Pleiku mến yêu.

          Được dự buổi họp mặt của những người đã sống, đã đi qua tỉnh Pleiku, một thị trấn nhỏ của miền cao-nguyên gió núi mưa ngàn. Pleiku một tên rất lạ với người miền xuôi, khi chúng tôi đi chào từ giã họ hàng để nhận nhiệm-sở, ai cũng bùi ngùi thương cảm tưởng như đi vào nơi nguy-hiểm.

            Lần đầu tiên máy bay đáp xuống phi trường Cù-Hanh, tôi cũng thật hoang-mang vì phi-trường gì mà chỉ là vài tấm vỉ sắt làm sân bay. Nhưng rồi những lo âu ấy cũng tan biến khi có bạn bè niềm-nở và nhất là được sống đoàn-tụ với chồng để từ nay không còn là chinh-phụ nữa. Thành-phố Pleiku, gia-đình tôi đã có nhiều liên hệ và bao kỷ-niệm trân qúi chúng tôi không bao giờ quên được.

Trước hết đây là nhiệm-sở đầu tiên của hai vợ chồng, nơi chúng tôi bắt đầu làm việc để xây dựng cuộc sống và mái ấm gia-đình cho các con sau này.

            Sau khi ra trường, lập gia-đình, chồng tôi được bổ nhiệm làm y-sĩ điều trị tại Quân-y-viện Pleiku, nơi này cách tỉnh-lỵ 5 Km. Sợ đi về thăm gia-đình luôn sẽ có nhiều rủi-ro nên Bố Mẹ tôi khuyên khi ra trường  xin ở cùng cho tiện  và an toàn.

            Trường Đại-học Sư-phạm Saigòn đào tạo giáo chức cho miền Nam, trường Huế, Đà-Lạt mới dành cho vùng Cao-Nguyên và miền Trung để được lên Cao-nguyên tôi phải xin hoán chuyển mãi mới được dạy tại trường Trung-học Pleiku ngay thị-xã.

            Bây giờ đất nước đã ngàn trùng xa-cách nhắc lại địa-danh của chốn cũ quê xưa ôi sao mà thân thương biết bao?

Các con tôi may mắn là sinh tại Việt-Nam nên giấy khai-sinh của các cháu đều mang dấu-tích của quê-hương yêu-dấu. Cháu trai lớn và cháu út sinh tại thủ-đô  của nước Việt-Nam tự-do, cái tên thật đẹp và nổi tiếng khắp vùng Đông Nam Á : Hòn ngọc Viễn-Đông.

Nhạc sĩ Văn-Phụng đã có bài hát ca ngợi, nhắc nhớ thành phố này

            “Sài-Gòn đẹp lắm Sài-Gòn ơi, Sài-Gòn ơi”.

Pleiku tỉnh lỵ nhỏ bé này chắc phải có một cái gì đặc-biệt lắm nên đã được thi sĩ Vũ hữu-Định và nhạc sĩ Phạm-Duy làm thơ, làm nhạc ca ngợi.

Một cô gái “ má đỏ, môi hồng”, một chàng trai “Đi lên đi xuống”, thành-phố lớn đến nỗi “Đi năm phút, đã về chốn cũ”, Vâng đó là Pleiku nơi chôn rau cắt rốn của con chúng tôi một trai và một gái với địa danh ít người biết đến: Xã Hội-Thương, quận Hội-Phú tỉnh Pleiku.

            Thành-phố tuy nhỏ nhưng có vị-trí chiến lược quan trọng trấn giữ miền Cao-Nguyên nơi đặt bản doanh của quân đoàn Hai. Năm 1968, tết Mậu-Thân Việt-cộng đã phản bội lệnh ngưng bắn và chiếm hầu hết các tỉnh-lỵ của miền Nam nhưng với Pleiku chúng đã không trấn giữ được và bị đánh bật ra khỏi tỉnh ngay trong ngày đầu. Pleiku tỉnh nhỏ bé nhưng tình nồng nên phải là  Còn một chút gì để nhớ”.

Hai lần thoát hiểm, lần đầu hộ-sản nguy hiểm được cấp cứu mới qua khỏi.  Lần thứ hai là Tết Mậu Thân, ở ngay thị-xã, Việt-Cộng tổng công-kích khắp các đô-thị của miền Nam Việt-Nam, súng nổ ngay trong đêm Giao-thừa qua sáng mồng một lại càng dữ-dội hơn. Tại Quân-y-viện sau khi kiểm điểm thấy thiếu gia-đình tôi , vì thương đồng-đội, với tình nghĩa “ Huynh-đệ chi binh” nên chúng tôi đã được thoát hiểm trong gang tấc . Nhờ trời thương Phật độ, bạn bè qúi mến gia-đình được bình yên vô-sự, một lần nữa cám Trời Phật, Tổ-Tiên, tình bè bạn.

