị Cô chấm sai một chữ mà tôi cho là Cô sai nên tôi đã tranh luận với Cô, cuối cùng Cô nói:” Thôi từ bữa nay tôi không nói với em nữa!” Tánh tôi thật ngang ngạnh và “bốc đồng” nhưng nghe Cô nói vậy tôi sợ và lo nghĩ đến mấy ngày liền, may sao đến giờ học tiếp theo thì Cô quên và vẫn cho tôi dự mọi sinh hoạt của lớp như bình thường, thật hú vía. Tuy thế, tôi nghĩ không phải Cô quên mà do Cô đã rộng lượng tha thứ cho tôi.

(Sau này khi học đến lớp 11 tánh “bốc đồng” của tôi cũng vẫn còn thể hiện một lần nữa khi học môn Lý Hoá với thầy Dự,người thầy dậy môn Lý-Hoá duy nhất khi tôi học bậc trung học đã cố gắng làm cho học trò xem một số thực nghiệm ...Hôm ra bài tập Quang Học, thầy Dự định thiết kế 1 bài toán để áp dụng các công thức Quang Học, tôi buột miệng nói “Thầy cho đề Toán thừa dữ kiện!!” và tôi cho Thầy xem cách giải của tôi bằng phương pháp Đại số, chỉ có 3 dòng là ra đáp số.Thầy Dự cười và khen chứ không giận ..).

*
* *

Năm đệ thất nhanh chóng qua đi, cuối năm tôi được lãnh phần thưởng nhưng lại xếp sau “bọn con gái” !!! tôi ngầm không phục vì cho rằng “bọn nó” chỉ giỏi học gạo, chẳng thông minh gì sất !!! Rồi tôi tự an ủi mình theo kiểu A Q: Thế nào tôi cũng phải được xếp hạng cao hơn ”bọn con gái” (thành thật xin lỗi các bạn gái)!

Nhưng năm tiếp theo việc ấy đã không xảy ra và năm sau nữa thì thật đáng tiếc tôi không có dịp để thực hiện điều ấy nữa vì các bạn gái cùng lớp tôi chuyển sang Trung học Pleime. Kể cũng buồn ...

Và cũng vì cái lý do không chịu lép vế trước “bọn con gái “ đó mà sau này, khi thằng Mãnh có cái Honda 67, thằng Minh có cái Yamaha, hai đứa nó rủ tôi lượn qua Pleime một vòng, tôi không thèm đi !!! (nhưng duyên nợ trời định, vợ tôi lại là cựu học sinh Pleime...) ./.

(TB: Danh sách lớp đã được bổ sung gần như đầy đủ với sự tham gia của Huỳnh Kim Mãnh, Phạm Văn Thìn, Phạm Quang Minh._Vài bạn đến năm đệ lục mới gia nhập lớp này,nhưng cứ kể như có từ ban đầu cũng chẳng hại gì! Cám ơn các bạn.)

LÊ HOÀNG THUỴ VŨ




World Wide view of thy and khng
Secure SFTP and FTPS provided by GoFTP FREE