            Phòng mạch của chồng tôi tọa lạc ngay tại phố chính đường Hai bà Trưng, thật trùng hợp vì tôi là học-sinh trường mang tên Hai Bà, nên chắc cũng được phù trợ: gia-đạo tốt lành, công việc hanh-thông. Phúc chủ lộc thầy nhiều bệnh nhân qua khỏi cơn bệnh ngặt nghèo, phòng mạch đông thân chủ, bác sĩ được tiếng mát tay, mọi người tin yêu vì thế cuộc sống dễ chịu và sung túc.

Tỉnh nhỏ dân cư quen biết nhau và có tình thân, những ngày lễ Tết chúng tôi được nhiều qùa do thân chủ biếu, qùa là do lòng biết ơn của bệnh nhân nên người nhận  cũng như người tặng đều hài lòng. Có thứ nào cho thứ đó do hảo tâm như mớ rau, con gà, buồng chuối, trái thơm bánh trái hay những vật dụng nhỏ..vv..gặp nhau chào hỏi niềm nở . Tiệm ăn này thêm đĩa xí-oắt, tiệm ăn khác chủ nhân không chịu lấy tiền hay bớt tuy không đáng là bao song những tình cảm thân thương đó khó tìm được ở nơi đô thị lớn.

            Trường trung-học Pleiku là nơi đầu tiên tôi đem tài học ra thử lửa, luyện kinh-nghiệm. Câu nói “ nhất qủi nhì ma, thứ ba học trò” làm tôi lo sợ vô cùng cho những ngày đầu tiên nhưng ngược lại học trò ở đây thật dễ thương và kỷ-luật. Học sinh gồm cả Kinh lẫn Thượng, Kinh là con cháu của của những quân nhân, công chức hay những thương nhân còn Thượng là dân sở tại ở những buôn quanh thành-phố. Học sinh Thượng có trở ngại về môn quốc văn nhưng với tinh thần học hỏi họ cũng mau chóng đạt được kết qủa. Học-sinh tỉnh nhỏ tuy không giỏi như những học-sinh ở các trường lớn tại thủ-đô song với tính bản thiện, hiền-hòa nên thầy trò dễ hoà-đồng, cảm thông do đó việc học tiến triển tốt đẹp.

            Theo truyền thuyết thì người Kinh chúng ta theo cha xuống biển còn đồng bào Thượng theo mẹ lên núi, chúng ta cùng trong một bào thai như bài một Mẹ Trăm Con của nhạc sĩ Phạm-Duy.

            Cư dân chính là thổ dân miền núi, người kinh cũng chỉ được đưa lên sau năm 1954 do cuộc di-cư khi đất nước bị chia đôi. Để cho cuộc sống chung Kinh-Thượng tốt đẹp chính phủ đã dùng người Thượng vào guồng máy chính quyền. Ông phó tỉnh trưởng là ông Y-lang-Beo (phiên âm) nhà ông ở ngay trước cư-xá chúng tôi, chắc dân làng hãnh diện lắm nên ngày nào cũng thấy bà con dòng họ của ông ngồi la liệt chung-quanh dinh. Người Thượng không ở ngay thị-xã, họ ở trong những buôn xa cho tiện việc trồng trọt và săn bắn, họ thường mang nông sản hay thú rừng ra chợ bán cho người miền xuôi lấy tiền đổi chác những thứ cần dùng.

            Thị-xã Pleiku có thắng cảnh đẹp như Biển Hồ, nghe nói đây là miệng của núi lửa khi xưa, cảnh thật hùng vĩ với núi non vây quanh cây cối xanh rì. Người dân tìm nguồn vui vào những ngày nghỉ như đi picnic, câu cá, nơi đây có nhiều hạt dẻ rang ăn rất ngon. Ngoài ra chúng ta có thể vào những buôn của người Thượng mua bắp tươi, dưa bở, mít, rau, măng tươi v..v..Người thượng còn ngây thơ thật thà.      Mùa đông ở đây rất lạnh lại ít nơi giải trí chỉ có một hội-quán Phượng-Hoàng ( hội quán này là do tiền bán sách kể lại chiến thắng Pleime của tướng Vĩnh-Lộc) tại đây có thể nghe nhạc hay nhẩy lò cò cho bớt cuồng chân. Món ăn hợp với thời tiết nhất là bún bò vưa ăn vừa xuít xoa nóng cả người. Quán bún nổi tiếng ở phía sau nhà thương dân-sự, cô chủ quán nấu khéo, ngon và nhất là có món cây chuối với hành dấm.

            Cuộc đời quân nhân luôn di chuyển nên sau 5 năm chúng tôi rời Pleiku với bao kỷ-niệm , thời gian đẹp đẽ nhất của gia-đình trẻ đã dàn trải ra ở thành-phố này làm sao không thương nhớ luyến lưu? Ít ra cũng để lại núm ruột hai đứa con và những kỷ-niệm đầu đời của một gia-đình mới.

            Viết lại những kỷ-niệm xưa với bao xúc động, bồi hồi thương nhớ!

                                                                        Mỹ-Dương (2004)